Ai đã dọn mình cho cuộc gặp gỡ này?

03:10 CH @ Thứ Sáu - 01 Tháng Bảy, 2005

Một anh chàng tuổi 20 ngồi mời rượu các bậc tiền bối, ngồi chiếu trên. Tư thế rất đàng hoàng bình đẳng. Anh ta có thể mời rượu nhiều người nhưng chúc rượu thì chỉ một lần hiếm hoi này thôi, chỉ với các cụ thôi. Khẩu khí. Ngang tàng như cái chữ hi hữu bị xẻ đôi kia. Mà lại cũng rất tôn kính biết điều.

Trẻ trung đến mức đôi khi ngây thơ, nhưng cũng già dặn xa cách với những gì phù phiếm mà thơ trẻ hay mắc phải. Trẻ, nhưng đã sâu đậm những điều lý tưởng, nhất quyết tin mình sẽ làm được một cái gì đó lớn lao hơn cái đời thường mòn mỏi, nhất quyết muốn cống hiến đến cả máu và nước mắt: tôi ngửi thấy mùi ai khóc/ khi vô tình nhìn vào gương/ ngửi thấy mùi tương lai chín/ khi gieo máu xuống con đường... Nhưng không phải là cuộc cách tân mù quáng mà đầy lý trí chiêm nghiệm: tôi ngửi thấy mùi ánh sáng/ khi vò khe khẽ đêm thâu/ ngửi thấy mùi mâu thuẫn đắng/ khi tôi và tôi khác màu (Ngửi).

Thơ Linh làm cho người đọc tin. Tin rằng anh chân thành và trong trẻo. Tin rằng anh không màu mè phù phiếm. Đó là thứ thơ làm thuốc thử cho những gì sặc sỡ xoắn vặn hình thức và câu chữ, hoặc giả vờ khệnh khạng cụ non.

Những ai thường e ngại trước sự dễ dãi của thơ lục bát có thể sẽ vui mừng trước những bài thơ như thế này:

Thằng bé
thằng bé mới chục tuổi đầu
đã lâu không khóc
đã lâu không cười
thằng bé ấy mới lên mười
người ta đã gọi: kiếp người
vậy ư?
thằng bé ngoan?
thằng bé hư?
chẳng ai biết nữa
hình như
là buồn
hình như thằng bé ấy luôn
tìm trong đau khổ
những nguồn thương yêu
đôi khi trốn khỏi buổi chiều
trầm ngâm ngồi nghĩ
những điều
hồn nhiên

Thơ tuổi 20 bây giờ cho người ta cái ấn tượng là sự phá phách tân kỳ, những câu văn xuôi xuống hàng, những khái niệm đối chọi đặt cạnh nhau một cách khôn khéo để người đọc muốn hiểu thế nào cũng được. Tốt thôi. Nhưng người làm thơ trẻ có lẽ cũng nên tuần tự đi qua những cái cơ bản, thật thuần thục những thể thơ cổ điển trước khi phá vỡ nó ra. Sự phá vỡ khi ấy mới thật là ngoạn mục. Nguyễn Thế Hoàng Linh đã làm được như vậy. Bài thơ trên chẳng hạn. Hồn lục bát trong một cái vỏ hiện đại. Hồn ngây thơ mười tuổi trong hình hài một chàng đôi mươi.

***

Một người làm thơ của thời đại Internet, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã gửi hết lên mạng cả nghìn bài thơ, nhiều khi là sự ứng tác tức thời với bạn bè. Nhà thơ Dư Thị Hoàn sục vào đâu đó trên mạng, lấy được vài trăm bài thơ của Linh, hào phóng chia sẻ với bạn văn. Tôi đọc. Giật mình. Tưởng đã quen nhờn với thơ mà vẫn còn giật mình được. Mỗi tháng trung bình nhận được từ văn phòng hội vài ba chục tập thơ tác giả gửi tặng. Một chồng thơ trên mặt bàn mỗi tháng bắt phải đọc. Thế mà thơ Linh bật hẳn ra.

giá tình yêu save được
error thì load lại chẳng bận lòng
giá tình yêu delete được
chán
hắt xì một cái
thế là xong
tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ
có một lần tôi làm thơ trên máy tính
và đặt tên file là “tinhyeu”
khi không hài lòng tôi định xóa
cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm
hỏi tôi:
“are you sure you want to delete
‘tinhyeu’?” (*)
tôi đã rùng mình
bạn ạ

Rùng mình. Không chỉ nhà thơ mà cả người đọc.

Đọc văn muốn biết người. Chị Dư Thị Hoàn và tôi đi tìm Linh. Không ai biết. Nhờ một sinh viên cùng trường tìm, vài tháng sau chú bảo nhân vật này bí ẩn lắm, chưa tìm ra. Một tháng sau chú nhắn cho tôi cái tin: nhà thơ anh tìm đã bị tai nạn giao thông chết cách đây một tháng rồi.

Ngẩn ngơ cả người. Ân hận. Như là mình vừa mới hiểu một con người thì người ấy đã không còn.

Tìm ra manh mối từ nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ngọc bảo: Tôi mới gặp Linh mà. Từ Sài Gòn, Ngọc gọi điện thoại ra nhà Linh ở Hà Nội. Cái tin kia chỉ là tin thất thiệt. Nhầm. Dư Thị Hoàn và tôi vội tìm đến nhà Linh.

Trong tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, Linh đã tiên liệu một ngày nào đó người ta sẽ phải tìm mình. Người ta đây là độc giả và đồng nghiệp văn chương. Sinh năm 1982, Linh là một sinh viên bỗng nhiên tự bỏ học ở năm thứ ba. Lên giảng đường không sao tập trung được. Cả nghìn bài thơ chen chúc trong đầu đòi được trút ra trang giấy. Viết ra được đôi khi cũng là một hình thức triệt bớt những ý tưởng dồn nén trong đầu. Linh ví nó là triệt sản. Để chúng lại trong đầu thì đầu óc nổ tung ra mất.

Bi kịch ít người hiểu cho. Linh viết lại bi kịch này trong tiểu thuyết Chuyện của thiên tài. Một anh chàng tuổi ăn tuổi học cần có vài năm trời để viết hết ra những điều cần viết. Nhưng nếu anh bỏ học để viết thì mọi người xung quanh sẽ cho là anh lập dị, ích kỷ, lông bông, không thành đạt. Thiên tài rất tự tin, hãy cho tôi hai năm rồi sau đó tôi sẽ học tiếp cũng không muộn. Những người xung quanh thì cho là anh hoang tưởng, anh mắc bệnh tưởng mình là thiên tài.

Họ có lý. Thói vĩ cuồng hoang tưởng có sẵn trong tất cả mọi người, như vi trùng lao vậy, chỉ chờ một lúc nào đó con người mất khả năng tự kiểm soát là sẽ bứt xích sổng ra hoành hành. Có rất nhiều người mắc bệnh ngộ thơ, thân tàn ma dại cả một đời. Nhưng tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đưa ta vào một tình huống giả định: thiên tài đã đến với ta, đã đầu thai vào nhà ta, khi ấy ta sẽ xử sự như thế nào?

Không thế nào cả. Thế giới chật hẹp này vẫn thường kêu ca vắng bóng thiên tài nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng đón thiên tài, chưa học được cách phải cư xử với thiên tài. Lầm lụi với bao nhiêu vấn đề của người nghèo, người thất học, người ta coi chuyện thiên tài là thứ quá xa xỉ, hão huyền. Rốt cục, thiên tài (nếu có) chỉ có thể bị gán cho những danh hiệu lập dị, hâm hâm, bất bình thường…

Thiên tài cần có công chúng cũng thiên tài. Nói như vậy có vẻ lập ngôn gây ấn tượng. Có lẽ nói thế này thì vừa phải hơn: thiên tài cần có một công chúng có tài năng. Không có công chúng có tài thì thiên tài có đấy cũng như không.

Tiểu thuyết của Linh khá tương đồng với thơ Linh: vừa dày dạn từng trải vừa hồn nhiên ngây thơ. Nhiều trang triết luận đạt đến độ chín bên những trang còn tươi tắn học trò. Cái hăm hở hào hứng muốn chi dùng trí tuệ và sức trẻ vào việc có nghĩa bên cái trầm lắng ưu tư của người từng trải biết thỏa hiệp biết cảm thông.

Những ý tưởng chỉ có người trẻ hôm nay mới chạm tới được bên những tư tưởng thẩm thấu từ triết gia của nhiều thời đại. Trước điều giả định của Linh trong tiểu thuyết, chắc sẽ có người băn khoăn, thiên tài đâu mà không thấy những dấu hiệu siêu phàm, những hành động và sản phẩm xuất chúng?

Nguyễn Thế Hoàng Linh hoàn toàn có thể hư cấu một nhân vật phi thường ngay từ khi lọt lòng, nhưng anh đã không chọn cách này. Trong Chuyện của thiên tài, tác giả dường như chỉ tập trung vào một vấn đề: thiên tài đang bị mắc lưới bùng nhùng của những điều vặt vãnh nhỏ mọn đời thường. Thiên tài trong mắt đời thường thì cũng tầm thường như tất cả. Vì vậy tiểu thuyết là những trang viết tự nhiên như nhật ký, như ghi chép đều đặn của mọi thanh niên bình thường.

Đây là cuốn tiểu thuyết có thể đọc một hơi đối với những ai mê cái thông minh trên từng trang sách. Đây là tiếng nói dù có chỗ còn ngây thơ không tưởng, nhưng là tiếng nói của một thế hệ trẻ đòi hỏi phải được lắng nghe. Đây cũng là cuốn sách mà đọc xong người ta có cảm tưởng được kích thích, muốn viết ra một cuốn sách khác.

Bạn đã thấy đã gặp nhiều người lập dị, hoang tưởng, lông bông nhưng bạn đã gặp một thiên tài bao giờ chưa? Nguyễn Thế Hoàng Linh hỏi đấy. Nếu có ngày sống với thiên tài trong cùng một nhà, bạn đã chuẩn bị để xử sự như thế nào hay chưa? 

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan