Sự Bí ẩn của Tư bản
>> Tải file:(Download .PDF file, 1.62 Mbytes)
Lời giới thiệu
Bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thứ năm* của tủ sách SOS2. Cuốn Sự Bí ẩn của Tư bản (The Mystery of Capital) của tác giả Hernando de Soto xuất bản lần đầu năm 2000.
Hernando de Soto là một học giả người Peru, một nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại, ông tự hào là người từ Thế giới Thứ ba, toàn bộ hoạt động của ông và của Institute for Liberty and Democracy mà ông sáng lập và lãnh đạo nhằm tìm cách tạo cơ hội cho những người nghèo. Ông và các cộng sự của ông phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp của những người nghèo, đấu tranh và, quan trọng hơn, vạch ra cho các chính phủ nên cải cách hệ thống pháp luật ra sao để mang lại lợi ích, trước hết là những cơ hội, cho những người nghèo. Phát hiện mang tính cách mạng của ông là những lí giải về nguồn gốc của tư bản, vạch ra rằng hệ thống quyền sở hữu và các luật và thể chế liên quan chính là môi trường sống của tư bản, là các cơ chế, các quá trình biến các tài sản thành tư bản, duy trì cuộc sống của tư bản và tăng cường năng lực của nó để làm ra của cải ngày càng nhiều hơn. Không có các hệ thống pháp luật như vậy thì không có nền kinh tế thị trường hiện đại hiệu quả. Ông cũng phác thảo ra những chỉ dẫn ban đầu cho các nhà chính trị, các nhà lập pháp làm thế nào để xây dựng các hệ thống pháp luật như vậy.
Theo nghĩa đen của từ, ông là một nhà phân tích hệ thống, một kiến trúc sư phần mềm tài ba. Chính trong ý nghĩa này, tôi muốn làm rõ tên của tủ sách SOS2 . SOS2là gì? Nhiều bạn đọc thắc mắc. Phải chăng nó là rất khẩn cấp vì có mũ bình phương. Hiểu như vậy cũng được, nhưng ý nghĩa thật của nó, thứ lỗi cho bệnh nghề nghiệp, là “Social Operating System Software”, tức là “Phần mềm Hệ Điều hành Xã hội”. Những người quen biết với các hệ thống tin học đều biết phần mềm là quan trọng nhất trong một hệ thống, và phần mềm hệ điều hành là phần cốt lõi nhất. Xã hội cũng có thể xem như một hệ thống và phần mềm hệ điều hành chính là luật cơ bản, là những qui chế, tập quán, truyền thống…, qui định ứng xử chính của các thành viên (cá nhân, tổ chức) trong xã hội. Với ý nghĩa đó, tôi chọn lọc các tác phẩm mà tôi nghĩ là quan trọng đối với những người viết phần mềm xã hội ở Việt nam [thực ra, những người làm phần mềm tài ba này lại chính là nhân dân], dịch chúng ra tiếng Việt và tổ chức xuất bản chúng. Tôi nghĩ đó là một việc làm bổ ích cho đất nước.
Vấn đề quyền sở hữu dường như là một vấn đề cấm kị ở Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua. Nói đến nó người ta rất ngại, viết về nó có thể là nguy hiểm. Khi chất vấn tôi về việc dịch và tổ chức xuất bản hai cuốn sách của Kornai, một cảnh sát văn hoá hỏi tôi còn chuẩn bị cuốn sách nào không. Khi nghe tôi nói cuốn sách này bàn về vấn đề sở hữu, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao anh ta nói ngay đại ý là “đó là vấn đề nhạy cảm vì nó đụng đến bản chất của chế độ!” Tâm lí chung là như vậy. Song đó là một sự ngộ nhận nguy hại. Các văn bản quan trọng nhất của Việt Nam đều không qui định như thế. Điều 12 của Hiến Pháp 1946 ghi rõ “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt nam được đảm bảo”. Các điều 14, 15, 16 và 18 của Hiến Pháp năm 1959 cũng đảm bảo những quyền tư hữu của nông dân, thợ thủ công, các nhà tư sản và mọi công dân. Hiến Pháp 1980 thực tế đã xoá bỏ kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản, song điều 27 vẫn bảo hộ quyền sở hữu của công dân về “thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ”. Hiến Pháp 1980 có lẽ là tồi tệ nhất xét theo khía cạnh sở hữu. Hiến Pháp 1992 có cởi mở hơn song vẫn chưa bằng Hiến Pháp 1959 và còn thua xa Hiến Pháp 1946. Điều 58 của Hiến Pháp 1992 viết “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác;…”. Ấy thế mà người ta vẫn sợ, vẫn ngại nói về vấn đề này, đó là chưa nói đến đất đai, hầm mỏ và các tài nguyên khác.
Về đất đai, hay nói rộng hơn về bất động sản, đây là nguồn tài sản khổng lồ. Bất động sản là một nguồn tài sản khổng lồ chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng tài sản. Sử dụng nó ra sao liên quan đến luật đất đai và quyền sở hữu nói chung và được phân tích kĩ lưỡng trong cuốn sách này. Hiến Pháp 1946 không đề cập đến đất đai, nhưng từ Hiến Pháp 1959 đến Hiến Pháp 1992 đều qui định đất đai, hầm mỏ thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay ở Việt Nam công dân và các tổ chức có quyền sử dụng đất. Theo luật, quyền này bao gồm quyền hưởng giá trị thặng dư do tài sản tạo ra; quyền chuyển nhượng, thừa kế; và quyền quản lí tài sản. Thực ra, tên gọi của nó là quyền sở hữu, hay quyền sử dụng không phải là cái chính, quan trọng là nội dung của nó. Tất nhiên, nếu ta gọi như cả thế giới dùng là quyền sở hữu thì vẫn hơn. Độc giả có thể xem các trang 60-63 của cuốn sách thứ hai của tủ sách để hiểu rõ khái niệm quyền sở hữu. Tôi hi vọng đọc xong cuốn sách này những nhà lập pháp Việt Nam có thể thay đổi lập trường của mình về vấn đề này và tạo ra một luật đất đai phù hợp. Đặc biệt khi suy ngẫm về độ lớn của bất động sản, bởi vì, theo de Soto (trang 86) “bất động sản chiếm khoảng 50 phần trăm của cải của các nước tiên tiến; ở các nước đang phát triển con số này là gần ba phần tư”. Không có luật phù hợp để huy động tối đa tiềm năng của 75% của cải này của quốc gia thì thật nguy hiểm.
Sở dĩ phải nêu dài dòng như trên để thấy cần phải nói, viết, bàn và tranh luận về vấn đề quyền sở hữu. Quan trọng hơn, một trong những đóng góp quan trọng của de Soto, là một hệ thống quyền sở hữu được thiết kế tốt, có thể tiếp cận được cho tất cả mọi người, cùng với những qui định pháp lí liên quan chính là những cái giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu: “Dân giầu; nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
Quyển sách không chỉ bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà lập pháp, các quan chức nhà nước mà còn bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, những người làm công tác ngân hàng, tài chính, các nhà báo, các doanh nhân, sinh viên và những người quan tâm khác.
Tôi cảm ơn các ông Lâm Hoàng Lộc và Lê Trọng Nhi, các chuyên gia tài chính, đã lưu ý tôi về cuốn sách này và giúp cho một bản sao.
Tất cả các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch. Tôi đã cố gắng dịch trung thành với nguyên bản và mong cho bản dịch được rõ ràng và dễ hiểu, tuy nhiên do sự hiểu biết có hạn của người dịch chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót, mong được bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ:
Tạp chí Tin học và Đời sống –25/B17 Hoàng Ngọc Phách (Nam Thành Công) Hà nội, hoặc qua điện thư [email protected] hay [email protected] .
Chương I- Năm Điều Bí ẩn của Tư bản
Vấn đề mấu chốt là tìm ra vì sao khu vực đó của xã hội thời xưa, cái tôi sẽ không ngần ngại gọi là tư bản chủ nghĩa, lại phải sống như thể trong một lồng kính* (bell jar), cắt đứt khỏi phần còn lại [của xã hội]; vì sao nó đã không có khả năng mở rộng và chinh phục toàn bộ xã hội? … [Vì sao mà] một tốc độ tạo tư bản đáng kể đã là có thể chỉ ở những khu vực nhất định chứ không phải trong toàn bộ nền kinh tế thị trường của thời ấy?
-Fernand Braudel, The Wheels of Commerce
THỜI ĐIỂM của sự chiến thắng vĩ đại nhất của chủ nghĩa tư bản là thời điểm khủng hoảng. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã chấm dứt sự cạnh tranh chính trị hơn một thế kỉ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản đứng một mình như con đường khả dĩ duy nhất để tổ chức nền kinh tế hiện đại một cách hợp lí. Tại thời điểm này của lịch sử, không một quốc gia có trách nhiệm nào có một sự lựa chọn [khác]. Kết quả là, với mức độ nhiệt tình khác nhau, Thế giới Thứ ba và các quốc gia hậu cộng sản đã cân đối ngân sách của họ, cắt các khoản bao cấp, hoan nghênh đầu tư nước ngoài, và hạ thấp các rào cản thuế quan.
Những nỗ lực của họ được trả bằng sự thất vọng cay đắng. Từ Nga đến Venezuela, nửa thập kỉ vừa qua là một thời kì của sự đau khổ kinh tế, thu nhập bổ nhào, lo âu, và oán giận; của “đói, rối loạn, và cướp phá,” dùng những từ gây nhức nhối của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Trong một bài xã luận gần đây tờ New York Times viết, “Đối với phần lớn của thế giới, thương trường được Phương Tây ca tụng trong ánh hào quang của thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh đã được thay thế bằng sự tàn ác của các thị trường, sự thận trọng đối với chủ nghĩa tư bản, và những mối hiểm nguy của bất ổn định”. Thành công của chủ nghĩa tư bản chỉ ở Phương Tây có thể dẫn đến thảm hoạ kinh tế và chính trị.
Đối với những người Mĩ hưởng cả hoà bình và thịnh vượng, đã là quá dễ để bỏ qua sự rối loạn ở những nơi khác. Làm sao chủ nghĩa tư bản lại có thể bị rắc rối khi mà Trung bình Dow Jones Công nghiệp (DJIA) đang leo lên cao hơn cả Sir Edmund Hillary*? Những người Mĩ nhìn các quốc gia khác và thấy tiến bộ, ngay cả nếu có chậm và không đều. Anh không thể ăn Big Mac ở Moscow, thuê băng video từ Blockbuster ở Thượng Hải, và vào Internet ở Caracas à?
Ngay cả ở Hoa Kì, tuy vậy, linh tính báo điềm gở không thể dập tắt được hoàn toàn. Những người Mĩ thấy Colombia đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến lớn giữa các du kích buôn ma tuý và quân đội đàn áp, một tình trạng nổi loạn khó trị ở nam Mexico, và một phần quan trọng của sự tăng trưởng nhồi nhét của Châu Á phai tàn vào tham nhũng và hỗn độn. Ở Châu Mĩ Latin, sự đồng cảm với các thị trường tự do đang suy yếu dần: Sự ủng hộ tư nhân hoá đã giảm từ 46 phần trăm dân chúng xuống 36 phần trăm vào tháng Năm 2000. Đáng ngại nhất, trong các quốc gia hậu cộng sản chủ nghĩa tư bản đã tỏ ra yếu kém, và những người gắn bó với chế độ cũ sẵn sàng nắm lại quyền lực. Một số người Mĩ cũng cảm thấy rằng, một lí do cho đợt hưng thịnh kéo dài một thập kỉ của họ là phần còn lại của thế giới càng tỏ ra bấp bênh bao nhiêu, thì các cổ phiếu và trái phiếu Mĩ càng hấp dẫn bấy nhiêu như một thiên đường cho tiền tệ quốc tế.
Trong giới kinh doanh của Phương Tây, có sự lo ngại ngày càng tăng rằng sự thất bại của hầu hết phần còn lại của thế giới trong thực thi chủ nghĩa tư bản, cuối cùng sẽ đưa các nền kinh tế giàu có vào suy thoái. Như hàng triệu người đầu tư đã học một cách đau xót từ sự bốc hơi của các quĩ thị trường mới nổi của họ, toàn cầu hoá là một con đường hai chiều: Nếu Thế gới Thứ ba và các quốc gia hậu cộng sản không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Phương Tây, thì Phương Tây cũng chẳng thể thoát ra khỏi rắc rối với họ. Những phản ứng bất lợi đối với chủ nghĩa tư bản cũng đang mạnh lên trong nội bộ các nước giàu. Các cuộc náo loạn ở Seattle khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) họp tháng 12 năm 1999 và vài tháng sau ở Washington D.C. khi diễn ra cuộc họp của IMF/Ngân hàng Thế giới, bất chấp tính đa dạng của những bất bình, đã làm nổi bật lên sự tức giận mà chủ nghĩa tư bản đang lan rộng gây ra. Nhiều người bắt đầu nhớ lại những lời cảnh báo của nhà lịch sử kinh tế Karl Polányi rằng các thị trường tự do có thể va đập với xã hội và dẫn tới chủ nghĩa phát xít. Nhật Bản đang vật lộn với sự đình trệ kéo dài nhất kể từ Đại Suy thoái. Người dân Tây Âu bỏ phiếu cho các nhà chính trị hứa với họ một “con đường thứ ba” từ chối cái mà một quyển sách Pháp bán chạy nhất đã gán cho cái nhãn “L’Horreur économique - kinh tế ghê tởm”.
Những tiếng lào xào báo động này, mặc dù gây lo ngại, đã chỉ đến mức thúc đẩy các nhà lãnh đạo Mĩ và Châu Âu lặp lại cho phần còn lại của thế giới vẫn những bài học chán ngắt: Hãy ổn định đồng tiền của bạn, hãy bám chắc, hãy bỏ qua nạn nổi loạn cướp thực phẩm, và hãy kiên nhẫn đợi các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Đầu tư nước ngoài, tất nhiên, là một việc rất tốt. Càng nhiều, càng tốt. Các đồng tiền ổn định là tốt, cũng như thương mại tự do và các tập quán ngân hàng minh bạch và tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước và mọi phương thuốc khác trong kho dược phẩm Tây Phương. Ấy thế mà chúng ta liên tục quên rằng chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã thử trước rồi. Ở Mĩ Latin, thí dụ, các cuộc cải cách hướng tới xây dựng hệ thống tư bản chủ nghĩa đã được thử ít nhất bốn lần kể từ khi được độc lập khỏi Tây Ban Nha trong các năm 1820. Mỗi lần, sau niềm hân hoan ban đầu, những người Mĩ Latin lại quay ngoắt lưng lại với các chính sách tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Các phương thuốc này rõ ràng là chưa đủ. Thực vậy, chúng thiếu đến mức hầu như chẳng còn thích đáng.
Khi các phương thuốc này thất bại, những người Phương Tây đều quá thường xuyên phản ứng lại, không bằng cách đặt dấu hỏi về sự không thoả đáng của các phương thuốc, mà lại đổ lỗi cho người dân Thế giới Thứ ba không có tinh thần nghiệp chủ hoặc định hướng thị trường. Nếu họ không phồn vinh bất chấp mọi lời khuyên tuyệt vời, là bởi vì có vấn đề gì đó với họ: Họ đã lỡ Phong trào Cải cách Tin lành, hoặc họ bị tê liệt bởi di sản làm cho bất lực của thuộc địa Châu Âu, hoặc chỉ số thông minh, IQ, của họ quá thấp. Nhưng ý kiến rằng chính văn hoá là cái giải thích sự thành công của các địa phương đa dạng như Nhật Bản, Thuỵ Sĩ, và California, và lại cũng văn hoá là cái giải thích sự nghèo khổ tương đối của các địa phương cũng đa dạng ngang vậy như Trung Quốc, Estonia, và Baja California, là tồi hơn tàn ác; nó không thuyết phục. Sự cách biệt về sự giàu có giữa Phương Tây và phần còn lại của thế giới là quá lớn để có thể được giải thích chỉ bằng riêng văn hoá. Hầu hết mọi người đều mong muốn quả ngọt của tư bản - đến mức độ mà rất nhiều người, từ những người con của Sachez đến con cháu của Khrushchev, lũ lượt kéo đến các quốc gia Phương Tây.
Các thành phố của các nước Thế giới Thứ ba và hậu cộng sản đầy rẫy những nhà khởi nghiệp kinh doanh. Anh không thể đi qua một chợ ở Trung Đông, leo qua một làng ở Mĩ Latin, hoặc chui vào một xe taxi ở Moscow mà không gặp ai đó cố gắng thoả thuận một thương vụ với anh. Dân cư ở các nước này có tài năng, lòng nhiệt tình, và một khả năng đáng kinh ngạc để vắt ra lợi nhuận từ hầu như con số không. Họ có thể nắm vững và sử dụng công nghệ tiên tiến. Nếu khác đi, thì các doanh nghiệp Mĩ sẽ chẳng phải đấu tranh để kiểm soát việc sử dụng trái phép các sáng chế của họ ở nước ngoài, Chính phủ Mĩ cũng chẳng phải cố gắng đến như vậy để giữ cho các công nghệ vũ khí hiện đại khỏi lọt vào tay các nước Thế giới Thứ ba. Thị trường là một truyền thống cổ và phổ quát: Chúa Jesus Christ đã xua đuổi các nhà buôn ra khỏi nhà thờ hai ngàn năm trước đây, và những người Mexico đã nói chuyện mang các sản phẩm của họ ra chợ trước xa Columbus đến Châu Mĩ.
Nhưng nếu dân chúng ở các nước đang quá độ sang tư bản chủ nghĩa không phải là những kẻ ăn mày đáng thương, không phải bị mắc kẹt một cách bơ vơ trong những lề thói lỗi thời, và không phải là những tù nhân thiếu đầu óc phê phán của các nền văn hoá bị rối loạn chức năng, thì cái gì là cái ngăn chủ nghĩa tư bản cung cấp cho họ sự giàu có giống hệt như nó đã cung cấp cho Phương Tây? Vì sao chủ nghĩa tư bản thịnh vượng chỉ ở Phương Tây, cứ như là bị đóng trong một cái lồng kính (bell jar) vậy?
Trong quyển sách này tôi có ý định chứng minh rằng chướng ngại chính ngăn phần còn lại của thế giới không được hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản là sự bất lực của nó trong tạo ra (vốn) tư bản. Tư bản là lực lượng làm tăng năng suất lao động và tạo ra sự giàu có của các quốc gia. Nó là huyết mạch của hệ thống tư bản chủ nghĩa, là nền tảng của sự tiến bộ, và là một thứ mà các nước nghèo của thế giới dường như không thể tạo ra cho bản thân mình, bất kể dân chúng của họ làm tất cả các hoạt động khác đặc trưng cho một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa một cách hăng hái đến thế nào.
Tôi cũng sẽ chỉ ra, với sự trợ giúp của các sự thực và các con số mà nhóm nghiên cứu của tôi và tôi đã thu thập được, từ lô (đất) này sang lô khác và từ trang trại này sang trang trại khác ở Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, và Mĩ Latin, rằng hầu hết những người nghèo đã có rồi các tài sản mà họ cần để thành công trong chủ nghĩa tư bản. Ngay cả ở các nước nghèo nhất, những người nghèo dành dụm tiền. Giá trị của các khoản tiết kiệm của những người nghèo, thực ra, là khổng lồ - bằng bốn mươi lần của tất cả các khoản viện trợ nước ngoài đã được nhận trên khắp thế giới kể từ 1945. Thí dụ, ở Ai Cập của cải mà những người nghèo đã tích cóp được lớn gấp năm mươi lăm lần tổng toàn bộ số đầu tư nước ngoài đã được ghi chép ở nước này, kể cả Kênh Suez lẫn Đập Aswan. Ở Haiti, quốc gia nghèo nhất Mĩ Latin, tổng tài sản của những người nghèo lớn hơn một trăm năm mươi lần tổng tất cả các khoản đầu tư nước ngoài ở đây kể từ khi Haiti độc lập khỏi Pháp năm 1804. Giả như nếu Hoa Kì tăng ngân sách viện trợ nước ngoài lên mức mà Liên Hiệp Quốc khuyến nghị - 0,7 phần trăm thu nhập quốc dân- thì nước giàu nhất trên trái đất cần hơn 150 năm để chuyển cho những người nghèo trên thế giới các nguồn lực bằng với số mà họ đã có rồi.
Nhưng họ nắm giữ các nguồn lực này ở các dạng có khiếm khuyết: các ngôi nhà được xây dựng trên đất mà quyền sở hữu không có hồ sơ thoả đáng, các doanh nghiệp không có tính pháp nhân với trách nhiệm không được xác định, các ngành kinh doanh ở nơi mà các nhà tài chính và các nhà đầu tư không thể thấy họ. Bởi vì các quyền đối với những sự chiếm hữu này không được lập hồ sơ thoả đáng, các tài sản này không thể sẵn sàng chuyển thành tư bản được, không thể buôn bán được ngoài phạm vi địa phương hạn hẹp ở nơi người dân biết và tin tưởng lẫn nhau, không thể dùng làm thế chấp cho một khoản vay, và không thể được dùng như cổ phần đối với một khoản đầu tư.
Ở Phương Tây, trái lại, mọi mảnh đất, mọi ngôi nhà, mọi thiết bị, hoặc lượng hàng trong kho đều được trình bày trong một hồ sơ sở hữu tài sản, hồ sơ ấy là dấu hiệu có thể nhận thấy được của một quá trình được che đậy nhưng rộng lớn bao la gắn kết tất cả các tài sản này với phần còn lại của nền kinh tế. Nhờ có quá trình biểu diễn này, các tài sản có thể có một cuộc sống vô hình, song hành cùng với sự tồn tại vật chất của chúng. Chúng có thể dùng làm thế chấp cho tín dụng. Riêng văn tự thế chấp trên cơ sở nhà ở của người chủ khởi nghiệp là nguồn vốn quan trọng nhất cho các doanh nghiệp mới ở Hoa Kì. Các tài sản này cũng cung cấp một mối liên kết tới lịch sử tín dụng của người chủ, một địa chỉ có thể tin cậy được để thu nợ và thu thuế, cơ sở cho việc thiết lập các tiện ích tin cậy và phổ quát, và một nền tảng cho việc tạo ra các chứng khoán (như các trái phiếu bảo lãnh bằng văn tự thế chấp: mortgage-backed bond) những thứ sau đó có thể được chiết khấu và bán trên thị trường thứ cấp. Với quá trình này Phương Tây đưa cuộc sống vào các tài sản và làm cho chúng tạo tư bản.
Các quốc gia Thế giới Thứ ba và hậu cộng sản không có quá trình biểu diễn này. Kết quả là, hầu hết chúng được tư bản hoá thấp (undercapitalized), hệt như một công ti được vốn hoá thấp khi nó phát hành ít chứng khoán hơn so với thu nhập và tài sản của nó có thể biện minh. Các doanh nghiệp của những người nghèo rất giống các công ti không thể phát hành cổ phần hoặc trái phiếu để nhận được đầu tư hay tài trợ mới. Không có cái đại diện, cái biểu diễn, tài sản của họ là tư bản chết.
Dân cư nghèo của các quốc gia này -chiếm năm phần sáu nhân loại– có các thứ, nhưng chúng thiếu quá trình để biểu diễn tài sản của họ và tạo tư bản. Họ có nhà ở nhưng không có giấy chứng nhận sở hữu (title); có cây trồng (crops) nhưng không có chứng thư (deeds); có doanh nghiệp nhưng không có tư cách pháp nhân. Chính sự không sẵn có những chứng thư biểu diễn thiết yếu này là cái giải thích vì sao dân chúng, những người đã làm theo mọi sáng chế khác của Phương Tây, từ chiếc kẹp giấy cho tới lò phản ứng hạt nhân, lại đã không có khả năng tạo ra đủ tư bản để làm cho chủ nghĩa tư bản nội địa của họ hoạt động.
Đây là điều bí ẩn của tư bản. Giải quyết nó đòi hỏi một sự hiểu biết vì sao mà những người Phương Tây, bằng cách dùng các chứng thư đại diện cho các tài sản của họ, lại có khả năng nhìn thấy và rút tư bản từ chúng. Một trong những thách thức lớn nhất đối với đầu óc con người là hiểu và nắm quyền thâm nhập đối với những thứ mà mình biết rằng chúng tồn tại nhưng không nhìn thấy được. Không phải tất cả mọi thứ hữu dụng và thực tế đều là hữu hình có thể sờ mó và nhìn thấy được. Thí dụ, thời gian là thực nhưng nó chỉ có thể được quản lí hữu hiệu khi được biểu hiện bằng đồng hồ hay lịch. Trong suốt quá trình lịch sử, con người đã sáng tạo ra các hệ thống biểu diễn - chữ viết, kí hiệu âm nhạc, kế toán kép - để nắm lấy trí tuệ cái mà bàn tay con người chẳng bao giờ có thể sờ mó tới. Cũng đúng bằng cách đó, các nhà thực hành vĩ đại của chủ nghĩa tư bản, từ những người sáng tạo ra các hệ thống chứng chỉ sở hữu được tích hợp và cổ phiếu công ti đến Michael Milken*, đã có khả năng khám phá ra và rút, chiết xuất tư bản từ những nơi mà người khác chỉ thấy như đồ tạp nham vô dụng bằng cách nghĩ ra những cách thức mới để biểu diễn, trình bày tiềm năng vô hình bị giam hãm trong các tài sản mà chúng ta tích luỹ.
Tại chính thời điểm này ta đang bị bao quanh bởi các làn sóng của truyền hình Ukraina, Trung Quốc, và Brazil mà ta không thể nhìn thấy. Cũng thế, ta đang bị bao quanh bởi các tài sản những cái chứa chấp tư bản một cách vô hình. Đúng hệt như sóng của truyền hình Ukraina là quá yếu để cảm nhận được một cách trực tiếp nhưng có thể, với sự trợ giúp của một TV, được giải mã để nhìn thấy và nghe thấy, cũng như vậy tư bản có thể được vắt ra và xử lí từ các tài sản. Nhưng chỉ Phương Tây có quá trình cần thiết để chuyển đổi cái vô hình thành cái hữu hình. Chính sự khác biệt này là cái giải thích vì sao các quốc gia Phương Tây có thể tạo ra tư bản và các quốc gia Thế giới Thứ ba và hậu cộng sản lại không thể.
Sự thiếu vắng của quá trình này trong các khu vực nghèo của thế giới – nơi hai phần ba nhân loại sinh sống – không phải là hậu quả của âm mưu độc quyền nào đấy của Phương Tây. Nói đúng ra là những người Phương Tây coi cơ chế này là hoàn toàn dĩ nhiên đến mức họ không còn ý thức về sự tồn tại của nó. Mặc dầu là khổng lồ, chẳng ai nhìn thấy nó, kể cả những người Mĩ, người Châu Âu, và người Nhật những người có được sự giàu có của mình nhờ khả năng sử dụng nó của họ. Nó là một kết cấu hạ tầng pháp lí ngầm định được che dấu sâu trong nội bộ các hệ thống sở hữu của họ - trong đó quyền sở hữu chỉ là chóp của tảng băng. Phần còn lại của tảng băng là một quá trình nhân tạo rắc rối cái có thể chuyển đổi tài sản và lao động thành tư bản. Quá trình này không được tạo ra từ một kế hoạch và không được mô tả trong một tập sách mỏng hào nhoáng. Xuất xứ của nó là mờ mịt và tầm quan trọng của nó bị chôn vùi trong vô thức kinh tế của các quốc gia tư bản chủ nghĩa Phương Tây.
Làm sao mà một cái quan trọng như vậy lại có thể tuột khỏi tâm trí của chúng ta? Chẳng hiếm đối với chúng ta để biết dùng các thứ thế nào mà không hiểu vì sao chúng hoạt động. Các thuỷ thủ đã sử dụng la bàn từ tính trước rất xa khi có một lí thuyết tạm đủ về từ học. Những người gây giống động vật đã có một kiến thức tương đối đủ về di truyền học cũng trước xa khi Gregor Mendel giải thích các nguyên lí di truyền. Thậm chí khi Phương Tây phồn vinh nhờ tư bản dồi dào, liệu nhân dân họ có thực sự hiểu biết xuất xứ của tư bản không? Nếu họ không hiểu, luôn luôn còn khả năng là Phương Tây có thể gây tổn hại cho nguồn gốc sức mạnh của chính họ. Hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư bản cũng sẽ chuẩn bị để Phương Tây bảo vệ chính mình và cho phần còn lại của thế giới ngay khi sự thịnh vượng lúc này nhường chỗ cho khủng hoảng điều chắc chắn sẽ đến. Khi đó câu hỏi luôn nổi lên trong các cuộc khủng hoảng quốc tế sẽ được nghe lại lần nữa: Tiền của ai sẽ được dùng để giải quyết vấn đề?
Cho đến bây giờ, các nước Phương Tây đã vui sướng coi hệ thống tạo tư bản của họ là hoàn toàn dĩ nhiên và để cho lịch sử của nó không được ghi chép vào tư liệu. Lịch sử đó phải được phục hồi lại. Cuốn sách này là một nỗ lực để mở lại cuộc thăm dò nguồn gốc của tư bản và như vậy giải thích phải sửa chữa thế nào về những thất bại kinh tế của các nước nghèo. Những thất bại này chẳng có liên quan gì đến những thiếu sót trong di sản văn hoá hoặc di truyền. Liệu có ai gợi ý những nét tương đồng “văn hoá” giữa những người Mĩ Latin và những người Nga? Ấy thế mà trong thập kỉ vừa qua, suốt từ đó cả hai khu vực đã bắt đầu xây dựng chủ nghĩa tư bản mà không có tư bản, họ đã cùng chia sẻ các vấn đề chính trị, xã hội, và kinh tế như nhau: sự bất bình đẳng rành rành, các nền kinh tế ngầm, mafia tràn lan, bất ổn định chính trị, vốn bay ra nước ngoài, coi thường luật pháp trắng trợn. Những rắc rối này không có xuất xứ trong các tu viện của Giáo hội Chính thống hoặc dọc theo những đường mòn của người Inca.
Nhưng không chỉ các nước hậu cộng sản và Thế giới Thứ ba mới chịu đựng tất cả các vấn đề này. Cũng đã đúng vậy với Hoa Kì trong năm 1785, khi Tổng thống George Washington phàn nàn về “bọn kẻ cướp …hớt váng và chiếm đoạt phần tinh hoa của đất nước làm tổn hại đến phần lớn dân chúng”. “Bọn kẻ cướp” này đã là những kẻ “nhảy dù” và các nhà khởi nghiệp kinh doanh nhỏ bất hợp pháp chiếm các lô đất không thuộc sở hữu của họ. Trong một trăm năm tiếp theo, những kẻ chiếm đất ấy đã chiến đấu vì quyền hợp pháp cho đất của họ và những người khai mỏ đã tiến hành chiến tranh vì đòi hỏi của họ bởi luật quyền sở hữu đã là khác nhau từ thị trấn này sang thị trấn khác, từ lều trại này sang lều trại kia. Thực thi các quyền sở hữu đã tạo ra bãi lầy bất ổn xã hội và đối kháng đến như vậy trong khắp nước Mĩ non trẻ đến mức Thẩm phán chính của Toà án Tối cao, Joseph Story, đã tự hỏi năm 1820 liệu các luật sư sẽ có bao giờ có đủ thẩm quyền giải quyết chúng.
Những kẻ chiếm đất, bọn kẻ cướp, và coi thường pháp luật trắng trợn nghe có quen không? Những người Mĩ và người Châu Âu đã thường nói với các nước khác của thế giới, “Các bạn phải giống chúng tôi hơn nữa”. Thực ra, họ rất giống Hoa Kì của một thế kỉ trước, khi nó cũng đã là một nước kém phát triển. Các nhà chính trị Phương Tây một thời đã đối mặt với những thách thức bi thảm hệt như các nhà lãnh đạo của các nước hậu cộng sản và các nước đang phát triển đang đối mặt ngày nay. Nhưng những người kế vị [ở Phương Tây] đã mất liên hệ với những ngày khi những người đi tiên phong mở đường sang miền Tây nước Mĩ đã bị tư bản hoá thấp bởi vì họ hiếm khi có chứng thư sở hữu đối với đất mà họ chiếm và đối với hàng hoá mà họ có, khi Adam Smith còn mua hàng ở các chợ đen ở Anh quốc nơi lũ nhóc bụi đời giật những đồng xu penny do khách du lịch vui cười ném xuống bờ bùn lầy của sông Thames, khi những nhà kĩ trị của Jean-Baptise Colbert hành hình 16.000 nghiệp chủ nhỏ những người chỉ có mỗi tội là sản xuất và nhập khẩu quần áo vải bông vi phạm luật công nghiệp Pháp.
Quá khứ đó là hiện tại của nhiều quốc gia. Các quốc gia Phương Tây đã hoà nhập những người nghèo vào các nền kinh tế của mình một cách thành công đến mức họ đã mất ngay cả kí ức về việc nó đã được tiến hành ra sao, sự tạo ra tư bản đã bắt đầu thế nào? Như nhà sử học Mĩ Gordon Wood đã viết, “đã có cái gì đó lớn lao xảy ra trong xã hội và văn hoá, cái đã giải phóng những khát vọng và sinh lực từ những người dân bình thường như chưa từng bao giờ có trước đây trong lịch sử Mĩ”. “Cái gì đó lớn lao” đã là, những người Mĩ và Châu Âu đã sắp thiết lập luật quyền sở hữu chính thức phổ biến và đang phát kiến ra quá trình chuyển đổi trong luật, cái cho phép họ tạo tư bản. Đây đã là thời điểm khi Phương Tây vượt qua đường ranh giới dẫn tới chủ nghĩa tư bản thành công – khi nó chấm dứt là một câu lạc bộ tư và trở thành một nền văn hoá được nhiều người ưa chuộng, khi “bọn cướp” khiếp đảm của George Washington đã trở thành những người tiên phong yêu quí mà văn hoá Mĩ tôn sùng hiện nay.
* * *
Nghịch lí cũng rõ ràng ở mức như đáng lo: Tư bản, thành phần thiết yếu của sự tiến bộ kinh tế Phương Tây, là cái nhận được sự chú ý ít nhất. Sự sao lãng đã che dấu nó trong bí ẩn - thực ra, trong một loạt của năm điều bí ẩn.
...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh