80 năm trước Phan Khôi viết báo Tết
Nhà văn, học giả Phan Khôi (1887-1959) không chỉ là người khai sáng phong trào mới với bài Tình già nổi tiếng, ông còn là một nhà báo với nhiều bút danh khác nhau như Tân Việt, Thông Reo, Chương Dân, Khải Minh Tử… Trên nhiều báo đương thời từ Nam chí Bắc. Đặc biệt, ông viết khá nhiều bài về Tết.
Trên mặt báo, với nhiều bài nghiên cứu sâu rộng về nhiều lĩnh vực ông còn tạo ra nhiều cuộc bút chiến sôi nổi và nhất là những bài trong mục Chuyện hàng ngày sinh động, cho thấy bút lực sung mãn của ông.
Trong Chuyện hàng ngày những lăm 1928, 1929 và 1930 mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm cho in thành sách, tôi chú ý đến những bài viết của ông liên quan đến chuyện Tết khá thú vị.
Chuyện ông Táo về trời
Từ trước hăm ba tháng Chạp, cụ Phan đã viết liền nhiều bài về tục lệ, táo quân... và cả những chuyện thời sự độc đáo trên đời của “giống thú biết mặc quần” như cách tìm chữ tài tình vốn có của ông vào lúc đó. Ở làng Quán Khái đông có 388 người hai năm liền quan huyện gửi giấy thu thuế đều ghi cùng một tuổi. Năm trước 30 tuổi, năm nay cũng vậy! Cái tính quan liêu, đại khái của nhà đương cục thực dân phong kiến đó được Phan Khôi “nện” cho hết sức cay độc: “Nếu vậy thì cái Tết vừa rồi họ ăn Tết mới phải. Vì nếu có Tết thì mỗi người phải thêm một tuổi!... Không có Tết thì người đóng thuế cứ bé hoài, cứ đóng thuế hoài, không đời nào ra lão, chỉ khi nào chết mới hết đóng thuế, như vậy có phải lợi cho chính phủ không?”.
Rồi chuyện “đi Tết” cho quan ngành thanh tra thuốc phiện người Pháp, Phan Khôi cũng không tha. Ông viết: “Trong xã hội có bao nhiêu hạng người thì cảm giác đối với ngày Tết cũng phải có bao nhiêu thứ khác nhau, biết sao mà nói".
Nhưng với tư cách nhà báo, Phan Khôi có những “cảm giác” rất rõ ràng và xác tín.
Sau khi đưa ông Táo về trời, dưới bút danh Tân Việt trên báo Thần Chung, Phan Khôi viết rằng dưới thế gian có chi lạ đâu mà phải lên trời tấu trình: “Mạnh cũng cứ ăn hiếp yếu, giàu ỷ thế lấn nghèo, người quân tử thì phải chịu khốn khó, đứa tiểu nhơn lên xe xuống ngựa, đàn ông cứ thả mèo, đàn bà cứ ghen như chết... Từ khi có thế gian đến nay, tôi tưởng loài người chẳng có chi gọi là thay đổi...”. Biểu ông Táo làm thinh mà Phan Khôi thì tố cáo bao nhiêu bất công của xã hội thuộc địa với những dòng đanh thép đó vậy! Thật là một nghệ thuật “lạ hóa” điêu luyện trong tài năng và cách nhìn của ông!
21 triệu năm nữa mới bỏ được ăn Tết!
Té ra hồi cách đây cả 80 năm, trên mặt báo quốc ngữ còn non trẻ cũng đã có chuyện bàn cãi có nên ăn Tết ta hay không rồi. Số báo Tết Thần Chung năm 1929, Phan Khôi thọc ngay từ cái tít bài : "E! khi cái Tết năm nay là cái Tết chót!”. Và sau Tết, ở số tân niên ông lại viết “21 triệu năm nữa mới bỏ được ăn Tết” là vì: Trong dịp nghỉ Tết, ông đã bắt gặp một vị từng viết bài kêu gọi không ăn Tết lại đi đón giao thừa. Hỏi ra thì vị này bảo… sang năm mới không ăn Tết, còn một năm nữa. Cụ viết: “Thật thế, chánh ngay người chủ động bỏ cái thuyết ăn Tết cùn còn cần đến một năm nữa mới thi hành, huống chi là kè khác. Và theo số biên kê vừa rồi, dân An Nam mình đồng trên 21 triệu, mỗi năm chỉ hóa đặng có một người là mau nhứt, thì có phải là trên 21 triệu năm nữa cái cuộc cổ động bỏ Tết mới có kết quả chăng? Mấy ông bạn mình họ bền chí thiệt!”.
Cụ Phan biết không thể bỏ một phong tục đã ăn sâu ngàn đời nay rồi trong văn hóa Việt, nhưng vẫn nhẹ nhàng phê phán những thói phô trương không cần thiết của một số người học đòi lối sống trưởng giá trong xã hội đương thời: “Trong xã hội, càng những kẻ to đầu chừng nào, cục lo lại càng lớn”. Người nghèo lo Tết là lo cái ăn cái mặc, lo nợ đời, con không có quần áo mới. Nhà chí sĩ lo năm mới sắp đến mà trăm công nghìn việc chưa nên được việc gì. Tác giả cũng lo “trăm năm thân thế chẳng còn là bao; con đường đời còn trải khắp đó đây, tấn tuồng đời lại càng trông thấy lắm trò chướng ta gai mắt...” Phan Khôi lại chỉ ra và phê bình không tiếc lời những việc cúng bái vô vị, hoang phí, vọng ngoại trong những ngày Tết ở những nơi có lễ hội mà quên đi việc tưởng nhớ thiết thực đối với những “danh nhơn” của dân tộc.
Trước Tết đã viết, trong và sau Tết cũng viết. Dù viết chuyện cười cợt hay chuyện đứng đắn, Phan Khôi đều cho thấy một tâm hồn ngay thực của một người cầm bút. Có lẽ, bài khai bút đầu năm 1929 trên báo Thần Chung của ông là toát nên tấm lòng cao cả ấy trong những dòng tâm sự với cây bút: “Nay đang lúc tiếng pháo vừa thưa, hơi trầm mới lạt, Tân Việt giờ miếng cũ với một tuổi mới trịnh trọng giở ngọn bút mà viết câu chuyện mở hàng... Bút ơi, bút ơi... Ta vẫn tin ở người lắm;... Người cố lên, năm còn rộng, tháng còn dài, con đường tiền lộ thênh thênh, người cùng ta hàm súc biết bao là hy vọng...”.
80 cái Tết đã trôi qua trong làng báo nước nhà, đọc lại Phan Khôi, để cùng ông hy vọng về một “con đường tiền lộ thênh thênh” của báo chí nước nhà.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ