35 năm "Mèo con đi học"
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con
(Phan Thị Vàng Anh, 1975)
Nhiều đứa trẻ thế hệ 8x, 9x nhớ bài này, trước hết vì nó... dễ thuộc, vì nằm trong sách Tập đọc lớp 1 mà tôi thuộc lòng khi học lớp 1 (1985), tức 10 năm sau khi bài thơ ra đời.
Tác giả của nó, mang tên loài chim có tiếng hót hay, hóa thân của cô Tấm trong cổ tích, Phan Thị Vàng Anh là nhà văn khá kiệm lời. Gần như chưa bao giờ trả lời phỏng vấn để nói về bản thân và công việc của mình, trừ giai đoạn 2005 - 2010, khi là Trưởng ban Nhà văn nữ, Nhà văn trẻ. Chị phụ trách Sân thơ trẻ mỗi dịp các đàn em trình diễn ở sân Thái Học Văn Miếu. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biệt hiệu “Cảnh sát mèo đen”, Phó ban Nhà văn trẻ, phát biểu trong cuộc họp của Ban tổ chức chúng tôi khi chuẩn bị làm show: “Vàng Anh tính mẹ chồng, nhờ thế mà việc rất chạy”.
Lăn xả vào công việc, từ lo biên tập poster, đốc thúc các khâu, duyệt chương trình, có lúc tham gia khuân vác, chị là nữ tướng, tổng chỉ huy khó tính, nghiêm túc, nóng lên là quát ra trò. Mọi người đều nể, vì biết chị rất trách nhiệm.
Phan Thị Vàng Anh (được cha bế) cùng mẹ và chị Thắm năm 1976
Thời Mèo con đi học
Muốn biết về Vàng Anh ngày thơ ấu, thì phải hỏi mẹ chị là hợp lý hơn cả. Vì trẻ con thì ít nhớ đầy đủ mọi chuyện của mình, tuổi ham ăn mải chơi thời nào cũng thế. Tôi được trò chuyện với nhà văn Vũ Thị Thường. Qua điện thoại, tôi không nghĩ đang trò chuyện với bà lão 80, bởi giọng nhà văn còn khỏe. Sự chân thành và thuần phác toát qua ngữ điệu và những câu chuyện, dẫu đôi chi tiết bà không nhớ, vì tuổi cao.
Chính bà, bằng sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và nỗ lực, đã bảo quản, tập hợp, biên tập và xuất bản 3 tập Di cảo cho nhà thơ Chế Lan Viên, để chúng ta biết sức lao động ghê gớm của ông trong cuộc đời 69 năm mà khi mất rồi, vẫn khiến người ta nhớ, thán phục. Bà ngưng sáng tác của mình để làm cho ông bằng tình yêu, niềm kính trọng với chồng, một đồng nghiệp lớn.
Gia đình tác giả Mèo con đi học là đại diện tiêu biểu của một gia đình có truyền thống văn chương mà các thành viên đều nổi tiếng. Họ đều cùng tham gia BCH Hội Nhà văn VN. Nhà thơ Chế Lan Viên tham gia thành lập, ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa 2 (1963 - 1983), nhà văn Phan Thị Vàng Anh ủy viên BCH khóa 7. Riêng khóa 3 (1983 - 1989), vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường đều là ủy viên BCH. Nếu căn cứ vào tên loài vật được viết tới, miêu tả trong tác phẩm, thì võ đoán rằng Vũ Thị thường thích những con vịt. Văn học thế kỷ 20 viết về nông thôn, không thể không ghi nhận truyện ngắn Vũ Thị Thường (Giải thưởng Nhà nước 2007). Không tiếng tăm như cồn, những con chữ thuần hậu, tả kỹ và tinh của bà về đời sống nông thôn, đã để lại những tác phẩm sinh động, trong sáng. Tôi thích truyện ngắn Vợ chồng ông lão chăn vịt (1973) được học hồi lớp 6 và nhớ Ở sân nuôi gà vịt (kịch đồng thoại, 1978).
Theo bà Vũ Thị Thường, Vàng Anh đến với văn học đầu tiên là làm những bài thơ, viết nhiều, tự nhiên. Viết về nhiều loài, không chỉ riêng mèo. “Tôi không giữ được các bài ấy, Vàng Anh sau này không quản lý đầy đủ hết bản thảo của nó. Cũng nhiều sách vở tài liệu quá, lại chuyển nhà mấy lần”.
Bức ảnh đen trắng in trong bài này này, là hình ảnh gia đình Vàng Anh đi chơi công viên Thống Nhất Tết 1976, Tết độc lập đầu tiên của đất nước. Cũng Hè năm ấy, nhà văn Vũ Thị Thường vào TP.HCM trước, cả nhà đi sau, chuyển cư vô Nam.
Nuôi mèo không phải để làm thơ
“Nhà tôi lúc nào cũng nuôi mèo, đơn giản vì tôi ghét chuột”, bà Thường nhấn mạnh.
Căn nhà của ông bà sống tại Hà Nội trước kia, thuộc dãy nhà phụ của biệt thư 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban toàn quốc và các Hội VHNT VN. Trong ngôi nhà 2 phòng chật chội ấy, ông bà sống và viết, với 2 cô con gái, nuôi mèo tam thể. Vàng Anh được gửi tại trường Mẫu giáo Mầm non A 88 Thợ Nhuộm, cách nhà chừng 400m. Không như nhiều người đoán, tên của 2 con không phải do Chế Lan Viên đặt. Bà Thường cho biết: “Đặt tên đứa lớn là Phan Thị Thắm, vì tôi thích màu tươi thắm. Vàng Anh là loài chim. Tôi chuộng những cái tên nôm”.
Vàng Anh làm thơ tự nhiên, hẳn rồi, chị là con nhà nòi, hưởng ADN của cha mẹ, không theo văn chương mới lạ!
Chị Thắm (1961) hơn Vàng Anh 7 tuổi, nên khi cô em mải chơi, thì chị đã biết nội trợ giúp cha mẹ. Chị em hòa thuận. Cha chú ý, hy vọng nhiều ở Vàng Anh. Đến giờ, Vàng Anh là người duy nhất thành đạt văn chương (trong 5 người con) không phụ lòng cha chị. Dòng máu tài hoa không thể bị thất truyền, quên lãng khi thế hệ sau tiếp nối và khẳng định được mình.
Mèo con đi học viết khi Vàng Anh 7 tuổi. Chị có vô số bài thơ về các con vật, không phải vì nuôi mèo, yêu mèo hay có kỷ niệm gì mà viết. Đơn thuần là cảm hứng tự nhiên, về các con vật quanh mình.
Khi vào Nam, cha vẫn sáng tác rất nhiều thơ, viết nhiều tiểu luận, phê bình, mẹ thì có kịch lịch sử An Tư (1985), Vàng Anh viết truyện in báo Khăn quàng đỏ. Chị không học xã hội, mà học ĐH Y khoa, tốt nghiệp 1993. Ngay năm ấy, chị xuất bản tập truyện Khi người ta trẻ, lập tức gây dư luận. Cuốn này được tặng thưởng Hội Nhà văn VN 1994 và 2 năm sau chị vào Hội.
Bác sĩ đa khoa Phan Thị Vàng Anh từng công tác tại Trung tâm huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi (khoa Tim mạch). Sau đó về NXB Trẻ, ra HN sống, trở lại TP.HCM làm Công ty Phương Nam và hơn 1 năm nay, chị làm việc tại nhà. Chị có một nhà gần biển Hội An, thỉnh thoảng đưa con về đấy. Mấy đồng nghiệp giao du cũng được chị hào phóng cho ở nhờ nhà ven Cửa Đại.
“Mèo” thời tác giả trung niên
Trong thơ Vàng Anh sau này, vẫn thấy mèo. Gửi VB - tập thơ duy nhất cho đến nay của chị (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2007), ngay bài đầu tiên Để được đi xa thì... đã thấy mèo: “Dậy sớm/Từ lúc 4 giờ sáng/Nhạc mở thế nào cũng là to/Mới biết lũ chó không hề ngủ/Hớn hở đi theo chủ thành đàn/Và hai con mèo/Vắng mặt/Không lý do” (7/2001). Dì Vàng Anh viết cho cháu Bi vẽ tranh: “Dùng màu nóng tô cho thịt lạnh/Mèo - hàng xóm, còn chim là bạn/Làm sao vẽ được một con mèo/Dày như một con mèo/Đứng hai chân mà vẫn giống bốn chân?” (2003).
Thơ trẻ con của Vàng Anh hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Khi trung niên, thơ Vàng Anh có phần lý tính giống thơ Chế Lan Viên, mang độ nén cảm xúc như tính cách tác giả. Chị tiết chế tình cảm, ẩn giấu chúng và khi cần, biểu hiện rất sâu, không một chữ thừa: “Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội/Lại bồn chồn khi vào đến cửa ô/Hai cái đầu tưởng lạnh như băng/ Vào một ngày rất bình thường/Bị làn gió nhẹ Hồ Gươm/thổi cho/xiêu vẹo”.
Vàng Anh, bút danh Thảo Hảo, từng giữ mục “Tôi xem - nghe - đọc” trên TT&VH, rồi chị dồn các bài in thành tập tản văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông. Chẳng biết lúc nào, chị sẽ tìm kiếm bản thảo để in tập thơ thiếu nhi “Nhân trường hợp mèo con đi học”? Có thể năm Tân Mão này chăng, chị sẽ làm, vì những đứa trẻ, trong đó có con trai chị.
Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần 4-2010) dày 1.295 trang, mỗi hội viên được 1 trang. Trang 870 của mình, phần “Suy nghĩ về nghề văn”, Phan Thị Vàng Anh để trống.
Chị luôn là thế, rắn rỏi, cực đoan, quyết liệt, nhiệt thành và cương nghị, song luôn “giấu và nén” tất cả trong vẻ ngoài hơi lạnh. Không kêu ca than vãn, Vàng Anh của đời thường là thế. Sức nén ấy khiến cho chị, dù công bố ít, vẫn gây chú ý và được tìm đọc.
Vĩ thanh
Ngôi nhà 105/14 phường Tân Quý, gia đình nhà thơ Chế Lan Viên ở từ 1981 đến nay. Sinh thời Chế Lan Viên rất yêu khu vườn ấy. Ông cùng vợ con trồng đủ loại cây, hình ảnh vườn, ao vào thơ ông nhiều lần. “Giờ thì vườn xấu rồi, xấu nhất trong các khu vườn. Đường tôn lên, vườn thấp xuống, ao tự khô đi. Cả vùng này phải dùng nước giếng khoan. Nhà tôi khoan 32m mới có nước”. Dù ông chủ vắng bóng 22 năm, bà chủ vừa qua bát thập, các con họ bận việc, tôi vẫn tin khu vườn của ngôi nhà họ vẫn đẹp. Vẻ đẹp ấy đã vào thi ca, nó không thể tắt: “Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại chồi lên”, khi mùa Xuân đến, như chủ khu vườn dự cảm. “Còn anh ngày mai khi là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy Trái Đất/Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn”. (Từ thế thi ca, Chế Lan Viên).
Cậu bé Tích Linh sinh dịp Tết Đinh Hợi, Tết này tròn 4 tuổi, hò reo nghịch ngợm ra trò, khiến bà ngoại thỉnh thoảng phải đe: “Tích Linh! Bà đánh đấy nhé!” Tích Linh, là chim chìa vôi, song tôi muốn gọi là “chú heo con” theo tuổi bé cầm tinh, dù “chú heo” này vì lười ăn nên không béo. “Heo con” là cục cưng của chị “Mèo con đi học” thuở nào. Tích Linh không đi mẫu giáo, ở nhà với bà ngoại.
Nguồn:Thể thao Văn hóa
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá