Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?
Tương tự như điều ông G.Schroeder nói, tôi cũng từng nghe một phó thị trưởng thành Venice (Italia) tự giới thiệu khi tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: "Tôi thuộc thế hệ Việt Nam". Cũng một lời tương tự như vậy từ một nhà lãnh đạo Quốc hội châu Âu tại Bruxelles (Bỉ)... và rất nhiều người khác, kể cả nhiều người Mỹ mà tôi đã gặp...
2. Hãy đọc lại Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi: "Xét như nước Đại Việt ta - Thật là một nước văn hiến - Bờ cõi sông núi đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác - Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương - Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau - Mà hào kiệt đời nào cũng có". Nhà bác học Lê Quý Đôn khi viết về dân tộc của mình luôn nói tới niềm tự hào "Nước Nam ta nổi tiếng là văn hiến...", "văn vật điển chương rất đẹp, không kém gì Trung Quốc".
Ngô Thời Nhậm đi sứ phương Bắc, lúc trở về làm bài thơ Hoản nhĩ ngâm (Mỉm cười mà ngâm ngợi) thốt lên niềm tự hào "May mắn thay ! Chúng ta được sinh ra ở nước Nam... chớ bảo rằng ta kém văn minh...". Phan Thanh Giản đi sứ Tây kinh, tàu đến một cảng biển ngoại quốc, theo thông lệ phải giương quốc kỳ của sứ đoàn, Phan bèn lấy tấm lụa rồi dùng son mà viết 2 chữ lớn là "Đại Nam" treo lên mũi tàu mà biểu trưng niềm tự hào dân tộc nơi đất khách quê người...
Những chuyện như thế trong sử sách nhiều lắm. Không có niềm tự hào ấy chúng ta không tồn tại được, và chính sự phấn đấu để tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam đã làm nên niềm tự hào đó.
3. Ngót trăm năm đô hộ của thực dân Pháp là một nỗi nhục lớn của dân tộc Việt Nam sau hơn một thiên niên kỷ tự chủ, hơn mười lần đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm. Đến thế kỷ XIX, chỉ vài trăm tên lính đánh thuê đã hạ nổi thành Hà Nội có những người anh hùng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu cầm quân rồi phải tự vẫn cho khỏi thẹn với núi sông. Những bài học trên ghế học trò "Tổ tiên ta là người Gô-loa" mà thực dân nhồi sọ. Thảm cảnh của những người cu li Việt phải tha phương cầu thực ở những đồn điền hải ngoại và của những trai tráng người Việt sang làm bia đỡ đạn bên trời Âu trong hai cuộc đại chiến cũng như sự khốn cùng của nhân dân dưới ách áp bức của thực dân và phong kiến... đã dồn nén lòng tự ái dân tộc thành một sức mạnh phi thường khi có được ngọn cờ tụ nghĩa. Từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học... đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều thấm cái nỗi nhục mất nước để tạo nên sức vùng dậy của cả một dân tộc giành quyền làm chủ của mình.
Dân tộc ấy đã công khai tuyên bố quyền tự chủ của mình trên những nguyên lý phổ quát của nhân loại. Và dân tộc ấy đã tự chứng minh sức mạnh của mình bằng ba cuộc chiến tranh vệ quốc liên tiếp trong hơn 4 thập kỷ với biết bao nhiêu xương máu khi đã không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài ý chí "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
4. Nhưng điều gì khiến cho công cuộc 20 năm Đổi mới được biểu dương như những thành tựu to lớn mà có người còn sánh với những chiến công của lịch sử giữ nước, mà cuối cùng chúng ta vẫn không tránh được nguy cơ tụt hậu? Ai cũng biết giữ được mức tăng GDP thuộc loại nhất nhì khu vực, đặc biệt là giữ được sự ổn định về an ninh là một cố gắng rất lớn. Nhưng mục tiêu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu ngày càng xa vời. Phải tìm cho ra những lý do của sự tụt hậu mới mong thoát được nguy cơ tụt hậu.
Đương nhiên, chiến tranh luôn được viện dẫn làm lý do hàng đầu. Chiến tranh tàn phá của cải vật chất để lại những hậu quả rất nặng nề. Chiến tranh mang lại nhiều đau thương mất mát, kể cả những di chứng lâu dài cho con người... Những lý do ấy đều thấy được, cân đong đo đếm được và trên thực tế ta đã có nhiều thập kỷ khắc phục. Nhưng còn có một lý do mà không phải là khó thấy. Đó chính là nếp nghĩ và hành xử.
Vì sao đứng trước hiện tượng hàng vạn người phụ nữ phải rời quê hương đi làm dâu xứ người trong một hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo và cả nạn bạo hành trong gia đình mà không ai nghĩ đến một giải pháp để ngăn chặn ngoài nỗi bức xúc được phản ánh trên báo chí và liệu những người có trách nhiệm với đất nước có ai cảm thấy đó là nỗi nhục để tìm cách chấm dứt. Mời được càng đông người nước ngoài đầu tư vào nước ta, vay được càng nhiều tiền của thiên hạ được coi là thước đo của sự tín nhiệm của thế giới đối với Việt Nam. Nó mang lại những nguồn lực cần thiết nhưng mấy ai quan tâm đến tỷ trọng lợi nhuận rơi vào túi ai mà vẫn được tính vào một phần thành tựu GDP của đất nước và ai sẽ phải gánh vác để trang trải những món nợ đáo hạn? Và những cuộc đình công, bãi công của thợ thuyền giờ đây có còn làm nên một phần của truyền thống giai cấp hay không? Những vụ bê bối, tham nhũng bạc triệu đô la gây nên sự ồn ào trên dư luận và sự bận bịu của các cơ quan điều tra và xét xử mà chưa làm nên sự xúc động đến mức chẳng có một ai từ chức vì sự xấu hổ về trách nhiệm của mình, v.v và v.v...
Cách hành xử và tâm thế của chúng ta dường như luôn mặc cảm Việt Nam giờ đây là nước nhỏ. Không ít những phát biểu của các quan chức luôn khiến ta nghĩ rằng Tổ quốc của mình giống như những địa phương mong được xếp vào diện nghèo hay vùng sâu vùng xa của thế giới để được hưởng những ưu tiên được trợ giúp, mà không thấy nỗi hèn nhục của một nước nghèo và tụt hậu.
Lại nhớ đến điều mà vị Đại tướng góp phần đánh thắng hai đế quốc to nhắc nhở: Có một thế hệ hàng ngày nhìn vết đạn của ngoại xâm trên thành Cửa Bắc để nuôi chí rửa sạch nỗi nhục mất nước. Bây giờ, nếu mỗi ngày, cùng với dự báo thời tiết chúng ta công bố thứ hạng về trình độ phát triển cùng những món tiền nợ nước ngoài để thấm được cái nỗi nhục tụt hậu, chúng ta mới chiến thắng nghèo hèn để vươn lên cho xứng đáng với dân tộc của mình...
5.Tôi đã gặp hai con người, hai nhà doanh nghiệp quyết định đặt tên cho những công trình và thương hiệu của mình bằng những quốc danh thời xa xưa. Một người đặt cho cái không gian tâm linh của một khu công viên văn hóa rất rộng lớn ở Bình Dương là "Đại Nam quốc tự". Còn một người là chủ một hãng bia mang tên "Đại Việt", cơ sở nộp ngân sách lớn nhất của tỉnh Thái Bình. Hỏi vì sao lại đặt tên như vậy, cả hai đều nhắc đến tâm thế của người xưa về niềm tự hào dân tộc, rằng chính vì niềm tự hào ấy mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ chúng ta cả một cơ đồ, một giang sơn gấm vóc. Cả hai đều chất vấn tôi bằng một câu hỏi: "Vậy thì Việt Nam có phải là một nước nhỏ hay không?". Và cả hai đều cho rằng nếu tâm thế của ta nhỏ thì đáng là nước ta nhỏ, nếu chỉ bó mình trong những ước vọng chật hẹp thì mục tiêu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu là vô vọng. Còn như tâm thế ta lớn thì dám làm cái lớn và sẽ làm cho nước ta lớn, như cha ông ta đã tư duy và hành xử.
Viết bài báo này, tôi cũng muốn bạn đọc cùng chia sẻ với cái câu hỏi sâu sắc: "Việt Nam là nước nhỏ hay không nhỏ?".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt