Nỗi buồn lễ hội
Xuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
Chỉ đáng buồn những lễ hội dân gian ngày nay đã không còn đẹp và nguyên sơ như thuở nào. Trẩy hội chùa Hương, khách thập phương không khỏi hổ thẹn bởi la liệt hàng quán, thương nhân chen chân buôn bán sát tới nơi thờ Phật. Thèm khát lộc rơi lộc vãi, hậu duệ của đức Thánh Trần đè lên nhau xông vào xin ấn. Trần sao âm vậy, tiền âm phủ in nhái ngoại tệ mang toan tính đời thường nơi dương thế tràn tới cửa phủ, cửa chùa. Ồn ào đến mất cả linh thiêng, nếu không kịp chấn chỉnh, nhiều lễ hội chỉ còn vọng lại những tiếng sóng cuộn lên từ lòng ham muốn. Lễ sẽ mất dần tính trang nghiêm cung kính và hội sẽ không còn là những cuộc tự tình, tự giáo dục của cả cộng đồng.
Người ta bảo dân tộc ta có văn hóa cổ kính, dùng văn để trị, để giáo hóa con người. Truyền thống văn trị ấy đề cao “khắc kỷ phục lễ”, tức là rèn con người biết kìm hãm ham muốn riêng để phục hồi phép tắc lễ nghĩa. Lễ hội, vì lẽ ấy phải góp phần giáo dục con người biết tiết độ dục vọng, biết dừng lại và xấu hổ vì những ham muốn vật chất của mình, dùng những nghi lễ để tri ân tiền nhân và giúp con cháu không quên suy ngẫm về bổn phận hậu thế.
Không thể để đám đông với những ham muốn vô bờ xô đẩy lễ hội ngày càng xa dần với giá trị nhân bản truyền thống của nó. Việc ấn định lại khuôn khổ hợp lý cho các lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ các sinh hoạt có màu sắc thương mại ở những nơi thờ tự, tín ngưỡng hay cơ sở tôn giáo thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước.
Một nhà nước mạnh mẽ trước hết phải thể hiện ở chỗ thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cấm công chức sử dụng xe công đi lễ chùa, nghiêm cấm công chức lập nơi thờ tự ngay trong công sở mà mình phụng sự. Cũng nên suy tính để nghiêm cấm việc in tiền âm phủ nhái hình thức và màu sắc của đồng nội tệ hay ngoại tệ, cấm lập các hòm công đức tràn lan và thả tiền lẻ bừa bãi ở những cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Tránh những trào lưu tự phát, một khuôn khổ pháp luật nghiêm khắc thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước việc giới hạn hoạt động của các lễ hội đã trở nên cần thiết.
Chỉ còn gần 10 năm nữa nước ta tiến đến cái ngưỡng để trở thành một quốc gia công nghiệp. Chúng ta cần những con người biết ứng xử văn minh tương xứng với thời đại công nghiệp ấy. Không tự rèn luyện, không nỗ lực cạnh tranh, chỉ tranh giành nhau một chút lộc thánh những mong đạt lợi, không khéo những thế hệ chúng ta ngày càng đắc tội với cả tiền nhân và hậu thế.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá