Phát biểu của GS. Nguyễn Minh Thuyết về Nợ công
1. Thực chất nợ công của nước ta hiện nay là bao nhiêu?
Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay nợ công của nước ta tương đương 56,7% GDP. Nhưng theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP (vì theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP). Tôi xin đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về vấn đề này.
2. Cơ cấu của khối nợ công nói trên như thế nào?
Báo cáo của Chính phủ chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công chiếm hơn nửa GDP (hoặc 2/3 GDP như tính toán của nhà kinh tế đã nêu trên) như thế nào. Khối nợ ấy có bao gồm nợ xấu không, hay toàn nợ đẹp? Hay đã là nợ công thì không phân biệt xấu đẹp?
Ngày hôm qua, một số đại biểu rất am hiểu và hình như rất am hiểu về kinh tế có đưa đến cho Quốc hội những tin rất vui về Tập đoàn Vinashin. Chẳng hạn, Tập đoàn này sắp xuất xưởng những con tàu hàng chục vạn tấn, vốn chủ sở hữu của họ vẫn còn v.v… Nghe những tin này, tôi rất mừng. Tôi không thể cãi Uỷ ban Kiểm tra TW như mấy đệ tử của một ông Chủ tịch UBND tỉnh vừa bị Trung ương kiểm điểm. Nhưng thâm tâm tôi chỉ mong những kết luận của Uỷ ban Kiểm tra TW về vụ Vinashin là không hoàn toàn chính xác. Không chính xác thì may cho dân mình quá.
Nhưng tôi vẫn nửa tin nửa ngờ trước những tin vui được một số vị công bố hôm qua.
Lãi từ việc bán những con tàu mới đóng, tôi không biết sẽ được bao nhiêu. Theo tôi hiểu thì trong công nghệ đóng tàu, ta chủ yếu lắp ráp thôi, cũng không khác ngành chế tạo ô tô, xe máy là mấy. Lấy công làm lãi như vậy thì có đủ trả lương cho cả mấy chục nghìn cán bộ, công nhân không?
Về vốn nằm trong tài sản, tôi thấy chuyện này giống như chuyện một anh được vợ cấp vốn đi buôn, mới khuân về được mấy cái máy second hand thì hết sạch vốn; vợ hỏi: “Có ai đi buôn mất sạch vốn, lại còn nợ nần chồng chất như ông không?” thì hồn nhiên bảo: “Vốn nó nằm ở cái nhà mình đang sống, ở mấy cái máy cũ nát kia.”
Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm có một doanh nhân thành đạt dùng tiền vay ngân hàng đầu tư vào bất động sản (cụ thể là mua rất nhiều đất). Tới hạn trả nợ ngân hàng, giá đất xuống, doanh nhân này không trả nợ được, bị toà kết án tử hình.
Bây giờ chúng ta bảo Vinashin còn đất, còn nhà xưởng, còn những con tàu cũ (có thể bán theo giá sắt vụn) v.v… để trả nợ. Tôi không hiểu lý luận này thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, như khẳng định của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, là Vinashin đã vay một số vốn gấp 13,7 lần vốn chủ sở hữu. Nhân dân hỏi là hỏi số vốn vay ấy mất đi đâu, chứ không hỏi vốn chủ sở hữu. Cả nước làm ăn như ông Vinashin này thì rồi đây biết bán cái gì để trả nợ?
3. Nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn chưa?
Theo một chuyên gia kinh tế, “mức độ an toàn của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.
Khó có thể yên tâm khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và chỉ số ICOR cũng tăng tới gần 2 chữ số. Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công bền vững. Và như vậy, có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó.
4. Vấn đề thứ 4: Làm thế nào để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững?
Theo tôi, để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững, cần giữ 2 nguyên tắc cơ bản:
- Thứ nhất: Có lãi thì làm, không chắc có lãi, dứt khoát không làm. Ví dụ, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, chưa tính chi phí làm cảng, làm đường vào giá thành aluminum mà một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã bảo lỗ thì nên dừng.
- Giữ kỷ luật ngân sách cho nghiêm. Hôm thứ bảy 30/10 vừa qua, tôi thấy báo Tuổi Trẻ có đăng một bản tin như sau:
“Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc thành lập ban chỉ đạo để tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ kĩ thuật theo yêu cầu của nhà tài trợ JICA. UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư thống nhất với nhà tài trợ JICA để triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án”
Đọc tin này, tôi quả thực không hiểu mình có nằm mơ không. Dự án ĐSCT Bắc - Nam đã không được Quốc hội thông qua (đó là nói cho nhã nhặn); nay Chính phủ tiếp nhận viện trợ của nước ngoài, thành lập Ban chỉ đạo dự án và chuẩn bị triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1. Thế thì không biết trong mắt người dân có còn Quốc hội không?
Hôm 1/11 vừa qua, thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội chủ động nhận lỗi về phía mình, tức là về phía 1000 đại biểu khoá XI và khoá XII trong việc quản lý tập đoàn kinh tế yếu kém, để xảy ra vụ Vinashin. Tôi không hiểu 1000 người cùng có trách nhiệm thì xử lý trách nhiệm thế nào. Hay là hoà cả làng?
Tôi mong là lần này Chính phủ sẽ cung cấp thông tin về nợ công đầy đủ hơn, đại biểu sẽ xem xét kỹ càng và thực hiện quyền quyết định vay và trả nợ, để tới đây không phải nhận lỗi như thế nữa.
Nguyễn Minh Thuyết
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá