Lý giải nào cho những huyền bí tâm linh
1- Tích hợp giữa Tư duy khoa học và Chiêm nghiệm Phật học: Con đường tiếp cận huyền bí Tâm linh
Thế giới các hiện tượng huyền bí thuộc phạm trù Tâm linh, vẫn tiếp tục kích thích nhiều công trình nghiên cứu, xuất hiện nhiều trong vòng hai mươi năm trở lại đây. Sự tập hợp trí tuệ ấy, hình thành cái gọi là “Khoa học huyền bí”, mà sức lan tỏa của nó đủ trở thành một bộ phận không nhỏ trong toàn bộ Tri thức của nhân loại. Nhưng tại sao sự hiện diện, không thể chối cãi ấy, của hiện tượng Tâm linh, lại bị gán cho hai chữ “Huyền bí”? Đó là bởi vì Khoa học hiện thời không lý giải được. Và chắc chắn không bao giờ lý giải được. Vì một lẽ đơn giản là Khoa học không mang trong lòng nó những mầm mống của Tâm linh! Đối với Khoa hoc, Thế giới thuần túy Vật chất và phải định lượng được.
Một cách tự nhiên, giữa Khoa học và Tâm linh tồn tại một ranh giới: Khoa học vẫn phát triển mà không cần đến Tâm linh, và bằng chiêm nghiệm, Tâm linh cũng chẳng cần đến Khoa học.
Nhưng Khoa học càng tiến lên, chính các nhà khoa học cũng trở nên bối rối, lạ lùng – thậm chí hoang mang – trước sự đối lập giữa “Hiện thực khách quan” với những phát hiện Khoa học của chính mình: Những phát hiện đó, đi ngược lại sự gắn bó chặt chẽ của nhận thức truyền thống, đã ăn rất sâu vào tiềm thức đối với hiện thực nội tại. Vì quá trăn trở với những đối lập ấy, đến nỗi một nhà Vật lý lừng danh như Schodinger, cũng phải than thở với đồng nghiệp Niels Bohr rằng: “Tôi rất lấy làm tiếc là mình đã có lúc dây dưa với lý thuyết Lượng tử”!
Để làm yên lòng thế giới, các nhà Khoa học đã lao vào những cuộc luận giải để dung hòa các phát minh của Vật lý với nhãn quan, nhằm tránh phải xem xét lại sự cảm nhận thông thường của chúng ta về các sự vật. Những kết quả, những nỗ lực ấy của họ, càng vấp phải những khó khăn, khi họ buộc phải đối chiếu chúng với các hiện tượng do chính mình phát hiện ra.
Ngày nay, người ta thấy sự quan tâm đặc biệt của phương Tây dành cho Phật giáo. Các nhà Khoa học phương Tây nhận thấy ở những dạng Tâm linh, mang tính thực dụng của chiêm nghiệm, mà không mang những tín điều nặng nề (như ở các Tôn giáo khác), có thể đưa đến một lối thoát duy nhất cho những khó khăn mà Khoa học đang phải đối diện. Albert Einstein viết: “Nếu có một Tôn giáo nào thích nghi được với những nhu cầu của Khoa học tiên tiến, thì đó là Phật giáo”. Điều này đã kích thích sự tò mò của các phương tiện thông tin đại chúng và kích thích nhiều công trình nghiên cứu, nhằm đánh giá nguyên nhân nào khiến Khoa học hướng tới tiếp cận Tâm linh, và xu hướng phát triển của nó trong tương lai.
Đặc biệt, trong vòng ba mươi năm trở lại đây, bắt đầu mở ra những cuộc đối thoại giữa Khoa học và Phật giáo. Tại đó, nhiều nhà Khoa học lỗi lạc thuộc các lĩnh vực : Thần kinh học, Sinh vật học, Tâm lý học, Vật lý học, Toán học, Triết học… đã được tổ chức thường xuyên, với những đề tài trải rộng thuộc phạm trù Tâm linh.
Heisenberg đã viết: “Tôi cho rằng khát vọng vượt qua những đối lập, bao gồm sự tổng hợp cả hiểu biết duy lý và trải nghiệm Tâm linh về tính thống nhất, là một nét đặc trưng quan trọng của thời đại chúng ta”.
Các nhà Vật lý Lượng tử cũng đã nhấn mạnh rằng, sự phân chia giữa ta và thế giới là giả tạo, Schrodinger đã từng viết: “Chủ thể và Khách thể chỉ là một. Người ta không thể nói rằng, hàng rào giữa chúng đã bị phá vỡ sau các thực nghiệm gần đây của Khoa học Vật lý, vì hàng rào này không hề tồn tại”.
Quan điểm nền tảng của Phật giáo về thế giới là “Sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng”, tức là, không có cái gì tồn tại tự thân và là nguyên nhân của chính mình: Một vật chỉ có thể được xác định trong mối quan hệ với các vật khác và phải được xem xét trong một Tổng thể. Sự phụ thuộc lẫn nhau là một thiết yếu để các hiện tượng có thể thể hiện được. Không có nó, Thế giới không thể vận hành. Từ quan niệm về Sự phụ thuộc lẫn nhau, phát sinh khái niệm về Tính trống rỗng (Tính không), và đi tới khái niệm Vô thường. Sự trống rỗng ở đây không phải là hư vô, mà chỉ là không có sự tồn tại riêng (Tự thân) mà thôi. Bởi vì tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, nên không có gì có thể được xác định, và không có gì là tồn tại bởi chính mình cả.
Về ý nghĩa Triết học, Khoa học hiện đại cũng nghiệm thấy rằng, có một sự hội tụ nhất định giữa Khoa học và Phật giáo với nhãn quan về hiện thực. Bởi vì Vật lý hiện đại (Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối) cũng nêu lên những ý tưởng về sự Phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng trong một tính tổng thểvượt lên trên thời gian. Tính Tổng thể của hiện thực đã được nhiều thí nghiệm Vật lý khẳng định : Trong Thế giới vi mô có thí nghiệm EPR nổi tiếng, mà chúng ta thường nghe nhắc đến. Những thí nghiệm loại này, cho chúng ta biết rằng, hiện thực là không thể chia tách, rằng hai hạt ánh sáng tương tác với nhau liên tục tạo thành một bộ phận của một, và chỉ một hiện thực duy nhất, mà không phụ thuộc gì vào khoảng cách giữa chúng.
Còn trong Thế giới vĩ mô, Tính tổng thể được thể hiện qua thí nghiệm con lắc Foucault. Ở đây, mặt phẳng dao động của con lắc phù hợp, không phải chỉ với môi trường xung quanh, mà với toàn bộ Vũ trụ. Nói cách khác, cái được chuẩn bị xảy ra ở Trái đất đã được quyết định trong khoảng bao la vô tận của Vũ trụ. Nghĩa là phụ thuộc vào tổng thể cấu trúc của Vũ trụ.
Tại sao con lắc Foucault có hành vi như vậy ? Cho tới nay Khoa học Vật lý chưa tìm được câu trả lời. Nhưng nhà Vật lý và Triết học người Áo Ernest Mach đã đưa ra một nguyên lý, gọi là quán tính Mach, phát biểu rằng: “Khối lượng của một vật là kết quả tác động của toàn Vũ trụ lên vật này”. Tác động bí ẩn đó, cho tới nay vẫn chưa có ai tiếp tục chứng tỏ được một cách chi tiết.
Các nhà Vật lý khẳng định, với thí nghiệm EPR và con lắc Foucault, đã buộc chúng ta phải chấp nhận rằng, trong Thế giới vĩ mô, có tồn tại một mối tương tác có bản chất hoàn toàn khác với những tương tác mà Vật lý hiện nay đã mô tả: Tương tác này không làm xuất hiện lực và cũng không có sự trao đổi năng lượng, nhưng nó gắn kết toàn bộ Vũ trụ với nhau, mỗi bộ phận đều mang trong nó tính tổng thể, và mỗi bộ phận đều phụ thuộc vào bộ phận còn lại. Chính các bộ phận này đã tạo nên hiện thực quanh ta, và quyết định những điều kiện tồn tại của chúng ta, của các hạt và các thiên hà. Mặt khác, theo thuyết Lượng tử : Bản thân hành vi quan sát, (cũng tức là Ý thứccủa người quan sát), can dự vào việc xác định sự tồn tại của hiện tượng được quan sát : Người quan sát và hiện tượng được quan sát hợp thành một hệ thống duy nhất – một tổng thể.
Hành vi quan sát và sự nhận thức (do hành vi quan sát ấy đem lại), không những làm đổi hướng hiện thực mà còn quyết định nó, nghĩa là Cơ học lượng tử xác nhận tính hiển nhiên của mối liên hệ giữa Tinh thần và Vật chất. Dưới ánh sáng của lý thuyết lượng tử, nhiều bí ẩn được giải bằng một cách lý giải mới, đi tới một tính nhất quán nào đó mà vẫn không bỏ mất sự thật ban đầu của chúng. Đặc biệt, Vật lý hiện đại cho thấy, càng đi sâu, người ta càng đến gần một nền móng phổ biến gắn liền Vật chất, Sự sống và Ý thức.
Về phương pháp luận nhận thức, được coi là nền tảng của Phật giáo, về Tính tổng thể, về Sự phụ thuộc lẫn nhau, về Tính trống rỗng, của Thế giới các hiện tượng, đã cho phép giải thích mọi bí ẩn của Thế giới Vật chất và thế giới Tâm linh. Đồng thời có khả năng giải quyết sự đối lập giữa hiện thực và các phát hiện của Khoa học hiện đai, sự đối lập đã làm dấy lên lòng hoài nghi và sự lo lắng về “Một cuộc khủng hoảng Vật lý học trong thời đại hiện nay”.
Như vậy,có thể nói rằng, Phật học là một học thuyết đã bao trùm cả Vật lý học và Tâm linh học, tức là một học thuyết nghiên cứu cả Thế giới khách quan và Thế giới tâm linh – một phạm trù đối xứng với thể xác.
Sự đối thoại thường xuyên giữa Khoa học và Phật học, không phải là phương tiện dung hòa, làm hài lòng cả hai quan điểm, dựa trên những xuất phát điểm khác nhau, mà chính là để tạo thành một dòng liên tục của tri thức, của sự hiểu biết về bản chất của các hiện tượng và của Ý thức: Tri thức phải giúp chúng ta khám phá ra bản chất của Thế giới xung quanh và bản chất của Tâm linh con người !
Khoa học không cần đến Tâm linh sẽ làm lụi tàn dần dần sự tồn tại của con người. Bởi vì tri thức không được nuôi dưỡng bằng lòng vị tha thì Khoa học và Chính trị sẽ trở thành con dao hai lưỡi: Khoa học công nghệ mang đến cho loài người những yếu tố tích cực vô cùng to lớn, nhưng nó cũng gây ra những hậu quả tàn phá không kém phần nghiêm trọng, kể cả tàn phá về nền tảng đạo đức. Khoa học đã chứng tỏ rằng, nó có thể tác động vào Thế giới, chứ không làm chủ được Thế giới. Chỉ có những Phẩm chất con người mới có thể định hướng được cách tác động vào Thế giới của chúng ta. Vậy mà, những phẩm chất này chỉ có thể nảy sinh từ một Khoa học về Tâm linh !
2- Phải chăng Ý thức chỉ là sự phản ảnh của các quá trình Vật lý? Nó là kết quả của sự phức tạp hóa cấu trúc Vật chất hay hoàn toàn khác biệt với Vật chất ?
Giải đáp những câu hỏi loại này một cách hợp lý, sẽ cung cấp cho chúng ta một tư duy mới, tiếp cận với bản chất “huyền bí” của Tâm linh con người, và làm phong phú thêm Tri thức của chúng ta.
Ý thức từ đâu đến ?
1* - Đối với các nhà Sinh vật học đương đại thì cho rằng, Ý thức bắt nguồn từ sự tổ chức ngày càng phức tạp của các hạt vô sinh, phát triển theo hình thái phân nhánh nhờ động lực của quá trình trao đổi chất và năng lượng với hệ ngoài, và đến một ngưỡng tới hạn nào đó thì xuất hiện sự “đột sinh”, ra đời một hiện tượng, với bản chất hoàn toàn mới. Ý thức đột sinh theo nguyên lý này. Vì Ý thức được thai nghén và nuôi dưỡng bằng Vật chất, cho nên Ý thức luôn phải gắn liền với cái nôi Vật chất để làm “giá đỡ”. Não bộ là giá đỡ vật chất (hay còn gọi là giá đỡ vật lý) của Ý thức.
2* - Với những phát hiện mới nhất của Vật lý hiện đại: Dường như thế giới các hạt cơ bản cũng đều có biểu hiện một “Ý thức” ở mức độ nào đó để tự thích ứng trong các tình huống khác nhau. Thí nghiệm nổi tiếng nhất, gây xôn xao về chuyện này, gọi là thí nghiệm 2 khe (Do nhà Vật lý người Anh Thomas Young thực hiện).
Những kết quả quan sát và lặp lại nhiều lần thí nghiệm này, người ta gần như có cảm giác rằng, các Photon có mang theo một Ý thức thô sơ ở mức độ nào đấy. Trong tình hình lúc bấy giờ của Khoa học, đa số các nhà khoa học không tán thành ý kiến này. Tuy nhiên cũng có một số người vẫn hình dung rằng, các hạt cơ bản có mang một thuộc tính, có thể so sánh ít hay nhiều với ý chí tự do. Chẳng hạn nhà Vật lý người Mỹ Evan Walker đã trình bày một luận điểm đáng kinh ngạc như thế này: “Ý thức có thể liên kết với tất cả các hiện tượng Lượng tử, vì mọi sự kiện, xét đến cùng, là sản phẩm của một hay nhiều sự kiện Lượng tử…”
Luận điểm đó tương đồng với khái niệm về Trường Ý thức và cho rằng, Trường Ý thức cũng có thể thuộc về một continum giống như Trường Lượng tử. Bởi vì theo thuyết Lượng tử thì bản thân động tác quan sát, nói khác đi là ý thức của người quan sát, can dự vào việc xác định sự tồn tại hiện tượng được quan sát,
3* - Quan điểm Phật giáo cho biết rằng, Ý thức chỉ là một chức năng hữu hiệu, một “vẻ bề ngoài thuần túy”, không có hiện thực nội tại, và cũng không có điểm bắt đầu. Vấn đề không tồn tại điểm bắt đầu (hay nguồn gốc đầu tiên) của Vật chất và Ý thức xuất phát từ cái gọi là “Không thể nhận thức được”: Không thể nhận thức được, không phải là sự cam chịu trước một điều huyền bí vượt quá khả năng nhận thức, mà là nói tới cái không thể được hiểu bằng các khái niệm thông thường của chúng ta. Điều này cũng tương đồng với cái được gọi là định lý Godel về “Tính không đầy đủ”. Theo định lý này thì không thể chứng minh rằng, một hệ thống là phi mâu thuẫn, khi ta vẫn ở bên trong hệ thống ấy. Để chứnh minh, cần phải ra khỏi hệ thống đó.
Theo Phật giáo, Vật chất và Ý thức tồn tại song song, không có thứ tự trước - sau, không loại trừ lẫn nhau.
Việc cho rằng, Nguyên lý Vị nhân dẫn dắt thế giới vô sinh phát triển, hình thành sự sống có Ý thức, là siêu hình, chẳng có ý nghĩa gì đáng quan tâm đối với Phật giáo.
Phật giáo nhìn nhận Ý thức có nhiều cấp độ : Cấp Thô, cấp Tinh, và Cực kỳ tinh.
Cấp thôtương ứng với sự hoạt động của não bộ. Cấp Tinh tương ứng với cách gọi trực quan thông thường là Ý thức nghĩa là rất nhiều khả năng, đặc biệt là khả năng tự suy xét, tự vấn về bản chất của chính mình và biểu lộ tự do ý chí của chính mình, đồng thời thể hiện các khuynh hướng khác nhau tích lũy được trong quá khứ. Ý thức cấp độ Tinh có thể xếp liền với ý thức cấp độ Thôvì cả hai đều bắt nguồn từ cấp độ cơ bản. Mặt cơ bản có thể tạm thời bị che khuất bởi vướng vào sự độc hại của vô minh. Khi đó, chỉ có mặt Thô và Tinhcủa Ý thức là có thể tri giác được.
Riêng Cấp độ Thô cần có các yếu tố phụ trợ như não bộ, thể xác và môi trường, Điều này có nghĩa là cấp độ Thô cần có “giá đỡ” vật chất : Nó bị não bộ làm cho thay đổi và nó cũng có thể làm thay đổi não bộ thông qua qui luật nhân quả tương hỗ. Hoạt động của Ý thức cấp độ thô liên quan tương ứng với hoat động của não bộ và không được thể hiện khi không có thể xác.
Cấp độ Cực kỳ tinh là quan trọng nhất, nó được gọi là “Sự sáng suốt nền tảng của Ý thức”. Nó tương ứng với một sự hiểu biết thuần khiết, không hoạt động theo mô thức nhị nguyên (Chủ thể - Khách thể) và không nhất thiết phải có “giá đỡ” Vật chất: Nó vẫn còn đấy mà không cần đến thể xác.
Vấn đề từ đâu sinh ra các hiện tượng có Ý thức, liệu có phải cần một “tia lửa” để khởi động sự sống và Ý thức từ những nguyên tử vô sinh hay không, đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi về chủ đề: Ý thức có thể có một điểm bắt đầu.
Theo quan điểm Phật giáo, nếu có một điểm bắt đầu như vậy thì, hoặc là nó được tạo ra từ hư vô, hoặc từ một sự tiến hóa tuần tự từ các vật vô sinh, (như suy nghĩ của hầu hết các nhà Sinh vật học và Vật lý học). Nếu từ hư vô thì, một là nó không cần nguyên nhân, hai là nó được nhào nặn qua bàn tay của một Đấng Sáng thế. Trong nhiều dịp, chúng ta đã biết Phật giáo bác bỏ hai khả năng này như thế nào rồi. Còn nếu tiến hóa tuần tự từ vật vô sinh, điển hình như nhà Vật lý Brian Greene đã viết: “Tôi cho rằng, Ý thức là sự phản ánh các quá trình Vật lý vi mô, vốn rất phức tạp và diễn ra cực kỳ nhanh. Mặc dù các khía cạnh về chất của Ý thức rất khác với những tính chất của các cấu thành Vật lý, mà trên đó Ý thức được tạo ra, nhưng tôi không nghĩ rằng, điều đó là dấu hiệu chỉ ra sự tồn tại của một cái gì đó khác với cấu trúc Vật lý, vốn là cơ sở của nó”.
Phật giáo trả lời rằng, nguyên nhân và kết quả phải có một sự cộng thông về bản chất: Một khoảnh khắc của Ý thức, chỉ có thể được sinh ra từ một khoảnh khắc ngay trước đó cũng của Ý thức. Nếu một cái gì đó có thể được sinh ra từ một cái hoàn toàn khác về bản chất, thì tất cả đều có thể được sinh ra từ bất cứ cái gì. Đó là một điều phi lý. Do đó, mặt cơ bản của Ý thức không thể sinh ra từ Vật chất vô sinh và, trong mọi hoàn cảnh, không nhất thiết phải phụ thuộc vào sự hiện diện của một “giá đỡ” vật lý.
Như vậy, không có sự chuyển tiếp từ Vật chất đến Ý thức, mà là khái niệm về một dòng liên tục của Ý thức, gắn hay không gắn với các “giá đỡ” vật chất khác nhau.
Ở đây nảy sinh câu hỏi: Nếu thừa nhận có thể có một Ý thức không có giá đỡ Vật lý, thì Ý thức có quan hệ gì với Vật chất? Câu trả lời là, mối quan hệ ấy nằm ngay ở tính phổ biến của Sự phụ thuộc lẫn nhau: ngay cả khi không có giá đỡ Vật chất, thì Ý thức cũng không vì thế mà bị “tách rời” khỏi Tổng thể của thế giới các hiện tượng.
█Bằng chứng thứ nhất cho luận điểm này là, với những người đã trải qua trạng thái trung gian giữa cái chết và sự hồi sinh, tức là trạng thái chết lâm sàng, (Ở phương Tây, những trải nghiệm mà người ta gọi là “cận kề cái chết”, còn trong ngành Y, có chữ viết tắt là NDE (near death experience) cũng rất quen thuộc và cũng được minh họa khá nhiều.) Đó là trạng thái không còn “giá đỡ”vật chất cho mọi cấp độ Ý thức nữa. Nhưng những lời chứng của những người trải qua cái chết lâm sàng (trong một khoảng thời gian nào đó, và sau đó, họ hồi tỉnh lại), thì vẫn còn đó. Họ thường kể lại là đã từng trải qua trạng thái cực kỳ hạnh phúc, kể về tình yêu thương nhân loại, về cuộc du hành đến một nguồn sáng chói lòa ở cuối đường hầm tăm tối và về điểm không thể quay lui, mà tại đó, họ phải lựa chọn nên tiếp tục đi hay trở về với sự sống. Và rằng, họ rất thường xuyên ngập ngừng trong việc tái nhập trở lại vào thể xác của mình… Những người trải qua các trạng thái này, khi tỉnh lại, thường thay đổi và quyết định sống phần còn lại của cuộc đời theo một cách mới.
Dù những lời kể này có sức ảnh hưởng như thế nào chăng nữa, thì những người theo chủ nghĩa Duy vật, vẫn sẽ bác lại rằng chúng chẳng qua chỉ là tàn dư của hoạt động thần kinh lúc hấp hối. Phật giáo cho rằng, những người đã trải qua NDE vẫn chưa thực sự vượt qua ngưỡng của cái chết. Nhưng một số người khác (mà thường là những Thiền sư cao cấp hoặc những người bình thường đã trải qua những trải nghiệm kéo dài ở trạng thái NDE), thì họ đã mô tả rất chi tiết các giai đoạn khác nhau của cái chết và của trạng thái trung gian mà họ đã trải qua này.
Bàng chứng thứ hai là về ký ức của các kiếp trước tái hiện vào kiếp sau. Những lời kể theo hướng này rất nhiều, vì chưa được một số đủ lớn các nhà Khoa học kiểm chứng, nên chúng thường không được chấp nhận, tuy nhiên vẫn có một vài ngoại lệ, đó là những trường hợp khá nổi tiếng, mà khả năng người kể bịa đặt hoặc trùng hợp ngẫu nhiên bị loại trừ một cách hợp lý. Đó là trường hợp của Shanti Dévi: cô bé 4 tuổi sinh tại Delhi - Ấn Độ (Xem phụ trương câu chuyện này, ở phần dưới, do nhà Khoa học kiêm Nhà sư người Pháp Matthieu dẫn ra làm luận cứ trong một cuộc đối thoại Khoa học về đề tài này).
Trường hợp Shanti Dévi, mặc dù rất đặc biệt nhưng không phải đơn độc. Giáo sư Ian Stevenson, Trường đại học Virginie, đã nghiên cứu lời chứng của hàng trăm người khẳng định là họ có những hồi niệm tương tự như vậy. Ông đã giữ lại vài chục trường hợp mà ông cho là khó giải thích nếu không dựa vào hiện tượng truyền ký ức.
Nhưng trong bối cảnh nền văn hóa phương Tây quá xa lạ với việc cho rằng, người ta có thể tái sinh nhiều lần, cho nên viện dẫn ra bằng chứng này chỉ làm dấy lên sự bác bỏ. Nhưng cũng khá ngạc nhiên, khi người ta sẵn sàng tin rằng, có gen di truyền trong dòng tộc về bệnh tật, về dị tật, về một tài năng nào đó từ đời các cụ-kỵ xa xưa bỗng tái hiện ở đời cháu–chắt hiện tại. Tình huống ở đây về khoảng cách thời gian và không gian, không thể nói đó là một sự truyền tải kiểu “lây nhiễm” qua thể xác, bởi vì không hề có sự “bắt cầu” di truyền theo thứ tự kế tiếp, mà cách quãng đôi khi khá xa. Vậy thì cái gọi là gen di truyền, được chuyển đi bằng phương tiện nào với quãng cách ấy ? Cho nên, suy cho cùng, sự bác bỏ này, của phương Tây, chủ yếu là do thói quen bản năng, không ưa thích việc phải xem xét lại các quan điểm siêu hình hơn là sự mong muốn làm sáng tỏ vấn đề đang chịu ảnh hưởng mạnh của môi trường văn hóa. Rõ ràng, môi trường văn hóa có ảnh hưởng to lớn đến thế giới quan của chúng ta.
Sự tồn tại Ký ức kiếp trước cũng cho phép giải thích hiện tượng “Thần đồng” và sự đột xuất các tài năng thiên bẩm nói chung.
Tuy nhiên cũng có câu hỏi rằng, nếu như có thể nhớ lại những cuộc đời trước, thì tại sao điều này chỉ xảy ra với một số ít người? Đó là vì cái mà người ta gọi là “sự hôn ám tạm thời”, chẳng hạn, bừng tỉnh lúc nửa đêm, hoặc ra khỏi trạng thái gây mê toàn thân, bị chấn thương, người ta rơi vào trạng thái mơ hồ, trong vài phút, không biết là mình đang ở đâu. Nó tương tự như sự hôn ám của người sau khi chết sống lại, chỉ có điều cường độ khác nhau mà thôi. Do vậy, người ta hiểu rằng, khi chết là một chấn thương gây hôn ám nặng hơn nhiều và sự quên cũng sâu hơn, làm tiêu tán dòng Ký ức. Nhưng cái chết xảy ra trong hoàn cảnh đầu óc còn rất sáng suốt, hoặc ở độ tuổi còn trẻ trung sung mãn, thì có thể xảy ra trường hợp các hồi ức sẽ xuất hiện trở lại trong các kiếp sau.
Hiện tượng này được thể hiện trong suốt tuổi ấu thơ, vì càng lớn lên thì những ấn tượng của cuộc sống mới càng áp đặt và càng hằn sâu vào Ý thức, khiến cho các ấn tượng của kiếp trước tan biến dần. Ở những người đã đạt đến độ làm chủ mình bằng thiền định và biết vượt qua trạng thái trung gian với một đầu óc minh mẫn, thì sự hôn ám do quá trình chết là rất nhỏ. Chính vì thế, ở Tây tạng, các hồi niệm lại kiếp trước, xảy ra nhiều hơn trong lứa tuổi nhỏ do sự tái sinh của các Thánh nhân đã chết.
Mặt khác, đó không phải là loại Ý thức phổ biến chung cho tất cả mọi người và hiện tượng trong tất cả các hiện tượng, mà là một dòng liên tục của Ý thức cá nhân, chuyển từ một trạng thái tồn tại này sang một trạng thái khác. Đó là những dòng chảy mà người ta có thể so sánh với các “Sóng” vì Ý thức chỉ là một chức năng, không có hiện thực nội tại.
Ý thức bao hàm một lượng lớn các quan hệ mà ta có thể xem như chúng sinh ra một “Trường” cũng nghĩa là một “Sóng”, ngay cả khi nó không phải là một sóng Vật lý. Người ta có thể mô tả Ý thức như một dòng chảy, một chức năng duy trì vĩnh viễn, nhưng không nhất thiết phải mang theo một Thực thể tách biệt nào: Một cái gì đó trôi đi nhưng không có một Thực thể di trú. Có thể so sánh dòng tiếp nối này với sự truyền đạt kiến thức: Trong một bài giảng, chắc chắn là có sự truyền thụ nhưng không có sự truyền phát một vật thể nào. Cũng vậy, khi nhìn những con sóng lừng ngoài khơi, ta tưởng rằng, các khối nước lớn đang chuyển động, nhưng không phải như vậy: Các phần tử nước chỉ dập dềnh tại chỗ khi con sóng đi qua, nhưng không đi theo cùng với sóng, nghĩa là một con sóng truyền lan nhưng không có Vật chất nào được truyền lan theo. Tương tự, sự tiếp nối các trạng thái, mà Ý thức trải qua, giống như sự tiếp nối của một sóng lan truyền một chức năng và các thông tin, chứ không có sự chuyển dịch của Vật chất hay một thực thể cụ thể nào. Theo đó, các từ “Đầu thai” hay “Tái sinh” chỉ nói lên một cách gần đúng trải nghiệm vừa nêu trên. Sự trở thành một con người tương ứng với các chuyển hóa của con sóng này, bản chất của những hành vi và suy nghĩ quyết định các trạng thái Ý thức của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là tồn tại sự sở hữu mỗi người một sóng Ý thức riêng, để nhờ có nó mà chúng ta mới có được ý niệm về một bản sắc cá nhân.
Nên nhớ rằng, ta có thể hình dung một người có một Ý thức cá nhân, nhưng không nhất thiết cần phải thừa nhận sự tồn tại của một “Cái tôi” du hành cùng với sóng đó. Bởi vì, nếu Ký ức phụ thuộc vào “Cái tôi”, thì những ai rèn luyện đạt được giải phóng khỏi ảo tưởng của “Cái tôi”, thì lẽ nào, người ấy trở thành người mất trí nhớ? Cho nên, không được nhầm lẫn khái niệm giả tạo về “Cái tôi” với dòng Ý thức cá thể. Sự vắng bóng của “Cái tôi” không hề ngăn cản quá trình nhớ vốn được ghi sẵn trong hệ thống thần kinh và làm thay đổi các đặc trưng của Ý thức Thô tương ứng với hệ thống đó.
“Cái tôi” là một cái nhãn gắn với Tâm thể của chúng ta, giống như chúng ta gọi “Ngôi nhà có nhiều cửa sổ” là tổng thể các thông tin chứa trong bộ phim truyền hình cùng tên, nhưng không thể nghĩ rằng, có một thực thể “ngôi nhà có nhiều cửa sổ” hiện diện ngay trong lòng tổng thể các thông tin của bộ phim này.
3- Thay lời kết :
a) Không chỉ có Thế giới Vật chất mà có cả Thế giới Tâm linh cùng song hành tồn tai trong một Tổng thể và Phụ thuộc lẫn nhau của Vũ trụ. Thế giới Vật chất cung cấp tiện nghi và nuôi dưỡng sự sống. Thế giới Tâm linh cung cấp đạo lý và nuôi dưỡng phẩm chất Tâm hồn. Hai Thế giới bổ trợ nhau tạo ra con người hoàn hảo. Đó là vẻ đẹp mà nguyên lý đối xứng của Vũ trụ mang lại cho chúng ta.
b) Sự tích hợp Khoa học Vật lý và Khoa học Tâm linh sẽ làm triệt tiêu mảnh đất vô minh của sự lòe bịp nhảm nhí, tầm thường hóa Tâm linh. Đồng thời cho phép chinh phục mọi bí ẩn trong nó, sự bí ẩn mà đơn phương Khoa học không thể chinh phục được.
c) Với cấp độ thô, thì Ý thức gắn liền với não bộ. Với Ý thức tinh tế thì đó là những dòng chảy mà người ta có thể so sánh với các Sóng, và do nó bao hàm một lượng lớn các quan hệ, mà ta có thể xem chúng phát sinh ra một Trường(cũng đồng nghĩa với một Sóng), dù nó không phải là một Trường hay một sóng Vật lý.
Người ta có thể mô tả Ý thức như một dòng chảy, một chức năng duy trì vĩnh viễn, nhưng không nhất thiết phải mang theo một thực thể di trú nào. Điều này có nghĩa là Sóng Ý thức vẫn tồn tại ngay cả khi không còn thể xác !
Vì Sóng ý thức tồn tại trong Tính tổng thể Vũ trụ và Tính phụ thuộc lẫn nhau cho nên, nó chẳng những không biến mất khi không còn thể xác, mà nó còn liên tục cập nhật thông tin để duy trì chức năng vĩnh viễn của mình trong dòng Ý thức liên tục. Chính điều này bác bỏ luận giải cho rằng, “ý thức hồi niệm” chẳng qua chỉ là “bức xạ tàn dư” lúc hấp hối.
d) Một luận thuyết Khoa học (dù là Duy lý hay Chiêm nghiệm) được công nhận là đúng đắn, nếu nó giải thích nhất quán những hiện tượng quan sát được và cho phép tiên đoán khá đúng những sự kiện liên quan chưa được phát hiện. Đó là “Cơ sở Khoa học”, chẳng những nền tảng cho lòng tin vào chân lý mà, quan trọng hơn, là cơ sở cho một nhận thức mới: Nhận thức về một “Thế giới tích hợp”: Một Khoa học về Tổng thể Vật chất – Sự sống – Ý thức, hay về Tổng thể Khoa học – Tâm linh.
Hà Nội, mùa đông 2008
(Bài viết có sử dụng một số đoạn trong cuộc đối thoại tay đôi giữa nhà Vật lý thiên văn, Giáo sư Đại học Virginia, Hoa kỳ: Trịnh Xuân Thuận và nhà Khoa học kiêm nhà sư người Pháp Matthieu Ricard, trong ấn phẩm“Cái vô hạn trong lòng bàn tay – Từ Big Bang đến giác ngộ”
Phụ trương
CÂU CHUYỆN TÁI SINH TỪ KIẾP TRƯỚC.
Matthieu Ricard
Matthieu Ricard |
Shanti Dévi sinh năm 1926 tại Delhi, Ấn Độ. Năm lên 4 tuổi, cô bé bắt đầu nói với bố mẹ những điều rất kỳ lạ rằng, ngôi nhà thật của bé là ở thành phố Mathura, nơi chồng của bé đang sống. Mới đầu cảm thấy buồn cười, nhưng không lâu sau, cha mẹ Dévi cảm thấy lo lắng cho tình trạng thần kinh của con gái. Nhưng Shanti Dévi rất thông minh và dễ mến. Suốt hai năm tiếp theo, Dévi vẫn luôn khẳng định những lời nói của mình, điều này làm cho cha mẹ cô bé khó chịu. Năm lên 6 tuổi Dévi trốn khỏi nhà và quyết định đi bộ đến Mathura, cách Delhi 150km, nhưng không thực hiện được. Một hôm Dévi giải thích cho một bạn cùng lớp rằng, cô không phải tên là Shanti Dévi mà là Lugdi Dévi, và rằng cô đã có chồng, thậm chí, còn có một con mà cô không thể chăm sóc, vì sinh con được 10 ngày thì cô chết. Cả Trường học đã chế giễu Dévi. Dévi khóc tức tưởi và bỏ đi. Tuyệt vọng, cô bé lang thang rất lâu và cuối cùng đến gần một ngôi đền. Tại đây, cô bé kể lại toàn bộ câu chuyện của mình cho một người phụ nữ, khi bà này cố an ủi cô. Lúc này, cả gia đình hốt hoảng lo cho con gái. Bố cô bé bổ đi tìm và cuối cùng đã tìm thấy cô. Lần này, ông đã lung lay trước sự cương quyết của con gái. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo mọi chuyện vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Shanti Dévi sống khép mình.
Cuối cùng, cảm thấy tò mò vì tất cả những gì người ta kể về đứa trẻ hiền lành, chăm chỉ này, thầy giáo và thầy hiệu trưởng Trường cô bé học, đã đến gặp bố mẹ cô bé, với hy vọng làm sáng tỏ mọi việc. Họ đã hỏi cô bé rất lâu và cô bé đã bình tĩnh tự tin trả lời tất cả các câu hỏi của họ. Cô bé kể lại cuộc sống của mình đã trải qua ở Mathura với người chồng làm nghề buôn bán, và khẳng định rằng, cô có thể dễ dàng nhận ra người quen và các địa danh nơi đó. Trong buổi nói chuyện Dévi thường dùng các phương ngữ của vùng Mathura, mà ở đây không một ai nói. Hai ông thầy nài nỉ cô bé cho biết tên chồng. Việc cho biết tên chồng đối với một phụ nữ Ấn Độ, là một việc làm mất lịch sự và đáng xấu hổ, Dévi lưỡng lự, lấy tay che mặt và cuối cùng thì thầm cái tên “Kédar Nath”. Mặc dù bố mẹ cô bé muốn mọi người quên tất cả những chuyện này đi, nhưng ông Hiệu trưởng vẫn tiến hành điều tra ở Mathura. Và ở đó quả thật có một thương gia tên là Kédar Nath. Ông Hiệu trưởng viết một lá thư cho Nath và vài tuần sau, ông nhận được thư trả lời. Hết sức sững sờ, người thương gia khẳng định rằng 9 năm trước, vợ anh ta đã chết 10 ngày sau khi sinh ra một đứa con trai. Hẳn là người đàn ông này muốn biết thêm nhiều thông tin nữa, nhưng vì còn bán tín bán nghi, nên anh ta nhờ một người họ hàng đến Delhi để tìm hiểu sự tình. Ngay lập tức, cô bé đã nhận ra người đàn ông mà cô chưa bao giờ gặp này. Cô đón tiếp thân mật anh ta, nhận xét rằng anh ta béo lên so với trước và cảm thấy buồn khi anh ta vẫn sống độc thân. Cô bé còn hỏi han nhiều điều khác nữa. Lúc đến đây, với niềm tin sẽ lột mặt được một trò bịp bợm, người đàn ông nọ cảm thấy rất đỗi kinh ngạc. Anh ta cũng bắt đầu vặn hỏi cô bé, nhưng ngay sau đó đã phải cầu xin cô bé im lặng, vì cô bắt đầu kể chính xác, anh ta đã tán tỉnh cô như thế nào lúc chồng cô đi vắng. “Lugdi Dévi là một người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới, đó là một nữ thánh!”, người anh họ này kêu lên. Sau đó cô bé hỏi thăm tin tức về con trai mình.
Khi kể lại cho thương gia Kédar Nath nghe sự việc này, thiếu chút nữa thì anh ta ngất xỉu. Kédar Nath quyết định đến Delhi cùng con trai, nhưng với ý định là giả danh người em trai. Nhưng thật hoài công. Ngay khi Nath vừa xưng tên giả mạo của mình, thì Dévi đã kêu lên:”Anh không phải là Jeth (em chồng – theo phương ngữ ở Mathura) của em, mà là Kédar Nath, chồng em” và cô bé Dévi ngã vào vòng tay của Nath khóc nức nở. Khi cậu con trai, gần bằng tuổi Dévi, vào phòng, Dévi ôm hôn cậu bé giống như mẹ ôm con. Tất cả những người chứng kiến cảnh này đều thấy sững sờ. Câu chuyện càng tiếp tục càng trở nên chính xác hơn. Shanti Dévi còn hỏi Kédar Nath có giữ lời hứa trước lúc cô lâm chung là sẽ không tục huyền không. Dévi đã tha thứ khi Nath thú nhận là đã lấy một người phụ nữ khác. Kédar Nath ở lại Delhi nhiều ngày và hỏi Shanti Dévi rất nhiều câu hỏi, và Dévi đã trả lời với những chi tiết làm mọi người hết sức ngỡ ngàng. Khi quay trở về, Nath hoàn toàn tin rằng Shanti Dévi chính là sự đầu thai trở lại của người vợ cũ của mình.
Sự việc không dừng lại ở đây. Tiếng đồn vang xa, và một hôm. Trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người, đích thân Ngài Gandhi đã đến thăm cô bé. Ông rất quan tâm đến trường hợp này. Shanti Dévi tiết lộ với ông rất nhiều điều, trong đó có việc Lugdi Dévi rất sùng giáo. Vuốt tóc cô bé như người cha vuốt tóc con. Ngài Gandhi nói với cô bé: “Ta hy vọng sẽ biết nhiều điều hơn nữa khi cháu trở lại Mathura. Những thiện ý của ta sẽ đi cùng cháu. Điều mà cháu cần làm, đó là Sự thật, đừng bao giờ rời xa con đường Sự thật, dù cháu phải trả giá như thế nào”. Ông đã gửi cô bé đến Mathura, có cha mẹ đi theo, cùng với 3 thân hào, nhiều Luật sư, nhà báo và doanh nhân nổi tiếng có trí tuệ cao. Ngày 25 tháng 11 năm 1935, phái đoàn đến nhà ga Mathura. Một đám đông tụ tập trên sân ga để chào đón họ. Ngay lập tức, cô bé khiến mọi người phải sửng sốt khi cô nhận ra các thành viên của “gia đình” mình. Cô bé bước nhanh đến một ông già và kêu lên: “Ông!”và hỏi thăm con rắn thần của mình. Ông già hết sức kinh ngạc: trước khi chết, Lugdi Dévi đã ký thác cho ông con rắn thần của mình. Sau đó, cô dẫn cả đoàn về thẳng “nhà mình”. Trong nhiều ngày Dévi tới thăm hàng chục địa danh và con người nơi đây. Cô tới gặp lại bố mẹ xưa kia của mình, làm họ hết sức bối rối. Trong khi đó, bố mẹ hiện tại của cô rất lo là cô sẽ không về lại với họ nữa. Mặc dù bị giằng xé ghê gớm, nhưng cô bé vẫn quyết định trở lại Delhi. Dần dà trong quá trình hỏi chồng mình, cô bé phát hiện ra rằng, anh ta đã không giữ bất cứ lời hứa nào, mà anh ta đã nói trước lúc cô giã từ cõi đời. Thậm chí, anh ta còn không cúng tiến cho thần Krisha 150 rupi tiết kiệm mà cô đã giấu dưới một tấm ván, để cứu rỗi cho linh hồn cô. Món tiền giấu này chỉ có Lugdi Dévi và chồng biết. Shanti Dévi đã tha thứ cho Kédar Nath tất cả những lỗi lầm đó, và điều này càng khiến cho những người nghe cô, thêm quí trọng cô nhiều hơn.
Ủy Ban điều tra gồm các thân sĩ đã làm việc nghiêm túc, tiến hành rất nhiều cuộc xác minh, tập hợp và đối chiếu các thông tin và sự việc. Ủy Ban này đã đi đến quyết định rằng, Shanti Dévi chính là sự đầu thai trở lại của Lugdi Dévi.
Sau đó Shanti Dévi sống một cuộc đời rất khiêm nhường và độc thân, vì cô đã hứa với chồng là sẽ không bao giờ tái giá trong cuộc sống mới. Cô không bao giờ tìm cách kiếm lợi từ sự nổi tiếng của mình và, sau khi hoàn thành việc học Văn học và Triết học, cô đã dành thời gian cho cầu nguyện và Thiền định. Vào cuối những năm 1950, một lần nữa, cô chấp nhận kể lại câu chuyện của đời mình…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005