Bác Hồ với việc dùng nhân tài

10:32 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Giêng, 2011

Càng ngày ta càng hay nhắc đến câu nói của người xưa ghi tạc trên một trong những tấm bia đặt ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám : “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”, coi đó như một nguyên lý bất hủ về nhân tốt đã giúp dân tộc ta trường tồn trên con đường dựng nước và giữ nước...

Có lẽ vì thế, khi nói đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hiền tài, ta cũng luôn nhắc đến những tên tuổi lớn, từ phó bảng Huỳnh Thúc Kháng- đồng khoa với thân sinh của Bác, đến khâm sai đại thần Phan Kế Toại hay thượng thư Bộ Hình của chế độ cũ Bùi Bằng Đoàn. Cũng như việc mời được những nhà trí thức lớn đang ở bên Pháp về nước như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước… hoặc vời được các bậc nhân sĩ trí thức như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Mạnh Hà… tham gia Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập.

Dựa vào sức dân gây dựng nhân tài

Phải nói rằng đội ngũ những nhân sĩ, trí thức sẵn sàng cộng sự với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà nước cách mạng hồi ấy là những người được đào tạo và nhiều người vốn là công chức hay quan chức của chế độ cũ.

Đội ngũ ấy vừa bị phân hoá vừa trưởng thành đóng góp to lớn vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, rồi tiếp đó là cuộc cách mạng xã hội và chính trị ngày một phức tạp đòi hỏi sự thay thế và thế hệ. Việc xây dựng và sử dụng nguồn lực lâu dài cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc còn đòi hỏi phải sớm có một nền giáo dục quốc gia đào tạo nhân tài.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời cách mạng (3-9-1945), vị Chủ tịch nước đã đưa ra nguyên lý : “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Và để thực hiện nguyên lý ấy, Bác không chỉ quan tâm đến việc nhanh chóng khai giảng năm học đầu tiên trên cơ sở hệ thống giáo dục của chế độ cũ để lại trong đó có cả trường đại học, mà còn quan tâm đến cả việc nâng cao mặt bằng dân trí của toàn dân bằng những cuộc vận động xoá nạn mù chữ hay gây dựng cuộc “ bình dân học vụ” để dựa vào sức dân mà gây dựng nhân tài. Ngày 20-9-1945, trong cuộc tiếp đại diện lực lượng bảo an ninh của chế độ cũ tình nguyện ủng hộ Chính phủ các mạng , Bác khẳng định : “ Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ Quốc”.

Chắc chắn quan niệm về nhân tài của Bác không chỉ giới hạn ở những nhân sĩ, trí thức tài cao học rộng mà xuất phát từ quan điểm “ Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, 17-9-1945). Do vậy, việc làm sao phát hiện và bồi dưỡng những năng lực tiềm ẩn trong nhân dân phục vụ sự nghiệp chung là mối quan tâm hàng đầu bên cạnh đội ngũ những năng lực trí tuệ được đào tạo trong chế độ cũ, tụ nghĩa dưới ngọn cờ yêu nước và uy tín của người đứng đầu Nhà nước cách mạng.

Lời hịch “ Chống nạn thất học “ ký tên “ Chủ tịch Chính phủ lâm thời” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 4-10-1945 nói rõ hơn quan điểm đó: “ Ngày nay chúng ta giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí…Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết…” Tiếp đó , trong thông điệp “Kiến thiết thì phải có nhân tài”, Bác nêu rõ : “ Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài phát triển ngày càng thêm nhiều…” (14-11-1945) và kêu gọi mọi người dân hãy phát hiện và nêu ra những sáng kiến gửi cho Chính phủ để thực hiện.

Vấn đề chiến lược

Như vậy, quan niệm của Bác về nhân tài không chỉ là việc đào tạo ở nhà trường hay tuyển chọn qua thi cử, bằng cấp mà phải tìm trong dân gian những nhân tố để kích thích năng lực của mọi người cống hiến cho xã hội cũng như cho sự nghiệp chung. Quan điểm ấy còn được trình bày rõ hơn khi vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập thăm nước Pháp, khi đến gặp gỡ 3.000 “ lính thợ” Việt Nam ở thành phố Marseille : “ Kiều bào hãy cố gắng học lấy một nghề tinh xảo để giúp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề tinh xảo “. Còn khi chỉ đạo bộ máy hành pháp ở trong nước, Bác phân tích : “ Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho vào việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe… tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ. Cán bộ làm việc chăm chỉ chưa đủ, cần phải làm việc có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.(“ Thiếu óc tổ chức- một khuyết điểm lớn trong các uỷ ban nhân dân “, Cứu Quốc 4-10-1945).

Trong công cuộc xây dựng đất nước, thông qua cuộc vận động thi đua yêu nước mà Bác khởi xướng, quan niệm nhân tài của Bác được thể hiện rõ hơn chính là phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Lần Bác mời giáo sư toán học Hoàng Tuỵ đến trao đổi phương cách giải quyết tình trạng người dân xếp hàng “ rồng rắn” để mua hàng, khi nghe giáo sư nói về việc ứng dụng “ vận trù học”, vị Chủ tịch nước nói với khách của mình : “ Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ “ vận trù học” thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi. “Vận trù” là câu của Trương Lương : “ Vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư tiên lý chi ngại”. Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm “vận trù” cũng khá là nhờ cái này…”. Kể đến đoạn này giáo sư Hoàng Tuỵ viết : “Rồi Người chỉ vào trái tim mình”.

Với Bác, nhân tài chính là vấn đề biết sử dụng, đào tạo con người. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị (30-7-1963) khi kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước, Bác khẳng định : “Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm ,có sớm, nhưng cần hơn là con người…” Và trước khi qua đời không lâu, ngày 1-8-1968, khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Văn Hoá Hà Huy Giáp về việc xuất bản loại sách “ Người tốt việc tốt”, Bác lại căn dặn : “ Đào tạo con người là vấn đề chiến lược”.

Điều đáng nói là với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đào tạo cũng như sử dụng con người có hiệu quả để phát huy tất cả năng lực của mỗi người tựa như cách nói của người xưa “ dụng nhân như dụng mộc”, đó chính là nền tảng của sức mạnh quần chúng được huy động vào những sự nghiệp chung của đất nước. Đó cũng là cơ sở để tạo nên những hệ thống giá trị cũng như những chính sách để huy động được nhân tài đất nước, điều đáng tiếc là nó chưa đi vào đời sống hiện tại, giữa lúc người ta đang đắm mình trong những giá trị ảo của bằng cấp, thành tích và sự lãng phí các nguồn nhân lực tiềm tàng của dân tộc, nhất là của giới trẻ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về Hiền tài

    17/03/2017Nguyễn Tất ThịnhỞ bài này tôi viết về Hiền Tài ( như cách nói xưa về Người Giỏi có Đức - mà nếu ai đó thiếu một trong hai điều này thì nguy cơ gây hại cao hơn nhiều so với cơ hội mà họ có thể mang lại cho Xã hội – vì sự ảnh hưởng của Tài hoặc Đức với công chúng không hề nhỏ ). Tôi suy tư về trường hợp của Người Xưa, cô đọng lại thật ngắn, nén lại cho tư tưởng tôi muốn truyền tải: Hiền tài luôn là yếu tố khởi động, trung tâm, dẫn dắt cho mọi sự nghiệp phát triển của Xã hội- Trước tác của họ chính là Công quả được Đời ghi nhận, gọi là Tư Tưởng…
  • Cách mạng và sự hội tụ nhân tài

    21/08/2010Nguyễn Khắc PhêDịp hội tụ những người con ưu tú đã “có nhiều cống hiến trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” (Lời Đại tướng Võ nguyên Giáp) đã nhắc tôi nhớ lại một bài học về sự hội tụ nhân tài, từ một sự trùng hợp kỳ lạ 65 năm trước, mà anh Phan Tân Hội, con trai luật sư Phan Anh - người đã cùng GS. Tạ Quang Bửu thành lập TTNTTH nói với tôi sau cuộc gặp gỡ...
  • Hiền tài là nguyên khí quốc gia

    29/08/2008Phạm BìnhChuyển động của mỗi đất nước phụ thuộc chủ yếu vào trí tuệ và bản lĩnh của những cá nhân xuất sắc ở đất nước đó. Để hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội dân chủ và tích lũy được những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống – sự tìm kiếm, đào tạo và trọng dụng nhân tài cần được coi là một trong những nhân tố tích cực nhất...
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Trọng dụng hiền tài

    07/11/2006Vương Hiên NgoạiCâu “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia" trích trong văn bia QuốcTửGiám đã nhanh chóng trở thành câu đầu lưỡi của các quan chức (kẻ sử dụng hiền tài) và trí thức (kẻ hiền tài) nước ta. Và thế rồi phong trào tìm hiền tài và phấn đấu trở thành hiền tài được khởi động.
  • Nhân tài tiềm ẩn đang chờ con mắt tinh đời của người lãnh đạo

    25/09/2006Nguyễn Văn ChiểnNgày xưa có chuyện LưuBị ba lần đến cầu Khổng Minh ra giúp mình xây dựng cơ đồ. Đó là chuyện người lãnh đạo cấp cao tìm đến người tài để giúp cho sự nghiệp của mình. Bên ta NguyễnTrãi đã rời Đông quan vào rừng núi Lam Sơn giúp Lợi xây dựng nghiệp lớn, đó là bước đi ngược lại: người tài tìm đến minh chủ. Cách đây đúng 60 năm, Hồ Chí Minh đã trao việc xây dựng đội quân cách mạng cho một trí thức trẻ mới ngoài 30 tuổi: người đã nhắm đúng người, trao đúng việc, con mắt tinh đời của Người đã tạo nên một nhân tài quân sự kiệt xuất của nước nhà, sánh ngang với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuán và Quang Trung…
  • Đôi điều về trọng dụng nhân tài

    25/07/2006Ánh HồngHiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyênkhí mạnh thì nước thịnh,nguyên khí yếu thì nước suy" bởi thế các bậc thánh đế, minh vương xưa nay không ai là người không lo chăm sóc, vunxới…” Trích văn bia Quốc Tử Giám.
  • xem toàn bộ