Đưa yêu sách bằng báo chí, truyền đơn một cách yêu nước
Một thế kỷ đã qua, chúng ta nhớ lại cách thức thể hiện lòng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc bằng hình thức phát hành rộng rãi các tài liệu như tác phẩm đầu tay “Yêu sách của nhân dân An Nam” bằng tiếng Pháp và bản dịch thành thơ “Việt Nam yêu cầu ca” cùng dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc trong một chế độ thực dân bạo tàn, phản dân chủ...
Năm 1919, mật thám Pháp phát hiện một tài liệu được phân phát rộng rãi như một tờ truyền đơn. Đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở Vécxây (Versailles). Bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L' Humanité số ngày 18-6-1919 phía dưới có ghi: “Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam - Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó, chính bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”.
Vừa hoạt động chính trị, vừa phải làm các nghề kiếm sống như rửa ảnh tại một hiệu ảnh, vẽ thuê tại xưởng mỹ nghệ Trung Hoa... Anh cũng hăng say hoạt động, gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp, có tư tưởng và khuynh hướng tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường... Nguyễn Ái Quốc từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh trả lời: Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Versailles, Pháp. Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Văn kiện chính của hội nghị là Hiệp ước Vécxây xác định sự thất bại của nước Đức và các nước Đồng minh của Đức, phân chia lại bản đồ thế giới theo hướng có lợi cho các đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.
Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp (ra đời vào khoảng năm 1916 do Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập), Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây. Dưới bản Yêu sách ký tên chung của nhóm là: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Nguyễn Ái Quốc tới lâu đài Vécxây gửi bản Yêu sách cho văn phòng Hội nghị, sau đó lần lượt gửi đến các đoàn đại biểu các nước Đồng minh dự hội nghị. Hầu hết các đoàn đại biểu đều có thư trả lời Nguyễn Ái Quốc.
Bản Yêu sách gồm tám điểm:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Nguyễn Ái Quốc còn tự tay viết Yêu sách bằng hai thứ tiếng: một bản bằng chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề Việt Nam yêu cầu ca và một bản chữ Hán nhan đề An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư. Anh đến Nhà in Sácpăngchiê, số 70 phố Gôbơlanh, bỏ tiền túi của mình thuê in 6.000 bản Yêu sách của nhân dân An Nam để phân phát trong các cuộc hội họp, míttinh, phát đi nhiều nơi và bí mật gửi về Việt Nam.
Thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Pari, viên mật thám Pháp Pôn Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.
Bản Yêu sáchphản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được hội nghị xem xét. Đối với dư luận Pháp, Yêu sách cũng không có tiếng vang như mong muốn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Qua việc bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết:
“Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.
Từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc thấy cần phải học viết báo để tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
Phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội ở Pháp đã đưa anh đến với hoạt động báo chí. Trong hai năm 1919-1920, Nguyễn Ái Quốc đã viết 5 bài báo. Bài đầu tiên là Vấn đề bản xứ, đăng trên báo Nhân đạo (L’ Humanité),ngày 2-8-1919.
Bài báo nhắc lại những nội dung chính bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây, tháng 6-1919, khẳng định nguyện vọng đó của nhân dân Việt Nam là chính đáng; đồng thời tố cáo, lên án những chính sách cai trị cùng các thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương và tin tưởng rằng nhân dân tiến bộ Pháp sẽ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và công lý của nhân dân Việt Nam.
Qua các bài báo trên, chúng ta thấy rõ về mặt tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc là một người yêu nước tiến bộ, căm thù chủ nghĩa thực dân Pháp. Khát vọng của Người là đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng làm thế nào và đi theo hướng nào để đạt được mục đích đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn còn đang tìm kiếm.
Việt-Nam yêu cầu ca
Rằng nay gặp hội Giao hoà.
Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình.
Cậy rằng các nước Đồng minh
Đem gươm công lí giết hình dã man
Mấy phen công bố rõ ràng.
Dân nào rồi cũng được trang bình quyền
Việt Nam xưa cũng oai thiêng
Mà nay đứng dưới thuộc quyền Lang-sa.
Lòng thành tỏ nỗi sút sa.
Giám xin đại quốc soi qua chút nào.
1 Xin tha kẻ đồng-bào.
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.
2 Xin phép luật sửa sang
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
Những toà đặc-biệt bất công
Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành
3 Xin rộng phép học hành
Mở mang kỵ nghệ, tập tành công thương
4 Xin được phép hội hàng
5 Xin nghĩ ngợi nói bàn tự do
6 Xin được phép lịch du
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.
7 Xin hiến-pháp ban hành
Trăm đều phải có thần-linh pháp quyền.
8 Xin được cử nghị-viên.
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.
Tám điều cạn tỏ xa gần.
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình
Riêng nhờ dân Pháp công bình
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay.
Đồng-bào, bác ái sánh tầy không ai.
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai.
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ
Lâu nay tiếng núp bóng cờ tự-do.
Rộng xin dân Pháp xét cho
Trước phò tiếng nước, sau phò lẽ công.
Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ
Để đồng-bào lớn nhỏ được hay.
Hoà bình may gặp hồi này
Tôn sùng công lí, đoạ đày dã-man
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả
Tiếng vui mừng khắp cả đồng-dân
Tây vui chắc đã mười phần
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi
*
* *
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ
Nào Ai-lan, Ấn-độ, Cao-ly,
Xưa, hèn phải bước suy vi
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc nầy phải biết mà lo
Đồng bào, bình đẳng tự do
Xét mình rồi lại đem so mấy người
Ngổn ngang lời vắn ý dài
Anh em đã thấu lòng nầy cho chưa
(Nguyễn Ái Quốc)
Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam
Bản gốc tiếng Pháp: Revendications du Peuple Annamite
Từ khi Đồng Minh thắng trận, các cường quốc long trọng cam kết rõ ràng trước thế giới quyết tâm tranh đấu, lấy Văn Minh chống lại Hung Tàn; tất cả những dân tộc bị áp bức đều nôn nao hy vọng, trước viễn ảnh, sẽ được sống trong công bằng và luật pháp.
Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc tự quyết, từ lý tưởng sang thực hành, bằng sự nhìn nhận thực sự quyền thiêng của mỗi dân tộc, tự định đoạt lấy số phận mình; Chúng tôi, Thần dân của Đế quốc An Nam ngày trước, nay là Đông Dương Pháp, trình bày với Cao Quyền Đồng Minh nói chung và Kính Quyền Pháp nói riêng, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:
1- Đại xá tất cả tù binh chính trị bản xứ.
2- Cải tổ luật pháp Đông dương, bằng cách bảo đảm cho người dân bản xứ, những điều kiện về luật pháp như người Âu châu. Bỏ hẳn các toà án đặc biệt là công cụ khủng bố và đàn áp thành phần lương thiện nhất của dân tộc An Nam.
3- Tự do báo chí và tư tưởng.
4- Tự do lập hội và hội họp.
5-Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài.
6- Tự do giáo dục và xây dựng những trường kỹ thuật và thực nghiệp tại các tỉnh cho người bản xứ.
7- Thay thế Chế độ pháp lý.
8- Có phái đoàn đại diện thường trực dân biểu bản xứ tại Nghị viện Pháp để thông báo những nguyện vọng của người dân bản xứ.
Dân tộc An Nam, qua những thỉnh nguyện trên đây, tin tưởng ở công pháp quốc tế của các cường quốc và đặc biệt trông cậy vào lòng thành của dân tộc Pháp cao quý, đang cầm vận mệnh của chúng tôi trong tay; nước Pháp là một nước Cộng hoà, cầm bằng như đã bảo hộ chúng tôi. Khi thỉnh cầu sự bảo trợ của Dân tộc Pháp, Dân tộc An Nam, không hề tự hạ mình, mà ngược lại còn lấy làm vinh hạnh, vì họ biết Dân tộc Pháp biểu hiện tự do và công bằng, không bao giờ từ khước lý tưởng cao cả: Tứ hải giai huynh đệ. Vì vậy, khi đáp ứng tiếng kêu của người bị áp bức, Dân tộc Pháp không những làm tròn bổn phận đối với nước Pháp mà còn đối với cả Nhân loại.
Thay mặt nhóm An Nam Yêu Nước - Nguyễn Ái Quốc.
(Thụy Khuê dịch)
Revendications du Peuple Annamite
Depuis la victoire des Alliés, tous les peuples assujettis frémissent d'espoir devant la perspective de l'être de droit et de justice qui doit s'ouvrir pour eux en vertu des engagements formels et solennels, pris devant le monde entier par des différentes puissances de l'entente dans la lutte de la Civilisation contre la Barbarie.
En attendant que le principe des Nationnalités passe du domaine de l'idéal dans celui de la réalité par la reconnaissance effective du droit sacré pour les peuples de disposer d'eux- même, le peuple de l'ancien Empire Annam, aujourd'hui Indo-Chine Française, présente aux Nobles Gouvernements de l'Entente en général et à l'honorable Gouvernement Français en particulier les humbles revendications suivantes:
1- Amnistie Générale en faveur de tous les condamnés politiques indigènes.
2- Réforme de la justice indochinoise par l'octroi aux Indigènes des mêmes garanties judiciaires qu'aux Européens, et la suppression complète et définitive des Tribunaux d'exception qui sont des instruments de terrorisation et d'oppression contre la partie la plus honnête du peuple Annamite.
3- Liberté de presse et d'opinion.
4- Liberté d'association et de réunion.
5- Liberté d'émigration et de voyage à l'étranger.
6- Liberté d'enseignement et création dans toutes les provinces des écoles d'enseignements techniques et professionnels à l'usage des indigènes.
7- Remplacement du Régime des lois. (1)
8- Délégation permanente d'indigènes élus auprès du Parlement Français pour le tenir au courant des désidérata indigènes.
Le peuple Annamite, en présentant des revendications ci-dessus formulées, compte sur la justice mondiale des toutes les Puissances et se recommande en particulier à la bienveillance du Noble Peuple Français qui tient son sort entre ses mains et qui, La France étant une République, est censée d'avoir pris sous sa protection. En se réclamant de la protection du Peuple Français, Le Peuple Annamite, bien loin de s'humilier, s'honore au contraire; car il sait que le Peuple Français représente la liberté et la justice, et ne renoncera jamais à son sublime idéal de Fraternité universelle. En conséquence, en écoutant la voix des opprimés, le Peuple Français fera son devoir envers la France et envers l'Humanité.
Pour le Groupe des Patriotes Annamites: Nguyễn Ái Quấc
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá