Có nên bao cấp lòng yêu nước?
Hàng hóa thì thiếu nhưng sản xuất, lưu thông lại bi “ngăn sông, cấm chợ “và động lực mang tính bản ngã của con người là mưu cầu cho bản thân lợi ích vật chất và tinh thần đã không được tính đến, thậm chí còn bị ngăn cấm hoặc ít ra là cũng bị cản trở bởi sự cào bằng ai cũng như ai. Kết cục như thế nào và vì sao phải có công cuộc Đổi mới, chúng ta ai cũng đã rõ, rõ tới mức là ngày nay rất ít người muốn quay lại cái thời bao cấp mông muội, trái với quy luật tự nhiên ấy nữa.
Đã là quy luật thì phải qua một quá trình nhận thức, tìm hiểu, thậm chí là va đập phũ phàng con người ta mới “ngộ” ra. Suốt thời bao cấp chúng ta đã không hiểu ít nhất là hai quy luật sau:
- Con người bình thường (chưa nói tới con người có giác ngộ cao, được giáo dục và tu luyện đặc biệt) trước tiên luôn hành động mưu cầu lợi ích vật chất và tinh thần cho bản thân. Đặc điểm này là nền tảng cho lý thuyết “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường. Xét toàn diện hơn, nhu cầu của con người được thể hiện theo sơ đồ Maslow bao gồm 5 cấp bậc: 1. thỏa mãn nhu cầu cơ bản về cơm ăn áo mặc, nhà ở…; 2. nhu cầu được an toàn về thân thể và tinh thần; 3. nhu cầu về xã hội (tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tổ chức tập thể , hội đoàn, học tập v.v…; 4. nhu cầu được tôn trọng trong xã hội; 5. nhu cầu được thể hiện năng lực, phẩm giá và sự sáng tạo cống hiến cho xã hội.
- Trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế các mối tương tác nảy sinh trong quá trình vận động, phát triển nói chung là phức tạp (các nhà khoa học hệ thống tạm gọi đặc điểm này là tính “phi tuyến tính và bất định” thậm chí nhiều khi còn “đa vòng" – tức là không thể phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả vì hai khái niệm này luôn luôn hoán đổi vai trò) ... Do vậy ý tưởng mang tính bao cấp, đó là tập trung toàn bộ quá trình thu thập, xử lý thông tin và ra quyết định từ một trung tâm chỉ là một ảo tưởng, mặc dù đó là một ảo tưởng ngọt ngào và hấp dẫn trước khi bị va đập với thực tiễn khắc nghiệt đòi hỏi phải thực hiện phân cấp hoặc “mạng lưới hóa “các hoạt động. Thực chất đây là quá trình dân chủ hóa xã hội xét theo mọi khía cạnh.
Khi trả lại cho con người cái quyền được tự do quyết định lựa chọn mục đích phấn đấu của bản thân cũng như phương cách để đạt mục đích đó thì xã hội sẽ phát triển đúng quy luật, nhà nước không còn phải bao cấp như trước để có thể tập trung vào việc đề xuất ra những chính sách điều hành vĩ mô sáng suốt và giám sát thực thi chúng có hiệu quả.
Một cách logic, từ bỏ cơ chế bao cấp trong hoạt động kinh tế sản xuất vật chất (hạ tầng xã hội) ắt phải dẫn đến những thay đổi phù hợp trong các lĩnh vực thuộc phạm trù chính trị, tâm linh hay văn hóa- xã hội v.v…(thượng tầng kiến trúc). Ở đây những bước đi sao cho phù hợp là cả một nghệ thuật, nó đòi hỏi những nhà lãnh đạo đất nước phải có tâm sáng, trí đầy và bản lĩnh như trời biển. Nói tóm lại, sự xóa bỏ bao cấp trong các lĩnh vực ở thượng tầng kiến trúc là cái điều tất yếu phải thực hiện một cách thận trọng, khoa học nhưng kiên quyết, đúng thời điểm vì chúng ta không ai muốn xã hội rơi vào cảnh hỗn loạn.
Những ngày này, khi làn sóng phản đối nhà cầm quyền TQ có những hành động vi phạm thô bạo chủ quyền lãnh hải Việt nam và một số nước ASEAN, nhiều tầng lớp nhân dân từ các nhà trí thức có tên tuổi đến các bạn thanh niên, sinh viên, công nhân, nông dân …với nhiệt huyết yêu nước nồng nàn và ý thức bảo vệ tương lai dân tộc đã xuống đường tuần hành một cách ôn hòa để đồng bào cả nước cùng thế giới thấy được tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường “ không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của chúng ta mỗi khi sơn hà nguy biến. Thiết nghĩ, đó là hành động đáng được trân trọng và động viên. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn có ý kiến rằng “việc ngoại giao với nước ngoài đã có nhà nước lo, nhân dân khỏi phải can dự vào cho thêm rách việc …”.
Nếu những lời khuyên can trên từ miệng một người dân thì tôi đánh giá người ấy là vô cảm trước vận nước và kém cỏi. Còn nếu là ý kiến của quan chức nhà nước thì có lẽ tư duy bao cấp trong đầu người đó hẳn còn rất nặng nề, chưa hề được gột sạch dù thực tiễn cuộc sống ngày hôm nay đã khác trước, rất khác trước.
Không thể có chỗ đứng cho cơ chế bao cấp đối với lĩnh vực thiêng liêng nhất trong trái tim và khối óc mỗi người Việt chúng ta, đó là lòng yêu nước. Bởi lẽ biển cả trí tuệ và lòng dũng cảm của nhân dân bao giờ cũng vô địch, nó có thể đưa cả con tàu vượt ngàn trùng nhưng cũng có thể lật thuyền ngay cả nơi nước cạn .
Thành phố Hồ Chí Minh 3/7/2011
Nguồn:Nguyễn Xuân Diện Blog
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá