Thế hệ vàng Vũ Đình Hòe không lặp lại

04:29 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Hai, 2011

Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, ông Dương Trung Quốc lý giải vì sao "thế hệ vàng" của GS Vũ Đình Hòe và những trí thức lớn đương thời là một hiện tượng lịch sử khó quên, thừa hưởng những tố chất mà những thế hệ trước và sau nó không thể có. Trao đổi với phóng viên VietNamNet sau khi cụ Vũ Đình Hòe từ trần, ông Dương Trung Quốc cho biết, ông đặt tên "thế hệ vàng" bởi họ đã tiếp thu những tinh túy của nền Quốc học và văn hóa, văn minh phương Tây một cách xuất sắc.

Tiếp thu tinh túy văn minh phương Tây và nền Quốc học

Thưa ông Dương Trung Quốc, ông có thể lý giải vì sao những trí thức thuộc thế hệ vàng rất đặc biệt và không thể lặp lại trong lịch sử?

Thế hệ vàng được hưởng một nền Quốc học rất căn bản, cho dù đến đầu thế kỷ thứ 20, nền Quốc học bắt đầu đứng trước nhiều thử thách và bị khủng hoảng do chế độ thuộc địa, nhưng về căn bản nó vẫn được duy trì cả trên lĩnh vực kiến thức và đạo lý. Quan niệm về dạy học là dạy làm người. Nền Quốc học lại được trải qua một thời kỳ của phong trào Duy Tân, là những trí thức yêu nước muốn hướng tới học hỏi cái mới.

Trong bối cảnh ấy, thế hệ này lại được tiếp nhận nền văn minh phương Tây một cách khá căn bản, tinh thần là khoa học và dân chủ. Họ đã học được và vượt lên trên cái ràng buộc và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa.

Nền giáo dục và văn hóa Pháp, bên cạnh mục tiêu thực dân, là cả một nền văn minh. Chính nền văn minh ấy kích thích tinh thần dân tộc của họ vì họ nhận ra chân giá trị của nền văn hóa Pháp lại phục vụ cho chính sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái rất thu hút. Chính thực dân Pháp cũng nói: con đường đi sang nước Pháp là con đường chống lại nước Pháp. Vì thế, bản chất nền văn minh lại trái ngược với mục tiêu thực dân.

Hai tố chất ấy lại được tồn tại trong một môi trường thúc giục của tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc. Nó rơi vào thời điểm lịch sử là cuộc vận động giải phóng dân tộc VN, và đương nhiên ta phải nói tới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh Vũ Đình Hòe là đông đảo những trí thức tương tự như ông, đã tham gia vào trào lưu phát triển của đất nước, trở thành những người chiến sĩ giải phóng dân tộc, nòng cốt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di...

Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên

Trong bối cảnh ấy, GS Vũ Đình Hòe có gì giống và khác biệt với những trí thức tiến bộ đương thời?

Thế hệ vàng đã để lại tên tuổi trong lịch sử, trong đó GS Vũ Đình Hòe có may mắn là sống trọn gần một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả thăng trầm.

Ông là người vượt qua tất cả những thử thách của cuộc cách mạng. Hòa nhập vào được trào lưu chính thống của cuộc cách mạng là một thử thách rất lớn, không phải ai cũng vượt qua được. Có những người rất đáng kính trọng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã không đi tới cùng của sự nghiệp Đảng Cộng sản.

Ông là người dấn thân, trước khi tham gia cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tiêu biểu là Mặt trận Việt Minh, ông đã tham gia Đảng Dân chủ- một tập hợp của trí thức tiến bộ đương thời.

Nói tới Vũ Đình Hòe là nói tới tờ báo Thanh Nghị, cũng là một tập hợp tự nguyện của một nhóm trí thức tiên tiến, hy vọng xây dựng một xã hội mới khi nước VN độc lập. Tờ báo này là yếu tố thu hút một bộ phận ưu tú dấn thân tìm đường cứu nước, như Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh...Tờ báo này đề cập rất nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa.

Đúng lúc đó, Mặt trận Việt Minh đưa ra cương lĩnh chính trị của mình, đã thu hút được lực lượng yêu nước này đi theo. Lúc này, Đảng dân chủ đã có mối liên hệ khá chặt chẽ với Đảng Cộng sản Đông Dương.

Vì thế, trước Cách mạng tháng 8, ông Vũ Đình Hòe đã được Việt Minh mời lên Tân Trào để tham gia Đại hội như là một thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng. Khi Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, ông đã có mặt trong nội các đầu tiên, với cương vị là Bộ trưởng Quốc gia giáo dục đầu tiên (1945-1946).

Lý do gì khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy lại đề nghị ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng giáo dục? Trong thời gian ấy, vị Bộ trưởng đầu tiên đã làm được những gì cho giáo dục Việt Nam?

"Những nhà Duy Tân đầu thế kỷ cũng từng đứng trước sự lựa chọn như chúng ta- từ bỏ cái gì và lựa chọn cái gì. Ngày xưa các cụ có triết lý rất đơn giản: thực học và thực nghiệp, cho nên không bị hư hỏng. Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo".
Dương Trung Quốc

Trước đó, một trong những nội dung quan trọng của tờ Thanh Nghị mà ông Vũ Đình Hòe là hạt nhân tập hợp bàn về vấn đề nâng cao dân trí của người dân, giáo dục người dân một cách toàn diện.

Ông tham gia rất tích cực trong phong trào truyền bá Quốc ngữ, mặc dù ông là một luật gia.

Khi ông đưa những chủ trương đầu tiên của Bộ giáo dục thì đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành. Thứ nhất là tôn trọng bằng cấp của chế độ cũ, tổ chức sớm cuộc thi làm cho giáo dục của chế độ cũ không bị đứt đoạn và tiếp thu nền giáo dục cũ, cải tạo thành nền giáo dục cách mạng. Đó cũng là điều gây ấn tượng cho ông lớn nhất vì ông cứ nghĩ cách mạng sẽ xóa bỏ tất cả cái cũ.

Chỉ không đầy hai tuần sau cách mạng thì đã khai giảng niên khóa đầu tiên.

Ông cũng là người có công khôi phục lại nền giáo dục đại học từ nền giáo dục thuộc địa, chuyển ĐH Đông Dương cũ thành ĐH của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sử dụng Quốc ngữ.

Là một luật gia được đào tạo bài bản từ thời Pháp thuộc, ông Vũ Đình Hòe đã để lại những dấu ấn gì sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông làm Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, sau khi thôi chức vụ Bộ trưởng Giáo dục?

Ông Vũ Đình Hòe là một thành viên xây dựng Hiến pháp năm 1946, đóng góp nhiều điểm sáng cho Hiến pháp này. Ông là người đóng góp rất nhiều cho nền tư pháp cách mạng, đứng trước nhiều thử thách để xây dựng một thể chế chính trị mới.

Có thể nói đây là thời kỳ tâm đắc nhất mà luật gia Vũ Đình Hoè được chứng kiến và trực tiếp tham dự trong quá trình xây dựng nền móng pháp lý của chế độ Dân chủ- Cộng hoà . Cụ gọi giai đoạn từ 1945 đến 1948 là “tuần trăng mật” giữa những người cộng sản và những trí thức khao khát Dân chủ với vai trò người nhạc trưởng là vị lãnh tụ của Cách mạng, người am hiểu sâu sắc nền chính trị cả Đông lẫn Tây khi lựa chọn thể chế cho Nhà nước Việt Nam độc lập.

GS Vũ Đình Hòe từng là chủ bút báo Thanh Nghị.

Nhóm “Thanh Nghị” của Vũ Đình Hoè với nhiều luật gia danh tiếng như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh...từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận được thời cơ độc lập đang đến gần. Tuy nhiên, tất cả những mô hình và bước đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, vào cái khoảnh khắc quyết định của lịch sử, cùng với độ lùi thời gian cho thấy, là một tư tưởng tiên tiến và một tinh thần Dân chủ rất hiện đại.

Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn

Sau thế hệ Vũ Đình Hòe, tại sao bắt đầu vắng bóng những trí thức lớn, kể cả khi có phong trào đi du học để tiếp nhận tri thức từ các nước phương Tây?

Thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn. Nếu có tiếp cận phương Tây thì chỉ là tiếp cận văn minh bề ngoài, phương tiện sống, kiến thức. Chẳng hạn chúng ta biết tiếng Anh, nhưng không hiểu nền văn minh của Anh là như thế nào. Trong khi đó, thế hệ thời Vũ Đình Hòe tiếp thu cả nền văn hóa.

Thời kỳ đổi mới sau này, dòng chảy từ thời Vũ Đình Hòe không chảy tiếp vì tư tưởng ấu trĩ của một số nhà lãnh đạo, nhận thức thì hạn hẹp, lại bị chi phối bởi lợi ích cho nên không tiếp cận được những giá trị.

Cốt lõi của giáo dục cần phải quan tâm đến, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là vẫn phải giáo dục con người. Kiến thức làm người là quan trọng nhất, sau đó mới đến kỹ năng và tri thức khác.

Lâu nay ta thực dụng quá. Bằng cấp là cần thiết, là chuẩn mực nhưng chỉ để ý tới điều đó thôi mà không quan tâm đến người ta lấy bằng bằng phương thức nào, bằng chính danh hay ngụy danh, bằng tri thức thực sự hay bằng mua bán. Điều đó rất nguy hiểm.

Tôi không tán thành phải quay về cái cũ, nhưng có những tinh thần xuyên suốt của giáo dục - triết lý giáo dục, phải có giá trị lâu dài. Những nhà Duy Tân đầu thế kỷ cũng từng đứng trước sự lựa chọn như chúng ta- từ bỏ cái gì và lựa chọn cái gì. Ngày xưa các cụ có triết lý rất đơn giản: thực học và thực nghiệp, cho nên không bị hư hỏng. Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo.

Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Biến động văn hoá thập kỷ đầu tiên

    13/05/2015Nhà phê bình: Phan Cẩm ThượngThập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước (1900-1909), nền văn hoá Việt Nam biến động dữ dội như chính xã hội và chính trị lúc bấy giờ. Xu hướng phương Tây được áp đặt và thống trị trong giáo dục của người Pháp ở các thành thị, còn nông thôn vẫn mù mịt cho đến hơn nửa thế kỷ sau. Trí thức Việt Nam lúc đó biết dùng văn hoá hiện đại vào việc cách tân đất nước trong những phạm vi nhất định...
  • Thời vắng những nhà văn hoá lớn?

    25/09/2014Trần Hữu DũngTrong một lần gặp gỡ một nhóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên khi chẳng em nào trả lời tôi được! Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến Lê... Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng những nhà văn hoá lớn?
  • Bàn thờ đích thực

    22/01/2011Nguyễn Thị Từ HuyBàn thờ là một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, là nơi để biểu thị lòng tôn kính của thế hệ sau đối với các thế hệ trước trong gia đình. Hơn thế, bàn thờ còn thể hiện một khát khao sâu thẳm của người sống: mình tôn kính, nhớ tới tổ tiên để sau này con cháu sẽ tôn kính, nhớ tới mình...
  • Thời sinh viên sôi nổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    05/10/2013Đoan TrangNăm 2011 này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Đã có quá nhiều sách báo cả trong và ngoài nước viết về ông – nhà quân sự tài ba, người xây dựng và dẫn dắt quan đội Việt Nam, vị tướng huyền thoại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh tòan cầu… Nhưng không hẳn ai cũng biết tường tận về tuổi trẻ, về thời học sinh – sinh viên của tướng Giáp. Và đó cũng là những “bí ẩn” hấp dẫn mà rất nhiều người muốn tìm hiểu...
  • Đi tới những chân trời khát vọng

    24/09/2013GS. Tương LaiVăn hoá là ngọn lửa thiêng liêng chiếu sáng hành trình của con người đi tìm chân trời trong sự phát triển vô cùng tận của lịch sử người. Nói đến “chân trời khát vọng”, Phạm Văn Đồng có gợi lên một ý rất hay: “Văn hoá là gợi, là mở, là không thoả mãn cái đã có, là đi tìm chân trời…”.
  • Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

    01/02/2011Bùi Quang MinhTôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004). Nay được tin GS. Vũ Đình Hòe vừa mất, thọ 100 tuổi, xin được giới thiệu bạn đọc cuốn sách này tỏ lòng biết ơn tới tác giả...
  • GS. Vũ Đình Hòe - Từ sinh viên đại học Đông Dương đến Bộ trưởng của nước Việt Nam độc lập

    31/01/2011Minh ThưCụ Vũ Đình Hòe - vừa từ trần ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi (Cụ sinh năm 1913). Cụ Vũ Đình Hòe là trí thức lớn của dân tộc. Cụ là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 của Thủ đô Hà Nội...
  • Những người cuối cùng của một “Thế hệ Vàng”

    18/01/2011Dương Trung QuốcNhớ lại ngày xưa cái thành ngữ “trăm tuổi” hay “hai năm mươi” ngụ ý nói về giới hạn cuộc sống con người, nghĩa là nhắc đến cái chết… Bây giờ thì sống trăm tuổi có lẻ dần thành chuyện không lạ.
  • Bác Hồ với việc dùng nhân tài

    17/01/2011Dương Trung QuốcCàng ngày ta càng hay nhắc đến câu nói của người xưa ghi tạc trên một trong những tấm bia đặt ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám : “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”, coi đó như một nguyên lý bất hủ về nhân tốt đã giúp dân tộc ta trường tồn trên con đường dựng nước và giữ nước...
  • xem toàn bộ