Trốn thoát tự do
Tên sách: Trốn thoát tự do
Tác giả: Erich Fromm
Dịch giả:
Xuất bản: Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, , 330 tr.
Năm xuất bản: 2007
Số trang: 330 tr
Erich Pinchas Fromm (1900-1980) - nhà phân tâm học người Đức được đánh giá là đại biểu ưu tú nhất của trường phái Freud mới. Trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, ông đã để lại khá nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có những cuốn sách được xếp vào hàng best seller ở phương Tây. Và, Trốn thoát tự do (1941) là một trong số đó.
Tự do của con người đã, đang và sẽ luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của các nhà tư tưởng. Có thể nói, nếu con người là đề tài trung tâm của mọi thời đại, là nguồn hứng khởi chủ yếu cho những suy tư triết học, thì tự do của con người chính là mục đích cuối cùng của những suy tư ấy. Trong lịch sử, vấn đề tự do đã được các nhà tư tưởng lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Từ góc nhìn tâm lý học xã hội, trong Trốn thoát tự do, E.Fromm đã "tập trung vào khía cạnh vốn là điểm cốt yếu của những cuộc khủng hoảng văn hóa, xã hội trong thời đại chúng ta: ý nghĩa của tự do đối với con người hiện đại" (Lời tựa, tr.5).
Ngay từ tựa đề Trốn thoát tự do, tác giả đã chỉ ra một nghịch lý. Tự do là đích ngắm mà mọi người đều hướng đến, và nhiều khi người ta phải đấu tranh để giành lấy nó. Vậy thì tại sao lại phải chạy trốn tự do? Phải chăng thứ tự do ấy là bất cập? Nghịch lý ấy đã được tác giả giải quyết một cách thỏa đáng trong cuốn sách này.
Cuốn sách gồm 7 chương và Phụ lục.
Chương 1 có tựa đề Tự do - một vấn đề tâm lý. Trong chương này, trước hết, tác giả khẳng định vấn đề cơ bản của tâm lý học xã hội là vấn đề bản chất con người. Tác giả viết: "Bản chất con người không phải là một tổng thể những khuynh hướng bẩm sinh và đã được định sẵn về mặt sinh học, cũng không phải hình bóng vô hồn của những kiểu mẫu văn hóa trong đó nó tự thích ứng một cách trôi chảy; nó là sản phẩm của loài người, nhưng nó còn có những cơ cấu và quy luật cố hữu nào đó" (tr.26-27). Từ cách tiếp cận tâm lý học xã hội, tác giả luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ "động" giữa cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra những yếu tố "bất di bất dịch" trong bản chất của con người là "sự cần thiết phải thỏa mãn những thôi thúc về sinh lý và nhu cầu trốn tránh sự cô đơn về tinh thần" (tr.27). Từ đó, tác giả nêu lên chủ đề chính của cuốn sách: "Con người, càng đạt được tự do theo ý nghĩa là bộc lộ chân tính độc đáo giữa con người và thiên nhiên thì càng trở nên một "cá thể riêng biệt", sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự hòa hợp với thế giới trong sự tự nguyện tha thiết và trong hoạt động sáng tạo hay cố tìm cho được sự yên thân bằng những sợi dây trói buộc với thế giới khi hủy hoại tự do và toàn thể bản ngã độc đáo của mình" (tr.27).
Chương tiếp theo có tên Sự xuất hiện của cá nhân và sự mơ hồ của tự do. Nội dung chính của chương 2 này là làm rõ con người với tư cách một cá nhân đã xuất hiện như thế nào? Tác giả chỉ ra rằng, chừng nào con người còn thống nhất với giới tự nhiên thì khi ấy, nó với tư cách cá nhân vẫn chưa tồn tại.
Về phương diện lịch sử, tác giả cho rằng, "thời kỳ cải cách (tức thời kỳ Cải cách tôn giáo ở châu Âu - N.V.P) là khởi thủy của ý tưởng tự do và quyền tự trị của con người đúng như nó được đại diện trong nền dân chủ hiện đại"(tr.45).
Chương 3 có tên Tự do trong thời kỳ cải cách tôn giáo. Trong chương này, tác giả đã phác họa bức tranh toàn cảnh về con người trong thời Trung cổ và Phục hưng. Từ đó, tác giả nhận định, "xã hội trung cổ không tước đoạt cá tính trong tự do của hắn, bởi lẽ "cá tính hãy còn chưa tồn tại; con người vẫn còn liên hệ với thế giới bằng những mối dây ràng buộc ban sơ. Hắn vẫn chưa tự xem mình như là một cá nhân ngoài vai trò của mình trong xã hội" (tr.49). Và, chính sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản đã góp phần giải phóng và mang lại tự do cho cá nhân. Tuy nhiên, khi cá nhân được giải thoát khỏi thời kỳ Trung cổ, thì nó lại cảm thấy sự hoang mang và bất an ngày càng gia tăng. Tác giả đã dành toàn bộ phần sau của chương 3 để phân tích ý nghĩa tâm lý trong những học thuyết chủ yếu của đạo Tin Lành (cụ thể là của Luther và Calvin) với tư cách các giải pháp cho những nhu cầu tinh thần vốn nảy sinh từ sự đổ vỡ của xã hội Trung cổ và sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản. Chính những học thuyết tôn giáo mới này là tiền đề cho quan điểm hiện đại về tự do của con người.
Hai phương diện của tự do đối với con người hiện đại là tiêu đề của chương 4. Về mục đích của chương này, tác giả viết: "Tôi muốn chứng tỏ rằng sự phát triển xa hơn nữa của xã hội tư bản chủ nghĩa đã tác động đến cá nhân theo phương hướng vốn đã diễn ra từ thời kỳ cải cách" (tr.118). Để đạt được mục đích đó, tác giả đã phân tích sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản trong thời hiện đại, đồng thời chỉ ra tác động hai chiều của nó lên tự do của con người. Một mặt, chủ nghĩa tư bản đã "giải phóng con người khỏi những ràng buộc truyền thống.., góp phần to lớn đến sự thăng tiến tự do tích cực, đến sự phát triển của một tính cách tự thân hành động, suy xét và trách nhiệm" (tr.123); mặt khác, nó cũng "biến con người thành công cụ cho những mục tiêu kinh tế vượt trên cá nhân, và tăng cường sự vô nghĩa nơi cá nhân" (tr.129). Tuy nhiên, trong hai phương diện của tự do này, khuynh hướng tiêu cực ngày càng gia tăng, trong khi khuynh hướng tích cực thì "chẳng còn mấy quan trọng". Vì thế, khi mô tả tình cảnh con người hiện đại, tác giả cho rằng, trong thời kỳ độc quyền của chủ nghĩa tư bản, "nỗi cô đơn, sợ hãi, và bị bỏ lại trong hoang mang khiến con người không thể chịu đựng thêm nữa. Họ không thể tiếp tục chịu đựng gánh nặng của tự do "được giải thoát"; họ phải cố thoát ra khỏi tự do hay ít ra có thể tiến đến tự do đích thực từ tư do tiêu cực" (tr.151). Vậy, con người chạy trốn tình trạng bi kịch ấy bằng cách nào?
Chương 5 có tên Những cơ chế đào thoát. Trong chương này, tác giả đã tập trung phân tích khía cạnh tâm lý trong những cơ chế đào thoát khỏi tự do của con người - đó là cơ chế độc tài, tính chất phá hoại và sự tuân thủ máy móc. Cơ chế đào thoát thứ nhất (chế độ độc tài) có những hình thức biểu hiện là khổ dâm và ác dâm. Tác giả cho rằng, "cả hai khuynh hướng đều là sự giải thoát khỏi tình trạng cô đơn không chịu nổi" (tr.159), "đều là kết quả của một nhu cầu cơ bản xuất phát từ việc không có khả năng chịu đựng nỗi cô đơn và yếu đuối của cá nhân(tr.176). Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định, "trong cả hai trường hợp, tính toàn vẹn của bản ngã cá nhân đều bị đánh mất.., chân tính và tự do đều mất đi"(tr.177). Cơ chế đào thoát thứ hai (tính chất phá hoại) nhắm đến việc loại trừ đối tượng. Cơ chế thứ ba (sự tuân thủ máy móc), theo tác giả, là giải pháp quan trọng nhất về mặt xã hội, là giải pháp mà phần lớn các cá nhân bình thường đều tìm thấy trong xã hội hiện đại. Trong "cơ chế đặc biệt" này (từ dùng của tác giả), "cá nhân không còn là chính mình nữa; hắn hoàn toàn mô phỏng theo dạng tính cách mà những kiểu mẫu văn hóa mang lại cho hắn" (tr.205).
Trong chương 6 - Tâm lý học chủ nghĩa quốc xã và chương 7 - Tự do và nền dân chủ, qua việc phân tích những đặc điểm tâm lý của chủ nghĩa quốc xã và của nền dân chủ hiện đại, tác giả tiếp tục thảo luận sâu hơn về hai cơ chế chạy trốn tự do đã được đưa ra trong chương 5 - đó là tính độc đoán và tính máy móc. Theo đó, tính độc đoán tương ứng với hệ tâm lý của chủ nghĩa quốc xã, còn tính máy móc liên quan đến bối cảnh văn hóa trong nền dân chủ hiện đại. Từ sự phân tích những hạn chế của các phương thức chạy trốn tự do trong thời hiện đại, tác giả đã đi đến một khẳng định lạc quan rằng, "chúng ta tin là có một giải đáp tích cực.., con người có thể được tự do nhưng không cô đơn, có thể suy xét mà không bị tràn ngập trong hoài nghi, độc lập nhưng cũng là bộ phận không thể tách rời của nhân loại... Nói cách khác, tự do đích thực cốt ở nơi hoạt động tự ý của một nhân cách toàn vẹn hợp nhất" (tr.284). Đây chính là mục đích cao nhất, mục đích cuối cùng của tác giả khi viết cuốn sách này.
Ở phần Phụ lục - Tính chất và tiến trình xã hội, khi đưa ra khái niệm mới là "tính cách xã hội" cũng như qua việc so sánh nó với một số cách tiếp cận khác (của Sigmund Freud, của Max Weber...), tác giả đã chỉ rõ nguyên tắc nghiên cứu của mình về nền tảng con người của văn hóa được trình bày trong cuốn sách. Nguyên tắc đó, theo tác giả, là "hệ tư tưởng và văn hóa nói chung bắt nguồn từ tính cách xã hội; và tự thân tính cách xã hội được nhào nặn bởi phương thức tồn tại của một xã hội nhất định; và rằng đến lượt mình, những nét tính cách nổi bật trở thành những động lực hữu ích định hình tiến trình xã hội" (tr.326).
Từ những nội dung được luận giải xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, chúng ta thấy rằng, tác giả đã thể hiện một cách tiếp cận mới mẻ và đặc sắc về ý nghĩa của tự do đối với con người hiện đại. Có thể xung quanh những phân tích của tác giả còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, song, Trốn thoát tự do của Erich Fromm vẫn sẽ là một tài liệu quý dành cho những ai quan tâm.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Cố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Biển Đông và hải đảo Việt Nam
06/08/2010Linh hồn của tiền
30/07/2010Tác giả: Lynne Twist. Dịch giả: Hoàng Anh. Thanh Hà. NXB Hà NộiKhảo lược Adam Smith
29/07/2010Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật
14/07/2010Như HuyTôi tự học
20/06/2010Thu Giang - Nguyễn Duy CầnHiện tượng “Thiên nga đen” và một thế giới đầy bất định
23/05/2010Trần Nam Phương