Có đức mà không có tài
Ở một trường P.T.C.S miền núi phía Bắc, có một ông hiệu trưởng tên Tành quê Nghệ Tĩnh và hai cô giáo miền xuôi còn trẻ, Giao và Minh.
Trường chỉ có hai phòng học, và những giáo viên là những người đã bị Bộ Giáo dục bỏ quên. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng, bằng cách của mình, duy trì các lớp học.
Ông hiệu trưởng vô cùng tốt bụng nhưng dốt nát. Ông đem lòng yêu cô giáo Giao, nhưng cô yêu một anh chàng thăm dò địa chất, cũng người miền xuôi lên. Chuyện ân ái của cô và người yêu bên suối bị học trò bắt gặp. Và hậu quả là sau đó bọn học trò lớp cô Giao nghỉ gần hết vì cho rằng cô giáo như thế là xấu.
Cô giáo còn lại (Minh) đem lòng yêu ông hiệu trưởng, nhưng không được đáp lại, cô tự ái bỏ về xuôi.
Không còn cô giáo nào, ông hiệu trưởng phải một mình cáng đáng hai lớp học gồm khoảng mấy chục học trò với trình độ mới ở mức tập đọc, chính tả, và định nghĩa góc nhọn. Nhưng cố gắng đến mấy, ông cũng không thể nào dạy nổi, ông chỉ biết hát dân ca và cho đọc lại những gì các cô giáo đã dạy. Trường học miền núi thế là tan.
Ðó là phim "Thung Lũng Hoang Vắng", mà trong brochure giới thiệu là "một bài thơ về nỗi cô đơn nhưng rất nhân bản". Xem rồi lại nhớ một bộ phim của đạo diễn Pháp, Bertrand Tavernier - phim "Bắt Ðầu Từ Ngày Hôm Nay......", nói về công việc của một thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo vùng mỏ nghèo. Thầy phải đấu tranh với cái tăm tối của phụ huynh, cái thiếu hỗ trợ của chính quyền, và cả cái phá phách của đứa con riêng của vợ thầy. Cái sự cô đơn của thầy là sự cô đơn giữa đông đúc người, của một trí thức đang đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng mà chưa đạt được kết quả. Nhân vật này làm người xem phải giật mình, tự hỏi rằng mình lâu nay đã thực sự sống cho ra sống chưa, khi chỉ dùng năng lực và kiến thức của mình vào những công việc có ích cho riêng bản thân.
Nhưng để làm cho người xem giật mình và soi lại bản thân, thì đầu tiên, ông hiệu trưởng của Tavernier phải là một người giỏi trong chuyên môn cái đã. Chúng ta hay nói, có đức mà phải có tài. "Tài" đâu nhất thiết phải tài năng bẩm sinh, hơn người, mà đây chính là cái mà ông André Maurois đã viết, đó là sự đi đến tận cùng trong công việc mình làm, trong việc mình được giao, không thể lấy "miệng mồm đỡ chân tay", hay chân tay đỡ trí não được. Và đó lại là phẩm chất mà ông Tành của "Thung Lũng Hoang Vắng" thiếu hoàn toàn.
Nếu như trong phim "Thung Lũng Hoang Vắng", các cô giáo chỉ gọi "anh Tành ơi" mà không gọi là "thầy hiệu trưởng ơi" thì người ta đã nghĩ ông Tành chỉ là một người làm tạp vụ tốt bụng trong trường: sáng ra đánh kẻng vào lớp, vận động học trò đến lớp; đi chợ mua rau, thắp đèn dầu, sửa mái lá... Chắc rằng thầy giáo miền núi thì phải làm kiêm nhiều thứ hơn thầy giáo miền xuôi, nhưng cái ông Tành này, ngoài những việc nêu trên, hoàn toàn không thấy có một phẩm chất gì thuộc về chuyên môn nhà giáo, chưa nói gì đến chuyên môn hiệu trưởng. Chưa bao giờ thấy ông đọc sách, kiểm tra giáo án. Buổi tối thì ông uống rượu (trong khi các cô giáo phải vào bản dạy lớp tối), hoặc ông sang phòng giáo viên nữ ngồi thừ ra làm người ta khó xử. Cái tốt của ông đi kèm cái dốt và tình cảm lộ liễu, nếu tôi mà là giáo viên như Giao, như Minh, ở một nơi hoang vắng như thế, chắc tôi đã phải gai người.
Xem phim xong, cứ thắc mắc hoài, vì sao một người như ông Tành, chịu bao nhiêu năm xa quê để sống với ngôi trường miền núi, tâm huyết đến mức khó tin với việc làm sao cho học trò tới lớp như thế, mà lại bàng quan với những gì học trò học trong lớp đến vậy. Và một thầy hiệu trưởng mà sao dốt thế không biết! Ông này học trường nào ra? Ai cử ông làm hiệu trưởng? Hay là Bộ giáo dục (trong phim) thấy ông dốt mà tốt, Bộ cử ông làm cái chức này, để Bộ dễ bắt nạt và bỏ mặc ông?
Ra khỏi phòng chiếu rồi còn thấy thương. Cái sự cô đơn của ông Tành, quả thực chẳng bao giờ giải quyết được đâu, trừ khi cho ông lấy cô Giao, hoặc cho ông về miền xuôi (nhưng phải tiếp tục làm hiệu trưởng, trong một ngôi trường có nhiều việc tay chân để làm).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)