Lương tâm là gì?
Thưa tiến sĩ Adler,
Có hay không điều gọi là “lương tâm”, một tiếng nói thầm kín bên trong bảo cho chúng ta biết cái gì đúng và cái gì sai? Nó dựa trên lý trí hay trực giác, hay nó đơn thuần chỉ là sự phản chiếu những gì cha ông chúng ta và những thẩm quyền khác đã dạy bảo chúng ta? Lương tâm là gì, và nó hoạt động như thế nào?
R.B.
R.B. thân mến,
Lương tâm, như từ này cho thấy, là sự ý thức. Nó là loại ý thức đặc trưng – ý thức đạo đức, một cảm thức nội tại về cái đúng và cái sai. Và nó là ý thức có sức mạnh bắt buộc. Chúng ta cảm thấy bị nó thúc ép. Nó ra lệnh cho chúng ta. Nếu chúng ta không vâng phục nó, chúng ta cảm thấy ăn năn hay lo sợ.
Bất cứ lúc nào chúng ta giữ lời hứa hoặc hoàn thành một nghĩa vụ đạo đức hay pháp lý là đều có sự can dự của lương tâm. Qua các thời kỳ lịch sử những nhà tư tưởng bất đồng với nhau về câu hỏi tại sao chúng ta nghe theo tiếng nói của lương tâm hoặc cảm thấy băn khoăn nếu chúng ta không vâng theo nó. Một vài nhà tư tưởng cho rằng lý trí và sức mạnh của lương tâm nằm ở những mệnh lệnh và sự cho phép ngoại tại – của Thượng Đế hay của nhà nước. Các nhà tư tưởng khác lại cho rằng lương tâm chỉ là vấn đề đức hạnh, lý trí, hoặc sự tự ý thức có tính đạo đức của con người cá thể.
Triết gia người Anh, Thomas Hobbesở thế kỷ 17 khẳng định rằng cảm thức của chúng ta về nghĩa vụ đạo đức đơn thuần chỉ là sự hồi đáp trước sức mạnh và quyền lực cao hơn của nhà nước. Một số nhà tư tưởng tôn giáo quan niệm về lương tâm giống nhau, coi đó như sự hồi đáp tự động đối với sức mạnh và quyền uy của Thượng Đế ở bên ngoài chúng ta. Các nhà tư tưởng khác, cả thế tục lẫn tôn giáo, lại nhấn mạnh đến sự phán xét nội tại hay tiếng nói của lý trí coi đó như nhân tố quyết định trong hoạt động của lương tâm.
Tri thức nền tảng của ý thức và sự cưỡng bách đạo đức trong lý trí và đức hạnh con người đã được phát biểu từ thời Platovà các triết gia Khắc kỷ. Nhưng chính triết gia người Đức Immanuel Kantở thế kỷ 18 mới là người diễn đạt sinh động nhất ý tưởng cơ bản về lương tâm này.
Theo Kant, chính qui luật đạo đức chi phối toàn bộ đời sống đạo đức của chúng ta. Không đòi hỏi phải có qui luật hay sự cho phép ngoại tại nào. Một người giữ lời hứa của mình, tới hết mức mà anh ta có thể làm, bởi vì “sự tự ý thức đạo đức” của anh ta ra lệnh cho anh ta làm vậy, để làm tròn một qui luật đạo đức phổ quát. Người đạo đức bị “thúc ép” phải làm vậy, không phải vì sợ những thế lực ngoại tại, hay mong muốn thích nghi với tục lệ xã hội, hay khiếp đảm trước sự trừng phạt của thần thánh. Anh ta làm vậy chỉ như một con người đạo đức hoàn thành đúng đắn những bổn phận của mình.
Theo quan điểm của Kant, lương tâm điều khiển cuộc sống riêng của chúng ta – những gì phải làm cho và với bản thân chúng ta. Lương tâm ngăn cấm chúng ta nói dối với chính chúng ta hoặc không làm phương hại đến bản thân chúng ta, cũng như với người khác. Chúng ta có những nghĩa vụ “bên trong” không khác gì “bên ngoài”. Quan điểm này rất xa với quan điểm của Hobbes, nhưng lại rất gần với quan điểm tôn giáo, là quan điểm lên án sự thèm khát, thói dâm ô, thái độ đạo đức giả, và những lỗi lầm thầm kín khác.
Quan điểm tôn giáo xem lương tâm vừa như một tiếng nói thầm kín bên trong vừa như sự hồi đáp đối với những mệnh lệnh thần thánh. Trong Kinh Thánh, chính “tâm hồn” David(1) đã trừng phạt ông khi ông có những hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa. Chính “tâm hồn” Job nhận ra ông công chính. Quan niệm về lương tâm của Kinh Thánh cho rằng có một qui luật được truyền đến người nào được chính Thiên Chúa chọn, nhưng các nhà tiên tri nhìn nhận các châm ngôn đạo đức có sự ràng buộc phổ quát đối với tất cả mọi người. Ý tưởng đề xuất rằng Thiên Chúa được nhận biết và phụng sự bởi ý thức đạo đức và cách cư xử của con người, ngay cả ở những nơi luật lệ của Thiên Chúa không được truyền bá trực tiếp. Paul nói rằng những người không phải là người Do Thái (Gentile: người ngoại đạo) có luật lệ được khắc ghi trong tâm hồn họ và lương tâm họ làm chứng cho điều đó.
Các nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo, như Thomas Aquinas, cho rằng lương tâm được ghi khắc trong mỗi con người như sự hưởng ứng với Thiên Chúa và luật lệ của Ngài. Họ khẳng định rằng luật tự nhiên, in vào tâm hồn con người, cũng là công trình của Thiên Chúa, và ý thức đạo đức của họ được hướng dẫn hướng về Thiên Chúa. Theo quan điểm này, tiếng nói sâu xa bên trong chúng ta và những mệnh lệnh của Thiên Chúa gắn bó thân thiết với nhau và gợi đến sự có mặt của nhau. Triết gia thế tục Kantcũng nhìn nhận rằng trách nhiệm cá nhân của chúng ta, tạo nên tiếng nói trong sự tự ý thức đạo đức, sau cùng cũng chính là nghĩa vụ đối với Thiên Chúa.
(1)David: trong Cựu Ước là vị vua thứ hai của dân Do Thái sau Saul; vua David trị vì vương quốc thống nhất Do Thái, với thủ đô là Jerusalem, từ khoảng năm 1000 tr. CN đến khoảng năm 962 tr. CN.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015