Chế Lan Viên hùng biện
Như Xuân Diệu phải nhận xét: "Tranh luận với Chế Lan Viên rất khó. Rõ ràng mình có lý mà cuối cùng lại hóa ra đuối lý với Chế Lan Viên", chính tài hùng biện đã là một trong những yếu tố khiến Chế Lan Viên được xếp vào danh sách những nhà thơ thông minh nhất Việt Nam từ trước tới nay”.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chế Lan Viên, ngày 19 tháng 11 vừa qua, tại hội trường số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học "Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên".
Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng là đại biểu Quốc hội 4 khóa liền (các khóa IV, V, VI, VII).
Và trong một kỳ họp Quốc hội, ông đã đọc tham luận "tự kiểm điểm" việc các nhà văn còn rụt rè không dám phê phán cái xấu, cái thoái hóa trong xã hội, đến độ "cho đến nay, chưa có đến hai cán bộ cấp huyện xấu được phê phán ra trò trong văn xuôi Việt Nam". Ông mong các đại biểu Quốc hội hãy "vỗ tay hoan nghênh các văn nghệ sĩ làm phận sự chuyên chính với cái xấu, không chịu hữu khuynh với cái xấu bằng tác phẩm của mình".
Bài tham luận của Chế Lan Viên đã được mọi người cổ vũ nhiệt liệt. Đặc biệt, rất nhiều đại biểu đã chia sẻ với nỗi niềm của nhà thơ khi ông cho rằng: "Có lúc, có nơi, có bạn đã nhầm cái chổi với cái rác, cho là cái chổi làm ra cái rác nữa". Có thể nói, vào thời điểm ấy (1974), tại một diễn đàn lớn, cách đặt vấn đề của Chế Lan Viên trở nên thuyết phục, thu hút mọi người không chỉ ở thái độ quyết liệt trước cái xấu của nhà thơ mà còn ở cách lập luận thông minh, cách nói hùng biện, đầy sức thuyết phục của ông.
Nhà thơ Nam Trân từng nhận xét: "Chế Lan Viên như một ông trạng khi đi sứ". Quả thực, với vốn tri thức uyên bác của mình, Chế Lan Viên đã chinh phục được nhiều bậc anh tài trên thế giới, trong đó có những người nổi tiếng là khó tính. Nhà văn Bùi Hiển từng kể, năm 1978, cùng Chế Lan Viên sang dự một cuộc tọa đàm về văn hóa ở Nam Tư, ông đã chứng kiến cảnh Chế Lan Viên ngồi cả buổi bên ấm trà say sưa tranh luận với một nhà văn Nam Tư quanh vấn đề thời sự nóng hổi về "chủ nghĩa cộng sản châu Âu".
Và trong buổi tọa đàm, Chế Lan Viên đã làm cử tọa phải thán phục bởi bài phát biểu bằng tiếng Pháp của mình, trong đó có những đoạn thật mạnh mẽ: "Có những kẻ bô bô rằng thiên hạ đại loạn, và hễ loạn càng lớn, thơ càng hay. Một loạt thơ kiểu ấy cố nhiên không cứu được thế giới và không cứu được cả thi sĩ...
Trong tâm hồn phức tạp của thi nhân, yếu tố phê bình đại diện cho tập thể, cho tiếng nói của bên ngoài, của lịch sử, tiếng nói ấy dội vang vào tâm hồn tác giả nhiều khi khép kín bịt bùng. Nếu lẫn với tiếng nói ấy lại có cả nhiều tạp âm chợ búa thì cũng chả có gì lạ cả. Nhà thơ cần có lỗ tai tinh tường mà phân biệt lấy thôi".
Từ câu chuyện trên, tôi lại nhớ tới lần Chế Lan Viên cùng đoàn cán bộ Việt Nam sang Brussels (Bỉ) năm 1979. Khi cả đoàn vừa chân ướt chân ráo tới nơi thì hay tin cách đấy chưa đầy 1km, đoàn của một nhạc sĩ người Việt đang biểu diễn, với những bài hát có nội dung công kích, thóa mạ dân tộc. Các cán bộ trong đoàn ta vừa bực tức, vừa lo ngại.
Song Chế Lan Viên đã bình tĩnh nhắn sang: "Mọi người đều tùy thích có thể yêu thương hay nguyền rủa trong đời. Nhưng Tổ quốc - Mẹ của chúng ta đang ốm. Hàng triệu trái bom của đế quốc, Mẹ đã vượt qua, nhưng một cái ho của chúng ta cũng làm hại đến sức khỏe, sinh mệnh của Mẹ".
Lời nhắn của Chế Lan Viên đã có tác dụng. Một số thành viên phái đoàn "bên kia" lấy làm hổ thẹn, phải giảm bớt sự công kích ngông cuồng. Còn các thành viên trong đoàn ta thì tấm tắc bình phẩm với nhau: "Chế Lan Viên quả như một chính khách, đi đâu cũng luôn tìm cách giữ thể diện cho nước nhà".
Không chỉ thể hiện sự quyết liệt trong những vấn đề thuộc phạm vi ứng xử, Chế Lan Viên còn đặc biệt không khoan nhượng với những trường hợp mà ông xem là lệch lạc về quan điểm chính trị cũng như học thuật. Nhà thơ, dịch giả Đào Xuân Quý từng cho hay:
Tại một hội nghị dành cho các nhà văn đảng viên tổ chức ở hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (nay là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) hồi trung tuần tháng 6/1979, trong khi hầu hết các đại biểu tán thành bản đề dẫn thì có một đại biểu tỏ thái độ bất ưng. Nhưng khi vị này "vừa mới hé ra một vài luận điệu xuyên tạc muốn chống lại đã bị Chế Lan Viên đập ngay tại chỗ, và đã được hội nghị hoàn toàn tán thưởng".
Năm 1985, trả lời phỏng vấn của Giáo sư văn học người Đức Gunter Giesenfeld về mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ hiện nay là gì, Chế Lan Viên đã xuất sắc thỏa mãn được sự trông đợi của công chúng khi cho rằng: "Thơ tình, thơ về hoa, về cuộc đời bình thường rất cần thiết. Cần núi cao của chủ nghĩa anh hùng nhưng cần các đồng bằng của đời sống hàng ngày".
Tại một hội nghị bàn tròn về thơ ở Liên Xô (cũ), khi có hai phái nêu ý kiến khác nhau về đường lối văn nghệ của Đảng ta (với dụng ý khen - chê), Chế Lan Viên đã có cách lập luận rất giàu hình tượng và gây được ấn tượng từ cả hai phía.
Ông cho biết: "Chúng tôi sống ở một đất nước mà cái gì cũng phải tính toán, chỉ có mỗi người ba sào đất mà lại thiên tai, hạn hán... Viện trợ quốc tế đâu cho mình, đâu cho bạn, đâu là của hôm nay, đâu là của ngày mai? Ở đây nói năng cũng phải tính, cười cũng phải tính. Thơ không tính toán nhưng rồi cũng phải tính toán. Trong thơ có 4 vấn đề: cơ bản, cần thiết, có ích, dễ chịu..." và "Đảng chúng tôi lo cho viên đạn bắn đúng kẻ thù nhưng cũng lo cho người yêu hôn không nhầm người yêu. Nếu ở nhà hôn nhầm thì ngoài mặt trận nó cũng bắn nhầm".
Cũng trong cuộc bàn tròn này, dù cho biết ông yêu thơ Pháp với những Aragon, Guillevic song Chế Lan Viên cũng chê trách "thơ Pháp buồn", các nhà thơ Pháp "tả hoàng hôn thì tài nhưng tả buổi bình minh thì không bằng đứa trẻ kêu mẹ ơi mặt trời mọc" .
Gần đây, đọc tập ghi chép "Chế Lan Viên - người trồng hoa trên đá" (NXB Văn học, 2010) của GS Hà Minh Đức, tôi bắt gặp câu chuyện kể lại cuộc tranh luận khá căng thẳng về thơ ca giữa Chế Lan Viên và Xuân Diệu xung quanh việc xét trao giải thưởng văn học 15 năm: 1956 - 1972.
Nhân bàn về thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên có những nhận xét rất nghiêm khắc: "Anh Xuân Diệu có mấy ưu điểm: Đề tài nhiều mặt, kết hợp được trữ tình và trào phúng. Xuân Diệu có con mắt của nhà tiểu thuyết nên bài thơ có cái xác cụ thể, có cái hay của văn xuôi hỗ trợ, lửa phải có củi. Có khi Xuân Diệu chết vì củi của mình. Trong thơ hiện thực phải phục vụ cho trữ tình".
Chưa dừng ở đó, Chế Lan Viên còn cho rằng, về khả năng khái quát, Xuân Diệu "vẫn thua Huy Cận" và thơ Xuân Diệu "nặng tả cảnh", "không thiên về chiều dọc mà tỏa ngang nên chất tán nhiều". Cũng theo Chế Lan Viên, bài "Ngói mới" có ý hay, nhưng "nếu cứ thế thì thêm hàng trăm câu cũng không khác".
Mặc dù Xuân Diệu là người có khả năng lý luận không phải không sắc bén, song trước những nhận xét trên của Chế Lan Viên, ông cũng tỏ ra lúng túng, đành phải buông một câu: "Có một thực tế là trong văn chương không dễ chấp nhận nhau. Lên cao ở điểm này không sực được lên cao ở cao điểm kia... Lev Tolstoy không sực được Shakespeare".
Phải nói, đây là cách lập luận có phần... núng thế. Thì Xuân Diệu chẳng đã "than phiền" với Hà Minh Đức: "Bây giờ cậu ấy ghê quá, chứ trước kia hồi còn trẻ khi xuất bản Điêu tàn xử sự khiêm tốn". Cũng theo Xuân Diệu: "Tranh luận với Chế Lan Viên rất khó. Rõ ràng mình có lý mà cuối cùng lại hóa ra đuối lý với Chế Lan Viên".
Nhà văn Anh Đức cũng rất nể phục tài ứng đối của nhà thơ đàn anh. Trong bài hồi ức về Chế Lan Viên, ông viết: "Tài ứng đối của Chế Lan Viên thể hiện rất rõ trong các cuộc họp. Anh nói có lý lẽ, có hình ảnh, giàu sức thuyết phục. Có lần tôi nói vui với anh: Nếu ở thời vua chúa, thì thể nào anh cũng phải đi sứ. Anh Chế Lan Viên nói: Đối đáp với vua quan có khi lại không khó bằng đối đáp với số đông, mình không đoán trước được lý lẽ của đại chúng"
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá