Tín ngưỡng dân gian và thái độ của cộng đồng
Trang Facebook kêu gọi nghiêm cấm lễ hội “Chém lợn tế thần” ở Tiên Du, Bắc Ninh đến thời điểm này đã thu hút gần 500 cư dân mạng, với nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình về tính dã man của lễ hội. Các hành vi “đâm, chém, chọi” nhận được sự hò reo cổ vũ của đám đông tham dự càng tạo nên nhiều phản ứng không tán thành trong dư luận: “Dã man quá!”, “Một nghi lễ tàn ác cần loại bỏ”... Tuy nhiên nhìn nhận lễ hội này cũng như các lễ hội hiến sinh khác ở góc nhìn văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại có cách lý giải khác.
Dấu vết của văn hóa nguyên thủy
Nhìn nhận lễ hội dưới con mắt tín ngưỡng của cộng đồng, giáo sư Nguyễn Văn Huy - nhà nghiên cứu dân tộc học - nói: “Việc tồn tại những lễ hội đã có hàng ngàn năm trước như chém lợn ở Bắc Ninh hay chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu của bà con Tây nguyên không chỉ là tập tục được duy trì qua nhiều đời mà còn là tín ngưỡng của một cộng đồng cụ thể. Không nên nhìn dưới góc độ đó là hành động dã man đối với vật nuôi”.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, lại cho rằng: “Việc tế thần bằng vật nuôi diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ khác là có nơi mổ thịt mới tế, có nơi lại chém, đâm. Tại những địa phương tế vật nuôi bằng cách đâm, chém thì thần được tế là những vị tướng quân liên quan đến trận mạc. Hành vi chém lợn cũng chỉ là tái hiện một phần cảnh trận mạc ấy. Và tôi nghĩ các phong tục này không phương hại đến ai nếu phạm vi của nó chỉ có trong cộng đồng làng xã”.
Về nhiều nghi lễ bảo lưu tín ngưỡng dân gian mang tính chất hiến sinh như tục chém lợn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền nhận định: “Đó là dấu vết của nét văn hóa nguyên thủy và phù hợp, linh thiêng với cư dân vùng đó, phù hợp với tín ngưỡng của cộng đồng ấy. Theo tôi, cái khó là việc cấm lễ hội sẽ đi ngược với chủ trương chung của chính sách bảo tồn đa văn hóa, nên người thời nay cũng buộc phải chấp nhận cả những hành vi hiến sinh mà nhiều người cho là ghê rợn đó”. Sự ghê rợn cũng là lý do để nhiều người thấy phản cảm và đề nghị phải loại bỏ các lễ hội dạng này trong cuộc sống hiện đại.
Có nên bỏ?
Đề cập việc nên để hay hủy bỏ những tập tục, lễ hội này, phản biện ý kiến của cộng đồng cho rằng đó là những hủ tục lạc hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy nhắc đến lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn tồn tại và thu hút hàng ngàn lượt người xem mỗi năm. Ông cho biết: “Người ta chăm chút, tìm kiếm những con trâu tốt nhất và khỏe nhất để chọi, các chú trâu đánh nhau máu me be bét, mà cuối cùng cả trâu thắng, trâu thua đều bị làm thịt hết. Đó là dấu vết một nền văn hóa lâu đời của chính cộng đồng ấy. Nếu anh không nằm trong cộng đồng ấy sẽ không hiểu được tâm tư hay nguyện vọng của chính bản thân họ”.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý (Viện Văn hóa dân gian) nhìn nhận về lễ hội như một tập tục: “Tôi chưa được trực tiếp xem tục chém lợn nhưng tôi đã đọc về tục này trong tác phẩm của Nguyễn Toan Ánh. Đó là một tập tục được giữ gìn qua nhiều đời ở Bắc Ninh. Về lý thuyết là đã tồn tại một lễ hội tế thần như vậy. Việc giữ gìn và duy trì qua nhiều đời là sự tiếp nối văn hóa của người dân địa phương, tuy nhiên mỗi thời đại có một cách ứng xử khác nhau đối với những phong tục ấy”.
Trong khi đó, bày tỏ sự đồng cảm với dư luận xã hội, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói: “Bản thân cộng đồng cư dân bảo lưu tục hiến sinh cũng cần phải cảm thông. Bởi việc sát sinh để phục vụ nhu cầu thực phẩm sẽ hoàn toàn khác với việc phơi bày sự chém giết con vật, lại được tôn vinh, cổ súy dưới sự hò la cổ vũ của đám đông. Thế hệ trẻ thơ sẽ bị tác động thế nào trước cảnh tượng đó, rồi chưa kể việc đám đông chen lấn giằng xé nhau bôi máu con lợn bị chém đứt đôi đó để cầu may... Tất cả cảnh tượng đó đương nhiên sẽ tạo những hệ lụy không mấy tốt đẹp trong thời đại văn minh hiện nay!”.
Nêu ý kiến chỉ nên giữ lễ hội hiến sinh trong phạm vi cộng đồng nhỏ chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán ấy, ông Hiền nhấn mạnh: “Nên tránh tuyên truyền nhiều về những tục lệ này, bởi những hình ảnh đó có ảnh hưởng không tốt đến trẻ em. Những hoạt động này ban đầu chỉ nằm trong phạm vi làng xã, nhưng sau này được mở rộng hơn khiến nhiều người tìm đến bởi tò mò chứ không do tín ngưỡng”.
Nên tạo ra vật thiêng thay thế
Trước hết nên khẳng định ở một số làng châu thổ Bắc bộ có những nghi lễ thờ tự riêng (cổ tục) hình thành trong lịch sử của làng ấy, như nghi lễ “chém lợn” ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ở Tây nguyên, hầu hết các tộc người cũng có tục “ăn trâu” mà bị gọi chệch thành thói quen là tục “đâm trâu”, khiến người ngày nay lên án là dã man, kém văn minh. Thật ra trâu và lợn là những loài vật nuôi trong nhà, được thuần dưỡng từ thời cổ xưa của nhân loại, nhưng trong những trường hợp nghi lễ, chúng là loài vật hiến sinh mà ngay ở các nền văn minh cổ đại trên thế giới cũng không thiếu gì.
Con vật hiến sinh dù là thân quen hằng ngày, nhưng bước vào nghi lễ là chúng đã được thiêng hóa, chỉ tiến hành trong các không gian thiêng, thời gian thiêng như các lễ hội. Theo tôi khảo sát, số lượng các nghi lễ dùng vật nuôi để hiến sinh ở Bắc bộ không nhiều, chỉ có tính chất địa phương, thí dụ như làng Ném Thượng này. Người dân khi tham gia nghi lễ đều cho rằng nếu được một phần thịt, huyết sẽ gặp sự may mắn trong năm.
Tuy nhiên, để tránh hiệu ứng truyền thông (nhất là trên mạng Internet) tạo sự phản cảm, các địa phương có cổ tục như thế nên tạo ra vật thiêng thay thế. So sánh có phần khập khiễng nhưng ở cổ tục người Việt đã có “hàng mã”. Với dạng lễ hội hiến sinh như thế này, theo tôi, nên tạo ra mô hình thay thế các con vật, thực hiện một số nghi thức “thiêng hóa” rồi tiến hành nghi lễ, tránh sự bàn luận ồn ào của xã hội trong khi người dân địa phương lại coi đó là linh thiêng.
PGS.TS NGUYỄN QUỐC TUẤN
(Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý