Nối lễ hội vào... trụy lạc

06:25 CH @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tư, 2006

20-2

Các cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ.

Người giàu đánh bạc người nghèo đánh bạc. Các chiếu bạc lẩn quất ngay ở các cơ quan ngoài thành phố lớn và công khai ngay ở giữa các trụ sở ủy ban vùng nông thôn hẻo lánh. Một người vừa vui mồm kể rằng ở đây có kiểu đánh bạc như thế này, người khác góp ngay được chuyện rằng có những hình thức tinh vi hơn và kể ra được những nhân vật cuồng nhiệt hơn. Trước mắt tôi là một bức ảnh chụp cảnh chọi trâu ở Đồ Sơn. Nhìn một người xem say mê nhìn theo trâu, đã thấy mừng. Đến khi nhìn đồng bạc đánh cược lăm lăm trên tay anh ta, tôi hiểu ngay rằng chẳng có tình yêu thể thao nào ở đây cả, mà chỉ có một con bạc đang khát nước.

21-2

Nhiều cơ quan, lương thấp nên công việc cũng khá nhẹ nhàng. Thấy mọi người nhất là lớp thanh niên rỗi quá mà chẳng biết làm gì, nhiều lần tôi đã máy mồm định nói sao không học đi, nhưng kịp hãm ngay lại. Ngày xưa mới thế, chứ ngày nay nói chuyện tự học những lúc rỗi rãi, nghe có vẻ lạc điệu quá, người ta cười chết.

Nhưng tôi biết rằng nhiều chiếu bạc được hình thành từ chỗ rỗi rãi thế này. Đời sống tinh thần quá nghèo nàn, ngay cả nhu cầu hưởng thụ ở nhiều người cũng chí thể hiện ra ở những đòi hỏi tầm thường thì đánh bạc được xem là tiện nhất. Nhiều người thường trích dẫn câu “ Nhàn cư vi bất thiện“, họ chỉ quên rằng người xưa dành câu đó cho hạng tiểu nhân. Còn những người đứng đắn mà người xưa kêu là quân tử có những niềm vui khác hẳn.

23-2

Tệ đánh bạc phổ biến đến mức ở xa chúng ta hàng vạn cây số, đài BBC ở bên Tây cũng phải góp chuyện và một tờ báo điện tử ở VN đã đăng lại. Họ lưu ý một điều, là tệ đánh bạc có liên quan đến tham nhũng. Nay là lúc có những người ăn cắp được nhiều quá mà chẳng biết là gì hết tiền. Ô tô sắm rồi, rượu chè thoải mái rồi, bằng cấp tiếng tăm mua được rồi mà tiền vẫn không hết, thì tội gì không đánh bạc.

26-2

Nhưng nhiều người còn lưu ý là bao giờ nạn cờ bạc cũng gắn với mê tín dị đoan. Cuộc sống quá nhiều bấp bênh, chẳng biết còn tin ở cái gì nữa. Rút lại, hình như chỉ còn là chuyện cầu cúng. Nhiều người thoạt đầu đánh bạc để cầu may, sau quen hơi bén tiếng mới lao vào để gỡ nợ.

Đấy chính là nội dung của một bài báo trên tờ VietnamNet sáng nay 26-2-06. Bài viết kể rằng hàng loạt làng ở Hà Đông rằm tháng giêng vừa qua mở hội làng thì cũng là lúc rất nhiều quý tử trong các gia đình thi nhau lao vào cuộc đỏ đen, có người mấy ngày nướng hết vài chục triệu.

Vì lễ hội mở là một dịp để người ta cầu may nên các trò cờ bạc cứ bám sát các lễ hội mà mời mọc rủ rê người ta.

Nhân dịp khai mạc năm du lịch quốc gia, có một khẩu hiệu đã được nêu ra : Nối lễ hội với di sản. Ồ, ý tưởng nghe cũng hay đấy ! Nhưng nên nhớ là dân mình còn thông minh hơn nhiều, từ lâu một số lễ hội đã được người ta nhanh nhảu nối với cờ bạc một cách khá …thuần thục, mà chẳng cần tuyên bố tuyên ngôn gì cả.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Ám ảnh trần tục nơi cửa thiền

    02/02/2017Dương TùngCách đây ít lâu, vào ngày Phật đản, trong khi Phật tử, du khách nườm nượp hành hương lên chùa Non cúng đường Đại Phật tượng Phật tổ Như Lai và vào đền Sóc lễ Thánh Gióng đầy thành kính, thì ở ngay bãi cỏ cạnh đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng) diễn ra các hình ảnh chướng tai gai mắt...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Mê muội hưởng lạc, Lười nhác, ốm yếu, Tệ nạn

    11/11/2015Vương Trí NhànCũng có nhiều người mới học kha khá đã truy hoan, ngày nào cũng mài miệt trong cuộc đỏ đen, thường lui tới các chủ nợ hứa với người ta...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Dân khí bạc nhược, ra vẻ ái quốc, ...

    06/05/2014Vương Trí Nhàn(Phan Chu Trinh, 1906) Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả...
  • “Nướng” tiền cho đồng cô, đồng bóng

    12/03/2006Văn Phúc Hậu“Ngồi hát ăn bát vàng” là câu mà các cung văn đồng bóng thường bảo nhau. Bởi vậy, hiện nhiều người đang đua nhau đi làm cung văn...
  • Nhân nào quả nấy

    04/02/2006Vương Trí NhànNhà phê bình Vương Trí Nhàn thật khéo léo khi chọn hình thức phiếm luận để bàn về văn hóa đương thời. Câu Nhân nào, Quả ấy của người xưa được tác giả khai thác rất đắc. Nó không đơn thuần chỉ là một lời cảnh báo. Nó nhắc ta đọc để nhìn lại mình, nhìn lại hiện tại và nhận lấy trách nhiệm làm chủ nền văn hoá nước nhà...
  • Tiền bạc và đời sống vợ chồng

    29/11/2005Theo ý kiến của một nhà tư vấn tài chính Mỹ, từ xa xưa, đàn ông và đàn bà đã có những quan niệm rất khác nhau về tiền bạc. Qua nghiên cứu và thảo luận những vấn đề chi phối cuộc sống, họ đã đưa ra 5 vấn đề then chốt liên quan đến tiền bạc, tác động đến đời sống vợ chồng.
  • Sinh viên = Xoàng xĩnh?

    29/09/2005Nguyễn Trương QuýTại sao vẫn tồn tại quan niệm là sinh viên thì luôn đi cùng với sự lúi xùi, xoàng xĩnh, với không gian nhà trọ tù đọng, với học như đi xem phim rạp, hết phim rồi sẽ ra, thế nào cũng tốt nghiệp?
  • Về chuyện tiền bạc

    18/07/2005Tiền bạc là vị sứ giả làm trung gian trao đổi các vật iùm cho mọi người, đó là ý nghĩa ban sơ của nó.
    Khi loài người phát triển sinh hoạt về mọi mặt thì ý nghĩa của tiền bạc thay đổi theo một cách tích cực hơn, tinh vi hơn.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác