Thú chơi sách nghệ thuật

10:35 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Tư, 2010

Phố cổ Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh dù rất tấp nập nhưng không có một quán cà phê nào ra hồn. Giới chơi đồ cổ sau khi đi dạo mỏi chân thường ngồi uống cà phê bình dân trên một quán cóc, ngự trên một nắp cống lớn. Dân giàu có, trung lưu có, Việt kiều có, sang trọng hay lèo bèo chen chúc quanh một cái bàn gỗ, vừa uống cà phê vừa hít mùi khói xăng từ điểm sửa xe gần đó.

Đồ cổ để chơi dạo này ít, nhưng hôm nào có ai mang ra một quyển sách nước ngoài về đồ cổ hay đồ chế tác nghệ thuật, hoặc cataloge tranh, thảm hay đồ chạm khắc được đấu giá của nhà Christie hay Sotherby, làng Lê Công Kiều quanh bàn cà phê càng thêm sôi nổi. Máu ham nghệ thuật khiến họ mê mẩn trước những tác phẩm tinh xảo in trong sách. Như một quy ước bắt buộc, người chơi nghệ thuật buộc phải xem nhiều tài liệu nói về các dòng đồ gốm sứ, đồ gỗ hay đồ kim khí như đồng hồ, la bàn và cả tranh nghệ thuật nếu họ muốn chơi lâu dài. Phải biết nhận ra một món đồ đang trôi nổi trên thị trường thuộc dòng đồ nào, và chỉ có xem thật nhiều sách, dù chỉ được xem thóang qua hay đuợc thân quý cho mang về nhà, phải thu thập thật nhiều hình ảnh trong đầu nếu anh thật sự đam mê nghệ thuật hoặc anh định kinh doanh chúng. Nếu không rèn được mắt thẩm mỹ tinh tế dày công như vậy, anh sẽ thua thiệt khi thẩm định, cho việc làm ăn hay chỉ là cho thú chơi của mình

Có một dạo, một chủ tiệm ở phố này thường khoe một quyển sách in rất trang nhã, bìa cứng chỉ có hai màu trắng đen và màu lam. Đó chính là quyển Porcelain from the Vung Tau Wreck: The Hallstrom Excavation nói về dòng đồ sứ Khang Hy chìm dưới biển ngoài khơi Vũng Tàu. Người dạo chơi phố Kiều ai thấy cũng thèm rỏ dãi vì so với một số món thuộc dòng này đã có mặt trên thị trường, đồ trong sách rất đẹp, nguyên vẹn và lạ mắt. Đồ vớt ở biển Việt Nam nhưng rõ ràng mấy ông Tây mới có thể tiếp cận và in ấn tuyệt hảo như thế này. Dù giá bìa chỉ có hơn 50 USD, ông chủ tiệm tung ra bán khỏang 5 quyển, mỗi quyển 100 USD và có vài người mua ngay. Quyển sách có sức hút rõ ràng

Một anh chơi sách nghệ thuật kể chuyện: Khi nghe đến tên một tạp chí nổi tiếng về nghệ thuật châu Á, quyển Arts of Asia, anh bắt đầu tìm hiểu về chúng. Đây là một tạp chí định kỳ về nghệ thuật Á châu ra đời ở Hồng Kông từ năm 1971, xuất bản trên 80 nước và được in trên giấy láng offsette nhiều màu. Hình ảnh rất đẹp và chọn lọc, kể cả hình của trang quảng cáo cũng đưa một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Tra trên mạng, anh phát hiện người sáng lập là bà Tuyết Nguyệt Markbreiter, một người Sài Gòn sống ở Hồng Kông. Trên trang web, họ có bán cả tạp chí cũ từ năm 1971 đến nay nhưng giá cước gửi đi khá cao. Cho đến một hôm, anh đến một hiệu sách cũ nổi tiếng và phát hiện 8 quyển tạp chí nằm ở đó. Người chủ vốn rất rành về sách đã không ngần ngại nói giá: “250 ngàn đồng một quyển!”. Nghĩa là 2 triệu đồng tất cả 8 quyển. Chạy về nhà, anh không ngần ngại mượn tiền…vợ, ôm về tất cả, được giảm chút ít. Anh nói: “Đây là một cơ hội. Vì tôi phát hiện ra trong số 8 quyển này, có tới 7 quyển ở Tòa soạn Hồng Kông cũng không còn nữa”

Có một dạo, sách nghệ thuật trên thị trường thường là những cuốn sách dày, bìa cứng, in màu và rất nhiều tranh ảnh bắt nguồn từ Liên Xô bên cạnh số sách có từ trước giải phóng. Số sách này khá đa dạng, là sách về tác giả và tác phẩm hội họa, sách giới thiệu bộ sưu tập cácc bảo tàng nổi tiếng như Hemitage, Louvre, sách về đồ gốm sứ cổ phương Tây, Trung Hoa , Nhật Bản, Hàn quốc, sách về trang trí nội thất, kiến trúc lớn, nhà cửa, vừon cảnh, bonsai, đồ gỗ, nghệ thuật thêu, đan, khảm, cẩn, đồ mỹ nghệ bằng kim lọai, thảm….Khoảng chục năm trở lại đây, XUNHASABA bắt đầu nhập sách nghệ thuật từ Singapore hay Indonesia. Số sách này xuất xứ từ Tây Ban Nha, Ý hay Hồng Kông, Nhật Bản, in ấn tuyệt đẹp. Giá tính bằng đô la. Một anh bạn sống bên Mỹ xem và cho biết: ‘Giá khoảng vài chục đô thì giống như bên Mỹ. Nhưng ai sẽ mua ?”. Chắc chắn có cầu nên đã có cung, và cho đến nay, sách nghệ thuật đuợc nhập nhiều hơn hẳn so với trước đây. Một anh bạn khác tên Thuyên vốn là dân sưu tầm đã thốt lên; “Mỗi năm tui phải nhờ thằng bạn bên Mỹ mua quyển Antiques price guide ( sách giới thiệu đồ cổ và định giá, có rất nhiều hình ảnh.TG) của bà Judith Miller. Đợi nó mang về mỏi cả cổ. Bây giờ ở Fahasa Nguyễn Huệ bán đầy, sướng!”. Giá bằng bên Mỹ thôi, có tiền là mua nhưng các hiệu sách còn đang thận trọng nên nhập một tựa sách chỉ vài quyển hoặc có khi chỉ một quyển. Anh bạn nói trên kể khi đến hiệu sách Việt Mỹ trên đường Lê Duẩn (nay hiệu sách này đã đổi tên) anh thấy có một quyển hướng dẫn cách trưng bày đồ cổ có nhiều hình ảnh rất đẹp. Giá nó tới hơn 800 ngàn đồng. Không đủ tiền, anh quay về nhà và chủ quan khi nghĩ giá cao chắc không sợ ai mua. Và khi anh quay lại thì tất nhiên nó đã…biến mất.

Có một dòng sách nghệ thuật rất thú vị. Đó là sách người nước ngoài viết về nghệ thuật hay đời sống Việt Nam và đuợc in ấn rất cao cấp. Ta có thể tìm được trong hiệu sách nhưng quyển rất lý thú như Art of Vietnam của Catherine Noppe và Jean Francois Hubert, bìa rất đẹp và hình ảnh bên trong cũng vậy. Trong đó, có thể thấy những bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Việt Nam từ nguồn sưu tập ở nước ngoài như tranh Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân. Hoặc đó là một quyển về Mountains in the seavề nghệ thuật làm hòn non bộ của Lew Buller và ông Phan Văn Lít, một Việt kiều ở tận California, một “lão nông tri điền” thật sự. Quyển này dù bằng tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ nhưng các từ như hòn non bộ, tiểu cảnh và nhiều từ khác được giữ nguyên tiếng Việt và hình ảnh hòn non bộ thật đẹp. Những quyển như Under the sign of the blue dragoncủa Francois Jarlov và Lesnuits Blanches du Gecko của Phan Thị Thùy Mai cũng là những sưu tập phẩm đáng có của người chơi sách nghệ thuật vì cả hai có nhiều tranh minh hoạ màu nước đẹp của Francois Jarlov.

Sách Trung Quốc cũng là một nguồn sách nghệ thuật tuyệt vời nhưng giá tương đối mềm. Khi đi lựa sách Trung Quốc qua các cuộc triển lãm, dễ thấy có nhiều họa sĩ đi mua sách để tham khảo. Nhiều họa sĩ mua để chép tranh bán. Giới chơi đồ cổ, đồ đồng, đồ ngọc, đá cảnh, đồ gỗ, bon sai và vườn cảnh cũng tìm đuợc khá nhiều sách cho mình in ấn đẹp như sách Tây. Tuy nhiên, sách Trung Quốc với tiếng Tàu không mấy ai hiểu dù ít nhiều như tiếng Anh nên xem hình là chính. Nhưng không sao, chơi sách nghệ thuật, có lẽ nhu cầu xem hình là chính chiếm tới 70 %.

Giới chơi sách nghệ thuật không bao giờ đánh giá thấp các hiệu sách cũ khi tìm mua “bảo vật” cho mình. Ở các hiệu sách cũ, sách nghệ thuật bìa cứng luôn luôn là món đuợc trưng bày trên cáo, phô hẳn bìa ra chứ không phải nằm dẹp lép trên kệ. Thậm chí, có hiệu sách chủ thủ ở nhà không bán gấp, đợi kẹt tiền tung ra có người mua ngay. Và giá thì cũng cỡ vài chục đô như ở hiệu sách trên Saigon Centre. Có lần, tôi được giới thiệu một bộ sách hai quyển của Hàn Quốc. Chủ tiệm trịnh trọng mở cái hộp giấy ra, bên trong có hai quyển sách nằm song song, giấy bọc bìa cứng có gân tạo hoa văn tuyệt đẹp. Sách nói về gốm cổ Hàn Quốc, hình ảnh chụp rất nét, rất chi tiết những cái bình celadon (men ngọc) nổi rõ những con hạc trắng trên nền xanh và đây là những món làm mê mẩn giới chơi nghệ thuật thế giới. Giá của bộ sách là…bốn triệu rưỡi và đến giờ tôi vẫn chưa quay lại dù nhớ nó đến nỗi phải kể ra đây.

Tuy vậy, các hiệu sách cũ vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của người chơi. Ở đó, bỗng dưng có thể tìm ra được những quyển rất tuyệt. Có khi nó là một quyển Kamasutra chính hiệu Ấn Độ tất nhiên với một giá khét lẹt vì nhiều người có thấy ở nước ngoài nhưng ngại ngần mang về. Có khi là một tập tranh của một họa sĩ nổi tiếng từ thời Mỹ thuật Đông Dương nhưng đuợc in ở nước ngoài. Hoặc một quyển về tranh của họa sĩ người Hoa ở Chợ Lớn in màu rất đẹp với giá chỉ bốn mươi ngàn. Hoặc như kỷ niệm của hai vợ chồng tôi, mua quyển thơ Rubaiyat Hakim Omar Khayyam in những bài thơ rất đời của ông bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ả Rập minh hoạ màu từng trang với giá chỉ 150 ngàn đồng. Giở ra, bên trong có dòng chữ đã rất cũ "Kỷ niệm Teheran ngày 17 -1-61, giá mua 5,75 đô Mỹ”. Thời đó mà đã có một ông Việt Nam lang thang qua Iran, ôm về một cuốn sách có minh họa rất dễ thương này !

Không ai chỉ chơi riêng dòng sách nghệ thuật. Nhưng trong một tủ sách, chắc chắn nó chiếm một vị trí trang trọng. Có lẽ không phải chỉ vì giá trị vật chất của nó dù nếu không có tài lực, khó lập được một tủ sách có giá trị. Sách nghệ thuật là thứ không mất giá trên thị trường. Giống như đồ cổ, nó càng để lâu càng quý và càng hiếm càng quý. Sách nghệ thuật với hình thức in ấn cao cấp, chất liệu giấy từ tốt đến hảo hạng và số lượng in có hạn đã trở thành một thú chơi tao nhã và kén chọn, bởi ngoài túi tiền rộng rãi, người chơi cần một trí tuệ ham hiểu biết, một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp và cả thời gian tìm tòi nữa.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc và nghe nhìn

    14/08/2016Nguyên NgọcBàn về cái thường được gọi là "văn hóa đọc hiện nay", thoạt đầu tôi đã định viết: "Sách... và cách mạng", nhưng rồi nghe to lớn và nghiêm trọng quá, nên đã bỏ đi. Tuy nhiên, nếu nói "và cách mạng" thì cũng không sai...
  • Chúng ta ngủ quên trên kho báu trí tuệ của nhân loại!

    10/06/2015TS. Nguyễn Xuân XanhHay chúng ta hỏi ngược lại, Việt Nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một “giai cấp” nhỏ nào thôi...
  • “Tôi vẫn thích đọc sách in…”

    03/08/2009PGS-TS. Phạm Văn TìnhChúng ta thường tin rằng, sách in là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời nhất của nhân loại và nó giữ một vị trí xứng đáng trong mọi nền văn hóa đọc trên khắp thế giới nhưng hiện nay, với sự phát triển nhanh, tiện lợi của mạng Internet thì sách in có còn là sự lựa chọn của đại đa số độc giả…?
  • Thế giới kỳ diệu của sách

    11/03/2008Tuệ ThưNgười ta đang e ngại, rung lên hồi chuông báo động về văn hóa đọc trong thời của super @. Hãy chú trọng đến góc đọc sách, đó chính là nơi bạn sẽ tìm thấy tâm hồn mình...
  • Văn hóa đọc, một vài cảm nhận

    16/01/2007Mỹ LinhVăn hóa có nội hàm rộng lớn mênh mông - một khái niệm phức hợp, thế nhưng nó được thể hiện hàng ngày, rất gần gũi với mọi người chúng ta như văn hóa dân tộc, văn hoá lễ hội, văn hoá đô thị, văn hóa lối sống,văn hoá giáo dục...đã được mọi người thừa nhận. Thuật ngữ "Văn hoá đọc" là khái niệm mới được dư luận xây dựng lên, chưa có định nghĩa cũng như khái niệm nào nói văn hoá đọc là gì và nó như thế nào? Mặc dù vậy, theo thời gian cũng như sự phát triển của xã hội, thuật ngữ văn hoá đọc ngày càng được nóinhiềuhơn trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành đề tài khoa học để nghiên cứu.
  • Nghịch lý sách - có không?

    11/07/2006Phạm Thọ XuânChuyện viết sách, xuất bản sách, phát hành sách thì nhiều. Vui có, buồn có và cũng lắm nghịch lý. Sách ghi chú thích là “tham khảo nội bộ” mà trên thực tế lại phát hành rộng rãi...
  • Đi nhà sách...đọc sách

    07/08/2003Một người bạn rủ tôi đi nhà sách để... đọc sách. Tôi ngạc nhiên: đi nhà sách để mua sách, chứ ai lại đến đó để đọc sách. Anh bạn kéo tôi: thì cứ đi rồi biết...
  • xem toàn bộ