Phụ nữ vẫn khổ hơn
“Emancipation” là Giải phóng phụ nữ, nữ quyền, làm cho phụ nữ bình đẳng với nam giới. Từ nhiều năm trước, tôi có đọc một câu, lâu quá rồi, không nhớ là đọc ở đâu, không nhớ cả đọc bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt nữa. Nhưng nội dung câu nói thì nó khá chối tai nên tôi vẫn nhớ y nguyên: “Emancipation là một phát minh quái đản của loài người!” Chắc tác giả nói sóc óc như vậy chỉ là đùa nghịch, châm chọc thôi, chuyện đó cũng bình thường vì 90 phần trăm chuyện khôi hài châm biếm là nhằm vào thầy tu, và, vô lý thay, nhằm vào phụ nữ.
Nhưng tôi lại muốn hiểu câu đó theo một cách khác, với nghĩa rằng có giải phóng đến mấy thì phụ nữ cũng vẫn khổ. Trong chữ emancipation có chữ “man” là người đàn ông, toàn từ có nghĩa là làm cho phụ nữ ngang đàn ông. Thế giới ngày nay quan tâm nhiều tới bình đẳng giới, đến mức xét lại cả ngôn ngữ. Các từ có chữ “man” (đàn ông) được trung tính hóa thành chữ “person” (người). Ví dụ như “chairman” (ông chủ tịch) đổi thành “chairperson” (người chủ tịch, vì chủ tịch có thể là ông, có thể là bà). Ngay cả chữ “woman” – phụ nữ, cũng khó có thể tồn tại được. Nhưng dù cho có cố gắng đổi cả ngôn từ, nhằm thay đổi ý thức, dù cho phụ nữ có được bầu làm chủ tịch, thì phụ nữ khổ vẫn hoàn khổ mà thôi.
Như ngày xưa thì khổ đến như Đạm Tiên, Thúy Kiều là đến cùng cực của nỗi đau nhân thế. Và nỗi khổ của người chinh phụ, về sáng đang nằm mơ thấy chồng (gần sáng là lúc phụ nữ ngủ say nhất, và nằm mơ vào lúc đó), thì bị con chim oanh đánh thức, làm tan mất giấc mơ:
“Đả tử hoàng anh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thời kinh thiếp mộng
Bất đắc đáo Liêu Tê”(Ném cho chết cái hoàng anh
Ai cho mi hót trên cành cây cao
Hót thời tan giấc chiêm bao
Không cho hồn thiếp được vào Liêu Tây)
Hay người phụ nữ có chồng tử trận đã lâu mà không biết, đêm đêm vẫn nằm mơ thấy mình được ôm chồng, nói trong bài Đường thi “Lũng Tây hành”:
Đã thề trừ sạch Hung Nô
Năm nghìn binh mã bụi Hồ vùi thây
Đống xương Vô Định lắt lay
Thương thay khuê phụ đêm dài còn mơ.
“Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi” – Xưa nay chinh chiến mấy ai về. Người đàn ông chết là hết, không còn vui còn buồn. Nỗi đau sẽ dành cho cả đời người phụ nữ, mong chồng đã khổ, không còn chồng để mong còn khổ hơn. Nơi này nơi khác có Hòn vọng phu, người con gái ôm con chờ chồng, hóa đá, nhưng làm gì có nơi nào có hòn vọng thê – người đàn ông chờ vợ. Chờ vợ không phải là bản chất của người đàn ông, chờ chồng là bản chất của người đàn bà.
Ngay cả bậc vương phi cũng phải đau khổ. Bài Đường thi cổ:
Lệ tận la cân mộng bất thành
Dạ thâm tiền điện án ca thanh
Hồng nhan vị lão ân tiên đoạn
Tà ỷ huân lung tọa đáo minh(Nước mắt đẫm khăn giấc chẳng thành
Đêm khuya tiền điện vọng ca thanh
Tóc xanh chưa bạc ân tình bạc
Tựa gối xót xa đợi tàn canh).
Còn ở châu Âu, chữ “galant” đã có từ lâu. Galant là tôn trọng phụ nữ, lịch sự với phụ nữ, là nịnh đầm. Châu Âu là galant nhất thế giới! Ra đường thì phụ nữ thơm ngào ngạt như bông hoa, lên xe xuống xe mở của dắt tay, rồi cúi đầu, nhường lối, rồi hôn tay, đỡ áo, rồi tâng bốc… đủ kiểu. Đi hay đứng bên phụ nữ cũng phải nhường vị trí bên phải cho nàng mới ra người hiểu biết. Toàn là những thứ phù phiếm, đúng với nghĩa “nịnh đầm”, đánh vào tính sĩ diện, tính ưa nịnh của phụ nữ. Về đến nhà thì tự cởi áo lông cho nhanh, đóng ngay tạp dề vào, tắm chó, nấu nướng, rửa bát, hút bụi, lau cửa kính (họ thích của kính lúc nào cũng trong suốt như kính đeo mắt), giặt là, dỗ con… Trong khi ấy đức ông chồng đứng bên cửa sổ nhìn vớ nhìn vẩn ra ngoài đường, đọc báo thể thao hoặc ngủ gật bên TV. Cãi nhau thì nó cho ra tòa, li dị. Đến cả vương phi Diana, tài sắc vẹn toàn đến thế mà cũng bị chồng bỏ, đời sống bị xăm xoi, dòm ngó, và cuối cùng chết thê thảm bên dòng sông Seine. Bây giờ, mỗi chiều xe cộ chậy rầm rập trên đại lộ bờ sông, khách ngước lên đài kỷ niệm hình ngọn lửa mạ vàng, sáng rực lên ánh sáng cuộc đời công nương hay nỗi đau nhân thế? Đến cả Đệ nhất phu nhân cũng phải chấp nhận chồng ngoại tình, với câu nói nổi tiếng: Đất nước cần một tổng thống giỏi chứ không cần một người chồng chung thủy.
Ở nước ta, đứng đầu bảng về tính cần cù chăm chỉ, mà có vùng phụ nữ không chỉ đi cấy mà còn cả đi cày, đi bừa, còn đàn ông ngồi nhà đánh bài, hút thuốc lào và bốc phét. Đến bây giờ vẫn còn người chửi vợ, đánh vợ, thậm chí đánh chết vợ.
Hồi năm 1983-84, có lần uống rượu ở Pleiku với chị Y Một, cán bộ cao cấp người Tây Nguyên. Chị nói về nữ quyền đơn sơ mà hay chưa từng thấy: “Tôi nói thế này nhé nếu anh chửi vợ là anh chửi chị anh đó, nếu anh đánh vợ là anh đánh mẹ anh đó.”
Một lần có người bạn sinh hai con trai, nói: “Một trai một gái thì nhất rồi, nhưng nếu sinh con một bề thì thà hai con gái còn hơn”. Vợ tôi bảo: “Sinh con trai thì nó sướng, mình khổ. Sinh con gái thì mình sướng, nó khổ.”
2006
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh