Hôn nhân thời nay và chuyện vợ chồng chị thỏ bông
>> Mời tham khảo: Nhân trường hợp chị thỏ bông
Khi mùa hôn nhân, cưới xin đang vào độ rộn rã, nhiều tài tử giai nhân đang dập dìu trong tiết trời hanh hao se lạnh thì có hai câu chuyện trong tuần qua đã lôi kéo sự quan tâm của rất nhiều người: các quý ông âm thầm đi xét nghiệm ADN để xác định con ruột - con hờ ngày càng tăng và người đàn ông 7 năm ròng ôm hài cốt vợ.
Với câu chuyện thứ nhất, nhiều người sẽ chột dạ, thở dài: Chẳng lẽ câu chuyện trầu cau, mối keo kết dính tình cảm vợ chồng nay đã là cổ tích thật rồi chăng? Còn câu chuyện thứ hai thì lại khiến không ít người phải đặt câu hỏi khác: Khi còn đó hôn nhân gắn với tình yêu thương vô bờ bến thì người ta sẽ còn "đầu gối tay ấp" cả khi... xác đã lìa hồn?
Xem ra thời của giải phóng, cởi bỏ những ràng buộc ngột ngạt trong hôn nhân, trong quan hệ tình dục vợ chồng (nào những tiết hạnh khả phong, nào những quan niệm phu tử tòng tử)... với ảnh hưởng đạo giáo Đông phương rất đậm nét - đã đến.
Có phải do bắt được mạch của sự đổi thay ấy sao mà các các nhân viên y tế, bác sĩ xét nghiệm đã không ngần ngại thông báo rằng: có tới 30% quý ông đi xét nghiệm ADN để xác định huyết thống cho ra kết quả "ngã ngửa người" - đứa con mà mình và vợ đang nuôi nấng, chăm bẵm, kỳ vọng... không phải là máu mủ ruột rà như "lầm tưởng" bấy lâu! (Đấy là chưa kể không phải quý ông nào cũng sẵn mối nghi ngờ và biết "tận dụng" phương tiện xét nghiệm "văn minh" để rồi (chẳng may) rước lấy nỗi phũ phàng về phía mình).
Nhiều quý ông đã khóc ròng hay điếng người trước "hung tin" từ kết quả xét nghiệm (và có thể sau những buồn đau về sự "rồ dại" kia của vợ thì họ sẽ làm những điều "rồ dại" khác). Thế nhưng nghe những câu chuyện trớ trêu ấy thì nhiều độc giả lại khúc khích cười, như thể chuyện thường tình, rằng chỉ đương sự không hay, chứ người đời đã biết tỏng cái chuyện "ăn ốc đổ vỏ", "nuôi ong tay áo" ấy từ lâu rồi.
Hôn nhân và tình cảm chồng - vợ bỗng chốc bị đặt dưới những mối nghi ngờ. Niềm tin của những người vốn thề non hẹn biển "bạc đầu bên nhau" đã xuất hiện dấu hiệu của sự không bền vững.
Người ta giải thích rằng vì thời nay người phụ nữ, tức người gánh thiên chức mang nặng đẻ đau, đã có vị thế hơn, có quyền độc lập đưa ra sự lựa chọn cho mình nên họ cũng có thể chủ động hành xử... theo ham muốn.
Tình trạng "ông ăn chả bà ăn nem" diễn ra phổ biến thì chuyện "bà ăn ốc, ông đổ vỏ" cũng là... khó lòng tránh được. Các cụ đã có câu "cái kim trong bọc có ngày lòi ra" mà các ông chồng ngày nay thì đã có cách phanh phui bí mật (trong khi các bà vợ còn mải xoay xỏa trong đủ thứ mối quan hệ đan chéo, chưa chắc đã biết hóa ra bấy lâu mình lại che giấu cái bí mật ghê gớm đến vậy cũng nên!).
Mọi tội lỗi theo logic thông thường đó được trút lên các quý bà! 30% "con hờ" kia đồng nghĩa với sự "tội" lừa dối, "tội" không chung thủy của những người phụ nữ.
Không chỉ các ông chồng trong cơn hoang mang đổ lỗi cho vợ mà xã hội tưởng như rất hiện đại, văn minh và công bằng bây giờ cũng sẽ trút "tội lỗi" ấy lên đầu các bà vợ "ác tâm", nỡ bắt chồng mình vò võ nuôi con cho kẻ khác!
Ít có ai bênh các bà vợ, hỏi ngược lại các ông chồng đi xét nghiệm hay rộng hơn là các đáng nam nhi một câu rằng: Nếu không có "đối tác", không có các ông thì làm sao chúng tôi sinh ra được thằng cu hay con hĩm?! Các ông nói chúng tôi không thủy chung, thế các công có biết giữ thủy chung cho người khác và cho chính gia đình mình?! Tất thảy các ông đi xét nghiệm ADN có đảm bảo rằng các ông không nhờ một "người anh em" nào đó nuôi con hộ mình thay vì chỉ biết trách vợ?!...
Thế đấy, sẽ có đủ mọi lý lẽ với hai chiều thông tin mà càng nghĩ thì càng thấy sự việc chồng chéo, vợ vợ chồng chồng, con con cha cha rối như canh hẹ. Hay là thời nay nó thế?
Có cần phải cánh báo về hôn nhân ngày nay kiểu "chỉ mảnh treo chuông"? Có cần phải lôi câu chuyện ông Lê Vân đẵng đẵng 7 năm không rời xương cốt của vợ ủ trong bức tượng thạch cao tự chế?
Rõ ràng chuyện ông Lê Vân thể hiện nỗi yêu thương nhung nhớ với vợ theo cách "hiếm có khó tìm" đến sửng sốt như thế suy cho cùng cũng chỉ là một cách thể hiện mối dây gắn bó vợ chồng đặc biệt.
Luôn có rất nhiều cách để thể hiện sự mức độ gắn bó, tình cảm sâu đậm giữ vợ với chồng; và hay ngược lại, cũng có muôn vàn lối để khoe bày sự hời hợt, cả khi người ta còn ở bên nhau sớm tối (như nhiều quý ông đi thử ADN) hay khi bạn đời không còn nữa (như ông Lê Vân và người vợ đã khuất).
Chỉ có điều tình yêu sâu đậm hay sự hời hợt của mỗi người, của mỗi cuộc tình hay quan hệ hôn nhân có gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến môi trường sống, đến người khác, đến những đứa con hay các giá trị đạo đức trong xã hội mới, hiện đại này hay không mà thôi!
Trở lại câu chuyện hàng nghìn, hàng vạn gia đình đang phải đối mặt với những lục vấn, tra khảo dạng "đứa này không phải con tôi, vậy là con thằng nào?" như đã kể ở trên, lỗi chẳng phải chỉ trút lên người phụ nữ là xong mà cả hai phía đều phải nhìn lại mình.
Viết đến đây tôi nhớ ngay đến bài viết rất thú vị có tên "Nhân trường hợp chị thỏ bông" của Thảo Hảo (bút danh của nhà văn Phan Thị Vàng Anh).
Tác giả vào đề bằng câu chuyện rất dí dỏm mà cô gái mát-xa kể cho anh chàng khách hàng của mình về chị thỏ bông đi lạc trong rừng, có chồng là anh thỏ bông.
Chị thỏ bông gặp các anh thỏ trắng, thỏ nâu, thỏ đen để hỏi đường và phải "trả công" chỉ đường bằng cách lần lượt ở lại với mỗi anh thỏ một đêm. Cuối cùng thì chị cũng về tới nhà, thấy anh chồng thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Hai hôm sau chị thỏ bông biết mình có mang.
Hết chuyện, cô mát-xa hỏi như người ta hỏi kết quả gen ADN: "Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?". Anh chàng trốn vợ đi mát-xa, tất nhiên chẳng phải bác sĩ xét nghiệm, nên đoán nào là màu cà phê sữa bông, khoang đen bông... thì đều sai cả, đành hỏi đáp án từ cô mát-xa. Cô mát-xa bảo: "Muốn biết thì phải làm như chị thỏ bông, ở lại đây đêm nay!".
Bạn đọc bài của Thảo Hảo sẽ biết anh chàng kia gật hay lắc, còn đây tôi trộm nghĩ, nếu có anh chồng nào đọc đến đoạn này, giả thử ở trong tình huống đó, liệu rằng sẽ gật hay lắc trước cô mát-xa?
Câu trả lời thành thực của các quý ông ở đây chắc sẽ tác động rất nhiều đến chuyện các trung tâm xét nghiệm ADN rồi đây sẽ trở nên đông khách hơn hay hay ngày càng vãn khách!
Cũng nói thêm rằng trong "Nhân trường hợp chị thỏ bông", tác giả tiếp tục trích dẫn câu "châm ngôn" quan trọng "Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình" và đưa ra khuyến cáo riêng là để giữ chồng, đôi khi phụ nữ cần phải làm bông hoa dại thay vì làm bông hoa nhựa. Tức là "bông hoa" biết kể chuyện thỏ bông, thậm chí kể chuyện chó sói, chuyện ma cà rồng... như phim "Trăng non" (New moon) rất ăn khách!
Đọc đến đây, các quý ông và thậm chí cả ông Lê Vân ở Quảng Nam đang "nổi tiếng nơi nơi" chắc sẽ "động lòng" nghĩ ngay đến chiều ngược lại: Để không phải sững người thì người chồng cũng cần biết chăm sóc con (dù là con đẻ hay con hờ) và chăm sóc các bà vợ để "bà nhà" luôn như hoa, tươi tắn.
Nhờ thế, các quý bà, quý cô - chắc chắn 30% trở lên, sẽ không vô tình hay cố ý đi lạc như chị thỏ bông. Và vì thế, có thể hạnh phúc mà làm đóa hoa lắm sắc nhiều hương, chứ không cam phận hoa nhựa, chẳng ai thèm... hái!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015