Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội
Từ số này, chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh sẽ được cấu trúc lại. Thay cho việc thuần túy sưu tầm ý kiến nhận xét của người xưa, chúng tôi sẽ tìm tới những hình thức phát biểu đa dạng hơn, trong đó một phần là các tài liệu rút ra từ lịch sử. Sẽ có sự mở rộng để đối chiếu giữa lời phát biểu và thực tế đời sống hôm nay. Trong một số trường hợp, sẽ có đối chiếu với nhận xét của người nước ngoài về thói hư tật xấu người Việt để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội
Phan Bội Châu trong thời gian 15 năm cuối đời, sống ở Huế (1925 - 1940), có để lại một cuốn Tạp ký. Lúc đó, ông không còn tâm thế của người đứng ra vận động cứu nước mà thiên về cái nhìn của một trí thức từng trải, đau lòng trước tình trạng lạc hậu của đất nước. Dưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn:
"Tế có nghĩa là giao tế(1) vì nó ở trong phạm vi nghi lễ. Quá lắm thì xa xỉ, không đúng mức thì bủn xỉn, đều chưa hợp lễ.
Dân gian tế tự, nghi thức không đủ, mà còn đùa bỡn vật mọn, cả nước như cuồng. Trước lúc chưa tế thì mồm nói cấm kỵ mà đòi uống tìm ăn. Nghe xướng hai tiếng “lễ tất", ai nấy đều nhao nhao. Bưng mâm thì ăn ngay trước cửa thần, rót rượu thì uống ngay trước mặt thánh. Đến khi dọn cỗ, trên các quan viên, dưới đến bình dân, ngồi đứng lung tung. Sau khi uống một hai chén rồi, Giáp thì đánh Ất, Ất thì đánh Bính, chửi mắng rầm rầm. Thậm chí chia thịt chưa đều thì đua sức đua hơi ngay ở đấy để chia tôn ti, phân biệt thứ bậc?
Theo Trương Hữu Quýnh, Tìm hiểu những mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc ta đầu thời Nguyễn, Gia Long từng có một đạo dụ liên quan đến tình trạng tế lễ ở các làng:
"Vào đám hát xướng nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì 8 - 9 ngày. Chèo thuyền hát hỏng ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc tiền, rồi lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò. Lại kén lấy trai tơ gái trẻ đánh cờ đánh bài. Tưởng là thờ thần, thực là để thỏa lòng dục. Ngân quỹ hết thì sinh ra đóng góp, cầm bán ruộng công?
Trong các tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến, lễ hội cũng thường hiện ra như một khung cảnh ồn ào luộm thuộm và mang nhiều tính cách tầm thường. Trong tiểu thuyết Lan và Hữu, Nhượng Tống sau khi miêu tả cảnh đi hội chen chúc hỗn độn, lại đặc biệt than phiền về tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh ở các chùa:
"Nếu tôi có tội phải người ta bắt đi đày thì đày tôi ra Côn Đảo ba năm tôi không sợ bằng đày tôi nơi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội”.
Thật không khó gì nếu cần chứng minh cho tính đúng đắn của các nhận xét trên. Báo chí thời nay cũng đã hé ra cho thấy tình trạng tương tự. Vấn đề không phải chỉ là việc tổ chức luộm thuộm, người xe chen lấn ùn tắc, mà còn ở cảm giác dung tục mà con người thời nay mang tới lễ hội. Thiếu lòng thành kính tối thiểu, người ta đi chỉ cốt để cầu lợi.
Hội đền Hùng mùa Xuân năm 2002 thường được ghi nhận với việc làm ra một chiếc bánh dày 1,8 tấn, việc này về sau đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness. Nhưng đây là số phận của vật lễ thiêng liêng đó. Ngày 9/3 âm lịch, trên đường chuyển đến nơi hành lễ, chiếc bánh bị cả trăm người xúm quanh xô đẩy giằng xé. Bà con đi hội đã tự tiện thụ lộc. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 10 đến 11 h30 , chiếc bánh bốc hơi hoàn toàn.
Báo Tiền phong - Số ra ngày 22/4/2002 cho biết như vậy. Theo chỗ tôi đọc được, chỉ riêng báo tiền phong, ngoài ra không có báo nào đưa tin về sự kiện "hy hữu” này. Về sau cũng không ai nhắc tới, coi như không có.
(1) đi lại thù tạc, mời đãi nhau
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn