Tôi có đủ thuốc ngủ rồi
Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Nước Vệ có một người tướng mạo xấu xí tên là Ai Ðài Ðà (thế mà) người nam ở với hắn lại yêu quý hắn không nỡ xa rời, còn nữ nhân nhìn thấy hắn đều về xin cha mẹ: “làm vợ người khác không bằng làm thiếp cho người ấy”… Không hề nghe hắn tự xướng lên điều gì…. Hắn không có địa vị vua chúa…, cũng chẳng giàu có mà cho ai ăn, lại xấu xí khiến thiên hạ kinh hãi… Tri thức không vượt quá bốn cõi, thế mà nam nữ đều tìm cách thân cận với hắn, nhất định hắn phải có chỗ khác người thường.
“Ta gọi hắn đến gặp ta, quả nhiên hắn xấu xí dễ sợ. Thế mà, hắn ở chung với ta chưa đến một tháng, ta để ý nết ăn nết ở của hắn, ở chưa đầy một năm, ta đâm ra tín nhiệm hắn. Lúc bấy giờ, trong nước không có tể tướng, ta bèn đem việc nước ủy thác cho hắn. Hắn lạnh nhạt ừ hữ, hờ hững như muốn chối từ, ta cảm thấy rất thẹn thùng nhưng cuối cùng vẫn giao việc nước cho hắn. Thời gian chưa lâu, hắn bỏ ta đi, ta rất hoang mang, cảm thấy như đánh mất cái gì đó, giống như trong nước không còn ai đáng chung vui với ta nữa. Thế thì sự thực hắn là loại người nào.”
Khổng Tử đáp: “Tôi từng có lần xuất du đến nước Sở, đúng lúc nhìn thấy một bầy heo con đang bú xác mẹ. Rất mau chúng kinh hoảng nhận ra vội bỏ xác mẹ mà chạy trốn, vì heo mẹ không nhìn được chúng nữa và không có dáng gì là còn sống. Bọn heo con kia sở dĩ yêu mẹ chúng, không phải là yêu cái ngoại hình mà là yêu cái tinh thần chi phối, làm chủ hình thể… Ai Ðài Ðà không nói năng gì mà được tín nhiệm, không hề lập công lao mà khiến được người thân cận, khiến người trao việc nước cho mình mà còn e mình không nhận.
“…Sống chết, còn mất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền và hư hỏng, khen chê, đói khát, lạnh nóng đều là biến hóa của sự vật, lưu thông của số phận… Những hiện tượng ấy không làm nhiễu loạn được thiên tính bình hòa của hắn, không xâm nhập được tâm linh sâu kín của hắn. Như vậy nội tâm hắn giữ được hòa thuận vui vẻ, tâm linh hắn không gián đoạn mà cùng vạn vật như xuân… Bình thản như nước đang ở trạng thái yên bình cao độ…, bên trong giữ được nội tâm an tĩnh mà bên ngoài không xao động. Cái gọi là đức chính là sự tu dưỡng thuần hòa của thiên nhiên. Người có đức không lộ, tự nhiên mọi người đều thích thân cận không muốn rời.” (*)
Bây giờ là lúc tôi làm bạn bực mình đây, bởi vì cái đoạn trên kia gần như không ăn nhập đến những gì tôi sắp viết ra sau đây, lại càng không ăn nhập đến tít bài. Chẳng qua tôi đọc đoạn này xong thì thích quá, nên trích lại để bạn đọc thử, để bạn thích thì bạn đi mua sách về.
Ðó là cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Nguyễn Tôn Nhan dịch và chú giải - NXB Thanh Niên). Mua được xong, tôi coi như một thắng lợi trong “quý I năm 2002″. Ðúng là loại sách “gối đầu giường”, tối nào tôi cũng đọc. Ðọc chậm chậm, vì mỗi bài, mỗi đoạn, mỗi câu, đều là những bài học; dễ hiểu có, khó hiểu có. Và có lẽ, cái hấp dẫn của sách chính là cái nhiều tầng ý nghĩa. Thêm tuổi, thêm kinh nghiệm thì đọc cũng hiểu thêm, cách khác, hoặc mức độ nông sâu khác…
(Viết đến đây, tự nhiên tôi thấy ngượng tay. Ðấy, cái thói mình là thế. Tôi đến tuổi này rồi, đáng ra phải đọc những sách “di sản” kiểu này từ cách đây 10 năm, nay mới đọc, mà nói ra là mình đi mua về, mình đọc (bản dịch)… thì cũng ngượng. Cũng không hẳn là ngượng, mà là sợ. Sợ người đọc (vô hình) bĩu môi nói mình bịp, khoe chữ. Cái phản ứng này, tôi cũng có, đâm tôi sợ người khác cũng có. Tỉ như nghe ai nói thích nghe nhạc cổ điển, thì tự nhiên trong đầu mình đã có cái nhếch mép ngầm, “anh này trưởng giả”… Thôi thì nghĩ sao cứ nói toẹt ra vậy! Biết đâu bạn thu lại cái bĩu môi mà đọc tiếp.)
Quay lại với Nam Hoa Kinh, sách có nguyên bản chữ Hán, bản phiên âm, chú thích từ, bản dịch nghĩa (tôi chỉ đọc được phần này), và cuối cùng là “con sâu” - phần chú giải.
Thí dụ cái đoạn ở đầu bài kia, đáng lẽ có thể để người đọc gấp sách lại nằm ngẫm nghĩ muôn hướng, thì phần chú giải (vội vã) ghi ngay dưới bài, rất ngô nghê: “Ðoạn thứ tư, tả Ai Ðài Ðà tuy ngoại hình xấu xí nhưng có tinh thần nội tại đủ hấp dẫn, cảm hóa người khác.” Và chú giải kiểu thế có mặt gần như cả phần đầu của sách, chỉ từ chương thứ ba trở đi thì phần chú giải này mới tạm buông tha ta.
Bạn sẽ bảo tôi khó tính. Nó có gì sai đâu? Sao lại bực mình lên thế nhỉ?
Ờ, (tôi trích dẫn tiếp đây), nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, Jean Claude Carriere, trong một lớp học mở ở Việt Nam, có nói, cái đầu của người đọc là một con thú lười nhác, luôn muốn nghỉ ngơi. Khi có ai đánh thức, chìa ra cho nó một câu hỏi, thì bao giờ nó cũng tìm những giải đáp gọn gàng nhất, đến nhanh trong cái đầu mê ngủ của nó nhất. Nó bảo, thế là được rồi, được rồi, đi đi, cho tao nghỉ…
Những lời chú giải kiểu trên kia là một kiểu thuốc ngủ cho cái con thú-vốn-đã-buồn-ngủ trong chúng ta. Nếu cứ để cho người đọc đứng giữa rừng ý nghĩa, anh ta có thể lạc mất một lúc, nhưng tự anh ta sẽ tìm được đường, có khi dẫn đến thác nước bạc, có khi tới được hang u tịch, biết đâu sẽ kỳ thú gấp trăm lần cái lối mòn vạch sẵn dẫn ra… bãi giữ xe, như thế kia. Vả lại, sách của Trang Tử đâu phải loại sách đọc vào là gật gù đồng ý hay lắc đầu phản bác ngay một chiều. Chính ta có lúc thấy làm theo sách là đúng, lúc khác lại thấy thế là sai. Thế mà lời chú giải thì như đinh đóng cột, một chiều cắm vào gỗ.
Với người lớn chúng ta thì thôi, phẩy tay không đọc phần chú giải là xong. Nhưng lại nghĩ đến chuyện dắt-tay-làm-hại như thế này hiện có đầy ở sách giáo khoa mà con em chúng ta học trong trường. Cái con thú não bộ của bọn trẻ đã bị tiêm thuốc ngủ bằng những bài văn mẫu, những dòng tóm tắt nội dung bài học in sẵn cho học thuộc. Rừng đã biến thành công viên với những lối đi tráng cứng xi măng…
Nhưng dù sao, nói gì thì nói, mua được cuốn Nam Hoa Kinh này, tôi vẫn lấy làm đắc chí. Cũng biết ơn dịch giả bỏ công làm sách công phu, cho những kẻ không biết tí chữ Hán nào như tôi có thể đến được với một kho tàng. Tôi có chán là chỉ chán cái bản thân mình, chưa học được sự bình thản của ông Trang Tử để mà không bực với những dòng chú giải ở trong sách mà thôi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn