Sứ mạng giáo dục nhân văn: Tâm hồn Việt Nam, con đường thế giới

02:55 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười, 2016

Con đường giáo dục nhân văn, là tiền đề tương lai: khai mở và vun đắp một thế hệ sinh viên Việt Nam với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại xứng đáng với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới. Ở tiền đề này, con người Việt với tâm hồn và bản lĩnh Việt là chính; nhân loại và thế giới là khái niệm, là mô thức và phương tiện cho tâm hồn và trực giác Việt Nam mà chúng ta phải đánh thức và khai sáng. Kiến thức và phương tiện kỹ thuật của thế giới là đôi cánh; tâm hồn Việt là động cơ. Cả hai là cần thiết cho chiếc phi cơ con người Việt Nam có thể bay lên cao trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Ở Việt Nam hiện nay, trong nỗ lực chấn hưng nền giáo dục đại học, vấn đề “giáo dục nhân văn” đang được các nhà giáo bàn thảo. Bài tham luận cho buổi hội thảo mang chủ đề “Giáo dục nhân văn cho sinh viên Duy Tân cốt lõi là những vấn đề gì?” tổ chức tại Đại học DuyTân, Đà Nẵng, tháng 9, 2010 nhưng nội dung bài viết thì liên quan đến một vấn đề phổ quát cho các đại học Việt Nam.

Trong tác phẩm triết học lừng danh “Phê phán lý tính thuần tuý” triết gia Immanuel Kant có nêu lên một mệnh đề tri thức cơ bản rằng “Khái niệm mà không có trực giác thì trống rỗng; trực giác mà thiếu khái niệm là mù lòa.” Điều mà Kant nói tới là bản chất nhị nguyên bao gồm hai phương diện, khái niệm và trực giác, hình thức và nội dung, trong cấu trúc tri thức của con người. Khái niệm là phương tiện, là con đường. Trực giác là tánh biết trực tiếp có sẵn trong cơ năng tri thức. Cả hai là cần thiết và hỗ tương lẫn nhau cho sự hình thành của kinh nghiệm và tri kiến. Hãy hình dung ra cơ năng tri thức của con người như là một chiếc phi cơ. Khái niệm là hai cánh; trực giác là động cơ. Chiếc phi cơ chỉ có thể bay khi hội đủ hai điều kiện thiết yếu và hỗ tương này.

Trong truyền thống và ý chí khai mở dân trí mà các tiền nhân xứ Quảng này, những vị như Phan Chu Trinh, Phan Khôi, đã đi trước, tôi xin lấy mệnh đề tri thức nầy của Kant để bàn đến một nội dung giáo dục nhân văn cho thế hệ sinh viên Việt Nam đương thời, đặc biệt là cho miền Trung, và riêng cho đại học Duy Tân mà tôi có được vinh hạnh tham gia giảng dạy.

Nói một cách rất gọn là vậy: Con đường giáo dục nhân văn, như là một dự án hành động cho tương lai của đại học Duy Tân, là tiền đề: Góp phần khai mở và vun đắp một thế hệ sinh viên Việt Nam với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại xứng đáng với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới. Ở tiền đề này, con người Việt với tâm hồn và bản lĩnh Việt là chính; nhân loại và thế giới là khái niệm, là mô thức và phương tiện cho tâm hồn và trực giác Việt Nam mà chúng ta phải đánh thức và khai sáng. Kiến thức và phương tiện kỹ thuật của thế giới là đôi cánh; tâm hồn Việt là động cơ. Cả hai là cần thiết cho chiêc phi cơ con người Việt Nam có thể bay lên cao trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Đây là một tiền đề mang tính công thức giáo dục và đào tạo mà thiết yếu tính nội tại của nó không những chỉ nằm trên bình diện triết lý mà phải được mang giá trị giả thuyết vốn đòi hỏi rằng nó phải được thử nghiệm và thực thi trên bình diện chính sách thực tiễn.

Muốn thoả mãn nhu cầu thiết yếu tính chính sách cho tiền đề này thì chúng ta phải trả lời hai câu hỏi chính của nó. Thế nào là tâm hồn và trực giác Việt Nam? Và thế nào là nhân loại và thế giới?

Câu hỏi thứ nhì, theo tôi, thì dễ dàng để trả lời. Trong chiều hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng nhân loại chung, thì giá trị thế giới là tập hợp những chọn lựa từ những gì của văn minh đương đại vốn thích hợp và cần thiết cho đất nước và con người Việt Nam.

Ví dụ ngắn gọn: Đại học Duy Tân có thể chọn một mô hình giáo dục theo kiểu mẫu Hoa Kỳ, một mô thức đại học mà theo đó thì huấn luyện, đào tạo là ưu tiên. Chúng ta có thể tham khảo và du nhập mô thức tổ chức, nội dung giáo trình từ một đại học nào đó ở Hoa Kỳ, như Pennsylvania State hay Canergie Mellon. Mô hình chọn lựa này, như là một thí dụ cụ thể và điển hình, là một con đường thế giới, một phương tiện pháp, nói theo nhà Phật, để chúng ta phát huy con người Việt Nam cho nhu cầu cá nhân và xã hội.


Còn câu hỏi thứ nhất, trông có vẻ như là đơn giản, nhưng không phải là dễ để trả lời thỏa đáng. Giống như là mệnh đề của Kant, chúng ta hình như ai cũng nhận ra, hay cảm thấy rằng, mỗi người Việt Nam chúng ta đều mang một tâm hồn, một bản sắc trực giác Việt Nam vốn đặc thù và đơn biệt. Đây không phải là một giả định – mà là một sự thể thiết yếu và hiển nhiên. Bản sắc tâm hồn hay trực giác của người Việt đã phân biệt họ ra khỏi cộng đồng nhân loại và các sắc dân khác. Nó cũng là điều kiện và nguyên nhân cho sự hình thành của lịch sử lập quốc và nhân cách con người Việt Nam xưa và nay. Nhưng nếu có ai hỏi rằng đâu là một định nghĩa về một “tâm hồn” hay ”trực giác” Việt Nam thì câu trả lời cũng vẫn còn là một vấn nạn, một bí ẩn tuy gần nhưng xa, hiển bày nhưng cũng bị vùi kín.

Ở đây tôi xin dựa vào định nghĩa của triết gia Aristotle, cha đẻ của logic, siêu hình học và tâm lý học Tây phương, thì tâm hồn (psyche) là cái nguyên tắc tổ chức và điều khiển các khuynh hướng chọn lựa và hành động của cá nhân. Từ định nghĩa này, chúng ta có thể phân giải phần còn lại của câu hỏi: Cái nguyên tắc tổ chức và điều hướng (psyche) của con người Việt Nam là (những) gì? Định nghĩa của Aristotle là về con người hay cá thể phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay bối cảnh nhân văn, lịch sử, địa lý. Định nghĩa này có thể coi như là một nhận diện về cấu trúc của tâm hồn - nhưng không bàn tới nội dung của tâm hồn đó, tức là những khuynh hướng chọn lựa và hành động nào của một cá nhân đặc thù. Tâm hồn, theo sự nhận diện cấu trúc này, chỉ là một “guồng máy,” hay nói gần hơn với Aristotle, là một năng lực định hướng cá nhân, mà người Việt chúng ta đều chia sẻ một mẫu số chung.

Khi chúng ta thay thế “tâm hồn” bằng định nghĩa của Aristotle thì câu hỏi sẽ trở nên rằng, trong một bối cảnh nhất định có sẵn, cá nhân và tập thể các con người Việt Nam sẽ có một thể loại hay khuynh hướng chọn lựa hay hành động như thế nào? Và khuynh hướng hay cái mode chọn lựa này được đặt trên cơ bản nguyên tắc và nguyên lý nào?

Khi chúng ta nhận diện ra được cái nguyên tắc chọn lựa và hành động của người Việt Nam, trên cơ bản cá thể hay tập thể, thì chúng ta đã nhận ra một bản sắc cho cái gọi là “hồn Việt Nam.” Khi cơ bản tâm hồn Việt Nam đã được định vị và nhận dạng, thì từ đó mà một dự án giáo dục nhân văn mới cho con người Việt Nam có thể sẽ được triển khai.

Vì vậy, bước đầu cho một phác thảo của dự án nhân văn cho sự nghiệp giáo dục của đại học Duy Tân chính là một nỗ lực tự soi sáng chính mình ở nơi tập thể lãnh đạo và nhân viên nhà trường, của đội ngũ giảng dạy, và của tất cả sinh viên và phụ huynh liên đới. Soi sáng chính mình ở đây có nghĩa là mình hiểu thấy được cái bản sắc, cái tâm chất, cái nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc sống của chính mình được đặt trên một số những động cơ và giá trị nào.

Hãy trở lại tiền đề giáo dục nhân văn cho Duy Tân. Nó bao gồm hai vế: Một thể loại hay nội dung tâm hồn Việt Nam, vốn cần được khai sáng và vun trồng, đối diện một thế giới và thời đại cần phải được học hỏi và tiếp thu. Tuy là có hai vế, nhưng trên cơ sở logic, tiền đề này phát sinh ra một yếu tính mới: tính liên hệ giữa hồn Việt Nam và con đường thế giới. Nhận chân ra thiết yếu tính của mối quan hệ này để chúng ta định vị và nhận dạng ra tính điều kiện và nhân quả giữa hai vế. Những cá thể mang tâm hồn Việt Nam đang thay đổi và lớn dần, một cách thụ động và bất định, theo một thế giới vốn đang thay đổi nhanh hơn. Đâu là cơ bản giá trị để cho con người Việt Nam có thể chủ động chọn lựa và hành hoạt trước vô vàn khả thể tính mà thế giới và thời đại đang đưa đến?

Bây giờ chúng ta cùng đọc lại “Sứ Mạng của Đại học Duy Tân” mà Hội Đồng Quản Trị đã công bố:

“Bằng bản lĩnh Việt Nam, phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đại học Duy Tân bám chặt những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và đất nước, hướng tầm nhìn ra thế giới hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế, nhanh nhạy đón bắt công nghệ và tri thức mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”

Đây là một thông điệp sứ mạng mạnh mẽ, rõ ràng cho mục tiêu hiện hữu của Duy Tân – là một đại học đào tạo và huấn luyện một tập thể lao động có chất lượng trên tiêu chuẩn thế giới nhằm phục vụ cho một nhu cầu của tập thể dân tộc. Nhưng chính vì chủ trương huấn luyện, thay vì nghiên cứu hay lý thuyết, và phục vụ cho sự nghiệp đất nước, thay vì xây dựng cá nhân sinh viên, mà Duy Tân đang nhấn mạnh đến cái vế đôi cánh của “nhân loại và thế giới” mà tiền đề giáo dục trên đã nêu lên.

Vì thế, nay đã đến lúc mà Duy Tân phải khai vực lại cái vế thứ nhất. Đó là sứ mạng giáo dục nhằm khai sáng và vun trồng những “hồn Việt Nam” trên cơ bản nhân văn và ý thức mới trước nhu cầu của đất nước và văn minh nhân loại. Hãy đọc lại “Sứ Mạng” của Duy Tân lần nữa. Nó nói rõ rằng mục tiêu của Trường là đào tạo một nguồn nhân lực có “chất lượng” trên cơ sở “công nghệ và tri thức” thế giới. Vì thế, “Sứ Mạng” này sẽ phải bao hàm một nội dung giáo dục nhân văn theo tiêu chuẩn thời đại của cộng đồng nhân loại, xứng đáng với tầm vóc và mẫu mực con người phổ quát, trên cơ sở tâm hồn Việt Nam, trong ý thức và hành xử văn hóa và nhân bản của những cá thể có khả năng tự ý thức cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng của chính mình.
Đây không phải là một luận cứ đạo đức vốn chỉ được đặt trên một giả định đầy tính chất huyền thoại cho một cứu cánh tính về một mẫu người Việt Nam trừu tượng nào đó. Chúng tôi cũng không muốn nêu lên một lý luận mộng tưởng trên một số giả định mơ hồ, không minh bạch về cái gọi là “hồn Việt” trong mỗi cá nhân Việt Nam. Trái lại, khi bàn về tiền đề “giáo dục nhân văn” này chúng tôi nhận chân ra cái nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu của cái vế “con người” trên cơ sở văn hóa và văn minh trong dự án “trồng người” mà tổ tiên chúng ta đã hằng từng hoài bảo.

Làm sao để tiếp nhận công nghệ và tri thức thế giới và thời đại nếu chúng ta, như là những cá thể Việt Nam, chưa xứng đáng với giá trị của công nghệ và tri thức nhân loại đang có? Hay hỏi thực tế hơn. Làm sao mà các đại công ty, hay những nhà đầu tư, muốn chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến đến cho Việt Nam nếu đội ngũ nhân lực chúng ta không đủ khả năng và tầm mức văn hóa xứng đáng để làm chủ công nghệ và sử dụng tri thức đó?
Hỏi như vậy đề chúng ta nhận thức rằng khi chưa xứng đáng với tầm mức nhân văn và khả năng tự ý thức để làm chủ công nghệ và tri thức thế giới thì chúng ta sẽ chỉ còn là những anh thợ, những nhân công khéo tay làm thuê cho chủ nhân ngoại quốc, tức là làm kiếp nô lệ trong một trật tự chủ-nô mới vốn được hóa trang bằng những hình thức hào nhoáng của cái gọi là tiên tiến và văn minh.

Hỏi như thế để chúng ta, những người làm giáo dục, cố gắng khai sáng được cái huyền thoại “tâm hồn” hay “bản lĩnh” Việt Nam nhằm biết được cái tiềm năng, khuynh hướng cũng như những biên độ giới hạn của con người Việt Nam nhằm khẩn cấp thực thi những chính sách giáo dục nhân văn cần thiết và thích ứng.
Ở đây, chúng tôi chưa muốn đưa ra một trả lời về câu hỏi giáo dục nhân văn là gì, hay làm như thế nào. Những cái đó thuộc về phạm vi chính sách mà nhà trường sẽ phải cùng thảo luận và đề ra. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục nhân văn cho sinh viên đại học Duy Tân. Vì sao? Xin phép được giải trình rằng chúng ta đang phải đối diện với một khủng hoảng nhân văn khá trầm trọng trong thế hệ sinh viên mới ngày hôm nay. Bản chất của sự khủng hoảng này phát xuất từ sự chuyển hướng tự nhiên của con người Việt Nam trước một thế giới mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã đưa họ ra khỏi những cơ sở văn hóa và tinh thần truyền thống vốn là căn cứ vững vàng xưa nay.

Từ trong truyền thống của nền văn hóa nông nghiệp mà chúng ta phát xuất, tự nó đã có những bất cập, những khuyết điểm và giới hạn tự nhiên. Khi tâm thức nông dân Việt Nam,bằng hành trang văn hóa dân tộc này, phải đi vào một khung cảnh văn minh công nghiệp của thời đại thì nó phải trải qua khủng hoảng nhân văn. Vì thế, trách nhiệm giáo dục chung là làm thế nào để trang bị cho sinh viên thời đại một hành trang văn hóa dân tộc, linh động nhưng có cơ bản từ một tâm hồn Việt Nam, với năng lực tự chủ, tự do và sáng tạo nhằm xứng đáng ngang tầm với nhân loại ngày nay? Đây là thách thức lớn, không những chỉ ở bình diện lý thuyết mà là phạm vi thực tiễn qua chính sách giáo dục và đào đạo mà Duy Tân phải thực thi. Sinh viên Việt hôm nay khi đi ra với thế giới hiện đại cũng như anh chàng dưới quê đi ra khỏi luỹ tre làng. Làm sao mà cho dù các em có phải đi ra khỏi quê nhà nhưng quê nhà không có rời khỏi các em? Sứ mệnh nhân văn của chúng ta, do đó, là làm sao tạo điều kiện tri thức và nhân cách để cho thế hệ Việt Nam mới không đánh mất cái hồn tinh hoa văn hóa Việt Nam trước thời đại.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện về đạo học huyền nhiệm. Có vị sư giác ngộ vốn mang khả năng nhìn suốt không và thời gian để biết trước cái gì sẽ xẫy ra trong tương lai - kể cả những tin tức về kinh tế tài chánh mà nếu nắm được sẽ là cơ hội làm giàu lớn. Có kẻ doanh nhân nọ muốn có được khả năng kiến thức này xin theo học vị sư để được giàu có. Nhưng vị sư từ chối và đã nói với doanh nhân rằng, muốn được đạt đến trình độ tri kiến này, điều kiện tiên quyết là ngươi phải xứng đáng với nó. Khi sử dụng khả năng huyền nhiệm cho mục tiêu duy lợi vị kỷ thì khả năng tri kiến đó sẽ bị tiêu huỷ.

Ý nghĩa của câu chuyện là rõ ràng. Cá nhân phải được tiến hóa về nhân cách và tâm thức xứng đáng với khả năng tri kiến về phương tiện pháp thế gian. Sự bất cập giữa hai vế, giữa tâm thức nhân văn và khả năng tri kiến phương tiện, là nguyên nhân của mọi thảm họa. Câu hỏi cho chúng ta là, liệu những tâm hồn Việt Nam ngày nay có xứng đáng với khả năng tri kiến mà họ đang hấp thụ từ thế giới hiện đại chưa? Tức là, thế hệ sinh viên mới của Duy Tân có được trang bị bằng một tâm hồn và trực giác Việt Nam đủ xứng đáng với khả năng chọn lựa và hành động trước những gì mà nhân loại và thế giới đang đưa đến? Nguyên lý và giá trị nào để các em sống và hành hoạt khi giòng sông dân tộc đang đi ra hội nhập với đại dương nhân loại?

Soi sáng và hệ thống hóa một cách khoa học các phương cách tiếp cận cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta bắt tay vững chắc hơn vào sứ mệnh giáo dục nhân văn mà Đại học Duy Tân đang vươn đến vậy.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • John Dewey - người chắp bút tuyên ngôn giải phóng trẻ em

    23/04/2017Phạm Anh TuấnĐưa trẻ em lên vị trí trung tâm có làm mờ đi hình ảnh thiêng liêng của những người thầy? Hoàn toàn không. Ngày nay người ta quan niệm người thầy chỉ là người được xã hội phân công làm một công việc cụ thể. Nếu làm tốt công việc của mình thì người thày đó sẽ được cả xã hội kính trọng...
  • Albert Einstein bàn về giáo dục

    25/11/2016TS Phạm Thị LyTrong thế giới đang biến đổi quá nhanh ngày nay, bên cạnh nhiều vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận mới, nhiều giá trị cần được nhìn nhận lại, dường như vẫn có những điều trường tồn với thời gian.
  • Nền giáo dục khai phóng

    16/01/2014Andrew ChruckyVới cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục...
  • Cần chấm dứt giáo dục nhồi nhét!

    12/09/2010Phạm Việt HưngChương trình giáo khoa hiện nay quá nặng, lối dạy học và thi cử hiện
    nay quá hình thức, khoa trương chữ nghĩa, xa rời thực tế, làm khổ cả
    thầy lẫn trò, dẫn tới tình trạng “dạy giả”, “học giả” tràn lan chưa
    từng có...
  • Giáo dục Tổng quát (Liberal Education)

    02/08/2010David E. Bloom và Henry RosovskyVăn minh phương Tây có truyền thống giáo dục theo tinh thần tự do từ lâu đời, ở đó kiến thức tổng quát, sự hiểu biết và tôn trọng ý kiến của người khác được coi là điểm nhấn của toàn bộ sự phát triển cá nhân trong đó có việc đào tạo nghề nghiệp. Tư tưởng này có lẽ đã bắt đầu từ Hy lạp cổ đại và ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với ba khoa là ngữ pháp, tu từ và logic, và sau này là tứ khoa dạy ở nhà trường trung cổ: số học, hình học, thiên văn và âm nhạc.
  • Giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc

    19/06/2010Andrew ChruckyGiáo dục tổng quát - được hiểu một cách đúng đắn - bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và nếu giáo dục tổng quát được coi như một thứ nằm ngoài phạm vi của luân lý, thì nền giáo dục đó sẽ tạo ra những kẻ ngụy biện, chứ không phải những người biện chứng, biết dùng kỹ năng nhận thức để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc.
  • Đại học hay học đại?

    15/06/2010Nguyễn Lân DũngThành tích xây dựng hệ thống các trường đại học cao đẳng ở nước ta là rất lớn. Nhưng về chất lượng đào tạo thì quả thật là có quá nhiều vấn đề cần bàn.
  • Biến con người thành vật thí nghiệm

    05/06/2010Nguyên Thủy (Thực hiện)Phương pháp giáo dục thực nghiệm đã từng “bị đánh” cho tơi bời. Lý do: con người không phải “vật thí nghiệm”. Ông Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của phương pháp giáo dục này lúc đó đứng giữa “tâm bão” để hứng búa rìu dư luận. Cho đến nay những “vết thương” vẫn chưa lành. Người “cha đẻ” ấy đã trải lòng với KH&ĐS về cái sự “bị đánh” và nỗi đau của “người cha mất con”.
  • Phải chăng đây là thế kỷ của giáo dục đại học Châu Á?

    20/05/2010Philip G. AltbachKết quả xếp hạng đại học năm 2009 cho thấy mức độ gia tăng rất khiêm tốn trong con số những trường đại học châu Á lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu—trong Bảng Xếp hạng Đại học Thượng Hải, con số này từ 5 lên 6, và trong Bảng Xếp hạng của Thời báo Times, là từ 14 lên 16. Các nhà bình luận lập tức liên hệ tới sự trỗi dậy về mặt khoa học và đào tạo ở châu Á và đồng thời là sự suy tàn của phương Tây. Tuy nhiên...
  • Đại học đi về đâu?

    19/03/2010Cao Huy ThuầnĐại học bất cứ ở đâu đều chịu ảnh hưởng của những biến chuyển ấy và dù muốn dù không đều sẽ bị lôi cuốn theo chiều hướng ấy. Đại học Việt Nam e cũng sẽ thế mà thôi. Tuy nhiên, đại học, văn hóa của một nước, không dễ gì để đánh mất bản sắc quốc gia của mình. Văn hóa Việt Nam, nếu nói theo Khổng thì là trung dung, nếu nói theo Phật thì là trung đạo. Tôi hy vọng tinh thần đó sẽ hướng chúng ta trả lời câu hỏi chung đặt ra cho mọi đại học: đại học là gì ? Từ câu trả lời đó, ta sẽ biết đi về đâu vào thế kỷ mới.
  • Trách nhiệm xã hội của đại học

    12/11/2009Cao Huy ThuầnĐồng thời với chúng tôi hồi đó, tại mẫu quốc, các cậu bé của nước Đệ Tam Cộng Hòa Pháp được dạy để làm công dân dưới mái trường mà mỗi giáo viên tiểu học là một người lính tiền phong chống lại giáo dục của Nhà Thờ ngự trị qua bao thế kỷ.
  • xem toàn bộ