Muốn vượt lên Trung Quốc, Việt Nam cần một mô hình phát triển vượt trội hơn
Với sự hiện diện của giàn khoan HD 981, những tiếng nói yêu cầu “thoát Trung”, dù đã vang lên từ lâu nhưng ít nhận được sự quan tâm đầy đủ, giờ đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Những phê phán về ảo tưởng “đồng minh ý thức hệ” giữa Việt Nam và Bắc Kinh đang được nhiều người cảnh báo.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, hệ lụy trực tiếp của “đồng minh ý thức hệ” không chỉ là những lơ là trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà điều đáng lo ngại là Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào đối thủ nguy hiểm nhất của mình, về mô hình phát triển, thứ tạo nên nền tảng quyết định tương lai lâu dài của dân tộc Việt Nam.
Những người Việt Nam quan tâm đếnTrung Quốc, dù bị chi phối đến đâu bởi lòng tự tôn dân tộc, cũng không thể không nhận thấy những sự tương đồng căn bản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cả cấu trúc và tổ chức hệ thống chính trị, xã hội lẫn đường và lối chính sách phát triển kinh tế, hay nói rộng ra là mô hình phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Vẫn hướng về Bắc Kinh
Có thể Việt Nam không ngây thơ tin tưởng quá mức vào những người “đồng chí”, nhưng không thể phủ nhận, Việt Nam vẫn đang hướng về Bắc Kinh như là nơi cung cấp chủ yếu những kinh nghiệm về phát triển đất nước.
Đích đến của hai bên không mấy khác nhau: tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, nhằm bảo vệ tính chính danh và duy trì thế độc tôn chính trị của đảng cầm quyền.
Hậu quả trước mắt đã rõ ràng, chủ quyền lãnh thổ đã và đang bị xâm phạm và đe dọa; hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam và Hà Nội đang lo lắng bị Bắc Kinh trả đũa về kinh tế. Và nhìn về tương lai lâu dài hơn, ít người dám lạc quan về mô hình phát triển hiện nay sẽ đưa Việt Nam đến đích.
Hai nước đều thừa nhận là tính minh bạch thấp, tham nhũng tràn lan và sự quản lý yếu kém của chính quyền các cấp.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc, như các nhà phân tích đánh giá, lộ rõ những vấn đề nan giải: đó là nạn bè phái và chia rẻ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao; chính quyền với năng lực yếu kém, trong lúc các nhóm lợi ích càng lúc càng lớn mạnh… Dù mang những nét đặc trưng cơ bản giống nhau, Trung Quốc, xét một cách khách quan, đang thành công hơn Việt Nam rất nhiều trong việc theo đuổi mô hình phát triển nói trên.
Việc xây dựng mô hình Trung Quốc, như Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận là cách làm “dò đá qua sông”. Việt Nam cũng tự nhận đang xây dựng một kiểu “chủ nghĩa xã hội chưa có tiền lệ”. Tuy nhiên, đáng tiếc là, dù đi sau, Việt Nam đã không thể làm tốt hơn được như Trung Quốc, cả về tầm nhìn, hoạch định lẫn thực thi chính sách phát triển.
Việt Nam chúng ta đi sau xa
Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… hiện đại và phát triển (xét về quy hoạch và năng lực quản lý) không thua kém các thành phố hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng có những công ty, gồm cả tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như tư nhân, đã vươn lên thành những tập đoàn cạnh tranh toàn cầu. Vị trí của họ trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đương nhiên cao hơn hẳn Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn nhờ năng lực công nghệ vượt trội Việt Nam.
Tuy nhiên giới nghiên cứu và phân tích cũng bầy tỏ hoài nghi sâu sắc về tính bền vững của “mô hình phát triển Trung Quốc”. Sau gần 4 thập kỷ cải cách, Trung Quốc đang đối mặt với những thử thách gay gắt. Sự phân hóa thu nhập và chất lượng sống giữa các nhóm xã hội, giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng sâu sắc; chính quyền tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp phục vụ đô thị hóa. Những hạn chế của chế độ hộ khẩu và thách thức trong việc đưa hàng trăm triệu công nhân trở thành tầng lớp trung lưu mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ; xung đột dân tộc leo thang gay gắt ở các khu tự trị.
Nhìn vào mô hình Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không thể thành công như các nước công nghiệp mởi Đông Nam Á.
Cuộc đua phát triển
Dù mang nặng tâm lý “bài Trung” đến đâu đi chăng nữa, ít người dám phủ nhận rằng Việt Nam về đại để gần như bản sao của mô hình Trung Quốc. Và dù là người đi sau, Việt Nam lại hầu như không tránh được những vết xe đổ và sai lầm mà Trung Quốc gặp phải.
Nói cách khác, “phiên bản phát triển Việt Nam” còn nhiều lỗi hơn phiên bản gốc vốn dĩ đã có rất nhiều vấn đề. Do đó, nếu hiện trạng này tiếp tục được duy trì, khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng rộng hơn. Khi đó, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với gã khổng lồ phương Bắc, những thua thiệt của Việt Nam sẽ càng thể hiện rõ nét hơn.
Từ những quan sát và phân tích trên, có thể nói Việt Nam cần tỉnh táo và thực dụng hơn: thay vì nhìn Trung Quốc như “kẻ thù”, hãy nhìn họ như những đối thủ cạnh tranh trên con đường phát triển.
Bản chất bá quyền và bành trướng của Bắc Kinh đã lộ rõ, nhưng những ngôn từ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và kích động như “Trung cộng” hay “bè lũ xâm lược biển Đông” không phải là vũ khí hiệu quả giúp chúng ta tự vệ thành công. Muốn vượt lên Trung Quốc, Việt Nam cần một mô hình phát triển vượt trội hơn. Khó khăn rất nhiều, nhưng cơ hội vẫn còn đó, vì với quy mô dân số ít hơn nhiều và mức độ đồng nhất xã hội cao hơn, việc chèo lái một cỗ máy phát triển như Việt Nam sẽ đi nhanh hơn là cỗ xe khổng lồ, phân mảnh và phức tạp như Trung Quốc. Hơn thế nữa, việc một Trung Quốc đang bị cả thế giới soi xét với con mắt dè chừng đầy nghi kỵ cũng là lợi thế không nhỏ cho Việt Nam.
Đây là thời điểm không thể tốt hơn để Việt Nam có thể đổi mới mô hình phát triển và thoát khỏi hoàn toàn quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Đổi mới và dân chủ hóa hoàn toàn không nhất thiết đe dọa vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là khi Đảng cộng sản lãnh xướng và làm chủ quá trình đó.
Có thể nói, với Đảng Cộng sản Việt Nam, đây cũng là thời điểm thích hợp và là cơ hội lớn để tái khẳng định tính chính danh và năng lực lãnh đạo của mình. Nhìn vào tương quan lực lượng chính trị hiện nay, vị thế cầm quyền của Đảng cộng sản vẫn là vững chắc.
Dù đánh mất đáng kể cảm tình của một bộ phận người dân, tại thời điểm này, không một lực lượng chính trị nào đủ điều kiện và có vị thế tốt hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lĩnh xướng ngọn cờ đổi mới đất nước. Vì vậy, không cần chờ đến Đại hội Đảng gần nhất vào năm 2016, ngay lúc này Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có thể khởi xướng một cuộc thảo luận rộng rãi trong nội bộ Đảng và các nhóm xã hội về một “mô hình phát triển” mới cho đất nước. Một “Hội nghị Diên Hồng” lúc này, không phải để bàn về “Sát thát” mà bàn cách xây dựng một con đường, một mô hình phát triển vượt trội so với người láng giềng phương Bắc.
Cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, điều Việt Nam cần không phải là một cuộc chiến tranh, đích đến của chúng ta nên là một quốc gia thịnh vượng về kinh tế và bền vững về xã hội và môi trường.
Nên nhớ, Trung Quốc không thể bắt nạt, cũng không dám gây chiến với Hàn Quốc hay Nhật Bản bởi những nước này tiến bộ hơn hẳn họ về mức độ phát triển. Và với Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế và tính chính danh của họ sẽ được duy trì, không phải bằng trấn áp các tiếng nói độc lập và đối lập mà là đưa đất nước thành công trong công cuộc đổi mới.
Vì vậy vụ giàn khoan HD 981 không đơn thuần là mối họa, nó đưa đến cơ hội lớn lao để khởi xướng một “Hội nghị Diên Hồng” về con đường và mô hình phát triển mới cho Việt Nam, mở ra tương lai phát triển lâu dài cho đất nước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn