“Veronika quyết chết” – khúc tráng ca về sự sống
“Veronika quyết chết” là một cuốn sách viết về cái chết, nhưng ngay và bên trong cái chết lại là khúc tráng ca về sự sống, mãnh liệt, kiên cường...
Cuốn sách của Paulo Coelho mở đầu bằng một vụ tự tử. Veronika, một cô gái vốn chẳng có lý do gì để bất hạnh trong cuộc đời. Cô có một gia đình hết lòng yêu thương mình, có một công việc không thú vị lắm nhưng ổn định, có sắc đẹp, có các chàng trai theo đuổi... Thế nhưng cô vẫn quyết định chết. Một quyết định không ai có quyền phán xét. Bởi: “Mỗi người tự biết những nỗi khổ đau cùng tận của mình, đó là những nỗi khổ đau khi mà rốt cuộc chính ý nghĩa của cuộc đời cũng chẳng còn”.
Thế nhưng vụ tự tử không thành. Và Veronika thấy mình thức dậy trong Villete – nơi dành cho những bệnh nhân tâm thần. Tại đây, cô nhận được tin xấu. Như ý muốn của mình, Veronika vẫn sẽ “được” chết. Nhưng không phải chết một cách tức thì như khi uống thuốc ngủ tự tử, mà là một cái chết khắc khoải. Bởi thuốc độc đã hủy hoại đến tận cùng cơ thể cô, cô chỉ có thể sống trong vòng chưa đầy một tuần lễ nữa.
Có gì khác giữa một cái chết tức thì và một cái chết được báo trước?Có lẽ với cái chết tức thì, nạn nhân sẽ chỉ “đau một lần rồi thôi”, còn với một cái chết được báo trước như trường hợp của Veronika, cô sẽ phải sống trong nỗi lo sợ khắc khoải. Cái chết sẽ từ từ ngấm vào cơ thể cô. Cô cảm nhận được nó, cô nhìn thấy bước đi của nó mỗi ngày. Và đó thực sự là một nỗi ám ảnh ghê gớm.
Nhưng chẳng ai ngờ, chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi tự mình “chiêm nghiệm” về cái chết như thế, Veronika đã nhận ra nhiều điều. Cuộc chạy đua với lưỡi hái tử thần đã giúp cô ý thức được giá trị của từng khoảnh khắc được sống. Sự sợ hãi về một cái chết đang đến từng giờ, từng phút lại có tác dụng biến mỗi ngày được sống với Veronika là một điều kỳ diệu. Chính tại nơi ấy, trong bệnh viện của những người điên, Veronika mới được là chính mình – điều mà cô đã đánh mất trong cuộc sống của những người bình thường ở bên ngoài bức tường kia. Cô được đắm mình trong niềm đam mê âm nhạc đã bị vùi lấp từ lâu chỉ vì những mong muốn của cha mẹ. Cô khám phá ra những “mặt khác” trong con người mình, và trên tất cả, cô trở nên yêu nó – yêu cái cuộc sống mà cô đã từng có ý định từ bỏ, một tình yêu muộn màng nhưng đáng quý. Tại Villete, Veronika cũng tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình khi gặp gỡ chàng trai mắc chứng tâm thần phân lập Eduard. Và tình yêu ấy đã biến Veronika, từ ý định “quyết chết” sang “quyết sống”.
Trong “Veronika quyết chết”, Paulo Coelho đã chứng tỏ một tài năng bậc thầy trong việc đi sâu khám phá tâm lý nhân vật. Cho dù là một cô gái đang đứng trước ranh giới mong manh của sống và chết, hay một người đàn bà trở nên điên loạn vì yêu, một người mắc chứng hoảng sợ hay một bệnh nhân tâm thần phân lập... Mỗi một con người ở nhà thương Villete ấy là một số phận, một cuộc đời nhiều ngang trái. Sau những trang viết của Paulo Coelho, độc giả bỗng nhận ra rằng, trại thương điên không chỉ dành cho những người điên! Ở đó còn có những người hoàn toàn bình thường, nhưng tự đóng khung mình trong những bức tường ấy để thoát khỏi cuộc sống hỗn tạp bên ngoài. Thậm chí những bệnh nhân nơi đây còn lập luận rằng: “Cuộc sống của chúng ta đã đạt tới sự cân bằng hoàn toàn, thế mà ở ngoài kia, sau những bức tường này có bao nhiêu người muốn được như thế đến phát điên lên!”.
Sự thực thì ai mới là người điên? Những người bên trong hay bên ngoài bức tường này? Ranh giới thật khó đoán. Và sự thật ngỡ ngàng mà Paulo Coelho đã chỉ ra rằng, điên rồ không phải là việc làm mình trở nên khác biệt, mà chính là cái mong muốn mình được bình thường giống như tất cả mọi người. Chính cái ước muốn “bình thường” ấy đã thủ tiêu tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Và phải chăng cũng vì bình thường mà trở nên tầm thường, nhạt nhẽo, vô vị - một lý do khiến cô gái Veronika quyết tâm từ bỏ thế giới này.
Và cuối cùng, sau những trang viết về cái chết, thông điệp mà cuốn sách của Paulo Coelho gửi gắm lại chính là nét đẹp vĩnh hằng của sự sống. Chẳng có cuộc đời nào là vô nghĩa, chẳng có sự tồn tại nào là sai lầm, chỉ có cách mà mỗi người nhìn nhận cuộc đời của mình là khác nhau.Bởi thế, bạn đọc, dù chán nản thì cũng đừng buông tay. Hãy nhìn lại bản thân mình, hãy sống đúng với những gì mình yêu, những ước mơ mà mình theo đuổi, bạn sẽ nắm giữ chiếc chìa khóa diệu kỳ của cuộc sống này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn