Tin ở hoa hồng*
22.000 cử nhân ra trường không kiếm được việc làm. Thế số đã kiếm được việc thì sao?
Hôm qua phỏng vấn bỏ túi một số sinh viên ra trường từ 0-10-15 năm, đa số cho biết thu nhập ở mức 5-10-15 triệu/ tháng.
Tôi thắc mắc: Số tiền đó nếu chia cho thuê nhà, ăn, y tế phí, các thiết bị công nghệ phục vụ cho công việc, mua sách, học thêm nâng cao trình độ chuyên môn chắc chắn là không đủ, chưa kể tiền ban đầu bỏ ra để chạy việc, vì sao họ vẫn có thể vô quán cafe hàng ngày, xài iPhone đời mới, check-in nhiều chốn sang chảnh và nhiều bạn còn có xe đẹp để chạy?
.
Câu trả lời là:
Thông thường thì 3- 5 năm đầu cha mẹ vẫn chu cấp, ai không có chu cấp thì đi dạy kèm, chạy grab, bán hàng đa cấp.
Năm thứ 4- 6 trở đi thì kiếm thu nhập thêm từ những khoản lặt vặt phát sinh trong quan hệ công việc như phí môi giới, khoản tiền dôi dư khi mua bán các vật dụng, thiết bị cho công ty, hoa hồng từ các hợp đồng kinh tế.
.
Năm thứ 10 hay 15, có chút chức sắc, các bạn sẽ có nhiều "bổng" thì vị trí làm việc của mình. Ví dụ như các giám đốc marketing thì sẽ nhận 10% - 15% từ các hợp đồng quảng cáo, PR từ phía đối tác. Các vị trí có quyền sinh quyền sát trong việc ký tá, phê duyệt một cái gì đó dù nhỏ cũng sẽ hưởng hoa hồng theo giao ước ngầm, một cái luật mà ai cũng hiểu chỉ vài người không hiểu. Những bạn này có khi cả tháng chả ngó đến tiền lương vì "bổng" có khi cao gấp mấy chục lần lương. Và sếp của các bạn cũng biết rõ điều ấy nên không cần trả lương cao. Coi như để thị trường tự điều chỉnh.
.
Điều này làm tôi nhớ đến mấy tiệm massage, quán cắt tóc gội đầu thanh nữ không bao giờ trả lương cho tiếp viên, chỉ tạo điều kiện tối đa để các ẻm kiếm tiền bo, có nơi còn ăn chia với chủ.
.
Tự dưng thấy buồn vô hạn.
.
Có lẽ thế hệ tôi may mắn hơn các em cử nhân bây giờ. Hồi mới ra trường, lương thấp nhưng các hạng mục chi tiêu chưa nhiều như giờ. Một ngày ở Hà Nội, nếu sáng xôi, trưa cơm bình dân, bún chả cực ngon ở khu trung tâm..., tối vẫn phong lưu phóng xe lên Hồ Tây xơi bún ốc, khuya vẫn thả ga đọc hết 1 cuốn sách vài trăm trang mà ko lo mai hết tiền mua sách.
.
Những năm 97-2001 ở Sài Gòn, tôi làm việc cho tờ báo mà đứng sau đó là một tập đoàn media của nước ngoài, một nơi lương đủ cao để phóng viên, biên tập viên không cần nhận thêm hoa hồng ở bất kỳ đâu (trừ phi quá tham). Tôi yêu cầu phóng viên dưới quyền không nhận phong bì khi họp báo. Các em cũng chấp hành nghiêm chỉnh, nên ra ngoài, phóng viên của mình thời ấy nổi tiếng là ăn mặc đẹp, gương mặt sáng láng, rạng ngời, giờ hầu hết có cơ nghiệp riêng cả rồi. Sau này có một cô gặp lại, bảo: "Hồi đấy em nghe chị, cứ chối đây đẩy, làm họ sợ, tưởng em chê ít, lại đưa nhiều hơn. Nhưng nhớ lại cái mặt mình lúc từ chối phong bì, thấy "oai" ra phết".
.
Hoa hồng mà người bí ẩn đặt lên những gốc xà cừ trăm tuổi vừa bị chặt hạ ở đường Tôn Đức Thắng, Tp. HCM
.
Đem con số 22 ngàn sinh viên thất nghiệp ra kể cho chị bạn, chị bảo con chị đã chắc chân trong một công ty Nhật, lương cao, đãi ngộ tốt, sau nhiều bài test năng lực và sự chính trực, dù trước đây có lúc chị hoang mang rằng mình dạy con thế liệu có thiệt thòi cho nó khi vào đời.
.
.
Tôi cũng biết vài bạn trẻ như thế. Điểm chung dễ nhận biết là các bạn đĩnh đạc, tự tin và tự tại, không lóc chóc nhấp nhổm, mắt liếc ngang, miệng cười cầu tài khi trò chuyện.
.
Tôi dám chắc 99% các em đang sống bằng hoa hồng, đều muốn sống đàng hoàng bằng đồng lương. Tôi cũng tin các nhà tuyển dụng cần người tài và chính trực chưa hoàn toàn tuyệt chủng.
.
Nhưng một câu hỏi từ phía nhà tuyển dụng là: Liệu chúng tôi có dám trao cơ nghiệp cho các em, khi các em tin ở "hoa hồng"?
Ai cũng muốn từ chối phong bì, chống tham nhũng, xoá bỏ bất công, ai cũng muốn "giải cứu" cử nhân thất nghiệp, nông dân nghèo mất ruộng. Nhưng thật khó có một giải pháp căn cơ nếu mỗi cá thế trong xã hội vẫn phải bon chen, luồn lách, gian lận để kịp về nhà trước khi trời tối, để vượt vũ môn, để sống qua ngày, để nhặt từng cọng rơm cho tổ ấm, để ngoi lên đớp chút không khí đặng còn lao động chiến đấu, để cha mẹ già khỏi bị la mắng khi nhập viện, cho con cái được hưởng chút "đặc quyền" về giáo dục mà một đứa trẻ xứ văn minh đương nhiên được hưởng miễn phí.
.
Tôi không phán xét gì các em cả, chỉ cay đắng và thương.
.
Thời thanh niên của chúng tôi, hoa hồng chỉ là một bông hoa nhiều cánh, yểu điệu, với hương thơm đầy kiêu hãnh.
Giờ nó vẫn nhiều gai, không có cánh, không có hương, nhưng được gọi là "kèo thơm".
.
Loài hoa này sẽ giết chúng ta trước cả ngoại bang.
Khi liêm sỉ bị huỷ hoại, quốc sỉ là khái niệm xa vời.
------
* Tên một vở kịch lừng danh của Lưu Quang Vũ cách đây 30 năm, viết về những người trẻ mới ra trường với hoài bão, khát vọng và niềm tin về một xã hội tốt đẹp. Sau bao cú shock, niềm tin của họ có lúc bị lung lay chao đảo nhưng cuối cùng họ vẫn tin giữ vững niềm tin ấy như tin rằng trên đời này còn có tình yêu, còn có hoa hồng.
.
Clip bài hát chính của vở kịch "Tin ở hoa hồng":
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015