Amartya Sen: Lương tâm của kinh tế

03:48 CH @ Thứ Bảy - 05 Tháng Ba, 2016

Đa số người ngoài ngành (và cả nhiều người trong ngành) thường nghĩ đến kinh tế như một khoa học giúp hoạch định những chính sách để quản lý, để phát triển, để tăng trưởng, để bình ổn. Những người có thiên kiến này sẽ ngạc nhiên khi đọc Amartya Sen, nhà kinh tế gốc Ấn Độ, người được trao tặng giải Nobel Kinh tế năm 1998. Ông là người châu Á đầu tiên được Nobel về ngành này.

Tuy đã đến tuyệt đỉnh danh vọng, Sen được ngưỡng mộ không chỉ vì những phần thưởng cao quý, nhưng còn vì kiến thức đa diện và quảng bác của ông, và vì lương tri của ông đối với những vấn đề xã hội, không những của quê hương ông mà còn của cả những quốc gia đang phát triển. Được trọng vọng trong xã hội trí thức cao nhất ở phương Tây (ông giảng dạy ở Cambridge từ năm 1971, và cũng có nhiều năm ở Harvard), Sen không bao giờ ngưng ưu tư về phúc lợi của những người bần cùng. Là một nhà kinh tế với kỹ năng toán logic vào hạng thượng thừa, ông cũng thấm nhuần triết học, Tây lẫn Đông. Là người có những đóng góp nền tảng cho kinh tế học hiện đại, Sen cũng hoài nghi về nhiều mặt của thứ kinh tế học này.


Nhà kinh tế Amartyr Sen - Nobel kinh tế năm 1984 “Sự phát triển được coi là một quá trình mở rộng các quyền tự do dân chủ thực sự mà người dân được hưởng”. ("Development as Freedom", Amartya Sen)

Từ nhỏ, Sen đã chứng kiến cũng như trải nghiệm những tai họa khó tưởng tượng. Năm 1943, khi Sen vừa lên mười, Bengal (quê ông, một tỉnh vùng Đông Bắc Ấn Độ, nơi có mật độ dân số thuộc hạng cao nhất thế giới) bị một nạn đói khủng khiếp. Năm 19 tuổi, ông bị ung thư vòm miệng, và đã điều trị bằng xạ trị (rất thô sơ lúc ấy ở Ấn Độ) vô cùng đau đớn. (Hậu quả giai đoạn xạ trị này vẫn còn đến ngày nay: xương Sen bị dễ gãy, răng cỏ của ông đều hư). Như Sen kể lại sau này, chính sự đau đớn ấy đã cho ông mối đồng cảm sâu xa với những người cùng khổ. Ung thư làm ông cảm thấy bị ô nhiễm, loại ra ngoài xã hội, bất lực. Trước khi bị bệnh, những gì ông chứng kiến chung quanh đã làm ông kinh hoàng, nhưng dù sao vẫn là xảy ra cho “kẻ khác”. Chính ung thư của ông đã khiến Sen đồng cảm trọn đời với những người thấp cổ bé miệng, bị thiếu thốn, bệnh tật, đớn đau.

Nhưng cũng nhờ vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo ấy mà Sen đặt cho mình những mục tiêu mới. Trở lại trường, ông là một sinh viên ưu tú hàng đầu, đoạt tất cả mọi giải thưởng cao quý nhất, và được học bổng sang Đại học Cambridge danh giá tột bực nước Anh.

Những năm đầu trong sự nghiệp, vào thập kỷ 1960, Sen chuyên về kinh tế học phát triển và có nhiều đóng góp đáng kể vào tiến trình công nghiệp hóa của Ấn Độ. Quyển sách đầu tay của Sen (Sự chọn lựa kỹ thuật, 1960) chỉ trích thể chế kế hoạch của Ấn Độ lúc ấy. Ông nhấn mạnh rằng có những định luật kinh tế bất biến mà mọi quốc gia đều phải tuân theo. Không kế hoạch nào, dù khôn khéo đến đâu, có thể đi ngược những định luật ấy.

Nhưng sau đó thì Sen bắt đầu suy nghĩ về những vấn để căn bản hơn. Khi tìm hiểu về nạn đói ở Bengal (mà số người chết có thể đến 4 triệu), ông khám phá một điều bất ngờ: Nạn đói ấy không phải vì mùa màng thất bát như vẫn tưởng nhưng vì chế độ chuyên chế lúc ấy! Đúng là người ta chết vì không có thực phẩm, nhưng họ không có thực phẩm chẳng phải vì cả nước không đủ thực phẩm cho mọi người, nhưng vì họ thất nghiệp, không có tiền mua (thêm vào đó là tình trạng lạm phát). Điều hệ trọng nhất là họ không có cách gì kêu ca được vì không ai đại diện cho họ, mà báo chí cũng thiếu tự do, do đó nhà nước không bị một áp lực nào để lo cho những người cùng khổ, thấp cổ bé miệng, ấy. Sen kiểm chứng giả thuyết của mình tìm hiểu nguyên nhân nạn đói ở những nước khác, nhất là ở châu Phi, thì hầu hết cũng là vì xã hội thiếu dân chủ: thực phẩm không thiếu cho toàn xã hội, nhưng chính sự phân bố bất bình đẳng đã khiến hàng triệu người chết đói.

Sen là một trong những kinh tế gia tiên phong chỉ trích quan niệm phổ thông là có thể dùng GDP đầu người để đo lường phúc lợi xã hội. Sen viện dẫn những lý luận triết học từ Aristotle cổ xưa, qua Hayek, và Rawls hiện đại để khẳng định rằng thước đo của một “xã hội tốt” là tự do, chứ không phải là sự thịnh vượng vật chất. Chính xác hơn, sự phồn vinh vật chất chỉ là điều đáng mong muốn như một phương tiện thực hiện tự do cho con người (căn bản nhất là tự do khỏi đói khát, bệnh tật). Sen khẳng định: tự do vừa là mục tiêu tối hậu, vừa là cứu cánh để phát triển kinh tế. Theo ông, những mục tiêu mà các nhà kinh tế thường cho là tối hậu: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ, ngay cả hiện đại hóa, phải được đánh giá bởi mức độ đóng góp của chúng vào tự do của con người.

Từ đầu thập niên 1970, Sen quay sang một hướng nghiên cứu mới, về lý thuyết phúc lợi xã hội, một ngành trong kinh tế học cực kỳ trừu tượng và lý thuyết. Chính trong lĩnh vực này mà Sen để lại dấu ấn khó phai.

Đặc điểm của lý thuyết tổng quát về phúc lợi xã hội của Sen là sự kết hợp quan tâm truyền thống của kinh tế học đối với mức sống vật chất và quan tâm truyền thống của triết học đối với tự do cá nhân và sự công bằng.

Nên nhắc lại rằng vào hai thập kỷ 1930-1940, những người theo chủ nghĩa tự do (libertarian) ở phương Tây thường quan ngại rằng phương Tây sẽ bỏ những cam kết theo đuổi chủ nghĩa tự do chính trị để theo đuổi an toàn kinh tế. Kế thừa truyền thống này, Sen lo ngại rằng, ở thế hệ tiếp theo, Ấn Độ và các nước đang phát triển đã hy sinh dân chủ để có được tăng trưởng kinh tế. Từ những nhận xét ấy, Sen đặt ra câu hỏi thật căn bản: Làm sao để giải quyết những xung khắc giữa những hành động xã hội (social action), chẳng hạn như để phát triển kinh tế, và giá trị cá nhân (individual rights) mà những người theo chủ nghĩa tự do cho là độc tôn.

Sen nêu ra ba câu hỏi. Thứ nhất, chọn lựa của một xã hội có phản ảnh sự chọn lựa của những cá nhân trong xã hội ấy không? Thứ hai, quyền tự do cá nhân có thể dung hòa với phúc lợi kinh tế không? Và thứ ba, lấy gì để làm thước đo mức độ công bằng của một xã hội? Đây là những câu hỏi cực kỳ “hóc búa” chứ không dễ như nhiều người tưởng, nhất là khi lời giải đáp phải thỏa mãn một số định đề logic tối thiểu.

Vào đầu những năm 1960, khi Sen đi tìm giải đáp cho những câu hỏi ấy thì có hai luồng tư tưởng, dù khác nhau nhưng đều cho rằng sự xung khắc ấy không thể dung hòa được. Một trường phái, mà lãnh tụ là nhà kinh tế Friedrich Hayek, thì cho rằng không thể tin vào nhà nước, vì nhà nước sẽ bị một nhóm chuyên viên khuynh đảo, áp đặt ý muốn của họ lên ý muốn của những cá nhân khác trong xã hội. Bằng cách thay thế ý muốn của cá nhân bằng ý muốn của xã hội (như xác định bởi những chuyên viên này), nhà nước tước đoạt sự tự do cá nhân.

Luồng tư tưởng thứ hai đến từ một người khá bất ngờ, qua tác phẩm cực kỳ thời thượng của nhà kinh tế Kenneth Arrow (qua tác phẩm kinh điển “Chọn lựa xã hội và giá trị cá nhân”). Dùng những mệnh đề logic chặt chẽ, Arrow chứng minh (“định luật Arrow”) rằng không thể có một hệ thống bỏ phiếu nào có thể đưa đến một chọn lựa dân chủ. Viện dẫn “định luật Arrow”, nhiều người đã cho rằng đó là một lý do của chế độ độc tài.

Vì logic của Arrow không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm, Sen phản biện Arrow trên chính đất chơi của Arrow: hoàn toàn trên phạm trù logic. Sen vạch ra rằng một trong những tiền đề của Arrow - rằng không thể so sánh phúc lợi của người này với người kia - là thiếu căn bản và không cần thiết, và nếu loại bỏ tiền đề này thì “định luật không thể” của Arrow trở thành “có thể”, nghĩa là qua bỏ phiếu, có thể tổng hợp những giá trị cá nhân thành một quyết định duy nhất của cộng đồng. Nói khác đi, có cách bỏ phiếu để đưa đến những quyết định được sự đồng thuận của toàn xã hội. Khám phá này của Sen đã mở đường cho những nhà kinh tế lý thuyết tìm kiếm những cách để thẩm định phúc lợi của con người tương thích với quyết định cộng đồng. Một trong những ứng dụng của nó là tìm cách đo lường sự nghèo khổ của con người trong xã hội.

Chính nhờ Sen mà các nhà kinh tế trở nên dè dặt hơn khi đánh đồng phúc lợi với GDP. Theo Sen, GDP không phản ảnh “cơ hội” kinh tế của con người, và chính số lượng cơ hội đó là đóng góp rất nhiều vào hạnh phúc của cá nhân, không kém gì số lượng của cải vật chất hiện có.

Nhiều học giả (như Eric Maskin, Nobel 2007) cho rằng tự do cá nhân và phúc lợi đôi khi xung khắc: muốn thêm cái này thì phải bớt cái kia. Sen bác bỏ ý kiến này. Theo ông, tự do là một cách để bảo vệ phúc lợi. Quyền được đọc bất cứ gì mà anh muốn (thay vì bị người khác bảo anh phải đọc cái gì), chẳng hạn, thường nâng cao thu nhập.

Chỉ trích chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) Sen lập luận rằng không thể lấy (tốc độ) tăng trưởng kinh tế để thẩm định lợi ích bởi nó không cho thấy những người thật sự thiếu thốn đang sung sướng hoặc khổ sở ra sao. Và cách đo dụng ích (utility) căn cứ trên sự ưa chuộng hiện tại của mỗi cá nhân cũng có thể đưa đến nhiều sai lầm vì người ta hay thích ứng nguyện vọng của mình tùy vào hoàn cảnh hiện có (chẳng hạn như một người nghèo có những ưa chuộng khác người giàu vì họ biết họ nghèo...).

Tuy coi trọng vấn đề dân chủ và tự do, Sen cũng nhìn nhận rằng phát triển kinh tế là một đòi hỏi cấp bách (và ông buồn rầu nhìn nhận rằng Ấn Độ đã thua kém Trung Quốc về mặt này). Cụ thể, vì coi trọng cả phát triển và dân chủ, Sen (và những nhà kinh tế tâm đắc với ông) tìm cách làm sao để phát triển mà không hy sinh dân chủ (như đang xảy ra ở nhiều nước). Sen cho rằng sự đánh đổi ấy (muốn thêm cái này thì phải bớt cái kia) là không thể chấp nhận được, bởi lẽ, theo ông, cả hai đều có giá trị tự tại.

Trong nhiều thập kỷ, tiếp cận của Sen đã bị chỉ trích bởi phe tả lẫn phe hữu. Vào những năm 1950, 1960, khi mà kế hoạch hóa kiểu Liên Xô là thời thượng trong giới kinh tế cánh tả thì Sen bị xem là người “phản đạo”. Nhưng sang những năm 1980, 1990 khi mà chủ nghĩa thị trường tự do (của phe hữu) lên ngôi thì chính chủ khảo giải Nobel đã tiên đoán: “Sen sẽ không bao giờ được Nobel”. Sen nhận Nobel năm 1998.

Chứng kiến sự sụp đổ của chính sách kế hoạch hóa kiểu Xô Viết cũ, Sen không còn tin là phát triển kinh tế cần đến ngoại viện, hoặc cần bảo hộ thương mại. Ông tin nhiều hơn vào vai trò của nội lực trong phát triển. Ông cổ vũ mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời nhà nước cũng phải trợ giúp thành phần có thu nhập thấp, nhất là về giáo dục, y tế và dinh dưỡng.

Trong quyển sách mới đây nhất của Sen (Ý niệm công lý, 2009), ông suy nghĩ thấu đáo về những khó khăn trong định nghĩa của “công lý” (theo Rawls, chẳng hạn, thì “công lý là công bằng”), và ông đưa ra định nghĩa của ông. Bàng bạc trong những lý luận logic của Sen là một tấm lòng luôn hướng về những người bần cùng, cô thế... Cũng như lúc trước ông đã dùng chính logic của Arrow để bác bỏ “định lý Arrow”, trong cuốn sách mới ra này Sen dùng chính tiếp cận triết học của Rawls để vạch ra những hạn chế của quan niệm về công lý mà Rawls khẳng định.

Ở Sen, ta thấy một trí thức (và Sen là một trí thức trong nghĩa tốt đẹp và chính xác nhất của danh hiệu này) mà cuộc sống bị tác động bởi con người, ông rất gần gũi với những âu lo căn bản nhất của con người (có gì căn bản hơn nhu cầu cơm ăn, áo mặc?), và ông tiếp cận vấn đề với cường độ trí thức cực kỳ trung thực và siêu việt. Sen là một “trí thức công” (public intellectual) đúng nghĩa, với những suy nghĩ cặn kẽ về nhiều vấn đề, ở nhiều lĩnh vực - từ kinh tế, xã hội, triết học, đến những tranh chấp chủng tộc, hạt nhân.

Nhiều người cho rằng Sen không phải là một nhà kinh tế “thường”, theo nghĩa là ông không tham gia vào những tranh luận về chính sách kinh tế, thậm chí khó nói là ông thuộc trường phái “tiền tệ” hoặc môn đồ của Keynes (tôi đoán là Keynes). Nhiều người khác chỉ trích Sen là ông ôm đồm quá nhiều: từ nạn đói đến nạn phụ nữ chết sớm, đến vấn đã đa văn hóa và sự lan tràn vũ khí hạt nhân. Những chỉ trích này cũng có phần đúng. Nhưng kinh tế học cần những người như Amartya Sen. Dù, hiển nhiên, ông không phải là nhà kinh tế duy nhất quan tâm đến số phận những người nghèo, cô thế... nhưng ông hơn hẳn những người khác ở chiều sâu suy nghĩ.

Robert Solow, một “trưởng lão” trong làng kinh tế đương đại (và cũng đã được Nobel) đã gọi Amartya Sen là “lương tâm của kinh tế”. Đó không chỉ là vinh dự cho Sen nhưng có lẽ, hơn nữa, là vinh dự cho mọi nhà kinh tế.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh tế toàn cầu bị điều khiển bởi tinh thần động vật

    30/10/2012Trịnh Thanh Thủy dịchCần phải nhắc lại những bài học của cuộc Đại Suy thoái những năm 1930, phải thấu hiểu những bài học ấy để biết việc gì nên làm ngay bây giờ...
  • Không thể làm kinh tế theo chiều gió…

    02/02/2011Huy NamChuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ là định hướng chiến lược mà vị chủ tịch xã đã giới thiệu với tôi trong một lần gặp gỡ hồi đầu năm 2010. Sau khi “phân tích” nhiều nội dung phức tạp về lợi thế so sánh, giá trị tăng, thu nhập đầu người, giữa lĩnh vực thương mại so với nông nghiệp, ông kết luận tỉ trọng đóng góp của ngành kinh tế này vào cơ cấu ngân sách đã vượt xa nông nghiệp...
  • Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam 5 năm tới

    25/01/2011Kim TháiToàn bộ sản phẩm của nền kinh tế tương lai của Việt Nam trong 2-3 năm tới lệ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế phương Tây, tức là phương Tây mới là thị trường của các sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong 2-3 năm tới, nền kinh tế Việt Nam chưa nhìn thấy sự phát triển thoả mãn kỳ vọng của chúng ta về phát triển kinh tế...
  • Tầm quan trọng của các thuật ngữ kinh tế

    10/12/2010Phạm Hải VũTôi muốn được đi sâu hơn nữa vào khái niệm “governance”, một khái niệm hiện chưa được tiếng Việt biết đến vì… quá mới. Việc dịch lại nó theo nghĩa “quản trị” hay “quản lý” đều không diễn tả được nội hàm của thuật ngữ.
  • Kinh tế học tổ chức

    25/08/2010Quyển sách mỏng trình bày một bản sơ kết phân tích kinh tế về các tổ chức, một chuyên ngành phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây. Phụ lục của sách là bài phỏng vấn Williamson, tác giả được giải Nobel Kinh tế năm 2009, làm rõ vai trò của thị trường và tổ chức theo cách nhìn của trường phái tân thể chế...
  • Kinh tế tri thức ở Việt Nam?

    09/08/2010Hồ Tú Bảo*
    Trong một khuôn khổ hạn chế, bài viết thiên về dùng thí dụ minh họa và giản lược tối đa các lý luận về một số điều của kinh tế tri thức, cụ thể về hai câu hỏi: Kinh tế tri thức là gì? Việt Nam có cần kinh tế tri thức không và nếu có sẽ gặp những thách thức nào?
  • Nền kinh tế người quen

    30/06/2010Hồng PhúcTại một hội thảo trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa diễn ra ở Hà Nội, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tình thực thổ lộ: “Chúng tôi thường tuyển dụng cán bộ là nam, vì thường xuyên phải đi uống rượu, bia tiếp khách”.
  • xem toàn bộ