Độc lập, và Tự do

09:04 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Năm, 2015

Mùa hè này vùng Moseltal của nước Đức thật tuyệt đẹp. Hãy leo lên những cánh rừng trên đỉnh các dãy núi mà phóng tầm mắt xuống: những sườn dốc dựng đứng phủ những thảm nho xanh mướt như được chải trau chuốt, dòng Mosel xanh lững lờ trôi tít dưới kia như đang cùng sánh vẻ đẹp với bầu trời mơ mông. Các thành phố xinh xắn nắn nót viền hai bên bờ sông làm đường riềm cho những cụm làng mạc cổ điển nằm rải đó đây nơi các sườn núi phía trên cao hơn.

Bạn xuống núi, vào chơi một làng cổ với những ngôi nhà muôn dạng có tuổi hàng trăm năm. May thay, hôm nay có lễ hội nhạc kèn với các ban nhạc công đứng dàn trên một cây số, già trẻ gái trai, đủ màu muôn sắc! Các nhạc công này đến từ mọi miền đất nước để tham dự lễ hội. Người ta phải dựng các máy vô tuyến để truyền hình trực tiếp hình ảnh ông nhạc trưởng đứng hướng dẫn, sao cho mọi người đều có thể vào bài đúng phách đúng nhịp!

Bạn như đang ở thiên đường... Vậy mà một câu hỏi có vẻ không đâu vào đâu đôi khi cứ gợn lên trong tinh thần bạn: Một nước Đức tuyệt vời, chỉn chu như thế này, sao mà một thời lại đã có thể nằm dưới một thể chế phát xít khủng khiếp cho chính mình và cho loài người?

Anh bạn lâu niên có cái giác quan thứ sáu thật tài, anh ấy rủ tôi đến thăm một nhà bảo tàng về người Do Thái ở ngay trung tâm của một thị trấn nhỏ gần đấy.

Đó là một nhà thờ Do Thái xinh xắn đã được phục hồi. Một chàng thanh niên điển trai làm công việc thường trực nhã nhặn mời chúng tôi vào thăm.

Gian thờ chính giản dị dành cho lễ lạt, nhưng cũng sẵn sàng cho tất cả các dạng hội họp khác nhau. Tiền sảnh chính có kê cả chiếc piano. Quanh tường là những bức ảnh xưa, và vài lời dẫn về lịch sử nhà thờ này.

Tầng trên là bảo tàng với các tư liệu và hiện vật của đời sống từ rất nhiều thế kỷ của người Do Thái ở trong thị trấn này. Và tất nhiên, cuối cùng là những tư liệu đau khổ và hãi hùng của thời kỳ phát xít nơi đây. Nhìn những con người hôm qua trong những bức ảnh này, giấy tờ của họ, cùng những bước đường khủng khiếp họ phải đi qua trong kiếp người, bạn phải suy nghĩ.

Nước Đức những năm đó đã có nền độc lập vững chắc của mình.

Nước Đức những năm đó đã có nền khoa học kỹ thuật, nền công nghệ, nền kinh tế phát triển.

Nước Đức những năm đó đã có một nền tảng pháp lý dân chủ của mình.

Đảng xã hội quốc gia của nước Đức lúc đó đã thắng cử hợp pháp.




Thế mà nước Đức đã bị mê hoặc, bị tước đoạt mất tự do, bị biến thành một trại lính khổng lồ để rồi quay ra đàn áp đè bẹp mọi tự do của chính mình và của các dân tộc xung quanh, để rồi thảm sát hàng triệu con người vô tội.

Rời khỏi nhà bảo tàng nhỏ nhắn này của cái thị trấn bé bỏng miền Tây nước Đức quyến rũ tuyệt đẹp này, tôi vẫn chưa sao giải đáp được hoàn toàn cái câu hỏi nọ mãi vẫn vương trong cái tâm trí nhỏ bé của mình.

Độc lập, và tự do, chúng không những phải đi cùng nhau, mà phải luôn luôn được chăm chút, được bảo dưỡng, được kiểm nghiệm lại, không ngừng, không nghỉ. Chỉ cần một cộng đồng lơ là, tuột tay khỏi chúng, là những điều khủng khiếp nhất trong lịch sử lại có thể ngóc đầu trở lại. Làm người là một cố gắng bền bỉ, công minh, dứt khoát để gìn giữ và đi về được bến bờ của nhân hậu và tự do.

Và có lẽ vì thế mà người dân nước Đức đã nhất định đưa vào bảo tàng để kỷ niệm cả những sai lầm và tội ác của chính mình, và cho mọi dân tộc, mọi con người.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bi kịch phi lý của phát xít đối với nhân tài

    08/05/2016Nguyên AnhCuốn tự truyện của Primo Levi "Có được là người" kể về những ngày tháng sống và làm việc trong nhà tù của phát xít của một nhà hóa học, bên vực thẳm của cái chết, sự tha hóa, cuộc đấu tranh vô vọng để tồn tại và làm người, đã thu hút sự chú ý của độc giả toàn thế giới và nó xứng đáng với địa vị một trong những kiệt tác văn chương.
  • Lênin hay Stalin làm cho Liên Xô tan rã?

    28/08/2011Vũ Cao ĐàmĐọc bài “Stalin là người đã làm cho Liên Xô tan rã” của Peter Rutland và Philip Pomper do Phạm Nguyên Trường dịch đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi sực nhớ đến một cuốn sách rất thú vị, được xuất bản ngay sau ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười với tiêu đề “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed, một nhà nghiên cứu xã hội học người Mỹ, người đã có mặt trong những ngày bão táp của Cách mạng Tháng Mười...
  • Diệt phát xít - Bài ca ghi đậm dấu ấn lịch sử

    26/05/2011Nhạc sĩ Phan Thanh NamNhạc sĩ Phan Thanh Nam, tham gia cách mạng từ năm 1945, lúc tròn 18 tuổi. Nhớ về những ngày cách mạng hào hùng của dân tộc cách đây 59 năm, ông viết cho Báo Người Lao Động về ca khúc này...
  • Người nữ cộng sản và sự “đúng đắn đến ngạc nhiên”

    27/09/2010Nguyên Hải (tổng hợp từ tài liệu nước ngoài)Chiến sĩ - nhà lãnh đạo cộng sản nữ Rosa Luxemburg của nước Đức luôn cho rằng bản chất của xã hội Xã hội chủ nghĩa là ở chỗ đa số quần chúng lao động không còn là quần chúng bị thống trị mà là người chủ toàn bộ đời sống chính trị - kinh tế của mình, làm chủ một cách có ý thức trong sự tự do, tự quyết...
  • Con đường tới chế độ nông nô

    23/01/2009F. A. HayekCuốn sách được F. A. Hayek viết hơn 60 năm trước, trong thời kì đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và được xuất bản đầu tiên tháng 3 năm 1944. Chủ đề muôn thủa của cuốn sách là quan hệ giữa tự do cá nhân và vai trò kinh tế của nhà nước, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế...