Bàn thờ đích thực
Bàn thờ là một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, là nơi để biểu thị lòng tôn kính của thế hệ sau đối với các thế hệ trước trong gia đình*).
Hơn thế, bàn thờ còn thể hiện một khát khao sâu thẳm của người sống: mình tôn kính, nhớ tới tổ tiên để sau này con cháu sẽ tôn kính, nhớ tới mình.
Cái bàn thờ sẽ trở nên quan trọng hơn khi người ta không có gì để lại ngoài con cái: không có phát minh nào, không có sáng tạo nào, không có tác phẩm nào, không có công thức toán lý hóa nào... Nghĩa là không có gì để ghi dấu sự tồn tại của họ sau khi chết.
Còn một người như Aristote có cần đến bàn thờ không? Không. Dù không có bàn thờ thì cả thiên hạ vẫn phải nhớ đến ông. Ông vẫn luôn hiện diện trong ký ức của tập thể, qua suốt cả chiều dài hàng ngàn năm. Chúng ta cần những con người có thể sống cùng trí nhớ tập thể như vậy.
Người ta sẽ không nói về Hy Lạp cổ đại nhiều đến thế nếu ở thời kỳ đó chỉ có những con người biết săn bắn, chăn nuôi và trồng trọt. Chính những Socrate, Aritote, Platon, Pithagor... đã đưa cả Hy Lạp cổ đại vào ký ức chung của nhân loại.
Sở dĩ văn học Việt Nam giai đoạn 30-45 được yêu mến và nhắc tới nhiều như vậy là nhờ những người như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hàn Mặc Tử.... Nhưng chúng ta cũng phải trung thực mà nói rằng họ cũng chưa đủ sức để giúp chúng ta thực sự có một chỗ vững chắc trong ký ức chung của lịch sử văn học thế giới, dù rằng họ đã làm hết khả năng, đã đốt cháy hết mình. Trong khi đó thì chúng ta đã để lãng phí những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường...
Vậy cần phải có những con người có khả năng sáng tạo, có khả năng kiến thiết, có ý tưởng, nghĩa là có khả năng giữ cho họ và cho chúng ta một chỗ trong ký ức của những thế hệ mai sau. Những người như thế sẽ ở đâu đây quanh ta, ở trong số con cái của những nông dân, những công nhân, những viên chức, những trí thức... Nếu không cho họ cơ hội, không để cho họ có quyền bình đẳng về cơ hội thì ta sẽ mất năng lực của họ; con người họ vẫn còn nhưng năng lực thì mất. Sẽ mất ngay cả khi chưa có dịp bộc lộ, sẽ mất khi không được sử dụng.
Bao giờ ta ý thức được rằng sự tồn tại lâu dài của tất cả chúng ta gắn với những người có khả năng đưa họ và chúng ta vào ký ức lịch sử, những người có được lòng tôn kính và có thể sống trong trí nhớ của người khác mà không cần đến một bàn thờ nào, lúc đó ta sẽ hiểu cần phải làm gì:
Phải cho tất cả mọi người cơ hội phát triển như nhau. Phải tạo cơ hội cho họ làm việc. Phải bỏ thói quen kìm hãm họ, phải bỏ cả cái thói quen đố kỵ, nghi ngờ và chèn ép họ. Phải bỏ cả nỗi sợ hãi rằng họ sẽ gây nguy hiểm, xóa bỏ được nỗi sợ hãi đó mới có thể mạnh dạn sử dụng các ý tưởng của họ. Hình dung xem những Copernic, Bruno, Gallilé đã nguy hiểm như thế nào dưới mắt giáo hội đến mức phải bị kết tội lên giàn thiêu? Nhưng nếu họ không "nguy hiểm" như vậy, thì cũng không có những thành tựu của khoa học thế giới ngày hôm nay.
Làm được như vậy thì chúng ta mới có thể mong một chỗ trong ký ức của các thế hệ tương lai, nơi đó mới là cái bàn thờ đích thực.
Bruno trên giàn thiêu Tòa án Giáo hội La mã năm 1600
---------
*) Truyền thống thờ cúng của người Việt: Người Việt từ xa xưa, đồng thời với những tín điều của tôn giáo đang theo, vẫn có một tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - đó không phải là một tôn giáo, mà là do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kị đã khuất.
Người Việt có niềm tin rằng: chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, còn linh hồn vẫn còn và luôn trở về với gia đình. Chết chẳng qua chỉ là một cuộc trở về gặp ông bà, tổ tiên. Vong hồn của người đã khuất luôn ngự trị trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi họ trong công việc hàng ngày và giúp đỡ (phù hộ) họ trong những trường hợp cấn thiết. Và người Việt còn tâm niệm: “trần sao âm vậy” – người sống cần gì, sống như thế nào thì người chết cũng như vậy. Bởi tin thế, nên việc lập bàn thờ để thờ cúng Tổ tiên là điều không thể thiếu trong đời sống con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá