Phan Khôi - Hai thái cực trong tính cách
Cho đến nay, chúng ta có thể biết nhiều về sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi, nhưng ít ai biết ông trong cuộc sống đời thường với tư cách một người cha. Những mẩu hồi ức đời thường của người con trai thứ của ông - ông Phan Trản (nguyên giảng viên Đại học Kinh tế tp. HCM) - sẽ giúp bạn đọc biết thêm vài khía cạnh của một chân dung đã lùi xa vào quá khứ, nhưng di sản của chân dung đó vẫn đang đồng hành cùng chúng ta.
>>Kỳ 1: Phan Khôi: Hai thái cực trong tính cách
>>Kỳ 2: Phan Khôi: Như một “lão nông”
>>Kỳ 3: Phan Khôi và 2 người ăn mày trong nạn đói 1945
Phan Khôi: Hai thái cực trong tính cách
Dạy viết chữ Nho trên lá chuối…
Cha tôi có hai bà vợ, tôi là con út của bà vợ thứ nhất của cha tôi. Không hiểu do đâu mà chúng tôi gọi cha bằng Thầy, gọi mẹ bằng Mạ. Vào năm tôi tám, chín tuổi gì đó, tôi thấy Thầy tôi ở nhà (làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lâu lâu, không đi như trước nữa. Sau này mới hiểu đó là lúc đại chiến thế giới lần thứ hai đã nổ ra, tình hình các thành phố nơi Thầy tôi làm báo rất bất ổn, nên ông lui về nhà tạm nghỉ. Quãng thời gian đó, theo chị tôi là từ đầu năm 1941 đến cuối năm 1946.
Việc đầu tiên khi về nhà là Thầy tôi cho sửa sang lại ngôi nhà ba gian hai chái của ông nội tôi để lại, mở thêm nhiều cửa sổ cho thông thoáng, dành một phần nhà làm thư viện với những kệ sách nhiều tầng… Vùng tôi rất nhiều mối, phải thường xuyên diệt mối và năm nào cũng phải đem sách ra phơi nắng, nhưng lần phơi nào cũng thấy mối, mối không xông cuốn này thì xông cuốn khác. Thầy sai các anh chị tôi khuân sách ra phơi. Thầy tôi đội nón, ngồi ở sân lau bụi từng cuốn sách, nhưng ông hay dừng lại đọc cái gì đó trong cuốn sách, mải đọc đến quên cả trời nắng chang chang và quên cả công việc đang làm.
Những năm Thầy tôi ở nhà, ngoài việc viết lách và đọc sách, ông dành thời gian dạy chữ Nho cho các chị tôi. Hai chị gần tôi nhất đã thôi đi học ở trường, nhưng vốn sáng dạ nên tiếp thu khá tốt. Sách dạy chữ thì ngoài Tam tự kinh, Thầy tôi còn nhiều quyển khác, nhưng đến nay tôi không còn nhớ. Ban đầu ông chưa cho các chị viết trên giấy mà bắt phải viết trên lá chuối tươi cắt trong vườn. Ông dạy cả những bài dài như Tỳ Bà hành, kèm theo bản dịch, mà cho đến tận bây giờ, một bà chị của tôi vẫn còn nhớ và đọc thuộc lòng được. Có lần ông dạy các chị chuyện Tái ông thất mã và tôi được các chị dịch ra cho nghe. Vì hồi đó tôi đang học tiểu học nên Thầy tôi không bắt tôi học chữ Nho, nhưng có nhiều chuyện tôi nghe lỏm qua các chị tôi, một số trong đó sau này tôi đọc trong Cổ học tinh hoa.
Khách văn chương
Làng tôi bốn bề sông nước bao quanh, không thuận tiện cho việc đi lại với bên ngoài, nhưng hồi đó buôn bán vẫn phát đạt lắm. Biết Thầy tôi đang ở nhà, các bạn làng văn, làng báo hay đi lại thăm viếng ông. Gần thì có ông Nguyễn Bá Trác, thường gọi là ông Thượng Trác, ông Phan Bá Lân, ông Hoàng Phê mà chúng tôi gọi bằng chú, vì chú là cháu nội cụ Hoàng Diệu, còn Thầy tôi là cháu ngoại.
Với Thầy tôi, ông Thượng Trác hay bàn chuyện văn chương, ông Phan Bá Lân hay nói về thời thế, còn chú Hoàng Phê thì xin học thêm chữ Nho. Cũng có lúc tôi thấy các ông to tiếng với nhau, nhất là Thầy tôi vốn dĩ nóng tính.
Khách ở xa đến cũng có nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là ông Nguyễn Tuân và ông Thế Lữ. Chuyện văn chương của các ông thường khó mà dứt được, nói bằng tiếng ta chưa đã, các ông còn dùng cả tiếng Tàu, tiếng Tây. Đến khuya thì bao giờ các ông, cả chủ lẫn khách, cũng được Mạ tôi đãi một mâm cháo gà hoặc cháo vịt. Sau các ông này, đến các văn nghệ sĩ trẻ hơn, như thi sĩ Nguyễn Văn Hạnh, họa sĩ Văn Giáo, họa sĩ Văn Song và nhiều người nữa cũng ghé thăm, tôi không nhớ hết. Họa sĩ Văn Song ở lại chơi lâu nhất. Thầy tôi đối xử với những ông bạn vong niên này bình đẳng như người bằng vai phải lứa, chỉ riêng họa sĩ Văn Song hơi khác tính nên có lúc bị Thầy tôi la rầy.
Tính cách một nhà nho
Thầy tôi đối đãi với văn nghệ sĩ bạn bè rất phóng khoáng, ai đến chơi muốn lưu lại bao lâu cũng được, mà đã muốn ra đi thì ông không nài ép ở lại. Thế nhưng với người nhà thì ông rất khe khắt, chú ý từng ly từng tý lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ. Có lần các chị tôi vui cười với nhau, Thầy tôi hỏi cười cái gì, thì các chị tôi lại trả lời là không có gì. Thế là các chị bị mắng cho một trận, Thầy tôi nói rằng đã cười là phải có lý do mới cười được, nếu không có gì mà cười thì là đồ con gái vô duyên.
Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 16/1/1959 (8/12/ năm Mậu Tuất), thọ 73 tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng: ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức. |
Với khách, nhất là khách quen, có khi cũng bị ông phê bình thẳng tay, những lúc đó Mạ tôi và cả nhà rất áy náy. Có lần, một ông khách đến nhà, Thầy tôi mời ngồi. Ông này có thói quen đợi mời lần nữa, rủi thay đã không được mời lần nữa, mà còn bị Thầy tôi không bằng lòng, sẵng giọng: “Tui mời ngồi thì ông cứ ngồi, sao lại cứ đứng vậy?”. Ông khách bẽ lắm, trông thật tội.
Trong bữa cơm ông không thích ai gõ đũa vào chén. Ông cũng không thích ai ăn uống giữ kẽ quá và đừng để ông phải mời nhiều lần. Hàng xóm hoặc trong bà con có việc gì xích mích được ông hỏi đầu đuôi và người nào sai quấy thì thế nào cũng bị ông la rầy thẳng tay, dù người đó có thuộc vai trên. Bởi đó các ông bác họ của tôi rất ngại gặp Thầy tôi mỗi khi có việc rắc rối. Thế nhưng các cuộc hôn nhân của các anh chị tôi thì ông lại không can thiệp sâu, mà cho được tự do lựa chọn, mặc dù có thể ông chưa thật vừa lòng lắm.
Lớn lên tôi cứ suy nghĩ mãi về hai thái cực trong tính cách của Thầy tôi: một đằng là tính gia trưởng, một đằng là tính tự do, dân chủ. Cũng phải mất nhiều thời gian lắm, sau này tôi mới hiểu được rằng: ông gia trưởng bởi vì ông là nhà Nho, nhưng ông phê phán, phủ nhận thói hủ lậu và thủ cựu của Nho giáo, vì vậy tính gia trưởng nơi ông chỉ đủ để giữ nề nếp, lễ nghĩa trong nhà và chung quanh mình; hơn thế, ông lại ham học hỏi, tìm tòi nên rất sung sướng khi hiểu được cái mới, cái tân tiến trong kho tri thức của nhân loại, lập tức tiếp thu nó, bảo vệ nó, trong đó quyền tự do, dân chủ là cái ông quý nhất.
Phan Khôi: Như một “lão nông” (TT&VH) - Tiếp theo bài “Hai thái cực trong tính cách” kể về cuộc sống đời thường của học giả Phan Khôi, TT&VH xin giới thiệu tiếp những nét đời thường khác của nhà nho này qua lời kể của chính con trai ông, anh Phan Trản.
Phan Khôi: Như một “lão nông”
Ghét thói mê tín
Thầy tôi rất ghét thói mê tín. Nhân dịp sửa nhà, ông bắt đập bỏ tất cả những trang thờ thần thánh gì đó mà Mạ tôi đặt trong nhà, ngoài sân, quăng hết những ông bình vôi mà Mạ tôi đặt ở mấy gốc cây để thắp hương trong những ngày rằm, mồng một. Các lá số tử vi do ông ngoại chúng tôi lập, Thầy tôi cũng cất kỹ, không cho đem ra xem. Ông cấm các chị tôi đi xem bói, ông mà biết được ai đi xem bói, chắc chắn người đó không thoát khỏi một trận lôi đình.
Ông không theo đạo nào, nhưng lại hiểu biết nhiều về các đạo hiện thời. Mấy chục năm trước ông đã từng dịch Kinh Thánh, chuyển ngữ từ tiếng Hán, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong thư viện của ông có nhiều sách về các đạo, còn nói về các học thuyết cổ kim của Trung Quốc thì ông rất rành. Với tổ tiên, họ tộc ông một lòng tôn trọng, không phân biệt ngành lớn hay ngành nhỏ. Tôi nghe nói ông đã từng đấu tranh với chính dòng họ của mình để đưa bài vị của Bà Lẽ - là vợ lẽ của ông cố - về lập bàn thờ như những bà chính thất khác, mặc dù Bà Lẽ này không có con cái. Hàng năm, đến ngày Tết, nếu Thầy tôi có mặt ở quê, thế nào ông cũng dẫn cả nhà đến các nhà thờ họ.
Tự tay cuốc đất, làm vườn
Những ngày ở nhà quê với vợ con, Thầy tôi cũng thích làm các việc lao động nhẹ. Ông bảo tôi ra vườn cùng nhổ cỏ, tưới rau. Ông đặc biệt thích ăn canh rau má, nên cứ vài ngày lại cầm rổ đi nhổ những bụi rau má mọc dại ở bờ tre, bờ ruộng, bờ mương. Ông nói rau má tuy đắng nhưng là một vị thuốc bổ. Đôi khi ông giắt một nắm lạt tre vào lưng quần rồi đi buộc lại những chỗ hàng rào bị hư hỏng. Những lúc đó trông ông không khác gì một lão nông. Có lẽ ít ai biết rằng ông rất thạo vót nan và đan lát. Chính tay ông đã đan nhiều thứ đồ dùng trong nhà, như rổ, rá, thúng, mủng, và dạy tôi học nghề này. Nhiều lúc Thầy tôi tự tay cuốc đất, làm vườn. Lần ấy ông trồng mít, loại mít ướt thấp cây nhỏ trái nhưng rất ngon, ông rất thích ăn nên xin giống về trồng. Chỉ thương là, đến khi cây mít lớn và bói lứa trái đầu, thì Thầy tôi lại không được nếm thử vì phải đi Hà Nội, để rồi xa nhà liền một mạch 9 năm trời.
Thầy tôi sống với gia đình không nhiều. Quanh năm suốt tháng ông lăn lộn với nghề báo ở đâu đó rất xa, chủ yếu ở các thành phố lớn. Mỗi khi ông về nhà, căn nhà trên, là nơi kê giường và bàn làm việc của ông cùng thư viện, như có một luồng sinh khí. Rèm cửa được chống lên để lấy ánh sáng, thư viện được quét dọn, người này người nọ lui tới, và tất nhiên, chúng tôi lại có dịp được nghe ông quở trách về những lỗi lầm. Chính là nhờ ông mà chúng tôi học hành siêng năng, ham lao động, biết lễ nghĩa. Hàng xóm láng giềng, kể cả những người cấy rẽ, nể sợ ông chứ không oán trách ông, bởi vì ông chỉ quan tâm đến tư cách của họ, chứ không để ý tới chuyện chia hoa lợi.
Ông đối xử với người nghèo rất có tình có nghĩa, nên tuy họ ít có dịp gần ông nhưng lại rất nể trọng ông. Ở quê tôi có lệ: mỗi khi có đám giỗ thì người ở vai dưới phải biếu người ở vai trên một suất cỗ, trong đó phải có một miếng thịt lợn ngon. Tôi nhớ có lần ông nói với người đi biếu rằng: “Nhà chú không đủ ăn, đem miếng thịt này về cho mấy đứa nhỏ, cứ coi như tui đã nhận rồi”.
█Phan Khôi và 2 người ăn mày trong nạn đói 1945
Nạn đói năm Ất Dậu (1945) hoành hành dữ dội ở miền Bắc, hàng triệu bà con chết đói, hằng hà gia đình ly tán, tha phương cầu thực.
Lúc này Thầy tôi – học giả Phan Khôi- vẫn còn ở nhà (làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nghe họ kể chuyện, ông chỉ chép miệng, thở dài.
Bỗng một hôm, vào khoảng đầu năm 1945, có hai người ăn xin rách rưới, tiều tụy, rụt rè bước vào sân. Mạ tôi sai người đuổi chó, cho họ vào nhà. Đó là hai thanh niên nói giọng Bắc, kể rằng họ bị đói, đi ăn xin lần hồi đến đây. Mạ tôi lấy cơm cho họ ăn và hỏi thăm tình cảnh của họ. Thấy Mạ tôi hiền lành, họ ngỏ ý xin ở lại, làm công kiếm cơm ăn. Mạ tôi không dám quyết, bèn hỏi ý kiến Thầy tôi. Ông bảo để ông gặp họ xem sao.
Đó là một người cao, gầy, tên là Đào; một người thấp, to ngang, tên là Nhàn. Cha mẹ anh em họ, người thì chết đói, người thì bỏ làng đi kiếm ăn, lưu lạc mỗi người một phương, không ai biết. Hai người gặp nhau, kết bạn, rồi đi theo đường bộ vào Nam. Đến đâu thì xin ăn ở đó, xin không được thì đào trộm củ, hái trộm quả hoặc bứt lá dại ăn tạm. Thầy tôi hỏi tại sao không đi thẳng vào Nam Bộ là nơi có nhiều lúa gạo, mà lại rẽ lên vùng này? Họ nói, nghe người ta đồn làng Bảo An giàu có, buôn bán sầm uất, lại có nghề dệt vải lụa, làm mía đường, nên cố lặn lội đến đây may ra kiếm được việc làm, có cơm ăn chờ qua nạn đói.
Thầy tôi ngẫm nghĩ, rồi hỏi Mạ tôi xem nhà có việc gì cho họ làm không? Mạ tôi nói hiện thời nghề dệt đang khó khăn, vải bán không chạy, công việc chỉ đủ cho người nhà làm, cho họ ở lại thì không biết để họ làm việc gì? Nhưng cuối cùng, thương hoàn cảnh họ tội nghiệp quá, hai ông bà quyết định cho họ ở lại một thời gian cho lại sức, rồi sẽ tính sau.
Cưu mang và chữa bệnh
Vậy là hai chú này được ở lại. Hàng ngày họ làm công việc nhà, như gánh nước, chẻ củi, cùng mẹ tôi đi chợ mua sợi, bán vải, rồi làm quen với công việc trong nghề dệt như ngâm sợi, hồ sợi, vắt, phơi, quay xa, đánh ống. Về sau, Mạ tôi dạy họ mắc cửi, lên khung, dệt vải. Chú Đào là người gầy yếu, nhưng sáng ý và chịu khó học nghề, nên một thời gian sau đã có thể ngồi dệt được. Còn chú Nhàn thì khỏe mạnh hơn, nhưng chỉ thích làm công việc nặng, không ham nghề dệt, nên cuối cùng không học được gì.
Tính tình hai chú này rất tốt, lại siêng năng, trong nhà ai cũng mến. Tối tối, khi rỗi việc, hai chú kể chuyện làng quê và gia đình ở ngoài Bắc. Thỉnh thoảng các chú lại khóc, lũ nhỏ chúng tôi cũng buồn theo. Nhưng có lúc các chú cũng hào hứng giải thích cho chúng tôi biết con đê nó ra làm sao, tại sao mỗi nhà có một cái ao, cầu ao là cái gì, v.v..., là những thứ mà quê tôi không có. Ngược lại, các chú tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy đình, chùa ở làng tôi rất to, trong làng thì đường ngang ngõ dọc, vuông vắn như bàn cờ, rất khác với quê các chú.
50 năm sau, vợ con Phan Khôi đều đã lên bậc lão.
Từ trái sang: Chị con gái Phan Thị Viện – cụ bà Nguyễn Thị Huệ - chị dâu trưởng Bích Hà.
Một hôm, Mạ tôi báo với Thầy tôi rằng chú Nhàn bị một chứng bệnh gì đó mà cứ ôm bụng dưới rên rỉ, hỏi gì cũng không nói. Thầy tôi bèn trực tiếp hỏi chú. Lúc đó chú mới nói thật: “ Cụ ơi, con tự dưng bị sưng cái “của quý”, nhưng con không dám nói với bà”. Thầy tôi nghe vậy, cười ngất: “Cái chú này, đau đâu không đau, lại đau đúng cái chỗ ấy. Để tôi xem trong sách thuốc có cách gì chữa cho chú không, nếu không thì sẽ mời thầy thuốc hoặc chở chú xuống nhà thương Phố”. Nhà thương Phố tức là nhà thương ở Hội An. Một lúc sau, Thầy tôi từ nhà trên đi xuống, nói với chú: “Trong sách có bày một cách chữa, không biết có hiệu nghiệm không, nếu chú chịu thì làm thử, không lành thì đi nhà thương”. Chú Nhàn gật đầu đồng ý. Thầy tôi sai người đi mua một con vịt, tôi không nhớ vịt trống hay vịt mái, đem về cho uống nước, rửa cái mỏ của nó cho thật sạch, đưa chú Nhàn vào một phòng kín, cởi quần, rồi cho con vịt ngậm vào cái của quý của chú, càng lâu càng tốt. Cả nhà nghe vậy, cười ầm cả lên, còn chú Nhàn thì ngượng chín cả người. Chừng ba, bốn tiếng đồng hồ sau, chú Nhàn xách đầu con vịt, tung cửa chạy ra, kêu to: “Con khỏi rồi, cụ ơi!”. Thầy tôi từ nhà trên, bỏ sách, đi xuống, hỏi: “Thật không, chắc chưa?”. Chú Nhàn hớn hở nói: “Chắc rồi, con đội ơn cụ nhiều lắm!”. Thầy tôi sau đó cũng thắc mắc: “Quái lạ, hắn bị cái bệnh chi mà mỏ con vịt lại chữa khỏi được? Trong mỏ con vịt có chất chi chống lại cái bệnh đó hay sao? Hay là chữa mẹo?”. Ông nói: rồi đây ông sẽ gặp mấy thầy thuốc quen để hỏi. Không biết rồi Thầy tôi đã hỏi được chưa?
***
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, hai chú Nhàn và Đào, lúc này đã khoẻ mạnh trở lại như bình thường, xin phép về quê. Thầy tôi bảo Mạ tôi trả tiền công, cấp gạo ăn đường cho hai chú. Các chú hết lời cảm ơn, nhận một ít tiền, một ít gạo, rồi đi. Sau này, nghe nói có lần chú Đào tìm đến tận nhà ở 51 - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để thăm Thầy tôi. Còn chú Nhàn, cái chú chữa bệnh bằng mỏ con vịt ngày nào, thì không có tin tức, không biết chú có còn không?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh