Thắp lại tinh thần phụng sự Tổ quốc
Khi Tổ quốc cần
- Thưa, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến phức tạp, căng thẳng trên biển Đông thời gian qua?
Theo nhận thức của tôi, hiện nay đất nước đang đứng trước nguy cơ bởi các hoạt động gây hấn có tính chất leo thang của Trung Quốc về yêu sách ở biển Đông. Việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; việc đưa ồ ạt tàu đánh cá vào biển Đông để khai thác; việc thành lập thành phố Tam Sa và đưa quân đồn trú trên các đảo Hoàng Sa của Việt Nam… là những hành động vi phạm chủ quyền nước ta, chứ không phải là nguy cơ nữa.
- Thời tuổi trẻ, ở thế hệ ông, khi Tổ quốc cất tiếng gọi thì khí thế thanh niên như thế nào?
Tuyệt đối tin tưởng vào sự sáng suốt của lãnh đạo đất nước. Hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Không sợ khó khăn gian khổ. Đã có một thời như thế đấy!
- Để đất nước trở nên hùng mạnh, theo ông, sinh viên nên phấn đấu thế nào?
Phải học giỏi để có một nền tảng học vấn vững chắc, chứ không phải chủ yếu là để đi thi lấy bằng cấp. Phải trở thành người tử tế và có trách nhiệm xã hội.
"Thất phu hữu trách"
- Về vấn đề biển Đông, giới trí thức (trong đó có những trí thức trẻ, sinh viên) cần phải làm gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, những người thực sự có lòng yêu nước, những người tự nhận thấy mình là trí thức, cần nhớ đến câu của tiền nhân: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" (Tạm dịch: Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, (đến) dân thường phải có trách nhiệm). Trách nhiệm đó phải được nhận thức là của mỗi cá nhân trước Tổ quốc, chứ không phải thứ trách nhiệm đặt lên vai của người khác, hay ỷ lại, cho rằng mọi việc đã có Đảng và Chính phủ giải quyết. Đảng và Chính phủ có thể đề ra chủ trương, chính sách. Nếu thuận lòng dân theo, nếu chưa thuận lòng dân thì dân có ý kiến. Nhưng từng người một phải có thái độ chính trị với Tổ quốc.
- Nhưng yêu nước không thể chung chung, mà cần có những hành động cụ thể, thưa ông?
Đúng vậy! Tôi không tin rằng, tất cả những người trí thức thì đều phải hoạt động chính trị. Nhưng đã là người có học thức, là trí thức thì phải có thái độ chính trị và bày tỏ chính kiến hết sức rõ ràng trước sự an nguy của Tổ quốc.
"Nước mất thì nhà tan", sứ mệnh của trí thức càng được đặt ra hơn bao giờ hết, để hiến kế và đoàn kết một lòng bảo vệ đất nước. Nhưng tôi buồn rằng, hình như vẫn có một bộ phận không nhỏ trí thức nhận thức mơ hồ, vẫn không chịu tỉnh táo theo dõi tình hình thời sự bằng nhãn quan và trí tuệ của mình, mà hình như ỷ lại và theo một sự lệ thuộc suy nghĩ nào đó. Một bộ phận khác khá bàng quan, không nghĩ đến những việc sát sườn của đất nước mà chỉ nghĩ đến những lợi ích trước mắt của mình. Một loại nữa, là biết tất cả mọi chuyện, nhưng vô trách nhiệm. Và một bộ phận khác, thì sợ hãi. Sợ hãi là một căn bệnh thâm căn cố đế của không ít người tự nhận mình là trí thức. Chính vì vậy, tôi rất ấn tượng với cuốn sách của bà Aung San Suu Kyi (người Myanmar đạt giải Nobel Hòa bình) nhan đề Thoát khỏi sự sợ hãi (Freedom from fear). Để có một Myanmar chuyển mình như bây giờ, đó là cả một quá trình vượt lên những sự sợ hãi.
- Còn vai trò của anh em trí thức trẻ hiện nay thế nào?
Tôi lạc quan vì nhiều bạn trẻ đang quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Họ có chuyên môn và kỹ năng tốt. Rất nhiều người cống hiến thầm lặng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đất nước. Nhưng mặt khác, tôi khá buồn vì có không ít thanh niên tự soi mình vào một hệ giá trị méo mó. Trước đây, những giá trị được thừa nhận một cách phổ biến trên thế giới và trong xã hội truyền thống, là: Nhân cách, năng lực, sự sáng tạo, đóng góp cho xã hội… Bây giờ, thang giá trị đó được thay bằng: Có nhiều tiền, có những mối quan hệ tốt để kiếm ăn… Những biểu hiện như thế không ít. Trong bối cảnh, văn hóa và đạo đức của xã hội đang xuống cấp thì điều đó thật đáng lo ngại. Nhưng cho dù ai, theo bất cứ hệ giá trị nào thì đều có một mẫu số chung là bảo vệ đất nước. Trước đây, khi đất nước trong chiến tranh chống đế quốc, thực dân xâm lược, tinh thần phụng sự Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Và giờ đây, nó cần được phát huy trở lại.
Bản năng tự vệ
- Bản năng tự vệ luôn giúp ta ý thức và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ. Nhưng nếu chỉ để bản năng thức tỉnh thì chưa đủ, ông đánh giá thế nào về vai trò của công tác giáo dục truyền thống?
Những bài học về lịch sử chống ngoại xâm sẽ giúp tăng cường sức đề kháng trước các mối nguy từ bên ngoài. Và vai trò của trí thức trong việc này rất quan trọng. Nhưng để làm được nhiệm vụ đó, trước hết, trí thức phải tự thức tỉnh chính mình, đừng để người dân gọi là trí... ngủ khi mà u mê về nhận thức, bàng quan trước vận mệnh của dân tộc và sợ hãi trước những áp lực vô hình. Những người đó phải tự thức tỉnh để làm gương cho giới trẻ.
- Trong cái rủi có cái may, thử thách hiện nay biết đâu là một cơ hội của đất nước?
Đây là cơ hội chúng ta phát huy dân chủ thực sự, lấy lại lòng dân, tôn trọng quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Về vấn đề biển Đông, chúng ta đang có chính nghĩa: Những nước lớn, các nhà khoa học và dư luận quốc tế đều cho rằng chúng ta có nhiều bằng chứng lịch sử, nhiều lợi thế về mặt pháp lý và có tính chính đáng để bảo vệ vùng biển của mình. Chính phủ cần làm cho nhân dân hiểu được Chính phủ đã tận dụng lợi thế này thế nào, để người dân yên tâm và tin tưởng.
Nhìn lại lịch sử, trong thời nhà Hồ, do một số chính sách làm mất lòng dân và không dựa vào dân nên khi quân Minh xâm lược, không được sự ủng hộ của người dân. Chính vì thế, trong Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: "Vừa rồi, nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận". Lịch sử cho thấy rằng, những lúc nước ta yếu, phương Bắc sẽ tìm cách gây hấn. Nhưng hiện nay, nước ta không phải đơn độc như thời nhà Hồ, có rất nhiều nước lớn muốn hợp tác, trao đổi với Việt Nam. Chúng ta cần tin vào dân, dựa vào dân. Trong lúc này, cần toàn dân một lòng vì sự vẹn toàn của Tổ quốc.
- Việt Nam cần có chiến lược gì trong thời gian tới?
Trước mắt là kiềm chế được tham vọng bá quyền của họ trên cơ sở giữ vững độc lập, tự cường và đoàn kết quốc tế. Lâu dài là kiên trì và chân thành xây dưng quan hệ láng giềng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
- Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn