Suy ngẫm về khát vọng phát triển
Nhân dịp Xuân mới, hy vọng rằng, đọc và suy ngẫm để chắt lọc những điều hay, lẽ phải cho mỗi người, mỗi dân tộc sẽ trở thành nhu cầu đời sống hàng ngày như cơm ăn, nước uống, nhất là đối với các nhà quản lý đất nước, các nhà nghiên cứu...
Đổi mới tạo ra nguồn lực
Khi nhà văn Pháp Olivier Rolin nảy ra ý định viết cuốc sách “Chân dung thế giới trong một ngày”, ông chọn ngày xuân phân năm 1989, ngày mà vô số chuyện đã xảy ra trên toàn cầu. Từ ý tưởng ban đầu, ông gửi thư đến nhiều nơi. Phải mất một năm sau đó ông mới nhận được hơn 500 tờ báo bằng 31 thứ tiếng từ nhiều nước gửi đến. Năm 1993, cuốn sách đầy sự kiện thú vị đó được xuất bản.
Ngày nay, Olivier Rolin chỉ cần nhấn chuột máy tính, tức thì có đủ thông tin hàng ngày về các quốc gia mọi châu lục. Những tiến bộ lớn về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã làm thay đổi thế giới, buộc con người phải luôn đổi mới tư duy để thích nghi với cuộc sống hiện tại; mỗi quốc gia muốn tiến cùng thời đại phải hội nhập quốc tế với thể chế kinh tế và thể chế chính trị tối ưu, nhằm giành thắng lợi trong cuộc ganh đua vì sự phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc.
Vào website của Ngân hàng Thế giới (WB), có thể thấy được sự thay đổi vị thế của các cường quốc về kinh tế. Năm 2011, với GDP 14.990 tỷ USD, Mỹ vẫn giữ vị trí số một thế giới nhưng khoảng cách đã thu hẹp đáng kể so với Trung Quốc, cường quốc thứ 2 về kinh tế với 7.318 tỷ USD, đẩy Nhật Bản xuống thứ 3 với 5.867 tỷ USD và Đức thứ 4 với 3.601 tỷ USD. Khoảng cách về GDP của Anh, Pháp với 3 nước kinh tế mới nổi khác là Brazil, Nga, Ấn Độ đã thu hẹp rõ rệt: Pháp 2.773 tỷ USD, Anh 2.445 tỷ USD, Brazil 2.447 tỷ USD, Ấn Độ 1.848 tỷ USD và Nga 1.858 tỷ USD. Sự thay đổi tiềm lực và vị thế kinh tế của quốc gia tác động mạnh mẽ đến cục diện kinh tế toàn cầu và tình hình chính trị quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà cuốc sách của Đại tá, Giáo sư Lưu Minh Phúc “Giấc mơ Trung Quốc - Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ” với lời giới thiệu của Trung tướng không quân Lưu Á Châu: “Cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI cho dù là một ‘canh bạc’; hay một ‘cuộc thi đấu’ đều đánh dấu một thời đại mới của loài người”, đang nhận được sự quan tâm của nhiều học giả Trung Quốc và các nước khác.
Trung Quốc đã từng là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào đầu thế kỉ XIV, với tổng sản lượng kinh tế chiếm 45% thế giới, vị thế đó đã thay đổi theo xu thế giảm dần, năm 1978 khi bắt đầu “cải cách và mở cửa” GDP của Trung Quốc là 793 tỷ đô la quốc tế, bằng 20% so với Mỹ (4.089 tỷ đô la quốc tế).
Vào thời đó, những người Trung Quốc có tâm huyết đã đặt câu hỏi: vì sao khoảng 20 triệu người Hoa ở khắp thế giới tạo ra được của cải rất nhiều lần 1 tỷ người Trung Hoa lục địa (?)... Câu trả lời đã được thể hiện bằng cuộc cải cách trong kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc với tư duy thực dụng của ông Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột”: Trung Quốc đã chọn 1 làng chài 3200 hộ dân giáp giới Hồng Kông để xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên – Thâm Quyết với tốc độ đô hóa có một không hai trên thế giới, chỉ sau 10 năm Thâm Quyến đã là thành phố lớn, hiện đại. Các tỉnh của Trung Quốc cử người đến đó để tiếp cận phương thức kinh doanh của Trung tâm tài chính Hồng Kông, vận dụng sáng tạo trong việc phát triển kinh tế từng địa phương. Hiện nay, Trung Quốc nổi lên như là thị trường và công xưởng lớn của thế giới, với mục tiêu đầy tham vọng như được khẳng định trong quyển sách này. “Đó là tổng sản lượng kinh tế phải nhất thế giới, trên cơ sở đó thực hiện nhất thế giới về quốc lực của Trung Quốc”.
Phải chăng Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận với các nước khi sức mạnh về kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới (?).
Cách đây hơn 8 năm, tháng 9/2004, cuốn sách của Giang Tây Nguyên và Hà Lập Bình “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” cũng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và thế giới, với tư tưởng chủ đạo là. “Xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới…, nhưng không muốn đánh thức địa vị lãnh đạo thế giới” theo phương châm “giấu mình chờ thời”.
Các quốc gia đang theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc với cả kỳ vọng, lo âu và câu hỏi chưa có đáp án thống nhất. “Trung Quốc là cơ hội hay mối đe dọa?”.
Sự lựa chọn lịch sử
Là nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, trải qua những biến cố thăng trầm trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam cần tìm câu trả lời cho chính mình về câu hỏi đó, để có được cách ứng xử đúng đắn trên cơ sở bảo đảm lợi ích dân tộc, không dùng tư duy khô cứng, tùy tiện và quá đơn giản khi giải thích các sự kiện và vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước.
Về chuyện giàu nghèo, nhà nghiên cứu người Mỹ David S. Landes viết cuốn sách “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” được Kenneth Galbraith đánh giá: “Thật là tuyệt vời. Không nghi ngờ cuốn sách này sẽ đặt David S. Landes thành một người hàng đầu xuất sắc trong lĩnh vực của ông và trong thời đại của ông”.
Cuốn sách đã nghiên cứu toàn diện về điều kiện tự nhiên, địa lý, chính trị, thể chế quan hệ quốc tế để tìm lời giải cho vấn đề vì sao có những quốc gia vượt lên các quốc gia khác và trở nên giàu có, còn nhiều nước trải qua hàng thế kỷ vẫn không thoát khỏi tình trạng nghèo đói.
Đối với những nước công nghiệp hóa sau, David S. Landes cho rằng, kinh nghiệm của quốc gia đi trước như nguồn cảm hứng nhưng đôi khi là lo sợ, xong phải “phát triển con đường riêng của mình để đi lên hiện đại”. Ông khẳng định: “Lịch sử nói với chúng ta rằng hầu hết các phương thuốc thành công đối với nghèo đói đều xuất phát từ bên trong. Viện trợ nước ngoài có thể giúp đỡ, nhưng giống như của cải từ trên trời rơi xuống, cũng có thể làm hại. Điều đó không khuyến khích nỗ lực và gieo rắt ý thức sai lệch về sự thiếu khả năng”.
Theo David S. Landes, hệ thống sản xuất Mỹ ra đời là kết tinh của hợp đồng các nhân tố tổng hợp: “Thể chế và văn hóa là trước tiên, tiền bạc là sau đó, nhưng phần thưởng ngay từ đầu và ngày càng tăng lên là tri thức”, làm cho quốc gia trẻ tuổi được thành lập vào năm 1789 đã vươn lên mạnh mẽ để năm 1913 có sản lượng gấp 2,5 lần của Anh, của Đức, gấp 4 lần của Pháp. Sự thần kỳ của Nhật Bản vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, việc xuất hiện tiếp theo “các con rồng châu Á” Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore càng khẳng định điều đó.
David S. Landes đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hoá trong sự phát triển của mỗi dân tộc: “Nếu chúng ta học được điều gì từ lịch sử phát triển kinh tế, thì đó là văn hóa tạo ra tất cả sự khác biệt”. Ông dẫn câu chuyện của Thái Lan để minh họa. Trước đây, tất cả đàn ông trẻ phải bỏ ra cả năm để học lễ nghi tôn giáo ở các chùa Phật, nhằm tu dưỡng tâm hồn và tinh thần. Ngày nay, Thái Lan đã thay đổi vì coi thời gian là tiền bac, do vậy những đàn ông trẻ tuổi thực hành thuyết duy linh chỉ vài tuần đủ để họ học cầu kinh và nghi lễ.
Là nước công nghiệp hóa đi sau, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường cách đây ¼ thế kỷ, Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước, xây dựng và từng hoàn thiện bước thể chế chính trị và thể chế kinh tế độc lập tự chủ, đã vượt qua nhiều thách thức và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù vậy, từ thực tiễn quá trình phát triển đã qua, việc vận dụng các nhân tố tổng hợp “Thể chế là văn hóa là trước tiên, tiền bạc là sau đó nhưng phần thưởng ngay từ đầu ngày càng tăng lên là tri thức” hết sức quan trọng để giải quyết những vấn đề và thực hiện mục tiêu đặt ra cho đất nước trong năm 2013 và những năm còn lại của thập niên thứ hai, thế kỷ XXI.
Có lẽ cũng cần nhắc rằng trong danh sách mười quốc gia và vùng lãnh thổ có GDP/người hàng đầu thế giới do tạp chí Forbes công bố, đứng đầu là Qatar với 88.222 USD, tiếp đó là Luxembourg, Singapore, Nauy, Brunei… Trong khi nhiều nước công nghiệp hàng đầu như Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp không nằm trong top 10.
Tôi muốn lưu ý đến trường hợp Singapore - quốc gia thành viên ASEAN, được tách ra từ Malaysia vào năm 1965, khi mà Sài Gòn được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” với một nền kinh tế kém phát triển, một quốc gia - thành phố phải nhập khẩu cả đất để lấn biển và nước ngọt, ngày nay đã đứng thứ 3 thế giới về GDP/người.
Lịch sử phát triển của mỗi nước tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn định hướng của các nhà lãnh đạo nước đó, đối với Singapore là chính sách nổi tiếng thế giới - Lý Quang Diệu. Câu chuyện thành công của Singapore được ông Lý giải trong cuốn sách “ Bí quyết hóa rồng”. Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofia Annan nhận xét: “Tựa đề của cuốn sách này biểu thị khát vọng của tất cả các nước đang phát triển…".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn