Thói hư tật xấu của người Việt: Thiếu tri thức, học vụ lợi, dễ tầm thường
Thiếu người trí thức dẫn đường
(Phan Chu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây, năm 1925)
Tôi thường thấy ở mình kẻ nào khôn hơn chút đỉnh, giao thiệp với người kém hơn chút đỉnh, thuần chỉ nói dối. Đứa “ăn cắp có giấy”, đứa ăn cắp chưa có cấp bằng cũng đều một mực như thế cả. Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, nhắm lại mình chưa khỏi hai chữ “đầy tớ người” mà khi ra đới với đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo là thầy đây! Ta là ông đây! Chứ không có tự nghĩ cho rằng: Thầy đây, ông đây đã làm được điều ích lợi cho bọn chân lấm tay bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức nước nhà trụy lạc nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không giám theo các ông cũng là phải. Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chế độ chuyên chế tạo ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không có gì là lạ.
Quá vụ thực trong sự học
(Phạm Quỳnh Thư, Gửi bạn, năm 1919)
Coi như nước ta văn hiến đã từ bao giờ, tuy những bậc hiền nhân quân tử chẳng thiếu gì mà trước sau gọi là bậc đại gia triết học có người nào? Chỉ vì cái quan niệm về sự học vấn tư tưởng của các cụ ta ngày xưa thực quá, học để mà làm chứ không học để cho biết, cho nên sự học không ra ngoài phạm vi việc làm, không siêu việt được lên cõi lý tưởng cao thượng thuần túy như ở các nước văn minh khác, đó cũng là khuyết điểm trong văn hóa của ta vậy.
Một đẳng cấp nho sĩ trì trệ
(Lương Đức Thiệp, xã hội Việt Nam, năm 1944)
Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị ngụy thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực(1) nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa. Bởi vậy họ đã chống tiến hóa, chống cải cách. Phụ họa với triều đình, họ đã lấy cái học bã giả(2) của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn các trào lưu triết học khác, không cho tràn tới địa hạt tri t hức do họ giữ đặc quyền.
Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân TrungHoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí.
Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh thần bảo thủ của đẳng cấp nho sĩ và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi cuộc sống sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.
(1) Sức sống
(2)Thường nói bã chã, với nghĩa cái phần dư thừa sau khi lấy hết tính chất và thường nát ngấy nhão nhoẹt
Cả người có học cũng dễ trở nên tầm thường
(Đinh Gia Trinh, Học khoa cử, Thanh Nghị, năm 1944)
Coi sự giật bằng là cứu cánh, coi học vấn là phương tiện nên sau khi nhờ bằng cấp đưa nên tài danh vọng, người ta liền vứt sách cho vở. Rồi lâu dần không hấp thụ được sinh khí do kiến văn học thức mới mang lại, óc người sẽ han rỉ, cả cái học vấn khi xưa tích lũy để đi thi cũng tiêu tan mất, để rớt lại họa chăng một mớ danh từ rời rạc và một vài tư tưởng hàm hồ. Người đỗ đạt xưa kia trở lại thành một người tầm thường lạ, có khi lạc xuống dưới cả mức trí thức trung bình nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn