Chọn sách gì giữa biển sách?
Sống ở Sài Gòn hơn 10 năm, mỗi năm vào tháng 3, cái mùa kinh hãi nhất của phương Nam, trốn trong nhà còn ngộp thở vì nóng và mồ hôi dấp dính, tôi còn kinh hoàng hơn khi chứng kiến cái Hội sách tổ chức ở Công viên Lê Văn Tám đến hẹn lại lên.
Người xúm đen xúm đỏ, tay xách nách mang, loa vang rền tứ phía cứ như những cuộc khẩu chiến để tranh khách; các cuộc hội thảo, ký tặng về sách diễn ra trong một không khí không thể... phản không khí hơn.
Cả diễn giả lẫn khán giả, cả nhà văn lẫn người hâm mộ quệt mồ hôi, thở phì phò trong cái nóng điên cuồng của tháng 3.
Tôi đi một lần và không có ý định đi Hội sách lần nào nữa, nhất là từ khi có Tiki hay những nhà sách trực tuyến khác, chỉ cần vài cái nhấp chuột là sách mang đến tận cửa, không phải đi đâu cho mệt.
Trừ khi có những cuốn sách mới ra mà nhà sách trực tuyến chưa có, thì đậu xe ngay cổng và lao vào 5 phút, chọn cuốn sách mình cần, rồi trốn vào một chỗ mát mẻ nào đấy để trốn nóng và nhâm nhi sách với tách cà phê.
Nhưng không mợ thì chợ vẫn đông. Hôm trước đọc báo nghe bảo cái Hội sách lần này lớn nhất trong 18 lần tổ chức và có tới 30 triệu bản sách bày bán chờ khách hàng đến tẩu tán.
.
30 triệu bản sách bày bán trong một tuần, cho dù chỉ cần bán được một phần ba cũng đã nghe như một niềm kinh dị. Ai dám bảo dân Việt Nam lười đọc sách?
Hai năm nay tôi đọc sách chăm chỉ trở lại. Quota một ngày phải đọc từ 50- 100 trang, bất kể ngày mưa hay nắng, ở nhà hay đi du lịch.
Đống sách này vừa mua vừa được tặng trong 3 tháng đầu năm của năm 2018. Hơn 30 cuốn này, từ những cuốn sách lớn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng lẫn những cuốn sách nhỏ, cầm vừa tay, đổ đồng ra khoảng 12.000 trang, tính ra phải đọc mất ít nhất trong 4 - 6 tháng.
Đống sách này đang nằm tạm trên tủ giày ngay cửa ra vào để mỗi sáng tiện chọn khi đi cà phê sáng. Sau khi "qua xử lý" mới sắp xếp cho cuốn nào vào tủ sách, cuốn nào để tặng lại người khác.
Sau 3 tháng, tôi mới đọc được khoảng 2/5 số này, như vậy 3 tháng tới không cần phải đặt hay mua thêm cuốn nào nữa. Nhưng hôm qua ghé qua Hội sách 5 phút, tha thêm tập truyện ngắn của Phan Triều Hải và Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi của Frederik Backman, anh nhà văn best-seller người Thụy Điển mà tôi khá thích sau cuốn A Man Called Ove.
Quay trở lại câu hỏi đầu bài: "Chọn cuốn sách nào giữa 30 triệu bản sách của Hội Sách lần này?".
Tôi vẫn thiên về đọc văn chương nên những tác phẩm kinh điển và những nhà văn cổ điển hay hiện đại được in mới hay in lại như Anna Karenina của Lev Tolstoy, Bà Bovary của Gustave Flaubert, Ghi chép dưới hầm của F.Dostoeski, Xứ tuyết của Kawabata, Dịu dàng là đêm của F. Scott Fitzgerald, Chúa ruồi của William Golding, Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Tawn, Cây người của Patrick White, Moby Dick của Herman Melville, Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley hay Bẫy 22 của Joseph Heller... được lựa chọn hàng đầu.
Đây là những kiệt tác văn chương, những cuốn sách lớn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và quá trình xử lý chúng luôn đòi hỏi thời gian và sự tập trung cao độ. Và tôi cũng không vội vã bập ngay vào chúng khi chưa có được sự tập trung ấy.
Một số tác giả văn chương đương đại tôi cũng quan tâm và khá thích là Linda Le với 2 tác phẩm mới được dịch in ở Việt Nam gần như cùng lúc: Sóng ngầm và Vượt sóng; Nhà Golden của Salman Rushdie; Gọi em bằng tên anh của Andre Aciman và Đừng tự dối mình của Philippe Besson... hay một số tác phẩm non-fiction như Lược sử thời gian, Vũ trụ trong hạt dẻ cả Stephen Hawking; Đi tìm lẽ sống của Viktor E. Frankl.
Tôi luôn tin rằng, đọc sách và xem phim hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị, vào "taste" của mỗi người. Và ngay cả với mỗi người, một thời điểm, một độ tuổi khác nhau lại có những khẩu vị khác nhau.
Ví dụ như trong vài buổi sáng gần đây, tôi đọc lại Lược sử thời gian (A Brief History of Time) của Stephen Hawking như một niềm tri ân, ngượng mộ sau khi ông qua đời. Hawking là một nhà Vật lý, nhà khoa học vĩ đại về vũ trụ, người không tin vào Chúa trời, Thiên đàng hay Địa ngục. Người chỉ tin vào chính bản thân mình và cho rằng chỉ có ta làm chủ sinh mệnh của cuộc đời ta.
Cuộc đời kỳ lạ của ông đã hoàn toàn chứng minh cho những câu nói đó của ông. Lược sử thời gian của ông không dễ đọc nhưng không quá khó đọc, "nó là sự kết hợp tài tình sự ngạc nhiên của một đứa trẻ với trí tuệ của một thiên tài" như lời nhận xét của một tờ báo, nhưng tôi tin rằng sở dĩ cuốn sách về khoa học của ông dễ tiếp cận và bán được hơn 9 triệu bản khắp toàn cầu là nhờ những giá trị đầy minh triết của nó trả lời cho câu hỏi của hàng triệu người trên thế giới này về vũ trụ mênh mông và sự sinh tồn ngắn ngủi của họ.
Trong phần cuối của cuốn sách, ông viết: "Chúng ta ở trong một thế giới đang làm chúng ta phải trầm tư suy nghĩ. Chúng ta muốn gán cho mọi vật xung quanh chúng ta một ý nghĩa nào đó và tự hỏi bản chất của vũ trụ là gì? Chúng ta đóng vai trò gì trong vũ trụ và chúng ta từ đâu tới? Tại sao vũ trụ lại như thế này?
Nhiều lý thuyết trước đây nhằm mô tả và giải thích vũ trụ gắn liền với ý tưởng cho rằng các sự cố và hiện tượng thiên nhiên đều được điều khiển bởi thần linh, do đó mang sắc thái cảm tính và không có khả năng tiên đoán. Các thần linh sống giữa những vật thể như sông, núi, kể cả các tinh cầu như Mặt Trăng, Mặt Trời.
Con người phải cảm tạ và cầu xin thần linh để đất đai được phì nhiêu, mưa gió thuận hòa. Song, dần dần người ta thấy được một số quy luật: Mặt Trời luôn mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây bất kể là người ta có dâng vật hy sinh gì cho Mặt Trời hay không.
Hơn nữa, Mặt Trời, Mặt Trăng là các hành tinh khác luôn chuyển động theo những quỹ đạo nhất định mà người ta có thể tính toán được trước với một độ chính xác rất cao. Mặt Trời và Mặt Trăng có thể vẫn là những thần linh, song những thần linh này luôn tuân thủ các định luật rất nghiêm ngặt, không ngoại lệ...”
Stephen Hawking nói rằng mọi sự kỳ vọng của ông đều chuyển về con số không khi ông 21 tuổi và tất cả những thứ sau đó xảy ra với ông đều là một món quà. Thậm chí ông còn cho rằng nhờ mắc căn bệnh ALS và hơn nửa đời người sống trên chiếc xe lăn, ông mới có những công trình và phát kiến vĩ đại về khoa học.
Nếu có Chúa trời (dù Hawking không tin vào điều đó) thì tôi tin rằng Chúa đã bắt ông phải chịu một thử thách sinh tử để biến ông thành một kẻ vĩ đại và sau đó... phủ nhận sự tồn tại của Chúa.
Viktor E. Frankl, ở mặt nào đó, cũng là một kẻ bị Chúa đọa đày để bộc lộ những phẩm chất kiệt xuất của mình. Ông là một bác sĩ tâm lý người Áo gốc Do Thái. Ngay từ khi còn trẻ, Frankl đã bộc lộ những phẩm chất lớn của một bác sĩ tâm lý. Khi chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, Đức xâm chiếm phần lớn châu Âu, và người Do Thái đứng trước cơn đại họa, Frankl từ chối sự bảo lãnh của Mỹ để ở lại Áo vì ông không muốn bỏ cha mẹ và vợ của mình ở lại. Dĩ nhiên là cả nhà của Frankl đều bị đưa vào các trại tập trung khác nhau của Đức quốc xã.
Cuối cùng, chỉ Frankl sống sót vì ông có một ý chí sinh tồn tuyệt vời, và hơn tất cả là công trình nghiên cứu dang dở mà ông tâm niệm bằng mọi giá phải hoàn thành. Sau khi rời khỏi trại tập trung, Frankl đã viết cuốn sách trong vòng 9 ngày. Đi tìm lẽ sống (Man’s Search for Meaning) của Viktor E. Frankl là một tác phẩm được xem là “kinh điển của thời đại” và bán được hơn 12 triệu bản khắp thế giới.
Cuốn sách của ông là liều thuốc cho những người tuyệt vọng và không còn mục đích vào cuộc sống, bởi ông cho rằng ngay cả trong hoàn cảnh vô nghĩa, đau đớn và nhẫn tâm nhất, cuộc sống vẫn tiềm ẩn ý nghĩa.
“Nếu có người hỏi liệu câu nói của Dostoevski rằng con người là một sinh vật có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh có đúng không, thì chúng tôi sẽ trả lời: ‘Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào’. - Ông viết.
Qua trải nghiệm cá nhân, Frankl cho rằng: “Dưới tác động của một thế giới đã không còn công nhận giá trị của cuộc sống và phẩm giá con người, một thế giới đã cướp đi ý chí của con người và biến họ thành đối tượng để tiêu hủy – bản ngã của con người cũng mất đi chân giá trị. Nếu một người trong trại không đấu tranh để chống lại điều này để giữ phẩm giá của mình, thì người ấy sẽ mất luôn cảm giác mình là con người – một con người có đầu óc, có tự do bên trong và giá trị riêng. Người đó sẽ nghĩ mình chỉ là một phần của đám đông, sự tồn tại của người đó rơi xuống cấp độ của loài thú...”
Ông lý giải: "Từ 'finis' trong tiếng Latin có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là sự kết thúc hoặc sự chấm dứt, và nghĩa thứ hai là một mục đích để vươn tới. Một người không thể nhìn thấy sự kết thúc của việc “tồn tại tạm bợ” của mình thì sẽ không hướng tới một mục đích tối hậu trong đời. Người đó ngừng sống cho tương lai, khác với một người có cuộc sống bình thường."
Cũng giống như Hawking, tôi tin rằng phần nào Frankl cũng thầm cám ơn những năm tháng kiệt cùng tuyệt vọng của mình để chứng minh một chân lý: "Cái gì không giết được ta, sẽ làm ta mạnh mẽ hơn". Tất nhiên, số này luôn là số ít. Ông viết: "Dĩ nhiên chỉ có một số người có khả năng vươn tới một tầm cao vĩ đại về tinh thần. Nhưng một vài người đã có được cơ hội để vươn tới tầm cao ấy, nhờ cuộc sống trong trại tập trung, cho dù họ phải thất bại và phải chết đi nữa, nhưng đó là điều mà trong hoàn cảnh bình thường họ sẽ không bao giờ đạt được".
Quay trở lại với những tác phẩm văn chương kinh điển, những tác phẩm được xem là "kinh thánh" của văn chương nhờ văn tài và trí tưởng tượng phì nhiêu của các bậc thầy, tôi cảm giác không đủ sức để nói về chúng trong một bài viết nhỏ này.
Hai đoạn trích dẫn mà tôi hoàn toàn bị thu phục sau đây, một đoạn trong Bẫy 22 của Joseph Heller và một mượn lời nhận định của nhà phê bình Michael Boughin về Moby Dick của Herman Melville là hai trích dẫn tôi thích nhất về hai cuốn sách lớn này.
“Chỉ có một cái bẫy và đó là Bẫy-22, nó chỉ ra rằng việc lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi đối mặt với những hiểm nguy có thực và ngay trước mắt là sự vận hành của một bộ óc sáng suốt có lý trí. Orr bị điên và có thể được nghỉ bay. Tất cả những gì gã làm là đưa ra yêu cầu; và ngay khi gã làm việc đó thì gã không còn điên nữa và sẽ phải tiếp tục bay ra trận. Orr sẽ bị điên nếu phải bay ra trận nữa và sẽ không điên nếu gã không bay, nhưng nếu gã không điên thì gã phải bay ra trận. Nếu gã bay thì gã điên và nhờ thế mới phải không bay; nhưng nếu gã không muốn bay thì gã không điên và vì vậy gã phải bay. Yossarian cảm động sâu sắc trước sự đơn giản tuyệt đối của Bẫy-22 và buông ra một cú huýt sáo đầy kính nể.”
“Là một cuốn sách về nghề săn cá voi, nó trở thành cuốn sách về nền dân chủ Mỹ. Là cuốn sách về nền dân chủ Mỹ, nó trở thành cuốn sách về cái mà ngày nay người ta gọi là sự kết thúc một triết lý sống. Là một cuốn sách về sự kết thúc một triết lý sống, nó trở thành cuốn sách về chiều sâu bí ẩn và sự sôi nổi của cái tôi. Là một cuốn sách về cái tôi, nó trở thành cuốn sách về nghề viết văn. Là một cuốn sách về nghề viết văn, nó trở thành cuốn sách về nghề săn cá voi. Là tất cả những cuốn sách vĩ đại đó, nó từ chối ngưng trệ hay bị chặn lại và do đó liên tục đưa chúng ta trở lại với thế giới biến động và phì nhiêu của nó”. (Michael Boughin)
"Và Thượng đế đã sinh ra những con cá voi vĩ đại” hay “Những con cá voi giữa bể vâng lời theo Thượng đế"?
Đôi khi, ta chỉ biết cảm động sâu sắc trước sự đơn giản tuyệt đối của những cuốn sách lớn!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015