Tiếng gọi cải tổ từ nhà tiên tri
Nouriel Roubini đã lập luận trong tác phẩm của mình rằng Hoa Kỳ phải tận dụng cuộc khủng hoảng gần đây như một cơ hội để tiến hành cuộc cải tổ sâu sắc đối với hệ thống tài chính.
Là người bi quan triền miên trong thế giới kinh tế học ảm đạm, ông được đặt biệt danh "Tiến sĩ Tận Thế." Năm 2008, lời tiên tri trước đó hai năm của ông đã ứng nghiệm trong sự choáng váng và sợ hãi của toàn thế giới - hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo bên bờ vực thẳm.
Trong một buổi nói chuyện tại IMF năm 2006, Nouriel Roubini đã tiên đoán "sự bùng nổ nhà đất Mỹ" sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái tại quốc gia này và trên toàn thế giới: những chủ sở hữu nhà đất sẽ vỡ nợ, hàng tỷ đô-la chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp sẽ trở thành giấy vụn, các định chế tài chính sẽ lung lay và một cơn sóng thần tài chính sẽ nhấn chìm toàn thế giới.
Giờ đây, trong cuốn sách mới Crisis Economics (tạm dịch Kinh tế học Khủng hoảng), viết chung với nhà báo, Giáo sư sử học Stephen Mihm, cây bút kỳ cựu của tạp chí The New York Times, Roubini, Giáo sư kinh tế giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, đã tận dụng khả năng truyền đạt của người thầy để đem đến cho các độc giả không chuyên một bài giảng ngắn gọn, rõ ràng và hấp dẫn về nguyên nhân và hậu quả của cuộc đại khủng hoảng năm 2008.
Dù đôi chỗ độc giả có thể không hài lòng với cách ông tự tán dương mình ("lời tiên tri của Roubini thật độc nhất vô nhị và đầy ý nghĩa: không nhà kinh tế nào trên thế giới nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng gần đây với cùng mức độ rõ ràng và cụ thể"), nhưng phân tích của ông về cơn đại hồng thủy này cũng như cách ông đặt nó trong bối cảnh lịch sử sẽ sớm xóa đi mọi hoài nghi của bạn đọc.
Và có thể độc giả sẽ muốn Roubini đi sâu hơn vào một số điểm nhất định - thí dụ, tại sao ông cho rằng sự hồi phục của nền kinh tế thế giới hiện nay giống hình chữ "U" hơn là hình chữ "W" do chính ông từng đề xuất. Tuy vậy, Kinh tế học Khủng hoảng thực sự là một cuốn sách thiết yếu dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu về sự đóng băng của hệ thống tài chính toàn cầu mùa thu năm 2008 và những điều sắp xảy ra trong những năm tháng tiếp theo nếu như các chương trình cải tổ nghiêm túc và các quy định mới không được hỗ trợ thực thi.
Thay vì áp đặt lý thuyết suông lên các sự kiện, Roubini tiếp cận lịch sử theo phương pháp trung lập và căn bản. Ông chọn một số điểm trong tư tưởng của các nhà kinh tế thuộc các trường phái khác nhau, thí dụ John Maynard Keynes và Joseph Schumpeter. "Quan điểm của cả hai trường phái có thể được trung hòa để giải quyết vấn đề hiện nay chúng ta đang phải đối mặt,"ông viết.
"Thực tế, để khắc phục thành công cuộc khủng hoảng gần đây cần có phương pháp tiếp cận thực tế tận dụng cả hai trường phái: trong khi việc thúc đẩy tiêu dùng, các gói cứu trợ, sự hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ có thể đem lại hiệu quả trong ngắn hạn, cần thiết phải tính toán xa hơn trong dài hạn để nền kinh tế trở lại thịnh vượng."
Dẫn người đọc qua lịch sử nhiều thế kỷ của chủ nghĩa tư bản, Roubini chỉ rõ các chu kỳ phát triển và bùng nổ của nó hoàn toàn có thể tiên đoán được, từ sự xuất hiện của các bong bóng tài sản tới sự sụp đổ lan sang các nước khác. "Thiếu minh bạch, đánh giá thấp rủi ro và nhận thức hạn chế về phản ứng của các sản phẩm tài chính mới trước áp lực nặng nề là các vấn đề thường thấy trong nhiều cuộc khủng hoảng từ quá khứ tới hiện tại."
Theo quan sát của Roubini quan sát, cuộc khủng hoảng năm 2008 không bắt nguồn từ các khoản cho vay thế chấp xấu dưới chuẩn hoặc một loại bong bóng nhà đất đơn thuần mà do các áp lực lớn hơn đã tích tụ suốt nhiều năm. Không chỉ có sự thất bại của chính phủ trong việc kiểm soát các sản phẩm tài chính mới như công cụ phái sinh, sự xóa bỏ các quy tắc ngân hàng được lập ra từ thời Đại khủng hoảng (cùng với việc Phố Wall xâm phạm các quy tắc còn lại) đã dẫn đến sự hình thành "một hệ thống ngân hàng mờ ám khổng lồ" nằm ngoài mọi sự giám sát điều hành.
Trong khi đó, hệ thống tiền thưởng được nhiều công ty tài chính áp dụng đã thúc đẩy việc theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn và rủi ro quá mức; thậm chí khi lãi suất thấp, chính sách tiền tệ mở của Fed dưới sự điều hành của Alan Greenspan cũng khuyến khích sự gia tăng đòn bẩy tài chính và nợ.
"Vào mùa xuân năm 2006", Roubini viết, "sự phụ thuộc quá mức vào đòn bẩy của hệ thống tài chính và đức tin mù quáng rằng giá tài sản sẽ tiếp tục tăng là tiền đề cho một sự sụp đổ quy mô lớn". Trong khi một số nhà quan sát của Phố Wall cho rằng sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9 năm 2008 - hay thất bại của chính phủ nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó - là điểm mấu chốt dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống domino trên toàn cầu, Roubini nhận định sự kiện này không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng mà đúng hơn là "dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của nó." Ông lập luận, phần lớn những gì xảy ra trong những ngày và tuần kế tiếp "là không thể tránh khỏi" kể từ thời điểm đó.
Nhằm tránh để mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chính phủ Hoa Kỳ (cùng với các chính phủ khác trên thế giới) tung ra thứ mà Roubini gọi là "một chiến dịch đáng sợ và gây sốc nhằm chống lại khủng hoảng" chưa từng có tiền lệ. Fed "đảm nhận vai trò lịch sử của nó - người cho vay cuối cùng," bằng cách "tung ra sợi dây cứu tính thanh khoản cho hết định chế tài chính này đến định chế tài chính khác," và cuối cùng cũng trở thành nhà đầu tư "cứu cánh cuối cùng," "bước vào thị trường nợ chính phủ để bơm thanh khoản thông qua biện pháp nới lỏng định lượng."
Ngoài ra chính phủ "đã trở thành một cổ đông của các doanh nghiệp, mua cổ phiếu và bơm thêm vốn để đổi lấy cổ phần," "mở các gói cứu trợ tức thời dành cho các ngân hàng tư nhân, chủ sở hữu nhà đất và nhiều đối tượng khác" và "thậm chí sẵn sàng trợ cấp việc mua lại các tài sản xấu với hy vọng điều này có thể giúp khôi phục lại niềm tin."
Tất cả các biện pháp tài chính tiền tệ đã đi đúng hướng trong khoảng thời gian hai năm tiếp theo - dù còn lúng túng và chưa hoàn hảo. "Phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính mang mọi hình vẻ của một cuộc rút lui khỏi chiến trường," Roubini quan sát, "nhưng cuối cùng có vẻ nó đã phát huy tác dụng: chủ nghĩa tư bản không sụp đổ, số phận của quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề Iceland không phải số phận chung của thế giới."
Điều này tất nhiên là tin tốt. Tin xấu là: chúng ta đã phải mua sự ổn định bằng mức giá khổng lồ: "Cộng tất cả các gói cứu trợ, bảo lãnh, kích cầu và các chi phí quản lý khủng hoảng khác, khoản nợ công của Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội. Các khoản thâm hụt trong thập niên tới dự kiến sẽ lên tới 9.000 tỷ hoặc nhiều hơn."
Theo quan sát của Roubini, khoản thâm hụt khổng lồ của Mỹ (ngày càng trầm trọng hơn do các gói cứu trợ gần đây và động thái cắt giảm thuế của chính quyền George W. Bush) cùng các khoản vay nợ nước ngoài ngày càng lớn hơn đem lại nhiều nguy hiểm và kém bền vững, có thể dẫn tới sự giảm giá của đồng đô-la và xói mòn dần quyền lực của nước Mỹ trên vũ đài quốc tế.
Giống như nhà kinh tế Joseph E. Stiglitz viết trong cuốn sách gần đây của ông mang tựa đề Freefall (tạm dịch: Rơi tự do), Roubini đã lập luận trong tác phẩm của mình rằng Hoa Kỳ phải tận dụng cuộc khủng hoảng gần đây như một cơ hội để tiến hành cuộc cải tổ sâu sắc đối với hệ thống tài chính.
Ông tuyên bố rằng các hãng quá-lớn-để-sụp-đổ như Citigroup và Goldman Sachs cần phải bị để cho phá sản; sự chồng chéo của các cơ quan quản lý (đã tạo ra tính phi hiệu quả và các lỗ hổng cho các ngân hàng lợi dụng) phải nhường chỗ cho một hệ thống giám sát chặt chẽ và tập trung hơn và một "phiên bản tăng cường" của Đạo luật Glass-Steagall (tách biệt ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư) cần được thông qua.
Roubini kết luận cải tổ toàn diện là cần thiết "để có thể kiểm soát được hệ thống tài chính." Chỉ chắp vá với những qui định hiện tại là việc làm ngớ ngẩn, bởi căn bệnh nền kinh tế mắc phải đã quá trầm kha.
"Như chúng tôi nói rõ trong toàn bộ cuốn sách này," ông viết, "cuộc khủng hoảng lần này không chỉ là hậu quả của việc cho vay thế chấp dưới chuẩn mà đúng hơn nó là hậu quả của một hệ thống tài chính dưới chuẩn. Từ cơ chế bồi thường méo mó tới các cơ quan tham nhũng, hệ thống tài chính toàn cầu đã bị mục nát từ trong ra ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính chỉ đơn thuần lột đi làn da trơn tru, bóng bẩy ra khỏi thứ đã trở thành một mớ hổ lốn bên trong suốt những năm qua."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá