Vì sao hầu hết sách chúng ta mua không để đọc?
Tôi thích nhất là những ngày ”cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều, lòng man mác” đi dạo quanh phố sách Đinh Lễ – Nguyễn Xí. Mỗi lần lướt qua các hiệu sách bày la liệt xong, tôi sẽ vào ngõ nhỏ lên tầng thượng nơi mà chính xác phải dùng từ ”nhà sách” theo nghĩa ”nhà + sách”. Sách ở tầng dưới chả thiếu nhưng cứ nhất định tôi phải leo lên cái cầu thang ọp ẹp ở khu phố ấy, phải đi đủ hết các nhà sách ấy, phải nhìn những chồng sách chất đống rồi mới yên tâm đi xuống. Thói này có từ hồi tôi học cấp hai, vậy là cách đây cũng mười mấy năm rồi. Rồi tôi lại ghé qua Mụ Hoa, nghe lỏm ”review” sách, cảm nhận cái vui vui là lạ mà chả ở hiệu sách nào có.
Nghe kể đến đây chắc ai đó lại tưởng tôi chăm đọc lắm. À, không đâu, nếu đánh giá các loại kỹ năng nghe nói đọc viết thì tôi kém nhất là đọc. Tôi thuộc dạng đọc 10 hiểu được 5, sau đó quên mất 3 và gần như không bao giờ áp dụng 2 cái còn lại. Dù tôi thường đi hiệu sách và mua nhiều nhưng số kiến thức mà sách ngấm vào tôi thì cứ thủng đi đâu đó. Có thể cũng nhiều người như tôi chăng?Vì vậy, tôi sẽ viết về mục đích và cách khắc phục ”lỗi” trong đọc sách theo kinh nghiệm của mình trong các bài này.
Theo tôi, chúng ta hay có ba mục đích khi mua sách: (1) để đọc + lấy kiến thức, (2) để khoe, (3) để thoả mãn cảm giác ”mua được”.
Mẹ tôi vừa nhắn tin hỏi ”thế cái đống sách ở phòng cũ, giờ lấy chồng rồi thì vứt đi đâu?”. Tôi khăng khăng ”mẹ cứ để nguyên”. Đây đích thị là một dạng mua sách chỉ đơn giản là ”để sở hữu”. Khi bạn mua sách để tích trữ, việc đọc hay không thật ra chưa từng trong kế hoạch. Khi trời thu đẹp thế, thật ra bạn chỉ chú tâm vào cái cảm giác bước vào hiệu sách, mua được nó, mang nó về đặt vào giá và gật gật gù gù. Cảm giác sách nằm đó thật sự làm bạn an tâm, cứ như mọi thứ trên đời phải ở đúng vị trí nó nên ở vậy. Giả sử bạn có đọc hết rồi, thì bạn vẫn chỉ yên tâm khi thấy các gáy sách nằm hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Những ai có mục đích ”để sở hữu” có lẽ chỉ đến nhà sách để có cảm giác này.
Ở mục đích ”khoe”, nếu bạn đang cảm nắng vô cùng một người, mà biết người đó thích đọc sách, thì có thể bạn sẽ chọn có sách để khoe. Tôi chẳng thể nói là bạn sai khi làm vậy, vì lúc này, sở hữu sách là một cách để bạn đạt được một mục tiêu khác. Tuy nhiên có thể bạn sẽ lãnh hậu quả của việc khoe khi người ta hỏi về nội dung của sách.
Ừ, tôi cho rằng ba mục đích này không có cái nào sai hay đúng. Đã là mục đích thì sẽ tuỳ người, chỉ có thể nói ”làm sai so với mục đích” chứ không thể nói ”mục đích sai”. Thế nhưng nghịch lí là: phần lớn chúng ta đều muốn đạt được mục đích mua sách để ”đọc + lấy kiến thức”, nhưng bằng một cách nào đó, do một ma lực nào đó, chúng ta rơi vào cảnh mua mà không đọc, y như trường hợp khoe và muốn có cảm giác sở hữu, tức là thành ”làm sai so với mục đích”.
Muốn sửa lỗi phải nhận lỗi. Lỗi gốc rễ cho việc lạc lối khi mua sách mà tôi đã gặp là:
(1) Lười đọc, tham mua nhiều, luôn tự nhủ ”mấy hôm nữa rảnh sẽ đọc”, rảnh rồi thì ”chưa có hứng lắm”, có hứng thì lại … hết rảnh, nhưng rồi vẫn mua thêm sách. Lúc giật mình nhận ra cả tủ sách mà chưa đọc thì tự nguỵ biện an ủi ”mình lưu trữ để tra cứu mà”.
Những ai lười đọc và tham sách thì còn dám tự nhận sai để sửa. Chứ người nào mà rơi vào cái bẫy nguỵ biện rằng ”mua để tra cứu, hãy mua càng nhiều càng tốt, càng chứng tỏ mình tích trữ nhiều kiến thức” thì hết thuốc chữa. Vì sao? Vì tôi cá là bạn chưa từng mở ra để tra cứu với số lần đủ một bàn tay. Nếu muốn tra cứu cơ bản, đầu tiên chúng ta thường google. Nếu tra cứu một cách chuyên nghiệp sẽ dùng thư viện hoặc các bài nghiên cứu theo hệ thống, chứ không phải dựa vào cái tủ sách ở nhà- với nhiều sách đủ mọi nội dung chẳng liên quan gì đến nhau, chưa nói tới việc chất lượng của chúng không đủ để tra cứu. Hơn nữa, sách chưa mở ra lấy một lần, chẳng biết nó có gì ở trong, thì lúc cần, sao biết mở cuốn nào mà tìm? Thậm chí sự nguỵ biện cho việc ”mua để đấy” còn dựa vào lí lẽ ”dù sao chúng ta cũng chẳng bao giờ đọc hết được, thì để đấy nhiều hay ít cũng như nhau”. Rõ ràng đây là lời nói dối trắng trợn cho phép ta tiếp tục tích trữ và ngả vào mục đích sở hữu.
(2) Hiện tượng nước đổ lá khoai: Khi hiếm hoi mình mới có thể đọc xong một cuốn, xong rất vênh váo đi khoe với người khác, mở mồm ra là lý thuyết đó. Nhưng người ta hỏi vặn vài câu về ứng dụng là tịt luôn. Hoặc đọc xong, hiểu đấy, nhưng ba tháng sau mở ra đọc lại mà thấy như mới vì đã quên sạch. Tôi là trùm ở cái việc quên này, thứ nhất vì khả năng nhớ của tôi ngang cá vàng, thứ hai là sự vội vàng không hiểu sâu về kiến thức của sách. Ai gặp hiện tượng này cũng dễ bị rơi vào cảnh đọc xong để ”đi khoe”, nhất là lúc chưa đọc được nhiều sách.
Ngoài những lí do tham sân si ở trên, chúng ta còn dễ bị cám dỗ ngoại cảnh ngăn cản ta đến mục đích đọc để ”thỉnh” kiến thức:
Một lý do của việc đầy sách ở nhà là ta mua sách theo kiểu hứng chí, hoặc bị nhà sách- truyền thông dẫn dắt. Chúng ta có hứng mua, nhưng sau đó chưa chắc có hứng đọc. Tóm lại là mua theo hứng chứ không theo mục đích và nhu cầu.
Cuối cùng, giống như quãng đường của thầy trò Đường Tăng trải qua, hai thứ nguy hiểm là bìa sách thiết kế hấp dẫn và cái tựa đề kích thích. Hệ quả là nhiều cuốn nội dung khá tệ hoặc quá khó khiến ta dù mở ra rồi vẫn không thể ”nuốt” tiếp được. Và tệ hơn là ta nghĩ ”tạm ngưng, hy vọng mấy hôm nữa rảnh đọc lại sẽ … hay hơn”….
Bài viết tiếp theo nói về chu trình đọc sách thúc đẩy bạn mua nhiều hơn, mà vẫn đọc được nhiều, thậm chí đọc một cách hiệu quả và có được kiến thức một cách sâu sắc lâu dài. Xem bài tiếp...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015