Thói hư tật xấu của người Việt: thô tục, vô duyên, luộm thuộm
Chửi rủa quát mắng
(Nguyễn Văn Vĩnh, Ăn nói thô tục,Đông dương Tạp chí, năm 1914)
Nói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô(1)cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt.
Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu. Bảo người ta ăn những gì thì có nghĩa lý nào? Gọi ông cha mấy đời người ta lên mà chém mà vằm cũng không có nghĩa gì cả. Người ngay thật có ai sợ những câu chửi rủa ấy đâu? Mà người mở mồm nói những tiếng dơ bẩn ấy, thì thực là xấu cho cái miệng quá, ra ngay con người thô tục.
(1) nặc nô: người làm nghề đi đòi nợ thuê ngày xưa.
Tiếng cười vô duyên
(Phan Khôi, Phụ nữ tân văn, năm 1931)
Có một phần đông người Pháp ở đây, ta hằng ngày thấy họ, cũng có thể chiêm nghiệm được một dân tộc. Ví dụ như gặp khi trời mưa, đường trơn có người nào đó bất kỳ đi vô ý mà trượt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó họ có cười không? Tôi và nhiều người như tôi, dám chắc rằng họ chẳng những không cười mà còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa. Còn như con rồng cháu tiên ta, tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, ta phải cười một chặp cho no nê đã.
Ăn ở luộm thuộm
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Nhà nào ở ta cũng chỉ những gỗ ngổn ngang, trên không có thừa trần(1), dưới ít khi lát gạch, chung quanh tường kín bốn bề, ít cửa thông hơi thật không hợp cách vệ sinh. Trong nhà không mấy nhà phân biệt phòng nào là phòng ăn, phòng nào là phòng ngủ, chỗ nào là chỗ làm việc, chỗ nào là chỗ ngồi chơi. Nhà nào cũng chỉ thấy bày la liệt những ghế những bàn những giường những phản, có khi ăn ở đấy ngủ ở đấy, làm việc ngồi chơi cũng ở đấy.
Đường mỹ thuật làm cửa làm nhà của ta còn kém mà tính người lại cẩu thả nhiều, quý hồ thế nào cho dung thân được thì thôi, chứ không quản gì đến hoa mỹ. Các nơi nhà quê, nhiều nhà nào trổ nào chạm, chẳng qua chỉ cho nhện dễ chăng võng, kê lắm giường, lắm phản, chẳng qua chỉ để cho mối xông đất. Mái tụp hụp như chuồng ngựa, buồng kín mít như buồng tằm, chẳng qua chỉ để cho chuột bọ rúc rích ra vào, gớm ghê bẩn thỉu như thế thì sao cho sạch sẽ được!
(1) tức cái trần nhà. Chữ trần đây vốn nghĩa là bụi, thừa trần là chịu bụi, ngăn bụi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn