Tầm quan trọng của các thuật ngữ kinh tế
Tôi muốn được đi sâu hơn nữa vào khái niệm “governance”, một khái niệm hiện chưa được tiếng Việt biết đến vì… quá mới. Việc dịch lại nó theo nghĩa “quản trị” hay “quản lý” đều không diễn tả được nội hàm của thuật ngữ. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, cần phải có một hình thức dẫn chiếu khác để người đọc có thể hiểu được cốt lõi của vấn đề. Tôi lựa chọn cách tiếp cận kinh tế học, bởi thuật ngữ đã bắt rễ sâu vào trong nhiều khái niệm kinh tế.
Bản chất của Governance
Thuật ngữ Governance trong tiếng Anh la một biến thể của government, chỉ hành độngto governmà chúng ta vẫn hiểu trong tiếng Việt là “cai trị”, “chỉ huy”, hoặc “lãnh đạo”. Governmentcó một nghĩa để chỉ chính phủ, trong bối cảnh mô tả bộ máy nhà nước. Nó còn có một nghĩa khác là hành động lãnh đạo, mặc dù nghĩa này rất ít được sử dụng. Còn governance tuy cùng mang nghĩa lãnh đạo, nhưng không có cùng nội hàm. Khác biệt ở đâu? Government là sự lãnh đạotrong một tổ chức mà vai trò và nhiệm vụ của mỗi thành viên được phân định rõ ràng. Nói cách khác, government chỉ có thể áp dụng được trên những tổ chức có cấu trúc kim tự tháp, nghĩa là có một người quyết định tuyệt đối. Đó là mô hình của chính phủvới người đứng đầu là thủ tướng, dưới đó là các bộ, các sở, các vụ… Trong một doanh nghiệp, đó là tổng giám đốc, giám đốc, phụ trách các đơn vị… Đặc điểm của cơ cấu mang tính hành chính này là nó được xây dựng trên mệnh lệnh thông qua các mối quan hệ chiều dọc.
Phương Tây đã sớm phải đối mặt với những cơ cấu quản lý không phải kim tự tháp. Điển hình nhất là các tổ chức chính trị, quốc hội hoạt động trên nền tảng thỏa hiệp giữa các đảng, do đó để thông qua quyết định, sẽ có ít nhất là hai luồng ý kiến, hai trung tâm ra quyết định. Đối với các doanh nghiệp, tình hình tương tự cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Ví dụ như khi hai doanh nghiệp khác nhau muốn hợp tác trên một hạng mục nhất định. Cần thiết phải có một hình thức tổ chức linh động, cho phép mỗi bên có thể nhượng bộ, có thể đạt hiệu quả kinh tế, nhưng vẫn giữ được quyền tự quyết về phía mình. Nếu không giữ được quyền tự quyết ở mức tối thiểu, có nghĩa la doanh nghiệp đã hoàn toàn bị nuốt chửng bằng một quá trình sáp nhập.
Thuật ngữ governance vậy là được sử dụng trong một bối cảnh mà người ta không muốn làmgovernment một cách truyền thống (chí ít là tuyên bố như vậy). Governance về mặt lịch sử xuất hiện trước nhất trong chính trị. Đó là một hành động lãnh đạo như government, nhưng cho phép những người có liên quan không nằm trong tổ chức được tham gia đóng góp ý kiến. Nói cách khác, vào thời điểm, nó đánh dấu bằng việc một chính phủ (phong kiến vào thời điểm đó) thay vì không chuyên quyền quyết định, sẽ lắng tai nghe những ý kiến đóng góp của người dân: một hình thức lãnh đạo nửa công quyền – nửa dân quyền. Tại các nước nói tiếng Anh và theo đuổi các chính sách kinh tế thị trường tuyệt đối, tư duy này đi cùng với của quá trình “New Public Management”, ngụ ý rằng nhà nước chỉ tham gia vào điều hành nền kinh tế với một vai trò tối thiểu. Việc nhà nước ra quyết định cần phải đi cùng với một sự tham vấn tối đa của thị trường. Tại các nước không theo đuổi cùng chính sách, đặc biệt là những nước mà nhà nước có tham gia sâu rộng vào việc điều hành nền kinh tế như Pháp, thuật ngữ Governancechỉ việc lãnh đạo của nhà nước đi cùng với sự tham vấn tối đa của các công dân và các tổ chức phi hành chính.
Cùng với quá trình phát triển của xã hội dân sự, thuật ngữ governance dần được gắn liền với các mô hình quản trị mà tổ chức ra quyết định phải tham khảo những ý kiến đến từ bên ngoài. Trong một số vấn đề, các doanh nghiệp không thể tự mình ra quyết ịnh mà phải tham khảo ý kiến dối tác do bị ràng buộc bởi nhiều điều khoản hợp đồng. Corporate governance là một trường hợp đặc biệt, tại đóhội đồng quản trị(phần administration) tham khảo tổ chức quản lý công ty (phần management) và của những cổ đông không nằm trong hội đồng quản trị để ra quyết định. Việc này đưa lại một kết quả hết sức quan trọng là nó đảm bảo quyền lợi của cả những người không có quyền và nghĩa vụ quyết định, nhưng có quyền lợi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những quyết định này: những nhân viên công ty, những cổ đông không có mặt trong hội đồng quản trị…
Có thể nói governance là một hình thức quản trị đặc biệt, nơi người quản lý hoặc điều hành phải tìm cách ra quyết định trong bối cảnh biết rằng quyết định chung còn phải tính đến ý kiến những người ra quyết định và những người liên quan khác. Người tham gia quyết định không thể áp đặt mối quan hệ “cấp trên – cấp dưới” lên những người liên quan. Anh ta không có quyền quyết định tối cao tuyệt đối. Corporate governance là một trường hợp đặc biệt của governance trong doanh nghiệp. Nhưng ngoài trường hợp này, doanh nghiệp còn biết đến nhiều hình thức governance khác, với các đối tác và khách hàng.
Cần xem lại các thuật ngữ kinh tế
Governance là một hình thức quản lý/ quản trị ngày càng được nhấn mạnh trong khoa học quản lý hiện đại. Nội hàm của thuật ngữ rất rộng, có liên quan tới nhiều lĩnh vực của xã hội và vượt ra ngoài khuôn khổ của vấn đề quản trị doanh nghiệp. Thuật ngữ này chưa được phổ biến tại Việt Nam. Có thể tạm hiểu là một dạng quản trị với hình thức tổ chức quyết định có nhiều hơn một người ra quyết định, với những người tham gia không hoàn toàn nằm tron tổ chức ra quyết định, từ đó dẫn đến cơ cấu quyết định không có dạng kim tự tháp. Về mặt kinh tế, nó có thể biến thể từ một hợp đồng hợp tác kinh doanh lâu dài giữa hai công ty, cho tới các hình thức góp vốn đầu tư (joint-stock) đa dạng nhưng không phải sáp nhập, do chỉ thực hiện trên một số hạng mục kinh doanh nhất định thông qua hợp đồng.
Trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam, việc đưa khái niệm này vào áp dụng trong điều kiện hiện nay dường như chưa thích hợp. Ngay đến bây giờ, trong nhận thức của chúng ta cũng chưa phân định rõ ràng đâu là ranh giới giữa tính hành chính và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Người quản lý DNNN vẫn chưa biết quản trị minh bạch với tư cách là đại diện doanh nghiệp, tức là độc lập với các quyền lợi và quyền lực do vai trò hành chính của DNNN đem lại. Ngay tron một doanh nghiệp thông thường, việc phân định chuyện này tại Việt Nam cũng đã gặp khó khăn, huống hồ là trong DNNN. Vì vậy, việc áp dụng khái niệm governance cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, nếu không sẽ dẫn tới những sự lãng phí lớn khác: những chi phí giao dịch khổng lồ mà người làm quản trị không tính tới – do chưa có thói quen, hoặc do không phải chịu trách nhiệm.
Nói như vậy không có nghĩa là bào chữa cho các DNNN. Không có sư phân định rạch ròi giữa vai trò hành chính và vai trò doanh nghiệp, giữa tính nhà nước và tính thị trường là một nguyên nhân khiến các DNNN không có tính cạnh tranh. Tuy nhiên đây chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất, cũng không phải yếu tố chính gây nên các thảm họa kinh tế như Vinashin. Thủ phạm chính cho các thảm họa này nằm tại các cá nhân và ở cơ cấu quản lý nhà nước dung túng sự vô trách nhiệm của các cá nhân. Sự nhân định rạch ròi các khái niệm chỉ có thể giúp hạn chế những thiệt hại ở mức độ nhất định.
Xin được mở ngoặc để nói thêm về việc dịch thuật các thuật ngữ của khoa học kinh tế và quản trị. Do thiếu vắng các công trình nghiên cứu, và chuẩn hóa giảng dạy nên chúng ta dường như bị tụt hậu khái niệm so với thế giới ở một khoảng cách lớn. Bài viết của ông Vũ Thành Tự Anh đăng trên mạng web Tuần Việt Nam gần đây về khái niệm nợ công và nợ chính phủlà một bằng chứng khác cho thấy tiếng Việt thiếu một cơ sở thống nhất về các khái niệm này. Đây chắc chắn không phải một trường hợp cá biệt.
Một thực tế là nếu thiếu cơ sở ngôn ngữ về các khái niệm khoa học cơ bản, chúng ta sẽ bị tụt hậu, gặp phải rủi ro. Còn thiếu cơ sở ngôn ngữ về các khái niệm luật pháp và kinh tế thì chúng ta phải đối mặt với các thiệt hại vật chất nặng nề cho mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, do mất rất nhiều thời gian để có thể thống nhất và hiểu đối tượng ký kết trong hợp đồng.Thiệt hại lớn nhất là trong các mối quan hệ quốc tế khi ta muốn bảo vệ quyền lợi trước đối tác nước ngoài bằng các khái niệm dịch từ tiếng Việt nhưng hóa ra lại tự làm cho mình hớ to, do ngữ nghĩa dẫn chiếu tới cách hiểu quốc tế lại hoàn toàn khác, Ngôn ngữ, nhìn từ góc độ kinh tế định chế, chính là một dạng định chế đặc biệt liên kết những con người cùng nằm trong một cộng đồng.
Chuẩn hóa ngôn ngữ là một biện pháp làm giảm chi phí giao dịch giữa người với người.Chúng làm cho quá trình hiểu nhau, xích lại gần nhau được thuận lợi hơn, ít chịu “ma sát” hơn. Tại Pháp, Viện hàn lâm – Académie – là nơi các nhà ngôn ngữ, nhà văn, nhà triết học cùng nhau làm việc với các nhà khoa học chuyên môn để quyết định thống nhất việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào, để đưa các từ mới vào trong từ điển. Tại Việt Nam, liệu chúng ta có thể có một cấu trúc tương đương, để “hiện đại hóa” tiếng Việt? Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò các nhà văn, nhà triết học, nhà ngôn ngữ học còn hiếm hoi của đất nước. Và đến lúc chính thức trao cho họ cái sứ mệnh thiêng liêng là gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt?
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá