Xã hội muốn phát triển phải có tri thức & lòng trắc ẩn

09:35 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Mười Một, 2013
Chỉ có tri thức cũng chưa chắc đã có sự phát triển. Cần cả lòng trắc ẩn, lòng từ bi nữa.

Tri thức là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội. Không có tri thức thì xã hội không phát triển được. Đấy là điều có vẻ hiển nhiên.

Tuy vậy, vấn đề không đơn giản như nó thoạt nhìn. Sự hiểu biết của loài người là động, chứ không phải tĩnh. Cũng có những hiểu biết có hệ thống hẳn hoi, nhưng hóa ra lại là những hiểu biết nhầm lẫn và nếu khăng khăng bám lấy và hành động theo những hiểu biết đó có thể dẫn đến tai họa. Sự tích tụ tri thức, như thế là một quá trình động và nếu không tỉnh táo thì không có gì đảm bảo rằng xã hội chắc chắn tiến lên theo chiều hướng “tiến bộ” (hiểu theo nghĩa phát triển theo hướng đi lên, tốt hơn trước) với sự tích tụ tri thức.

Các hiện tượng tự nhiên có vẻ hoàn toàn độc lập với tư duy của con người. Dẫu chúng ta có nghĩ gì về thời tiết, về mặt trăng, thì suy nghĩ đó cũng không ảnh hưởng đến diễn biến thời tiết hay sự chuyển động của mặt trăng và thủy triều, chẳng hạn. Thế nhưng, ngay cả sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên cũng được tích tụ dần dần và không thiếu những hiểu biết có hệ thống (tức là các lý thuyết về tự nhiên) cũng đã tỏ ra là sai lầm. Không bao giờ chúng ta có hiểu biết đầy đủ về tự nhiên. Tự nhiên luôn để ngỏ cho sự khám phá.

Đối với xã hội, tình hình có một điểm khác biệt căn bản. Con người có tư duy đóng vai trò cốt yếu trong xã hội. Nói cách khác, các hiện tượng xã hội không độc lập với tư duy của chúng ta và vì thế sự phát triển của xã hội không chỉ phụ thuộc vào hành động mà phụ thuộc rất nhiều vào chính tư duy của chúng ta. Nhận xét trên về tự nhiên càng đúng với xã hội: Không bao giờ chúng ta có hiểu biết đầy đủ về xã hội, không chỉ phải do hạn chế của trí tuệ chúng ta, mà chủ yếu bởi sự hiểu biết ấy trở thành phần cố hữu của xã hội. Xã hội luôn để ngỏ cho sự khám phá và bản thân sự khám phá, sự hiểu biết về xã hội lại làm cho xã hội thay đổi, thậm chí phức tạp thêm! Cho nên những người cho rằng mình đã nắm được quy luật phát triển của xã hội, là những người ngộ nhận, nếu không nói là kém hiểu biết.

Đã có những hiểu biết có hệ thống, được hỗ trợ bởi những mô hình toán học rất tinh vi, được dạy ở nhiều đại học danh tiếng và các tác giả của chúng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như giải Nobel chẳng hạn, các lý thuyết cho rằng thị trường luôn luôn đúng và không cần sự can thiệp của nhà nước. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã cho thấy những hiểu biết có hệ thống ấy không hẳn đúng và việc mù quáng bám theo chúng có thể và đã dẫn đến tai họa.

Làm sao để cho những hiểu biết có hệ thống của chúng ta phản ánh ngày càng đúng hơn thế giới thực, giúp cho sự phát triển đích thực của xã hội? Hay có thể đặt câu hỏi ngược lại: Cái gì cản trở việc đó? Cách đặt vấn đề trước hướng dẫn chúng ta phải làm gì, cách đặt vấn đề sau hướng dẫn chúng ta phải dỡ bỏ hay khắc phục những cản trở nào. Không có tự do nghiên cứu, không có tự do ngôn luận, không có tranh luận, độc quyền chân lý… chắc chắn là những cản trở đối với sự tìm kiếm tri thức mới, đối với sự tích tụ tri thức, đối với việc loại bỏ những hiểu biết nhầm (dẫu có hệ thống), tức là cản trở sự phát triển xã hội.

Chỉ có tri thức cũng chưa chắc đã có sự phát triển. Cần cả lòng trắc ẩn, lòng từ bi nữa. Có thể kể ra rất nhiều thí dụ về việc sử dụng tri thức để làm hại con người, để kéo lui hay phá hủy sự phát triển: Từ chiến tranh, hủy hoại môi trường, bóc lột con người, lừa đảo, tham nhũng, đến làm giàu bất chính…

Lòng trắc ẩn, lòng từ bi thường được hiểu là tình cảm thương xót, đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ những nỗi thống khổ và vô thường của những người khác (rộng ra là của con người và vạn vật). Nó là một đức hạnh căn bản và được tất cả các tôn giáo răn dạy. Thiếu tình thương, lòng trắc ẩn, lòng từ bi, thiếu khía cạnh này của đời sống tâm linh thì sự phát triển xã hội là một sự phát triển không xứng đáng.

Nếu hiểu như nhà kinh tế học Ấn Độ, đoạt giải Nobel, Amartya Sen hiểu, sự phát triển với tư cách là tự do, thì để có sự phát triển xã hội, cần đến tri thức, đến khoa học để tạo ra và hệ thống hóa tri thức và đến lòng trắc ẩn. Khoa học và tôn giáo, nhất là Phật giáo, không nhất thiết đối lập nhau như có người đã rao giảng. Khoa học, tri thức giúp chúng ta tạo dựng cuộc sống vật chất ngày càng sung túc hơn. Khía cạnh tâm linh của cuộc sống cũng quan trọng không kém.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Trí thức là Thiện Tri Thức

    24/08/2013Như Nguyệt thực hiệnXưa nay, thường có sự nhầm lẫn giữa người sở đắc tri thức và người trí thức. Trong tình trạng hiện nay, với sự tồn tại “song đề văn hóa” như nhận định của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, việc nhận diện trí thức có vẻ khó khăn hơn. Trong cuộc trao đổi sau đây, ông đã làm sáng tỏ sự hiện diện của người trí thức trong một cách hiểu mới: trí thức là thiện tri thức.
  • Tri thức hóa công nhân Việt Nam

    26/03/2007Phạm Ngọc DũngTác động về mặt xã hội thể hiện sự xoá bỏ dần khoảng cách giữa lao động chân tay và lao động trí óc, xoá bỏ dần lao động sản xuất trực tiếp với lao động lãnh đạo quản lý đội ngũ công nhân đang vươn lên trở thành - giai cấp vô sản trí thức hay công nhân trí thức hóa, làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn
  • Cái nết, cái đẹp trong nền kinh tế tri thức

    31/01/2006GS. Tương laiTừ Tây sang Đông, tư duy của loài người đâu có đối lập giữa đẹp và nết, sự hài hòa giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người.
  • Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức

    20/12/2005Viễn Phố dịch từ tài liệu tiếng TrungBài viết nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn.
  • xem toàn bộ