Quốc khánh, đọc lại Hồ Chí Minh

10:52 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Chín, 2011
Quốc khánh lần thứ 66 nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (tiền thân là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) tôi tìm đọc lại những bản văn của Hồ Chí Minh viết trong hai năm 1945-46 ở cương vị Chủ tịch chính phủ cách mạng lâm thời và Chủ tịch chính phủ Việt Nam chính thức...

Những bản văn ấy được tập hợp trong tập 4, toàn tập Hồ Chí Minh (nxb Sự Thật, in lần thứ hai, 2000). Đọc lại các bài viết của “Ông Cụ” (để nói theo một danh xưng quen thuộc, gần gũi, của những người đồng chí cách mạng hồi ấy gọi vị lãnh tụ của mình) vào một thời đoạn bước ngoặt lớn lao của dân tộc, giống nòi, tôi thật sự kinh ngạc. Kinh ngạc vì nhãn quan chiến lược của một vị kiến trúc sư cuộc cách mạng. Kinh ngạc vì sự cụ thể, sâu sát của một nhà thực hành dựng chính quyền. Kinh ngạc vì cách viết ngắn gọn, thiết thực, vì một văn phong giản dị, thuyết phục, nhằm nói cho cán bộ và nhân dân nghe để làm, và có làm mới nói. Chỉ cần điểm qua tên một số tài liệu Hồ Chí Minh đã viết và soạn thảo sau bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” đọc tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) chiều 2/9/1945 đủ thấy sự sâu rộng và sát thực của một con người kiến trúc nền dân chủ cộng hòa ở một xứ thuộc địa nửa phong kiến tên gọi Việt Nam: Cách tổ chức các ủy ban nhân dân, Tết trung thu với nền độc lập, Chính phủ là công bộc của dân, Thư gởi các vị phụ lão, Nói chuyện với đại biểu các báo chí về nội trị, ngoại giao nước nhà trong những ngày vừa qua, Sao cho được lòng dân, Điện văn gửi tổng thống Mỹ H. Truman…

Đọc lại, tức là đã có đọc đi.

Nhưng mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tùy hoàn cảnh của từng năm mà nội dung các bản văn của Hồ Chí Minh được cập nhật hóa, tập trung ứng vào những chủ điểm, phương diện khác nhau. Năm nay, 2011, một trăm năm sau ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi từ bến Nhà Rồng (Sài Gòn), bảy mươi năm sau ngày nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về đất nước ở Pác Bó (Cao Bằng), trong bối cảnh những cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân tại thủ đô bị cấm đoán và chính quyền đang lúng túng, bị động trong sự đối thoại và đối phó với người dân, đọc lại Hồ Chí Minh của 66 năm trước, tôi kinh ngạc vì một số di sản của ông đã bị bỏ quên, bỏ rơi.

Hãy đọc lại lời thông báo này của Hồ Chí Minh một ngày sau khi tuyên bố đất nước độc lập.

Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể

Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể, như:

Các báo Việt và Tàu, Hoa kiều,

Văn hoá giới, Công chức,

Công giáo, Phật giáo,

Công hội, Nông hội,

Thương giới, Phụ nữ,

Thanh niên, Nhi đồng,

vân vân. Xin chú ý:

1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ.

Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 1945
HỒ CHÍ MINH kính

Giờ đây, khi chỉ một cuộc tiếp xúc của chính quyền Hà Nội với những người biểu tình ký kiến nghị phản đối bản thông báo của UBND thành phố ngày 18/8 đã được coi là một thái độ tốt, một tín hiệu đáng khen, thì những lời ông Hồ nói ở buổi đầu nền dân chủ cộng hòa càng có ý nghĩa. Bởi vì một thái độ gần dân bằng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cụ thể, thiết thực của người cha đẻ cách mạng để thể hiện và thực thi lý tưởng của một cuộc cách mạng “của dân, do dân, vì dân” lâu nay đã thiếu vắng. Các “văn phòng tiếp dân” hiện nay thường là nơi diễn ra các cuộc thắc mắc, khiếu kiện của dân đối với chính quyền, vì thế chúng thường cách bức và đáng sợ. Người dân lên ủy ban phường xã đã thấy e ngại, khó khăn. Tôi bỗng nhớ đến một câu của nhà văn vĩ đại F. Kafka: “Mọi cuộc cách mạng đều bốc hơi và để lại phía sau chỉ là đống bầy nhầy của bộ máy quan liêu mới” (“Every revolution evaporates and leaves behind only the slime of a new bureaucracy”).

Hãy đọc lại lời tuyên bố sau của Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính phủ Việt Nam mới.

Trả lời các nhà báo nước ngoài

Nhân dịp các bạn tân văn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài đều biết:

1) Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.

2) Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.

Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho.

HỒ CHÍ MINH

Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

Vị chủ tịch chính phủ công khai với toàn dân câu trả lời phỏng vấn của mình cho các nhà báo nước ngoài. Bởi vì lúc này chính quyền mới thành lập, các loại kẻ thù đang tìm cách phá hoại, lật đổ, các hoạt động đối nội, đối ngoại diễn ra khó khăn, phức tạp, Hồ Chí Minh thấy cần thiết phải cho người dân biết thông tin để yên tâm ở chính phủ. Phải rất tin tưởng ở dân Hồ Chí Minh mới làm được thế. Ông không lấy lý do chính quyền còn non trẻ, còn phải đương đầu với bao thù trong giặc ngoài mà bưng bít thông tin trước nhân dân, kể cả thông tin tối quan trọng như Đảng dân tộc Việt Nam. Chính phủ tin dân, dân tin chính phủ, tạo nên sức mạnh dân tộc vượt qua mọi thử thách, gian lao. Kết quả của cuộc cách mạng tháng Tám về sau đã chứng thực lời nói và việc làm của Hồ Chí Minh là sáng suốt và đúng đắn. Đó là chìa khóa thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tôi đọc lại Hồ Chí Minh trong ngày quốc khánh như được sống giữa những ngày tháng 8/1945 hào hùng, vĩ đại, trong quang cảnh “dân là dân nước, nước là nước dân”.

Hà Nội 2.9.2011

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    31/08/2017Nguyễn Phan Khiêm, Lưu Thái BảoNgay sau ngày Quốc khánh 2-9-1945 cho đến nay, trong mọi văn bản hành chính, dưới quốc hiệu là tiêu đề “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” như một khát vọng lớn lao của dân tộc. Trước thềm năm mới 2010 đầy hoài niệm những thành công trong quá vãng và thao thức hy vọng vào tương lai, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, tác giả cuốn “Cội nguồn cảm hứng” chứa đựng nhiều suy ngẫm sâu sắc, thú vị xung quanh ba giá trị “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” nêu trên…
  • Tuyên ngôn Độc lập

    01/09/2016GS. Tương LaiCách đây 64 năm, đúng ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tính chất và chức năng của thể chế mới được nêu rõ trong tên nước và các tiêu chí đi liền với cái tên đó theo một logic chặt chẽ và nhất quán: Độc lập là điều kiện tiên quyết để xây dựng thể chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của người dân...
  • Độc lập, và Tự do

    07/05/2015Hoàng Hồng MinhĐộc lập, và tự do, chúng không những phải đi cùng nhau, mà phải
    luôn luôn được chăm chút, được bảo dưỡng, được kiểm nghiệm lại, không
    ngừng, không nghỉ. Chỉ cần một cộng đồng lơ là, tuột tay khỏi chúng, là
    những điều khủng khiếp nhất trong lịch sử lại có thể ngóc đầu trở lại.
    Làm người là một cố gắng bền bỉ, công minh, dứt khoát để gìn giữ và đi
    về được bến bờ của nhân hậu và tự do...
  • Cách mạng Tháng Tám và giá trị của độc lập, tự do

    19/08/2013TS. Nguyễn Sĩ DũngNếu chúng ta không vươn lên để đuổi kịp các nước đi trước, chúng ta khó lòng bảo đảm được một cách đầy đủ quyền độc lập của mình...
  • Hoài bão suốt đời của Bác là Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc

    31/07/2011Hoàng TùngBác từng nói, hoài bão lớn nhất của Bác là “dân tộc Việt Nam được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người đầu có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành”. Để lái con tàu cách mạng Việt Nam đi đến mục tiêu ấy Bác đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát. Cuộc trò chuyện mà ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban tuyên huấn Trung ương, người nhiều năm liền được làm việc bên Bác, dành cho báo Pháp luật TP. HCM phần nào nói lên sự vĩ đại của Người...
  • Chính phủ Việt Nam những ngày đầu độc lập

    17/05/2010Khúc Hà LinhĐặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, 12 ngày sau (28/8/1945), Ủy ban Dân tộc Giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời. Nhiều ủy viên tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ và mời thêm một số nhân sĩ tham gia, tiêu biểu rộng rãi cho Mặt trận dân tộc thống nhất, đủ sức gánh vác công việc quốc gia...
  • Độc lập là gì?

    13/06/2009Dương Xuân BảoỞ đây, chúng ta không nói chữ "độc lập" chung chung mà là "biết hành động độc lập" (tự hành động không cần được có chỉ thị, sai bảo...)
  • xem toàn bộ