À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói…
Chuyện như sau:
Có một anh phóng viên(*) gặp một quan chức ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói trắng ra cho rồi: ông Phó Cục trưởng.
Anh phóng viên so sánh kiểu “chạm tự ái”: nước người ta có những công trình lớn, nghiên cứu các mầm ngộ độc, để kịp thời phát hiện mà cảnh báo cho dân. Còn nước ta ít làm như thế. Ðợi ngộ độc rồi mới (bị động) lật ra xem đó là cái gì.
Ông Cục phó bảo, anh nói sai rồi. Hai năm nay, chúng ta cũng nghiên cứu, phải gọi là “chủ động” chứ!
Anh phóng viên (là người hay ăn hoa quả?) cãi lại: thế cái nghiên cứu cách đây hai năm, về độc chất trong hoa quả Trung Quốc, sao mãi các ông không “chủ động” đưa kết quả ra cho dân biết?
Ông Cục phó nói, kết quả có rồi. Nhưng tại chúng tôi đưa táo lê Tàu đi 3 nơi xét nghiệm. Mà ba nơi này, mỗi nơi thiết bị, thuốc thử, phương pháp khác nhau, nên cho kết quả khác nhau, không thống nhất được, nên không thông báo được. Vả lại, mẫu táo, lê chúng tôi đem đi xét nghiệm ít quá, không nói được.
Anh phóng viên bảo, gì mà kỳ vậy, thế theo Tiến sĩ (ông này tiến sĩ nhé), chừng nào mới có một cách làm việc khoa học để có kết quả chính xác?
Ông Cục phó nói: À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói…
Anh phóng viên vẫn dai dẳng: thế sao không thuê chuyên gia nước ngoài xét nghiệm cho chính xác? Cả một dân tộc ăn táo lê Tàu cơ mà…
Ông Cục phó nói, thôi đi, đắt lắm. Vả lại, cái gì chúng ta đã làm rồi thì không làm nữa. Hơn nữa, xét nghiệm chỉ là xét nghiệm, trong khi chỉ cần “chủ động” nhìn lâm sàng (trợn mắt, tê môi, co giật, chết?) thì biết ngay là ngộ độc chứ gì!
Và giải pháp cuối cùng cho vệ sinh và an toàn thực phẩm, theo ông, là: giáo dục dân, “địch vận” các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Tuyên truyền là hàng đầu.
***
Tuyên truyền, giáo dục là hàng đầu. Nhưng cho đến bây giờ, chỉ vì kết quả của ba phòng thí nghiệm cho ra khác nhau mà những bà nội trợ chúng ta vẫn chỉ nghe phong thanh về chất độc trong hoa quả Trung Quốc, cho nên vẫn khó mà cầm lòng được trước sự mơn mởn, rực rỡ của chúng. Không ai cho một bảng phân chất rõ ràng, cho nên chúng ta đành chỉ biết thắc mắc về sự quá trắng của bún, quá dòn của rau câu, quá to của đu đủ… Và cái nền ẩm thực của chúng ta đây phải chăng là một nền ẩm thực đầy nghi ngờ? Bố mẹ vẫn can con cái bằng một câu mơ hồ: “Ðừng ăn cái đó, độc lắm.” Ðộc cái gì, may mà con cái không vặn lại, vặn lại thì bố mẹ bí. Sự bí lời giải thích cũng như sự nghi ngờ bao giờ cũng đến từ sự thiếu thông tin. Ở đây lại là cái thiếu thông tin từ một Cục với ông Cục phó quan niệm rằng công việc mình chủ yếu là thông tin cho dân đầy đủ!
Cứ xét theo tên gọi, thì nếu bạn là vua, có phải Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn thực phẩm phải là kẻ nếm trước bạn? Phải là kẻ nhìn thấy đôi đũa bạc ngả xám đen trước khi bạn thấy? Còn nếu để bạn trợn mắt, chảy dãi rớt rồi, kẻ kia mới chạy đến và (chủ động) hô to: “Thạch tín!”, thì kẻ ấy đáng chịu tội gì?
“À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói…”
Bởi vì, ông Cục phó kia đã giải thích việc phân chia quyền lực như sau: quản rau sạch là bộ Nông nghiệp. Quản thuốc trừ sâu không đúng cách là Cục Bảo vệ thực vật. Tác động của rau bẩn, thuốc độc thì không thấy nói ai quản, chỉ thấy anh bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vùi đầu vào nghiên cứu. Thậm chí có báo cáo lên là có tác động đến sức khỏe thì Bộ Y tế chỉ có chỉ đạo, đề xuất thôi, chứ cũng không quản. “Vấn đề nào thì Bộ ấy nghiên cứu”, ông nói. “Ðược hay không là do phối hợp liên ngành”.
Cho nên cái Cục của ông muôn đời chẳng bị sao cả. Nhưng cái đáng buồn ở đây là cái thái độ của ông. Ông là quan chức mà không hề điên tiết lên trước cái cơ chế “đổ tội liên ngành” – một cơ chế tù mù không quan tòa tối thượng làm người ta nhụt chí làm việc. Ông ẩn náu vào đó mà ung dung trả lời phỏng vấn. Nếu bạn đọc tận mắt bài phỏng vấn này, thì bạn sẽ thấy thái độ của ông thật chẳng khác gì thái độ của một… ông Tây thực dân, nghĩa là thờ ơ với tính mạng con người và với cả… thức ăn bản xứ; như thể cái mà dân ta đưa vào miệng không phải là cái mà ông đưa vào mồm.
Thế ông đưa cái gì vào mồm?
“À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói…”
__________________
(*) Báo Gia đình & Xã hội, số 25, ra ngày thứ ba, 26. 3. 02.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn