Biến con người thành vật thí nghiệm
Phương pháp giáo dục thực nghiệm đã từng “bị đánh” cho tơi bời. Lý do: con người không phải “vật thí nghiệm”. Ông Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của phương pháp giáo dục này lúc đó đứng giữa “tâm bão” để hứng búa rìu dư luận. Cho đến nay những “vết thương” vẫn chưa lành. Người “cha đẻ” ấy đã trải lòng với KH&ĐS về cái sự “bị đánh” và nỗi đau của “người cha mất con”.
Những kẻ nổi loạn đáng phong anh hùng
Tự ông đánh giá, ông sẽ đánh giá như thế nào về đứa con đẻ của mình?
Trường Thực nghiệm là sáng tạo của thế kỷ XX. Lần đầu tiên việc nghiên cứu khoa học trực tiếp triển khai trên trẻ em bình thường. Tôi dám làm điều đó. Rất may, mọi người đã tin tưởng vào mô hình của tôi. Hàng ngàn đứa trẻ đã trưởng thành từ đây và tất cả đều khẳng định sự tin cậy của mô hình này.
Ông cho rằng nó là sự sáng tạo thế kỷ của Việt Nam hay thế giới?
Nó là sự sáng tạo mang tầm thế giới. Nếu chỉ là của Việt Nam không thôi thì cũng đâu có gì đáng nói. Cho đến thời điểm mô hình trường thực nghiệm Số 91 Mat-xcơ-va ra đời thì trên thế giới chưa nơi nào có, nhưng như Trường thực nghiệm của chúng tôi tồn tại lâu như thế, toàn diện như thế cũng chưa có nơi nào có.
Ông nói như thế liệu có “hơi quá đà”?
Hãy nhìn vào những việc tôi đã làm. Từ những đứa trẻ bình thường, sau một thời gian vào trường thực nghiệm các em đã phát huy được tối đa khả năng của mình. Ban đầu còn rất nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của việc “thực nghiệm”. Thế nhưng cho đến nay thì hàng nghìn hồ sơ xin vào học mà nhà trường chỉ đáp ứng được chưa đến 1/10.
Bắt nguồn từ đâu mà ông nảy sinh ra ý tưởng đưa con người ra để “thực nghiệm”?
Nhưng năm 60 của thế kỷ XX xảy ra một cuộc nổi loạn về giáo dục. Khi đó phong cách giáo dục truyền thống bị đả kích vì quá khô cứng và lỗi thời. Một phong cách dạy và học hoàn toàn mới được đưa ra nhằm thay thế cho cái cũ. Tuy nhiên, thất bại đã thuộc về “những kẻ nổi loạn”. Tôi cho rằng đó là “những kẻ nổi loạn đáng phong anh hùng”.
Cuộc nổi loạn đã ít nhiều làm mất thiêng nền giáo dục cổ truyền cũng như chỉ ra được những nhược điểm của nó. Nguyên nhân chính của sự thất bại là giải pháp thì chưa đồng bộ mà tư tưởng thủ cựu vẫn còn ăn quá sâu trong xã hội. Những kẻ cầm quyền trong xã hội sợ đổi mới đi cùng với thất bại.
Tôi nghĩ với lý do đó chưa đủ để thuyết phục cho một triết lý giáo dục mới ra đời? Ông còn lý do gì khác?
Tôi học ở Liên Xô. Trước khi về nước và mở trường thực nghiệm tôi là tác giả của một chương trình dạy thực nghiệm dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Chương trình này đã được đánh giá cao và đó là lý do tôi tin tưởng vào hướng đi mới, cách làm mới thay cho nền giáo dục cổ truyền đã lạc hậu.
Ông thai nghén mất bao lâu để đẻ ra ngôi trường thực nghiệm. Cái mà ông gọi là “sự sáng tạo của thế kỷ XX”?
Tôi mất một năm để chuẩn bị từ đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giáo viên cho đến các thủ tục hành chính. Năm 1978 “đứa con” ra đời. Sự ra đời của nó là bước đầu tiên để thay đổi cái cũ. Xã hội Việt Nam khi đó rất lạ lẫm với kiểu giáo dục người thực việc thực. Họ đã cho rằng tôi không thể thành công.
Giá trị truyền thống trở thành kẻ sai vặt
Từ trước đến nay con người không được phép mang ra làm vật thí nghiệm. Lý do rất đơn giản: ai cũng có quyền sống, quyền được làm người. Việc thí nghiệm luôn xảy ra hai khả năng: thành công hoặc thất bại. Người ta không đồng tình cho ông làm thí nghiệm là bởi họ sợ ông biến thế hệ trẻ thành “dị nhân”.
Mỗi loại hình nghiên cứu có một đặc thù khác nhau. Không thể lấy cái này áp sang cho cái khác. Tôi đã cam đoan với những bậc phụ huynh khi họ gửi gắm con họ cho tôi: “Nếu có thất bại thì đứa trẻ đấy ít nhất cũng phải bằng những đứa trẻ được giáo dục trong hệ thống truyền thống.” Hơn nữa, mô hình của tôi chỉ nhằm mục đích giúp cho đứa trẻ phát huy tốt nhất năng lực của bản thân chúng. Chỉ có vậy thôi, không phải mô hình đào tạo thiên tài. Do vậy sẽ không có chuyện biến chúng thành những “dị nhân”.
Tiêu chí để coi thí nghiệm thành công của ông là gì?
Tôi vẫn nói rằng tôi đã thắng là phải thắng tàn bạo. Kết quả so sánh về chất lượng giáo dục giữa hai phương pháp phải ít nhất là một 10 một 5. Nếu chỉ là một mười một 8 có thể người ta vẫn không chịu. Còn như bản thân tôi mong muốn thì đứa trẻ học thực nghiệm là 10 thì đứa trẻ học theo truyền thống chỉ đáng là 1.
Tôi vẫn có một hình ảnh ví dụ. Nền giáo dục truyền thống hiện nay ví như cái cày chìa vôi. Nó gắn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày đi sau, Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ. Trong khi đó phương pháp giáo dục của tôi là cái máy cày. Nó khác hoàn toàn phương thức cũ và tất nhiên hiệu quả phải cao hơn rất nhiều.
Để tạo ra được sự chênh lệch lớn như vậy, việc tuyển học sinh đầu vào của ông có đòi hỏi cao không?
Tiêu chí để nhận trẻ đầu vào là những đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Không nhận những em bé không may bị dị tật bẩm sinh, nhưng cũng không nhận những em có biểu hiện quá xuất sắc.
Ông căn cứ vào những cơ sở nào để khẳng định rằng phương pháp của ông sẽ đem lại thành công còn phương pháp giáo dục truyền thống không còn thích hợp?
Trẻ em là con đẻ của thời đại. Chúng ăn cơm hiện đại. Nghe nhạc hiện đại. Xem phim hiện đại. Suy nghĩ hiện đại…Tại sao lại bắt chúng học những thứ cũ rích.
Nói như ông thì chúng ta vất hết giá trị truyền thống đi sao?
Tôi không nói rằng vất giá trị truyền thống đi. Nhưng không thể chỉ sống bằng giá trị truyền thống. Do vậy, hãy giữ giá trị truyền thống trong hiện đại. Thực tế, nhiều cái truyền thống ngày nay đã trở thành kẻ sai vặt. Trước đây, khi chưa có xe máy, xe đạp, ô tô và máy bay thì con người đi bộ bằng đôi chân thịt. Ngày nay, khi các phương tiện giao thông đã rất nhiều rồi thì đôi chân chỉ còn được dùng đến rất ít trong việc đi lại. Nó đã trở thành kẻ sai vặt. Tuy nhiên, không thể không có nó.
Trường học không phải gánh xiếc
Theo ông thì phương pháp giáo dục có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của xã hội?
Nhà trường hiện đại có cái gì thì xã hội hiện đại cũng sẽ có cái đó. Giáo dục thất bại thì xã hội cũng sẽ thất bại. Trường học không phải là nơi để làm xiếc, không thể cho giấy lộn vào đầu này với hy vọng lấy ra được tiền mặt ở đầu kia.
Cho đến nay, triết lý giáo dục của ông có được thừa nhận?
Nó đã được thừa nhận. Ít ra đó là theo quan điểm của tôi. Ban đầu đã có nhiều người cho con theo học. Nhưng đến nay thường xuyên có khoảng chừng 1000 hồ sơ nộp mỗi năm. Trong khi đó, chúng tôi chỉ nhận vào khoảng 100 hồ sơ. Đó cũng chính là sư thừa nhận của xã hội.
Tuy nhiên, ngày 15/5/2008 là ngày đau nhất đời tôi trong công việc. Đứa con tôi rứt ruột đẻ ra “bị bóp mũi chết”. Hiện nay trường thực nghiệm Liễu Giai không còn đúng nghĩa của nó. Nó đã phải theo cách truyền thống. Nhưng tôi nghĩ, mô hình trường thực nghiệm sẽ sớm quay trở lại mạnh mẽ.
Tôi vẫn chưa hiểu lắm. Ông có thể nói rõ hơn về nỗi đau mất con và sự trở lại mạnh mẽ?
Ngôi trường thực nghiệm đó là tâm huyết cả một thế hệ chúng tôi. Nó tồn tại và sống khỏe mạnh được là do công sức chúng tôi chăm bẵm nuôi nấng. Thế nhưng nó đã bị khai tử chỉ bằng một quyết định độc đoán của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó không còn là trường thực nghiệm. Nếu không là trường thực nghiệm thì khác gì nó đã chết. Đau đớn hơn cả là nhìn thấy nó bị chết đấy mà không cứu được.
Nhưng rồi nó sẽ trở lại một cách mạnh mẽ. Tôi đã thành lập Viện Công nghệ giáo dục, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Viện này sẽ mở lại mô hình giáo dục thực nghiệm và sẽ nhận từ lớp 1 đến lớp 5.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông “tái sinh” thành công đứa con của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh