Võ đàn bà
Tư tưởng triết học phương Đông quan niệm rằng: đàn ông tượng trưng cho thể cứng, có sức mạnh xuyên đá vá trời. Khác hẳn đàn bà tượng trưng là nước, mềm mại uốn lượn, có khả năng len lách luồn lọt vào tận cùng hang sâu ngõ hẻm tâm hồn con người. Vì thế, trước một tình hình không vừa ý, đàn ông hoặc có thái độ phản kháng mạnh mẽ, hoặc tức giận nóng nảy sôi lên ầm ầm. Trái lại, đàn bà khôn khéo thường biết “mềm nắn rắn buông”, hoặc tận dụng mọi thời cơ nhằm áp dụng “thế võ truyền thống “lạt mềm buộc chặt”, chuyển bại thành thắng, chuyển yếu thành mạnh, luôn mạnh mẽ trong vẻ yếu mềm, khiến “đối thủ” khác giới dù lợi thế đến đâu đôi khi cũng phải bỏ giáo quy hàng.
Mềm mỏng nhưng không khoan nhượng
Đây là một trong những tính cách ở phái nữ khiến cho nam giới phải “nể”. Nếu như quyền uy và thế lực về vật chất, địa vị làm phái nam kính trọng và đôi lúc tỏ ra sợ sệt, thì bản tính mềm mỏng của phụ nữ lại khiến họ kính mến nhưng không sợ hãi lùi xa, mà ngược lại, luôn muốn gần gũi và trở nên thân thiết hơn. Lúc đó, ở phái mạnh hình thành tâm lý vừa thinh thích vì bị sức lôi cuốn của tính cách đàn bà, vừa ngài ngại trước ý nghĩ sẽ phải rút ngắn dần khoảng cách. Như vậy, quyền uy về vật chất và địa vị ở một người phụ nữ có thể sẽ làm đàn ông khiếp sợ. Nhưng tính cách mềm mỏng đầy nữ tính ở họ đôi khi lại có tác dụng hạ đo ván một phái mạnh ra dáng đàn ông nhất.
Tương tự, luật pháp cùng các quy định đạo đức, luân lý ngặt nghèo có thể buộc chặt thể xác đàn ông phải sống và làm việc, cống hiến theo những quy phạm đã được đề ra, đã được văn bản hóa. Nhưng cái buộc chặt tâm hồn nam giới, khiến họ tự nguyện tuân theo tình cảm thật sự của trái tim con người lại là tính mềm mỏng, khéo léo lựa chiều ở người phụ nữ. Và đó mới là cái cốt lõi, bền chặt của đời sống lứa đôi. Có những gia đình tưởng chừng đã đứng bên bờ vực thẳm của sự tan vỡ, tan đàn sẻ nghé. Nhưng chỉ nhờ vào đức tính mềm mỏng, khéo léo của người vợ mà cứu vãn được tình thế, trở lại hạnh phúc sum vầy, như chuyện tình cảm của đôi vợ chồng nọ, đã có với nhau một đứa con, bỗng dưng anh chồng làm ăn có tiền sinh ra rượu chè, cờ bạc, trai gái. Bắt bồ với một phụ nữ nghề nghiệp không ổn định, chuyên lang thang đàn đúm với các hội ăn chơi bụi đời, anh chồng nọ không những không làm tròn trách nhiệm của một người chồng - người cha trong gia đình, mà còn thỉnh thoảng về nhà gây sự, đối xử ngược đãi với vợ. Trước tình trạng hạnh phúc lung lay sắp sụp đổ, chị vợ đã nhiều ngày đêm vắt óc tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Và chị đã đi đến quyết định dùng tình cảm cha con nhằm níu kéo tình nghĩa vợ chồng, đánh vào điểm yếu thương con, mặc dù chán nản và không còn tôn trọng vợ, nhưng anh chồng này vẫn phải dứt ra khỏi những cám dỗ hư hỏng để trở về nhà thăm con. Chị vợ nọ đã biết dạy dỗ cô con gái cưng làm theo những chỉ bảo của mẹ, kết hợp cùng những lời khuyên nhủ của người thân. Lâu dần mưa phùn thấm đất. Một ngày kia, anh chồng sa đà dạo nọ đã tự nguyện quên đi thói hư tật xấu, trở lại gây dựng gia đình hạnh phúc như trước kia.
Thiết nghĩ, “lạt mềm buộc chặt” không chỉ là phương cách áp dụng thành công trong việc bảo vệ hạnh phúc vợ chồng. Đây cũng là một trong nhiều phương pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ hạnh phúc tình yêu lứa đôi nói chung, vì tình yêu đôi lứa không phải lúc nào cũng nồng thắm, cho nên luôn có ý thức gìn giữ một cách nhẹ nhàng, khéo léo tình cảm của người yêu như câu ngạn ngữ “lạt mềm buộc chặt” đã nêu không bao giờ là thừa với tất cả những ai đã, đang và sẽ bước vào ngưỡng cửa tình yêu.
Tuy thế, như trên đã nêu, mềm mỏng nhưng không đồng nghĩa bước tiếp theo là khoan nhượng. Vì thực tế cho thấy, do bản tính phụ nữ là yếu mềm, dễ tha thứ và giàu lòng vị tha, nên nhiều khi đức tính mềm mỏng dễ bị “đối phương” lợi dụng và biến nó thành chiếc cầu nối cho bước diễn biến tâm lý xảy ra sau đó ở người phụ nữ là sự khoan nhượng, hạ vũ khí tiến công một cách dễ dàng. Xin đơn cử một ví dụ điển hình dễ gặp nhất là khi người chồng hoặc người yêu của một người phụ nữ cùng một lúc quan hệ lăng nhăng với hai người phụ nữ khác nhau. Khi sự việc vỡ lở, cả ba người đều nhận ra bộ mặt thật của nhau, thì thông thường gã đàn ông tệ bạc hay sử dụng thủ thuật “làm công tác tư tưởng” cho người phụ nữ mà gã đánh giá có vị trí quan trọng hơn. Nếu gặp, đúng lúc chị phụ nữ này dùng cách mềm mỏng để níu kéo tình yêu thì càng thuận lợi cho gã, bởi ngay lập tức gã sẽ những là “anh xin em mà, chẳng qua đó chỉ là một chút mây mưa, mong em hãy bỏ qua. Từ nay anh hứa sẽ chỉ yêu em và thuộc về duy nhất em mà thôi”, hoặc tương tự một hình thức dỗ dành na ná như vậy. Và nếu người phụ nữ nào không tỉnh táo, sẽ dễ dàng mắc bẫy và đương nhiên là chuyển từ thế mềm mỏng sang thế tự khoan nhượng, phó mặc cho hoàn cảnh chi phối và mất đi tình yêu lẽ ra của riêng mình trước sự cười nhạo của cả gã láu lỉnh lẫn tình địch. Thế là còn may chán nếu như chỉ mất đi tình yêu không đáng giữ. Nếu rủi ro thì đánh mất luôn sự trong trắng của tình yêu cho gã đàn ông tồi tệ trước khi đã cao chạy xa bay, rũ bỏ mọi tình cảm và trách nhiệm.
Mềm mỏng nhưng luôn kiên định, giữ nguyên lập trường, quyết không để cho phía bên kia khinh nhờn mà vượt qua các quy định bất thành văn nhưng thành thông lệ trong mối quan hệ giữa hai người. Trong trường hợp xấu có thể xảy đến, cần bình tĩnh suy xét hành động cho phải tình hợp lẽ, chớ nóng vội hành động hồ đồ. Đó là một trong nhiều cách giữ gìn tốt nhất hạnh phúc tình yêu.
Mỏng mảnh nhưng dẻo dai
Đó là một trong các cách để tránh rơi vào tình huống xấu “già néo đứt dây” hoặc “con giun xéo mãi cũng quằn”. Đừng nên bắt bất cứ ai (chẳng riêng người yêu dấu) phải rơi vào thế cam chịu. Bó buộc sao cho người bị buộc cho dù biết mình bị “trói” vẫn cứ thích được “trói”, thích được người bó buộc, trói giữ kiểm soát và quản lý, vì thật đơn giản, vòng dây bó buộc kiểm soát và quản lý chẳng những không làm các “nạn nhân” phải nổi khùng vì quá mức chịu đựng, mà trái lại, nó mang tới cho họ cảm giác được gìn giữ, được c hinh phục và sở hữu - những cảm giác mà chỉ có ở tình cảm lứa đôi.
Trong mọi tình huống, chỉ nên trói buộc người yêu (hoặc vợ, hoặc chồng) bằng chính tình yêu chân thật, bởi duy nhất chỉ có tình yêu mới trói buộc nổi trái tim và tâm hồn. Không nên và đừng khi nào có ý định dại dột trói buộc tình cảm (nhất là tình yêu của con người) bằng quyền uy và bạo lực.
Nhưng đôi khi, “lạt mềm buộc chặt” không chỉ nội hàm trong ý nghĩa bó hẹp và sự trói buộc về mặt tình yêu lứa đôi mà ý nghĩa này còn được ngoại vi ra bên ngoài dựa trên cơ sở niềm tin trong tình yêu giữa hai con người.
Niềm tin là điều tưởng chừng rất mong manh trong tình yêu, nhất là khi hai người ở hai nơi khác nhau, gặp những điều kiện và hoàn cảnh rất khác nhau, thì ai dám chắc niềm tin sẽ là sợi dây mong manh duy nhất nhưng kết dính chặt chẽ giữa hai con người chưa chính thức bị ràng buộc. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, đôi khi điều không thể lại là có thể, điều khó tin và khó ai ngờ tới lại là điều đáng tin và làm nhiều người phải bất ngờ, đó là khi niềm tin biến thành sợi lạt mềm mại và mỏng manh, nhưng lại dẻo dai chắc chắn vô cùng nối kết những trái tim con người lại với nhau, tạo nên sức mạnh tình yêu chiến thắng mọi khó khăn cách trở. Thế mới cảm nhận được hết ý nghĩa sâu sắc của câu châm ngôn nổi tiếng: “Có niềm tin là có tất cả. Và mất niềm tin cũng là mất tất cả”.
Trong tình yêu, lý trí trói buộc khối óc tuân theo những quy luật bất biến của đời sống tình cảm con người. Lý trí soi xét đường hướng cho con người hành động một cách chính xác và sáng suốt. Khi yêu bằng lý trí thì con người mới gắn với nhau về mặt xác. Khi yêu bằng trái tim - cảm xúc thì con người mới gắn bó nhau về phần hồn. Còn khi yêu bằng cả lý trí - khối óc - trái tim thì con người đã gắn với nhau cả về thể xác lẫn tâm hồn. Sự gắn kết thể xác - tâm hồn làm con người khó rời xa nhau. Nhưng tâm hồn làm nên sợi dây ràng buộc êm ái giữa hai người yêu nhau lại là cơ sở làm sự gắn kết phát triển bền vững, khó đổi thay được tình yêu lứa đôi.
Có yêu nhau mới mong cột chặt vào với nhau. Nhưng đừng lầm tưởng cứ mong buộc chặt vào nhau đã là yêu nhau, bởi đôi khi lạt mềm buộc chặt lại là biểu hiện của thói ích kỷ, không muốn giải phóng cho nhau khi không có tình yêu.
Hãy biết buộc chặt tình cảm của nhau khi còn yêu nhau và hãy biết cởi nút buộc của sợi dây gắn kết tình cảm khi tình yêu đã không còn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành