Dại ba năm khôn một giờ
Nhà lim, then sắt khóa đồng,
Mùng thêu, chăn gấm,
Mà không có chồng, em chả có vui.
(Ca dao Việt Nam cổ)
Nghe kể lại ngày xưa ở La Mã, chủ đề được tranh luận nhiều nhất trong các cuộc gặp mặt của các quý tộc nhiều tiền lắm thời gian là: phụ nữ có linh hồn hay không. Nếu có, sao họ lại thường hay hành hạ đàn ông vì những điều phi logic và khá là thất thường như thế. Nếu không, thì sao họ lại hết lòng với những người đàn ông mà họ gắn bó cuộc đời mình vào và là chỗ dựa không thể thiếu cho mỗi một nam nhân nào muốn thành đạt trong sự nghiệp. Câu chuyện phức tạp đến độ cho tới tận ngày Vandal tiến vào Roma và La Mã sụp đổ, đúng sai vẫn chưa một lần được phân định.
Còn trong giới đàn ông Việt Nam ngày hôm nay, chủ đề được bàn luận đến nhiều nhất tại các cuộc bia bọt rượu chè, các cuộc gặp mặt tình cờ hay có chủ đích khi chị em vắng bóng cũng là chuyện chị em. Và triết lý trong những câu chuyện này cũng đậm đà không kém: một phụ nữ như thế nào sẽ được anh em lấy làm vợ. Hay nói cách khác cho phù hợp với các nhà nhân quyền đang đấu tranh vì sự tiến bộ phụ nữ, các chị em hành xử như thế nào thì dễ lấy được chồng. Mà chuyện lấy chồng ở ta thì vẫn đã và đang là chuyện tối quan trọng, nhất là mỗi khi tết đến, lúc lời chúc cho những ai chưa chồng luôn vẫn là: năm mới đi lấy chồng. Hơn nữa, dù chiến tranh qua đi đã lâu và tỷ lệ giới tính đã phục hồi lại được sự cân bằng, nhưng sự cân bằng trong số những người có thể dựng vợ gả chồng vẫn chưa hoàn toàn vì sự chồng lấn về tuổi: khoảng cách giữa nam và nữ bị thu hẹp do nhiều phụ nữ phải lấy chồng trẻ hơn so với tuổi lấy vợ thông thường của nam giới. Tức là chị em vẫn có cơ hội lựa chọn hạn chế hơn so với anh em trong chừng 10 năm nữa, lúc tỷ lệ giới tính khi sinh nghiêng hẳn về nam giới.
Phân tích một cách khoa học, hóa ra cái sự lấy chồng của chị em tùy thuộc vào ba yếu tố: sắc đẹp, của cải và cách hành xử trong cuộc sống. Về sắc đẹp thì khỏi phải nói, trừ một số rất ít những phụ nữ rất đẹp hoặc rất không đẹp ra, mà tiêu chuẩn khá là dao động ở các nền văn hóa khác nhau, tuyệt đại đa số phụ nữ Việt Nam đều đẹp. Điều này không chỉ được giới đàn ông Việt Nam khẳng định, họ thì còn làm gì khác được cơ chứ, mà đàn ông quốc tế cũng nhất loạt công nhận: theo họ thì Việt Nam là nơi phụ nữ đẹp mà đàn ông thì, tiếc thay, không được đẹp bằng. Những người phụ nữ rất đẹp hoặc rất không đẹp thường khó lấy chồng, điều này ai cũng biết, nên sắc đẹp không cần luận bàn tới vì đây là vấn đề của thiểu số rất ít ỏi và được đánh giá qua ánh mắt của kẻ si tình như đại văn hào Gớt đã từng xác nhận. Tóm lại, đẹp là cần nhưng chưa đủ.
Về tài sản cũng khó minh định vì mấy lý do. Thoạt tiên trước khi phải lòng nhau không mấy phụ nữ phô trương số tài sản của mình ra mà chỉ có đàn ông làm điều đó, như kiểu trong tự nhiên những con chim trống cố trình cái tổ của mình cho chim mái trọn. Điều này phổ quát gần như ở mọi nền văn hóa chỉ trừ đôi chỗ ở bắc phi nơi phụ nữ chủ động đi hỏi chồng còn nam giới đứng đợi cho chị em đến chọn. Đàn ông lại thường bốc đồng và tự tin vào năng lực của mình nên khi lấy vợ không máy khi họ chú ý đến lời giãi bày của đối ngẫu về gia cảnh mà thường cứ khăng khăng như lên đồng: anh không cần của cải mà chỉ cần em, em cứ tin vào anh… còn sức ép về xã hội về của cải và vị thế xưa nay lại thường là đặt vào đàn ông chứ ít khi vào phụ nữ: đàn ông có thể lấy vợ thấp hơn về của cải và vị thế nhưng phụ nữ thì chẳng mấy khi chọn người thấp hơn mình. Vậy nên của cải của cô dâu chỉ là yếu tố cân nhắc thêm, quan trọng nhưng có lẽ ít là cái thiết yếu khi lấy vợ. Nên chỉ còn lại cách hành xử của nhưng người phụ nữ trong cuộc là đáng để quan tâm. Tựu trung, họ thường tuân theo một trong hai chiến lược mà cánh anh em tổng kết là khôn ba năm dại một giờ. Giữa hai thái cực này là vô vàn những trạng thái trung gian mà chị em sáng tạo thi triển không ai giống ai.
Theo cách thứ nhất, chúng ta sẽ thấy những cô gái ăn mặc nghiêm trang, cân nhắc trong nói năng, đứng đắn trong hành xử để sẽ không có bất kỳ gã đàn ông nào hiểu nhầm tín hiệu mà cô phát ra. Để có được hành xử này cô gái phải tu dưỡng nhiều và vì vậy nó mang nhiều phong cách mà xã hội quy ước hơn là những bản năng nội sinh vốn có. Với những chị em đó, anh em nói chung có thể tin tưởng được vào sự ổn định trong quá khứ và tương lai. Nhưng họ cảm thấy gò bó và đôi khi buồn chán. Mà đàn ông thì nông nổi giếng khơi, ít ai chịu gò bó bao giờ cũng như cái họ quan tâm là hiện tại, chữ quá khứ và tương lai thì chuyện đó đã là đâu đâu.
Vĩ thanh: Cứ như theo quan sát của riêng tôi thì những chị em nào mà dại đúng lúc thì thế nào cũng lấy được chồng. Còn anh em nào mà lúc nào cũng khôn thì trước sau sẽ ế vợ. Tất nhiên hôn nhân truyền thống không bàn đến ở đây.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh