Tài ngoại giao của Bác Hồ với TQ và Tưởng Giới Thạch
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu đến độc giả bài viết về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc, khi nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ phải đương đầu với nhiều thử thách dồn dập. Chính trong hoàn cảnh này, đã càng bộc lộ rõ hơn tài ngoại giao xuất sắc và đức độ của Bác Hồ - vị lãnh tụ chỉ đạo trực tiếp công tác ngoại giao trong thời gian đó.
Bài viết dựa trên hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy (1910-1990). Ông là nhà cách mạng lão thành, từng giữ các trọng trách như vụ phó Vụ Hoa kiều Bộ Ngoại giao, ủy viên Ban Kinh tế Trung ương, Chánh văn phòng Ban Kinh tế Chính phủ…
Trong thời gian 1945-1946, ông Nguyễn Đức Thụy đã có dịp làm việc và gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, mà Hồ Chủ tịch là Bộ trưởng, và ông Nguyễn Đức Thụy cùng các ông Bùi Lâm, Trần Đình Long, Nguyễn Văn Lưu và Tạ Quang Bửu giữ chức Tham nghị (tương đương Thứ trưởng, trợ lý Ngoại giao).
Trên cương vị một chứng nhân của lịch sử, một cộng sự của Hồ Chủ tịch, ông Nguyễn Đức Thụy đã để lại một số hồi tưởng về vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Ngoại giao. Tư liệu quý ấy hiện được gia đình ông gìn giữ, và là những minh chứng xác thực về con người và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.
* * *
Mềm dẻo, khéo léo trong ứng xử với quân Tưởng
Những năm 1945-1946, nước Việt Nam non trẻ ở trong giai đoạn “thù trong giặc ngoài”: Thực dân Pháp trở lại miền Nam (với sự trợ giúp của quân Anh), Tàu Tưởng kéo mấy chục vạn quân vào miền Bắc với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân vừa thành lập, như chính viên trung tướng Tiêu Văn đã tuyên bố - "tiêu diệt Việt Minh trước, giải giáp quân Nhật sau".
Không một quốc gia nào công nhận nền độc lập của một đất nước nhỏ bé ở bán đảo Đông Dương, nơi vừa thoát khỏi bàn tay “bảo hộ” của “mẫu quốc Pháp”.
Trong nước, chính quyền non trẻ với vài nghìn đảng viên phải đối diện với các khó khăn trầm trọng về kinh tế - tài chính và an ninh: Nạn đói hoành hành, sự nổi lên của các nhóm Việt gian bán nước, cấu kết với bên ngoài, làm cho tình hình đối nội đối ngoại càng phức tạp thêm.
Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu) |
40 năm sau, hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy ghi lại:
"Sau khi phân công, Bác dặn dò:
- Chữ "ủy viên hội" và chữ "ủy viên" là ta dùng trong nội bộ, không được nói công khai vì quân Tưởng rất ghét chữ đó - là chữ dùng để chỉ tổ chức cộng sản. Chức vụ của các chú nên dùng chữ "Tham nghị".
Chúng tôi bấm bụng cười, nhưng Bác cũng cười và nói: "Chức Tham nghị là chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được. Anh là tham nghị thì anh nói đúng cũng được, anh nói sai thì cũng chẳng ai thèm trách cứ và càng dễ cải chính"".
Chuyện tưởng đơn giản, đi vào tiểu tiết, câu chữ, mà thật ra cho thấy sự khôn ngoan và thấu hiểu đối phương của Bộ trưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh. Bác còn dặn ông Thụy phải khắc con dấu tên mình trong các giấy tờ giao thiệp với quân Tưởng, vì người Trung Quốc chỉ tin vào chữ ký kèm có con dấu, chữ ký không có con dấu thì họ coi là kém hiệu lực.
Hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy viết: "Bác dặn cán bộ làm công tác ngoại giao rằng khi tiếp xúc với đối tượng, nên khơi vấn đề để đối tượng nói nhiều mà mình thì nói ít. Đối tượng nói nhiều thì mình dễ biết ý đồ của họ. Mình nói nhiều thì dễ sinh ba hoa, thất thố để họ nắm được ý đồ của mình. Làm việc không nên hấp tấp vội vàng, cả tin, dễ sinh sơ suất".
"Ngoại giao Câu Tiễn"
Đó là chủ trương ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quân Tàu Tưởng, mà Bác luôn nhấn mạnh với các cán bộ làm công tác đối ngoại. Cách gọi này có hàm ý về một đối sách mềm, "nhịn nhục", cố gắng chịu đựng cho đến khi Tàu Tưởng giải giáp quân Nhật xong, sẽ không còn lý do gì để ở lại Việt Nam. Một khi chúng rút quân rồi, ta sẽ dễ ứng phó với Pháp hơn.
Bác Hồ trong chuyến đi Pháp năm 1945. (Ảnh tư liệu) |
Nhưng không vì thế mà Chính phủ ta thời đó lùi bước đến mức độ thất thế trước Tàu Tưởng. Và vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, với vốn văn hóa Đông Tây rất rộng, Hán học uyên thâm, khả năng "đắc nhân tâm" tuyệt vời, đã chinh phục được nhiều tướng lĩnh của Tưởng sau vài lần tiếp xúc.
Lần đầu tiên Bác đến thăm Lư Hán tại Phủ Chủ tịch hiện nay, họ Lư cho một viên quan tùy tùng ra đón, để Bác ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi. Hành xử như vậy nhưng đến khi cuộc trò chuyện kết thúc, Lư Hán đã đưa Bác ra tận cổng, tiễn Bác lên xe rồi mới vào. Những lần sau Bác đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng và tiễn tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác.
Ngay cả Tiêu Văn, viên trung tướng từng công khai ý đồ lật đổ chính quyền Việt Minh, cũng vậy: Y ra tận cổng dinh thự để đón mỗi lần Bác tới, và trong các cuộc hội đàm, cả Lư Hán lẫn Tiêu Văn đều gọi Bác là "Hồ Chủ tịch" (dù bình thường, quân Tưởng gọi Bác là "Tiên sinh Hồ Chí Minh", hàm ý không công nhận nước Việt Nam DCCH).
Về chuyện này, Bác cười và nhận xét: "Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế".
Thúc đẩy đoàn kết dân tộc, hòa hợp đảng phái
Trong đối nội, cũng thời gian đó, Bác chủ trương hòa hoãn với Quốc dân đảng, nêu cao khẩu hiệu đoàn kết dân tộc, đảng phái v.v... để tranh thủ quần chúng, tranh thủ những người có thiện chí trong họ, cô lập và vạch trần tội lỗi của bọn quá khích.
Có lần họp trong lúc người của Quốc dân đảng bắc loa phóng thanh chửi bới chính quyền Việt Minh trên đường Quan Thánh, một thành viên tổ Đảng Ngoại giao nóng nảy hỏi Bác: "Phải làm thế nào chứ cứ hòa hoãn thế này để chúng tự do hoành hành mãi sao?". Bác hỏi ngược lại: "Theo ý chú thì nên làm gì?".
Tổ viên bảo phải trị cho chúng một mẻ. Bác cười nói: "Chú thì chỉ giết là giết thôi. Chú không nghĩ đằng sau bọn này là ai ư? Phải vạch mặt chúng cho bọn thày của chúng biết là chúng không phải là cách mạng gì mà là những phần tử xấu, rất xấu đã. Chúng chỉ là một nhóm nhỏ thôi, giết chúng bây giờ là thất sách".
Đào tạo, chăm sóc và tin tưởng vào cấp dưới
Hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy kể, công việc lúc đó rất nhiều và khó, cán bộ ít. Nhưng trái với nhiều vị lãnh đạo tầm nhìn ngắn thích "ôm" việc, không tin tưởng cấp dưới, Bác sử dụng cán bộ rất khéo, cho cán bộ tập dượt nhiều để trưởng thành nhưng vẫn kiểm tra giúp đỡ hàng ngày và đào tạo sát sao qua thực tiễn công việc.
Trong kháng chiến, ông Thụy được Bác giao nhiệm vụ cùng Tỉnh ủy và Ủy ban Cao Bằng phải làm sao giữ cho vùng biên giới yên ổn, khỏi bị bọn thân Pháp và bọn phản động ở biên giới quấy rối.
Bác căn dặn ông Thụy: "Bọn đặc vụ và gián điệp Pháp ở biên giới nhiều. Trong khi đi giao thiệp, cái gì đáng nói cái gì không đáng nói phải phân biệt rõ ràng. Ngay việc trong gia đình, có những việc cũng không nên nói ra ngoài. Chú đừng thực thà quá. Đi với Phật thì mặc áo cà sa, đi với ma thì phải mặc áo giấy. Các chú giữ yên biên giới thế là tốt, nhưng cần nhớ rằng "cư an tư nguy, cư trị bất vong loạn". (*)
Bác còn giao cho ông Thụy một con dấu khắc tên Bác, cho phép ông viết thư và đóng dấu tên Bác vào những thư từ công tác. Việc này, ngoài ý nghĩa giúp cho cán bộ khỏi phải đi lại nhiều trong hoàn cảnh thời chiến khó khăn, còn thể hiện lòng tin của Bác đối với cán bộ, và tư tưởng phân quyền, chống quan liêu: Tướng đã ra ngoài biên ải, có lệnh vua cũng có thể bất tuân.
Là "quan chức ngoại giao", song Bác ăn mặc rất giản dị: mũ cát, áo quần kaki, giày vải. Tuy nhiên, với cán bộ đi theo, Bác lại luôn lưu ý: "Tôi ăn mặc thế nào thì mặc tôi, còn các chú đi với tôi thì phải chỉnh tề, sạch sẽ".
Nói về chuyện trang phục và cách đối xử của Bác với cán bộ, ông Thụy ghi lại trong hồi ký một câu chuyện cảm động:
"… Buổi tối, đang ngồi nói chuyện với anh Kháng thì Bác hỏi: "Chú Thụy có thiếu quần áo lắm không?". Tôi nghĩ bụng chắc Bác muốn cho, của Bụt thì tội gì không lấy nên tôi thưa: "Có thiếu ạ". Bác bảo đồng chí Kháng chọn cho tôi một bộ đã cũ của Bác.
Nhưng sáng sau khi nhận quần áo thì lại là bộ quần áo mới rất đẹp bằng lụa màu gụ, may theo kiểu ta và trên túi áo có thêu ba chữ Nho Phúc, Lộc, Thọ. Tôi hỏi đồng chí Kháng tại sao lại cho tôi đồ mới của Bác. Anh Kháng nói: "Hễ Bác bảo cho đồ cũ thì phải hiểu là Bác cho đồ mới". Thì ra Bác vui tính và tế nhị như thế. Chả biết đồng chí Kháng còn nhớ việc này không".
(*) "Cư an tư nguy, cư trị bất vong loạn": đại ý là lúc yên, vẫn phải nghĩ đến những mối nguy tiềm ẩn, sống yên bình phải nghĩ đến lúc nguy biến.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành