Từ câu chuyện về cậu bé ở Bản Cọi thử suy tưởng về đầu thai
Xem thêm:
Gần đây trên phương tiện truyền thông nói nhiều đến trường hợp đầu thai của cậu bé gốc ở thị trấn Vụ Bản, đầu thai vào bản Cọi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thông tin này thu hút sự chú ý của xã hội và một số nhà nghiên cứu. Về hiện tượng này có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá thậm chí trái chiều nhau. Một số nhà khoa học như TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người khẳng định tính hiện thực của đầu thai. Ngược với hai nhà khoa học này là TS Đỗ Kiên Cường, PGSTS Trần Hữu Bình lại phủ nhận . TS Đỗ Kiên cường coi trường hợp cháu Bình là “rối loạn tâm thần dạng phân ly nhân cách” trong khi trong khỏe mạnh, không có biểu hiện gì là rối loạn. Những gì cháu nói đều được người biết sự việc xác nhận. Sau một hồi cố gắng lý giải theo thần kinh bệnh học, PGSTS Trần Hữu Bình lại kết luận đây là trường hợp tâm lý đặc biệt cần nghiên cứu. Rõ ràng, sự bác bỏ của họ là thiếu tính thuyết phục. Là người từ lâu đã quan tâm đến các hiện tượng hiếm thấy (nhiều người gọi là dị thường) tôi xin góp mấy dòng từ sự suy tưởng của mình để cùng chia sẻ với bạn đọc.
Hiện tượng được gọi là đầu thai không phải đến nay mới có và cũng không phải chỉ thấy ở Việt Nam. Những câu chuyện về sự “lộn lại” của những đứa trẻ chết yểu đã từng được kể từ rất lâu ở nhiều địa phương. Thậm chí có những gia đình đã đánh dấu vào đứa trẻ trước khi đem chôn để khỏi lộn lại. Nhưng kết quả là đứa bé được đánh dấu ở chỗ nào, như thế nào thì lần sinh sau của bà mẹ đứa trẻ có vết dấu ở chỗ đó và như thế ấy. Nhưng rồi sau một thời gian rộ lên, ít lâu câu chuyện lại chìm vào dĩ vãng, không còn ai quan tâm. Người viết bài này đã từng được thấy một trường hợp, đứa trẻ sinh ra không có 10 ngón chân được cho là đứa trẻ ở làng bên “lộn lại”. Số là, Ở làng bên có người sinh nhiều lần không được nuôi, nhiều lần đánh dấu trước khi đem chôn nhưng vẫn thấy quay lại nên vào lần cuối, người ta chặt 10 ngón chân trước khi đem chôn. Kết quả là họ không gặp sự “lộn lại” nữa. Khi câu chuyện đau lòng được tiết lộ ra ngoài, đứa bé đó đã chửi rủa người làm hại mình và nguyền cho gia đình ấy tuyệt tự. Đứa bé tật nguyền sau này vẫn lớn lên bình thường, tuy gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển nhưng cũng quên đi nỗi sân hận với người được cho là thủ phạm hại mình. Người dân địa phương cũng không ai quan tâm đến nữa.
Sau này khi có phương tiện truyền thông, những chuyện lạ, trong đó có chuyện đầu thai được biết đến rộng rãi và khoa học bắt đầu quan tâm, thành những vấn đề tưởng như nóng hổi mới mẻ. Vào đầu thập niên này (khoảng 2001-2002) báo chí cũng rộ lên đưa tin vụ đầu thai ở Lang Chánh, một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Sau một thời gian ngắn, câu chuyện tưởng lạ cũng không có ai nhớ nữa. Đến bây giờ muốn tìm lại những bài báo khi đó cũng khó thấy và có đến tận nơi hỏi thì chắc mấy người còn nhớ để kể cho nghe. Do vậy, thiết nghĩ không cần phải đặt ra vấn đề là có hay không có đầu thai, mà chỉ cần ghi nhận nó như một hiện tượng hiếm thấy.
Vấn đề đầu thai đã được thế giới, đặc biệt là Mỹ nghiên cứu cách đây 50 năm. Đi đầu trong nghiên cứu này là bác sĩ Stvenson, tiếp đó là Jim B Trucker. Mới đây, năm 2010 nhà xuất bản Phương Đông cho ra mắt bạn đọc cuốn Tiền kiếp có hay không? của Jim B Trucker. Nghiên cứu 2500 ca được cho là đầu thai của các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ, Srilanca, Miến Điện, Thái Lan…tác giả cuốn sách đã giới thiệu những đứa trẻ có ký ức về kiếp trước, những đứa trẻ nói về vết đánh dấu trên cơ thể được cho là từ tiền kiếp, những đứa trẻ có hồi ức về khoảng thời gian giữa hai kiếp (tức chưa đầu thai, LTC), khả năng nhận biết những người chưa hề gặp mặt…
Từ những thông tin được kiểm chứng, có độ tin cậy, tác giả cuốn sách rút ra kết luận và đặt ra một số câu hỏi khá lý thú.
1. Chưa hẳn là khẳng định, nhưng Jim B Trucker đã đồng quan điểm với Stevenson cho rằng, giả thiết đầu thai là hợp lý cho những trường hợp được nghiên cứu hơn là ngoại cảm hay vong nhập (hay phân ly nhân cách theo quan niệm của TS Đỗ Kiên Cường). Cách lý giải tốt nhất cho những trường hợp này, theo tác giả là những ký ức, tình cảm,và thậm chí cả các vết thương thể xác đều có thể truyền từ kiếp này sang kiếp khác.
2. Hầu hết các đứa trẻ đầu thai chỉ nhớ về kiếp trước trong khoảng thời gian dưới 6 tuổi. Càng nhỏ chúng càng nhớ về quá khứ nhiều hơn và chính xác hơn. Ngoài 6 tuổi hồi ức về quá khứ của chúng mờ nhạt dần, trên 10 tuổi, chúng không còn hồi ức nữa và hoàn toàn sống với cuộc đời hiện tại.
3. 70% trong số các em đầu thai nhớ về cái chết vì nguyên nhân bất thường (tai nạn), nếu có người chết tự nhiên thì cũng đột ngột. Trong các trường hợp được nghiên cứu chỉ thấy hai dạng chết cơ bản: bất đắc kỳ tử và tự nhiên đột ngột. Điều này cho thấy, cách chết là nguyên nhân khiến sau khi đầu thai nhớ về kiếp trước. Tác giả đã đặt câu hỏi, có thể chúng ta cũng đầu thai nhưng do cách chết tự nhiên không đột ngột mà không còn nhớ về kiếp trước.
4. Qua hồi ức của các em, tác giả chỉ ra có một số trường hợp được giúp đỡ khi đi đầu thai, một số khác tự chọn nơi đầu thai, tức bố mẹ của mình.
5. Từ những ký ức về tiền kiếp, tác giả cho rằng, con người thường giữ lại mối liên kết nào đó với một kiếp sau khi chết.
6. Những câu hỏi được tác giả đặt như “khi nào và ở đâu thì được đầu thai”? Kết quả nghiên cứu cho thấy, có em phải đầu thai vào nơi không mong muốn. Đó là “một số em nhỏ Miến Điện tự nhận mình từng là những người lính Nhật tử trận tại Miến Điện trong Chiến tranh thế giới thứ hai…có mong muốn được trở về Nhật Bản” . Một số em khác tự chọn nơi và thời điểm đầu thai. Trong những trường hợp xảy ra ở châu Á, đôi lúc trẻ miêu tả sự việc trong đó các em đã nhìn thấy người bố, hoặc người mẹ tương lai và quyết định theo họ về nhà. Trong những trường hợp ở Mỹ, một số trẻ lại nói mình đã lên Thiên đường và chọn bố mẹ kế tiếp của mình. Tác giả đã nhận thấy những câu chuyện không dễ gì kiểm chứng được, nhưng một số trường hợp ở châu Á đã được kiểm chứng là có phần đúng ở chỗ vào khoảng thời gian thụ thai đứa trẻ, người bố hoặc người mẹ đã ở hoặc đến vùng mà các em mô tả.
7. Jim B.Trucker lý giải những trường hợp xảy ra đầu thai lại trong cùng gia đình bằng mối gắn bó tình cảm vẫn còn rất mạnh giữa người đã chết và những người đang sống. Đặc biệt trường hợp tiền kiếp đứa trẻ bị chết còn nhỏ, ý thức của người này còn gắn chặt với gia đình cũ của mình nên nó bị kéo về đó để đầu thai. Dĩ nhiên cơ chế lôi kéo này vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng tác giả đã hình dung “một lực cảm xúc trong thế giới ý thức sẽ kéo cá các nhân về những nơi hay gia đình nhất định với một lực hút giống như lực từ trường”
8. Cái gì đầu thai sau khi kết thúc một kiếp? Từ những trường hợp đã được nghiên cứu cho thấy các ký ức, cảm xúc, những vết thương thể xác đều có thể truyền lại kiếp sau. (Bác sĩ Steveson đã gọi những thứ mang theo bằng cái từ chung “psychophore” (tiếng Hylạp có nghĩa là “mang theo một tâm hồn”). Ông chỉ ra, “Những trường hợp của chúng tôi rõ ràng cho thấy có một thực thể nào đó mang theo ký ức cùng với nó sang kiếp sau” . Thực thể sau khi chết được gọi là tâm hồn có ảnh hưởng sâu săc đến kiếp sau. Điều này được minh chứng bởi những vết bớt (chính là vết thương trước khi chết). Các nhà nghiên cứu đều thống nhất, cái thực thể nào đó, có thể là ý thức tồn tại qua nhiều kiếp. Truck giả định sau khi chết vẫn còn ý thức, những ý thức không đầu thai sẽ nhập vào ý thức vũ trụ hoặc tới một không gian khác chẳng hạn như thiên đường. Hoặc đầu thai vẫn thường xuyên diễn ra nhưng không truyền lại ký ức về kiếp trước.
Quan điểm của hai nhà nghiên cứu trên có điểm tương đồng với một số nhà vật lý hiện đại (chẳng hạn như Andrei Lide, đại học Standford) đã coi ý thức là một thực thể hoàn toàn tách biệt với bộ não và có những chức năng rất quan trọng trong vũ trụ.
Trường hợp của cậu bé Tiến – Bình và các trường hợp khác ở bản Cọi có những điểm cũng tương tự những ca nghiên cứu của các bác sĩ người Mỹ. Em bé ở Vụ Bản cũng chết đuối - cái chết bất đắc kỳ tử, em yêu quí bố mẹ, gia đình, nơi mình từng sống. Em đã rất muốn quay về đầu thai trở lại nhưng em cho biết: “Con cũng đã quay về nhà nhưng đến cái cống đầu ngõ có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà. Một hôm đang ở dưới chân cầu Vụ Bản (nơi Tiến chết đuối) gặp bố Hoan mẹ Dự đi chợ về con theo về Xóm Cọi” . Vả lại, thực tế mẹ (trước) của em không còn khả năng sinh đẻ nên em “chọn” bố mẹ gần đó (bản Cọi) để có cơ hội tìm về với gia đình cũ của mình chăng? Em Tiến – Bình không phải là trường hợp độc nhất ở bản Cọi. Ông Bùi Văn Tỉnh, trưởng bản Cọi cho biết, ở bản Cọi đã ghi nhận ba trường hợp con lộn. Người Mường quan niệm, những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị chết bất đắc kỳ tử có khả năng “lộn” về và vào một người nào đó. Người bị lộn sẽ có khả năng nhớ và kể lại những gì diễn ra trước khi chết ba tháng . Không phải là quan niệm mà thực tế trong một bản hiện tại có 3 trường hợp được cho là đầu thai. Hiện nay cả 3 trường hợp các em đều nhận cha mẹ trước của mình là cha mẹ nuôi. Chuyện đầu thai với người Mường là thừa nhận tự nhiên, không có gì phải bàn.
Từ những hiện tượng không phải là hiếm trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, tôi có một số suy tưởng về quá trình của cái gọi là đầu thai.
Đầu thailà một quá trình từ lúc thụ thai đến khi sinh ra. Trong quá trình này có hai thời điểm quan trọng, quyết định sự xuất hiện của một con người trên cõi đời này.
Thời điểm thứ nhất là lúc bắt đầu thụ thai (thủy). Thời khắc bắt đầu được tính từ khi trứng và tinh trùng gặp nhau tạo thành chân khí (phôi). Phôi thai phát triển, chân khí lớn lên, các bộ phận, đặc biệt tim thai và bộ óc dần hoàn thiện. Tim và óc phát triển đến đâu, tâm rõ ra đến đó. Tâm là sự trung hòa giữa bộ óc và con tim. Thời gian ở trong bụng mẹ, bào thai có hồn (thần thái) giống như các sinh vật khác. Hồn là sự sống nói chung, hay nói một cách khác, mọi sự sống đều có hồn. Hồn vốn có đi với tâm lớn dần theo bào thai thành tâm hồn. Giai đoạn bào thai là thời kỳ phát triển tâm hồn của con người. Do vậy, nếu bà mẹ mang thai mà có tinh thần sảng khoái, tâm lý vui vẻ, thì tâm hồn đứa trẻ sau này nhẹ nhàng, tươi vui, dễ tính, dễ hòa hợp; ngược lại, người mẹ khắc khổ, buồn sầu, đứa trẻ sẽ không vui, khó hòa hợp, cuộc sống về sau không dễ dàng. Thời gian thụ thai (khởi thủy) kéo dài cho đến khi đứa bé sinh ra.
Thời điểm thứ hai là khi đứa bé nhận được linh nhập vào. Linh là cái còn lại của tâm (tâm khúc xạ tàn dư, hay tâm của quá khứ) sau khi con người kết thúc một đời (thân kiếp). Thời khắc linh nhập là khi đứa bé vừa ra khỏi bụng mẹ. Đây cũng là thời khắc kết thúc (chung) quá trình đầu thai. Như vậy, linh (tâm của quá khứ) nhập hòa vào tâm (hồn) hiện tại để tạo ra một tâm – linh mới, một con người – một thân kiếp mới. Theo đây, đầu thai thực chất là quá trình cộng tâm (quá khứ và hiện tại) nên có thể gọi là cộng tâm chung thủy. Cộng tâm chung thủy diễn ra trong quá trình mang thai đến khi được linh nhập vào, tức khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời (thoát thai).
Như vậy, cộng tâm chung thủy chính là sự đầu thai theo cách nói phổ biến hiện nay. Quá trình hình thành và phát triển của bào thai cũng giống như quá trình phát triển của sự sống tự nhiên trong Càn – Khôn. Ở đó diễn ra sự hòa hợp của hai yếu tố Âm – Dương (Khí và nước). Trong bất kỳ môi trường nào hai yếu tố này hòa hợp được với nhau cũng tạo ra sự sống. Ngược lại, nếu hai yếu tố này hòa mà không hợp, hoặc hợp mà không hòa thì sự sống đều không thể hình thành được. Trên cơ sở lập luận này có thể lý giải các trường hợp cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt nhưng lại không thể sinh con khi ở cùng nhau.
Thụ thai tự nhiên hay nhân tạo thì đều cộng tâm như nhau. Nếu thụ thai theo cách tự nhiên, đứa bé có khả năng thích nghi với môi trường cao hơn và khỏe mạnh hơn trẻ thụ thai trong ống nghiệm. Do cộng tâm mà mỗi người sinh ra đều có tiềm năng tâm linh. Song không phải ai cũng phát huy được năng lực đó. Có lẽ vì vậy mà một số người trong chúng ta bộc lộ những khả năng mà tuyệt đại đa số còn lại không có.
Trong thực tế có những trường hợp bào thai trong bụng mẹ phát triển bình thường nhưng sinh ra lại là người thiểu năng, hoặc sống kiểu thực vật thì phải chăng do nhập được linh yếu? Ngược lại có người sinh ra thân hình ốm yếu nhưng dồi dào về năng lực tâm linh là do linh khỏe nhập vào? Nếu đúng vậy thì linh là yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh tinh thần của con người? Nếu giả thiết này mà đúng thì đây là cơ sở để lý giải những trường hợp đầu thai đã nói ở trên; và cũng có thể giải thích trường hợp những người con có tư chất khác nhau tuy được sinh ra bởi cùng cha mẹ.
Như vậy, cộng tâm (đầu thai) là một quá trình từ khi bắt đầu hình thành bào thai cho đến khi bào thai được sinh ra và linh nhập vào thân xác. Cái gọi là linh hồn chỉ xuất hiện sau khi có cộng tâm. Linh hồn là trạng thái hòa nhập (hội duyên) chân khí và tâm. Mỗi lần hòa nhập là một thân kiếp. Khi tận duyên, tức chân khí và tâm không còn hòa nhập nữa thì cũng không còn cái gọi là linh hồn, tức đã kết thúc một thân kiếp, tức là chết.
Đầu thai thực chất chỉ là sự tiếp theo sau cái được gọi là chết. Chết là mốc chuyển giai đoạn của cái gọi là sống (hay sự sống tạm ngừng). Mốc chuyển giao bao lâu phụ thuộc vào sự lựa chọn của linh hồn. Nếu linh hồn minh giác, không chấp nhận thể xác ốm bệnh yếu đau mà rời bỏ thì cái chết đến sớm và nhanh, ngược lại, linh hồn ham tiếc thân xác và cuộc sống thì cái chết diễn ra muộn và chậm. Chết thế nào, chết khi nào phụ thuộc vào linh hồn sống ra sao trước đó. Nói cách khác, chết thế nào vào khi nào phụ thuộc vào kết quả của toàn bộ đời sống người đó, tức là theo luật nhân quả.
Do vậy, việc làm tốt nhất cho người sắp chết là giúp họ tỉnh thức, chấp nhận sự thật hiển nhiên tự nhiên, để họ tự nguyện nhẹ nhàng rời bỏ thân xác, không phải chịu đau đớn, là giúp họ vơi đi gánh nghiệp đã tạo ra. Việc làm này có ý nghĩa hơn rất nhiều là tổ chức tang ma. Khi lâm chung linh hồn không tỉnh thức thì mọi nghi thức sau đó như phục hồn, cầu hồn, cầu siêu… cơ bản giải quyết vấn đề tâm lý cho người sống hơn là đem lại lợi lạc cho người chết. Sau khi thoát xác linh hồn chuyển sang dạng thức sẽ gặp Thiện thần, chuyển thành nghiệp sẽ gặp Ác thần (ác quỉ). Cái gọi là gặp Thiện thần hay Ác quỉ chỉ là trạng thái của Thức và Nghiệp.
Theo đây, linh hồn vừa là thực thể (khi tâm và chân khí hòa nhập) vừa không phải thực thể khi chân khí và tâm tách rời. Khi linh hồn không phải là thực thể thì nó chuyển thành Cái Thức hay Cái Nghiệp.
CÁI THỨC là linh siêu thoát, tức linh không đeo bám thân kiếp cũ. Coi đó là thứ giả tạm nên không tham tiếc cuộc sống đã qua để trở về với TÂM KHÔNG. Thức sẽ khó khăn rời bỏ thực tại nếu cái chết diễn ra trong sự đau khổ và níu kéo của người thân cũng như các nghi thức tang ma, cúng giỗ dành cho họ kéo dài sau đó. Trong trường hợp này linh vô cùng đau khổ vì không được toại nguyện. Đây gọi là kính chẳng bõ phiền, hay thương nhau lắm cũng bằng hại nhau.
CÁI NGHIỆPlà linh không siêu thoát muốn ôm giữ, níu kéo thân kiếp, không chấp nhận thực tại nên, mặc dù đau yếu mà vẫn không chết, làm khổ mình, khổ người. Sự khổ này kéo dài trong nhiều thân kiếp tiếp theo. Bởi nghiệp đeo bám mà mà tinh thần u mê, tăm tối tạo ra cảm giác bị nhốt trong địa ngục hay luôn trôi trong sáu nẻo luân hồi. Những nơi có nhiều linh mang nghiệp đeo bám đầu thai sẽ chịu hậu quả chất lượng dân số thấp kém, đời sống lạc hậu không văn minh. Chính vì vậy mà không có cái gọi là Thiên đường hay Địa ngục. Không có Thiên đường và Địa ngục nên không có cái gọi là “đàn phá ngục” hay đàn “cầu siêu”. Xuất phát từ tâm lý mong muốn sự an lành cho linh người chết mà các đàn này được lập ra nên không đạt mục đích giúp người chết siêu thoát, có chăng chỉ là thấy cái bóng của sự giải thoát mà thôi.
Khi đang sống linh hồn cần trạng thái giải thoát, lúc lâm chung linh hồn cần trạng thái siêu thoát. Nếu không đạt được hai trạng này thì linh hồn tạo nghiệp và đeo nghiệp.
Một đời người hay một thân kiếp bắt đầu từ khi thụ thai (thủy), đến khi chết (chung, hay tận duyên) là sự khế hợp giữa hai thực thể LINH (tâm) và THÂN (hồn) trong đó linh là thực thể vĩnh cửu, thân chỉ mang tính nhất thời. Cái làm nên giá trị một đời người và còn lại và sau khi chấm dứt nó là Tâm chứ không phải thân. Không phải ngẫu nhiên đạo Phật nói “gột rửa thân tâm”. Hai động từ “gột”, “rửa” đều là làm sạch, nhưng rửa là làm sạch triệt để hơn, sạch bên trong, còn “gột” chỉ làm tạm sạch bên ngoài. Cái nhất thời thì không thể làm sạch tuyệt đối, cai vĩnh cửu thì không chỉ làm sạch nhất thời. Cũng không phải ngẫu nhiên dân gian nói: “Tu tâm sửa tính”. Hai động từ này đều nói về sự điều chỉnh, nhưng Tu là công việc lớn nhằm tới cái bền lâu dài còn sửa là việc nhỏ trước mắt. Có lẽ vì vậy, cổ nhân đã đúc kết giá trị của một đời người bằng câu: “Hổ chết để lại bộ da, người chết để lại danh tiếng”. Thiết nghĩ, con người khi sống nên cố gắng thu nhặt, tích lũy tri thức để tinh tiến về tinh thần – giá trị lâu dài hơn là tích lũy của cải, chăm lo cho cái thân. Được như thế thì sống thọ bao nhiêu năm không quan trọng bằng tiến bộ được bao nhiêu về mặt tinh thần. Tiến bộ về mặt tinh thần (tinh tiến - minh) hẳn sẽ siêu thoát dù có chấm dứt cuộc đời ở tuổi nào. Ngược lại, nếu không đạt được tinh tấn về tinh thần (tức vô minh) thì kéo dài cuộc sống đến bao nhiêu năm cũng là vô nghĩa.
Còn nếu vô minh, hám tiếc thân thì linh không siêu ắt phải đầu thai thành người có đầu óc tối tăm, trái tim vô cảm, chìm đắm trong khổ đau, cái mà đạo Phật gọi là nẻo nghiệp luân hồi.
Biết về những hiện tượng đầu thai không phải để khẳng định có hay không. Người bảo có không đủ luận cứ để khẳng định, người nói không cũng khó phủ nhận chứng cớ hiển nhiên. Có lẽ, nếu quan tâm đến hiện tượng này thì nên suy nghĩ về việc cần sống ra sao để tạo công đức, để tinh tiến về tinh thần, thứ mà ai cũng mang theo, không thể chối bỏ sau khi từ giã cõi đời. Thứ nữa, cần làm gì cho người đang lâm chung thay vì đau khổ hay tỏ lòng tri ân bằng việc lo tang ma, cúng giỗ linh đình, xây mộ, lập bia hoành tráng, tốn kém. Những việc làm này chỉ tạo sự ràng buộc chặt thêm giữa người đang sống và đã chết trong khi việc cần làm là sao cho người chết được siêu, người sống được an.
Trên đây chỉ là những suy tưởng của cá nhân nên còn mang tính chủ quan, luận giải chưa thấu hết lý. Rất mong bạn đọc trao đổi cùng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá