Lời Bác còn đây

01:27 CH @ Chủ Nhật - 21 Tháng Mười Hai, 2008

Đã có biết bao câu chuyện về đạo đức Bác Hồ được trình bày một cách đầy ý nghĩa ở khắp nơi, trước yêu cầu thúc bách phải đẩy lùi nạn suy thoái xuống cấp đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội mà đất nước đang phải đối mặt. Đọc lại một số bài nói, bài viết để thấy quan điểm, thái độ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, càng thấm đầy ý nghĩa trước đòi hỏi bức thiết thực hiện khát vọng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của cả dân tộc.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đặt ra trong bối cảnh toàn xã hội đang đứng trước những thách thức đòi hỏi sự chung sức chung lòng trong cuộc chiến cam go bài trừ các nhân tố tiêu cực, chống những tác nhân xấu, phản phát triển. Những tệ nạn xã hội cũng như sự suy thoái, xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước đã được đặt ra một cách rất nghiêm túc và bị phê phán mạnh mẽ trong các văn kiện của Đảng. Sự suy thoái ấy đang ngày càng có nguy cơ phổ biến, tinh vi và nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ và cản trở bước tiến của dân tộc.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã thẳng thắn nhận xét: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Tư liệu về các bài viết, bài nói trong cuộc đời hoạt động cách mạng vì nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn bao giờ hết, giờ đây đang trở thành tài sản vô giá cho công cuộc đấu tranh vì sự phát triển tiến bộ của đất nước. Trong một bài nói chuyện về đạo đức cách mạng với cán bộ chiến sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịch liệt lên án sự bất công của xã hội cũ - không thể được tái lập, tồn tại trong xã hội mới khi mà toàn thể nhân dân ta đã vùng lên đạp đổ ách thống trị cũ để giành được nền độc lập, tự mình làm chủ đất nước. Người nói: “Trong xã hội cũ, bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân.

Chúng cướp của chung do xã hội sản xuất ra làm của riêng của cá nhân chúng, để chúng “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng miệng chúng luôn luôn huênh hoang những danh từ “đạo đức”, “tự do”, “dân chủ”, v. v...”. Bên cạnh đó, ngay cả khi đất nước đã có độc lập, thì chủ nghĩa cá nhân vẫn là một thứ trở lực làm ách tắc công cuộc đấu tranh cải tạo cái cũ trở thành tiến bộ. Theo Bác Hồ, “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Những tệ nạn tiêu cực làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, xâm phạm đến sự công bằng xã hội như: tham ô, lãng phí, quan liêu luôn bị Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án một cách mạnh mẽ, quyết liệt nhất.

Ngay từ thời điểm đất nước vừa giành được độc lập chưa được bao lâu, Hồ Chủ Tịch đã sớm cảnh báo về những nguy cơ về suy thoái đạo đức và lối sống của cán bộ. Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” ngày 1-3-1947, Bác Hồ đã nêu rõ sự kiên quyết tẩy sạch hàng loạt khuyết điểm của cán bộ, như: Địa phương chủ nghĩa; óc bè phái; óc quân phiệt quan liêu; óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức; làm việc lối bàn giấy; vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm; ích kỷ, hủ hóa. Cảnh giác trước căn bệnh ích kỷ, hủ hóa, Bác viết lời nhận xét phê bình: “Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc.

Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của nhân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương để mọi người Việt Nam học tập và noi theo (như đã được nêu rõ trong Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”). Tuy nhiên chỉ mới một số trang tư liệu chưa đầy đủ về các bài nói, bài viết thể hiện các phẩm chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí” của Bác Hồ cũng đã là tài sản có giá trị lớn lao biết nhường nào cho công cuộc đấu tranh vì sự phát triển tiến bộ của đất nước. Những mẩu chuyện, những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã diễn ra từ rất nhiều thập kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự nóng hổi đối với vận mệnh của cả dân tộc.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hồ Chí Minh với vấn đề con người

    06/12/2008Nguyễn KiênBắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…
  • "Chung rượu đào" của Bác Hồ

    30/04/2008GS. Tương LaiKể từ lúc khúc hùng ca "như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" cất lên trong ngày vui hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến nay cũng đã 33 năm, một phần ba thế kỷ...
  • Bác Hồ viết báo

    20/06/2006GS, TS. Nguyễn Lân DũngTrong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo với trên 100 bút danh khác nhau. Bác coi báo chí là vũ khí sắc bén để vận động quần chúng và đấu tranh với kẻ thù...
  • Tổng kết thực tiễn: Một bài học của Bác Hồ

    03/02/2006Thái DuyThành công hoặc thất bại, Bác Hồ đòi hỏi trước hết lãnh đạo các cấp phải xác định trách nhiệm cá nhân của mình thì mới tổng kết thành công...
  • Sửa đổi lối làm việc

    01/10/2005Bùi Quang MinhTác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…