Trung Quốc đang thật sự muốn gì?
Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông, nên nếu xung đột nổ ra ở đây sẽ gây khó khăn cho nhiều nước...
Ngày 30.5, trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg (Hoa Kỳ) về ảnh hưởng đến khu vực và thế giới sau vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên biển Đông trong lãnh hải của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên biển Đông(...), chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hoá khổng lồ này và các nền kinh tế - không chỉ trong khu vực mà cả thế giới - đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Trung Quốc đang “tứ bề thọ địch”
Trong diễn thuyết hôm 31.5 ở Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói với những người tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La hàng năm rằng Washington nhất định “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu những nguyên tắc căn bản cho trật tự quốc tế bị đe doạ. Ông Hagel tố cáo đích danh Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận của Philippines đối với bãi cạn Scarborough, bắt đầu lấp biển để lấy đất tại những địa điểm ở biển Đông và “hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam”.
Ông Hagel cũng nói rằng Trung Quốc đã thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Ông kêu gọi tìm kiếm giải pháp hoà bình cho những vụ tranh chấp quốc tế. Ngoài ra, ông Hagel cho biết Mỹ sẽ tăng ngân sách hoạt động quốc phòng ngoài lãnh thổ Mỹ lên 35% trong năm 2016 để răn đe Trung Quốc rằng Washington không bỏ ngỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trước đó, hôm 28.5, trong một phát biểu đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an ninh và đối ngoại của Hoa Kỳ tại học viện Quân sự West Point, Tổng thống Barack Obama cảnh báo: Mỹ sẵn sàng đáp trả “hành động gây hấn” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên biển. Tổng thống Obama nói rằng Mỹ cần phải “giã từ” chính sách đứng ngoài cuộc và quân đội Mỹ phải chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng. “Hành động gây hấn trong khu vực nếu không bị kiểm soát - cho dù ở Ukraine hay trên biển Đông hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta, và có thể lôi cuốn quân đội chúng ta can dự”, ông Obama khẳng định.
Trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 30.5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước ông sẵn sàng đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy hoà bình trong khu vực. Ông Abe nhấn mạnh tất cả các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế: “Nhật Bản sẽ hết lòng hỗ trợ những nỗ lực của các nước ASEAN”.
Australia, một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương, cũng chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, David Johnston cho biết tại diễn đàn Shangri-La: “Sử dụng vũ lực hoặc đe doạ để đơn phương thay đổi cục diện ở biển Hoa Đông và biển Đông là không thể chấp nhận được”.
Một câu hỏi đặt ra: tại sao Trung Quốc lại “tứ bề thọ địch” như vậy?
Biển Đông quan trọng về địa - chiến lược
Gây hấn trên biển Đông, Trung Quốc đã xâm phạm một hải lộ giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Âu với châu Á, châu Á với Trung Đông. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới đều liên quan đến biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á.
Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày, có 150-200 tàu các loại qua lại trên biển Đông, trong đó khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Khu vực Đông Nam Á có 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hongkong. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực.
Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan và cả Trung Quốc. Đây là huyết mạch thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông.
Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với bốn trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia) là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman).
Do vậy, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực không chỉ về địa - chiến lược mà còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông.
Tất cả những điều đó lý giải vì sao Trung Quốc rất muốn kiểm soát biển Đông và nếu biển Đông bị Trung Quốc khống chế, lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước trong và ngoài khu vực ngay lập tức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua biển Đông.
Chính vì tất cả những yếu tố trên, nếu xung đột nổ ra ở đây, nhiều nước sẽ gặp khó khăn.
Vị trí Hoàng Sa và Trường Sa
Các đảo và quần đảo trên biển Đông đều có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Nằm ở vị trí trung tâm, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới.
Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của châu Á có hai điểm trọng yếu: eo biển Malacca, nơi tất cả hàng hoá của các nước Đông Nam Á và Bắc Á phải đi qua, và biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu cho giao lưu hàng hoá của nhiều nước châu Á. Xuất khẩu hàng hoá của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đôla Mỹ). Nếu khủng hoảng nổ ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm rađa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè...
Các nhà chiến lược trên thế giới đều cho rằng Trung Quốc không giấu diếm tham vọng kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách tự tiện vẽ ra “đường chín đoạn” (còn có tên là “đường lưỡi bò”) để độc chiếm biển Đông, qua đó, kiểm soát và khống chế cả thế giới nhằm thoả mãn tham vọng vươn tới vị trí cường quốc hàng đầu thế giới.
Biển Đông là một vùng biển nửa kín, có diện tích khoảng 3.500.000km2 nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Tiếp giáp biển Đông có nhiều nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia) và Trung Quốc. Theo ước tính sơ bộ, biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân các nước này.
Không chỉ là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch... biển Đông còn được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, như: Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan... trong đó Indonesia là thành viên của OPEC.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga, khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng với trữ lượng ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.
(Nguồn: tài liệu nghiên cứu của tác giả Hải Nam thuộc trung tâm Hợp tác nghiên cứu châu Á (CASC) và một số tài liệu của trung tâm Nghiên cứu những vấn đề quốc tế (IPSC), trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam (CVSC), trung tâm Phát triển thông tin - IDC).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn