Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học
Khả năng tư duy logic của người Việt là không kém ai, nhưng tại sao lại không dẫn đến những kết quả cụ thể trong thực tiễn? “Tại sao tư duy logic tốt mà lại quá ít (hay chưa có) nhà khoa học tầm cỡ thế giới? Tại sao có nhiều người thông minh mà lại quá ít thiên tài? Hay tại sao chỉ số giáo dục được UNDP đánh giá cao mà nền giáo dục lại quá nhiều điều dở?” (PGS Hồ Sĩ Quý).
Chuyên đề “Người Việt hiện đại và Tư duy logic” mà Vietimes thực hiện thành nhiều phần sẽ phần nào làm sáng tỏ những câu hỏi này.
I. Tư duy logic và động lực phát triển xã hội
Cách đây hàng nghìn năm, người Việt cổ đã biết hướng tư duy vào thực tiễn. Các họa tiết người, chim, hươu nhảy chạy bay vây quanh mặt trời theo hướng ngược chiều kim đồng hồ chứng tỏ người Việt cổ đã phần nào nắm được tính chu kỳ, qui luật tuần hoàn của bốn mùa. Hình khối cân xứng, hài hoà của trống đồng, sự phân bố đều đặn các điểm trang trí giữa các đường tròn đồng tâm trên mặt trống tuân theo chặt chẽ những luật đối xứng.Những điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng chủ nhân trống đồng đã có những khái niệm về hình học và số học ở một trình độ nhất định.
Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, trí tuệ Việt Nam đã được khẳng định bằng một trường phái toán học Đại Việt độc đáo, uyên sâu với những tên tuổi lớn như Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh… Thế kỷ 20, dù đi qua biết bao biến cố, thử thách lớn lao của lịch sử, trí tuệ Việt Nam vẫn tiếp tục tỏa sáng, thăng hoa bằng những kỳ tích khiến nhân loại phải ngả mũ kính phục. Không có một dân tộc nào trong một thế kỷ lại đánh bại hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Dân tộc ấy tiếp tục đóng góp cho thế giới nhiều nhà khoa học lớn trong các lĩnh vực toán học, vật lý, triết học…trong những điều kiện khó khăn nhất về hoàn cảnh sống cũng như môi trường nghiên cứu. Một số trắc nghiệm về IQ, EQ, và những thành tích của trí tuệ Việt Nam trong các cuộc tranh tài với thế giới xưa và nay đều có những tấm gương đủ sức thuyết phục.
PGS. TS Hồ Sĩ Quý- Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Viện KHXHVN là một trong những chuyên gia có uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về con người, văn hóa, văn minh, giá trị và tiến bộ xã hội. Theo ông, người Việt hoàn toàn có thể tự hào về khả năng tư duy logic của người mình. Tuy nhiên, để biến “mỏ lộ thiên” này thành những viên kim cương giá trị cho cuộc sống lại là một bài toán khác, mà nếu “hóa giải” thành công, Việt Nam sẽ có những bước nhảy vọt khổng lồ trong tương lai
Phóng viên (PV): Kishore Mahbubani, cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc trong cuốn sách “Người châu Á có thể suy nghĩ?” đã đặt mối hồ nghi về khả năng tư duy logic của người phương Đông. Tác giả lý giải đây là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến sự phát triển kinh tế - KHKT của châu Á đi sau phương Tây nhiều thế kỷ. Là một nhà nghiên cứu đã có nhiều tác phẩm về triết học và về văn hóa được công bố, theo ông, người Việt Nam có hay không cái gọi là “tư duy logic”?
PGS Hồ Sĩ Quý (PGS HSQ): Nói đến tư duy logic thì nhân loại, ở châu Phi hay ở châu Âu, ở châu Á hay ở châu Mỹ, từ Albert Einstein cho đến mỗi người chúng ta, ai ai trong đầu cũng đều có so sánh, phán đoán, suy lý, trên cơ sở các ý niệm, khái niệm về các hiện tượng, sự vật xung quanh. Nghĩa là tự nhiên ban cho con người bộ não hoạt động tư duy với các quy luật logic vốn có, khách quan ở tất cả mọi người và mọi dân tộc. Các quy luật của tư duy logic là phổ biến cho toàn nhân loại. Dĩ nhiên, sản phẩm tư duy của người này thì khác người kia, về cùng một phán đoán nhưng có người đúng và có người sai; cái đó lại phụ thuộc vào các điều kiện khác.
Vì thế, câu hỏi “Người Việt có tư duy logic hay không?” là câu hỏi sai. Vì đã là người thì phải có tư duy, tức là tư duy logic, kể cả người mông muội, dã man nhất. Trừ những người có vấn đề về mặt tâm thần, logic của họ có thể là logic khác và nó không theo quy luật của tư duy thông thường.
Theo tôi, thực chất câu hỏi này phải là người Việt, trong hoạt động sống của mình có tôn trọng tư duy logic với các bằng cớ xác thực của nó hay không, có tôn trọng cái hợp lý - mặt logic của sự việc, mặt lý tính của vấn đề hay không? Bản thân mỗi sự việc, hiện tượng có rất nhiều khía cạnh, nhưng về khía cạnh lý tính, duy lý của vấn đề thì người Việt tôn trọng cái hợp lý đến đâu? Hay vẫn biết là nó có lý, nhưng vẫn không nghe?
Nói tư duy phương Đông hay tư duy phương Tây chẳng qua là nói đến nếp cảm, nếp nghĩ, phong cách, thói quen, lối ứng xử trong nhận thức, thậm chí cả trong hoạt động thực tiễn, trong lối sống đời thường… Ở đó có một cái gì đó đặc trưng, đặc thù và có thể phân biệt với các cộng đồng khác. Sự khác nhau giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, như trong phân biệt của Teilhard de Chardin, Spengler, Toynbee hay Francois Jullien… không phải là khác nhau về tư duy và về các quy luật của tư duy.
PV: Vậy đặc trưng của nếp cảm, nếp nghĩ, phong cách, thói quen… của người Việt so với tư duy các dân tộc khác là gì, thưa ông?
PGS. Hồ Sĩ Quý: Duy lý là truyền thống nổi bật của xã hội phương Tây, chính xác hơn là của các xã hội Tây Âu mà hạt nhân của nó được xây dựng ngay từ thời kỳ Cổ đại. Truyền thống này được củng cố và phát triển, đặc biệt từ khi xuất hiện các khoa học theo đúng nghĩa của nó bắt đầu từ thời đại Phục Hưng.
Còn ở Việt Nam, nền khoa học theo nghĩa hiện đại của khái niệm này xuất hiện muộn và có nhiều hạn chế so với bên ngoài. Cùng với các nguyên nhân khác thuộc văn hóa truyền thống, sự muộn mằn của khoa học làm cho tinh thần tôn trọng tư duy lý tính, tư duy logic, tính hợp lý của vấn đề… ở ta có phần hạn chế hơn. Nếu ở phương Tây, điều mà anh không bác bỏ được thì anh phải thừa nhận, thì ở ta, vẫn thường có tình trạng, không bác bỏ được, không “cãi lại” được, tức là không chỉ ra được nó bất hợp lý ở chỗ nào, thậm chí, trong “bụng” thấy điều đó hoàn toàn hợp lý, nhưng vẫn không chịu thừa nhận, không muốn thừa nhận. Tình trạng này lại dẫn tới một điều nguy hiểm khác: không chịu tìm tòi chứng lý khách quan để bác bỏ hay thừa nhận lập luận của người khác. Đây là mảnh đất tốt để định kiến thể hiện sức mạnh. Đó là cái sự thật nên được nhìn thẳng để khắc phục, nhất là trong việc xem xét các vấn đề vĩ mô, các kế hoạch xã hội.
Dĩ nhiên, cảm nhận cảm tính, những đánh giá có phần linh cảm, trực giác… cũng có giá trị của chúng. Trong một số trường hợp những đánh giá đó có thể chấp nhận được vì nó cũng phản ánh được thực chất cuả vấn đề. Nhưng trong nhiều trường hợp những suy nghĩ kiểu như vậy có thể gây ra sự ngộ nhận không đáng có. Theo tôi, sự chi phối quá mức của yếu tố cảm tính, sự thiếu hụt không đáng có của yếu tố duy lý… là cái thường bắt gặp trong nhận thức và hành động hằng ngày của người Việt chúng ta.
PV: Vậy ông lý giải như thế nào về một số thành tựu đỉnh cao liên quan đến tư duy logic như toán học, cờ vua, vật lý… mà Việt Nam đã có khá nhiều người có thành tích cao trong những lĩnh vực này?
PGS. Hồ Sĩ Quý: Đây là một điều thú vị. Quả thực đến giờ này, khá nhiều nhận xét, đánh giá của người nước ngoài về người Việt và tư duy người Việt là rất tích cực. Theo tôi, những đánh giá như vậy là có thể tin được. Khả năng tư duy logic, nói cách khác, tiềm năng duy lý của người Việt không đến nỗi thua kém ai. Thậm chí, chúng ta còn có quyền tự hào về khả năng tư duy logic của người Việt. Một số trắc nghiệm về IQ, chỉ số thông minh, và những thành tích của trí tuệ Việt Nam trong các cuộc tranh tài với thế giới xưa và nay đều có những tấm gương đủ sức thuyết phục.
PV: Liệu đây có phải là một nhận xét quá lạc quan?
PGS. Hồ Sĩ Quý: Điều này đã được nói từ thời các học giả Phạm Quỳnh, Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, v.v.. Một đề tài nghiên cứu của GS. Trần Kiều gần đây cũng chỉ ra các số liệu chứng minh cho điều đó. Còn các tài liệu của người nước ngoài thì còn nhiều hơn nữa. Tiềm năng tư duy logic (liên quan nhiều đến IQ), tiềm năng tư duy mẫn cảm (liên quan nhiều đến EQ) và tiềm năng tư duy sáng tạo (liên quan nhiều đến CQ)… ở người Việt đều ở mức tích cực trở lên cả. Vấn đề không phải là quá lạc quan mà là quá băn khoăn. Tại sao tiềm năng khá thế mà thành quả sáng tạo lại hiếm hoi? Tại sao tư duy logic tốt mà lại quá ít (hay chưa có) nhà khoa học tầm cỡ thế giới? Tại sao có nhiều người thông minh mà lại quá ít thiên tài? Hay tại sao chỉ số giáo dục được UNDP đánh giá cao mà nền giáo dục lại quá nhiều điều dở?
Chúng ta nên chú ý chữ “tiềm năng”. Tư duy logic về mặt tiềm năng của người Việt là rất giỏi nhưng để đi đến kết quả cụ thể trong đời sống thực tiễn, đặc biệt trong sáng tạo thì mình lại kém. Người Việt tiếp xúc với người nước ngoài luôn lộ ra cái thông minh, sắc sảo, cách nhận định vấn đề nhanh nhạy. Nhưng để đi đến sản phẩm cuối cùng thì ta lại yếu hơn bất kì ai. Tiềm năng giàu có mấy cũng chưa phải là hiện thực. Hiện thực này lại phải lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác.
PV: Theo ông, nguyên nhân chính cản trở sự phát triển này là gì?
PGS. Hồ Sĩ Quý: Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một điều mà tôi ngẫm nghĩ bấy lâu là bảng giá trị xã hội của ta hình như có vấn đề. Bầu không khí xã hội có ý nghĩa định hướng cho sự cố gắng, sự thành đạt của mỗi người, thì giữa phương Tây và ta khác nhau nhiều đấy.
Ngày xưa các cụ đi học là để làm quan, sau đó là làm người. Hình như điều đó còn chi phối đến tận bây giờ: “Làm quan”, làm người trên thực tế được coi là quan trọng hơn, có giá trị hơn làm việc. Bằng cớ là vẫn làm việc như thế nhưng khi còn “làm quan” thì được tôn trọng hơn, được đánh giá cao hơn. Có một người đã phản ứng với cách giới thiệu “nguyên thứ trưởng” khi những đóng góp khác của ông rất có giá trị thì không mấy ai để ý. Cách nghĩ này của xã hội làm lệch lạc động lực tiến thân của mỗi cá nhân. Tôi nói lỗi này thuộc về bảng giá trị vì không chỉ đồng nghiệp, người cùng cơ quan mà ngay cả bạn bè, người thân và người ruột thịt cũng nghĩ về giá trị của mỗi cá nhân như thế. Bảng giá trị này có sự thiếu hụt của yếu tố duy lý.
Trong khi đó, ngay từ thời cổ đại, phương Tây đã có quan niệm: “Tôi yêu thầy nhưng còn yêu chân lý hơn yêu thầy”. Cách đây vài thế kỷ, người châu Âu đã biết “dùng đầu để đứng”. “Tất cả mọi thứ đều phải đem ra phán quyết, bảo vệ sự tồn tại của mình trước toà án của lý tính”. Tinh thần đó làm nên thời đại Phục Hưng ở châu Âu vào thế kỷ 15 và phát triển rực rỡ ở thế kỷ Khai sáng 17-18. Đó là truyền thống tư duy phương Tây.
Tư duy logic hay truyền thống duy lý của phương Tây đòi hỏi mọi quá trình suy nghĩ, hành động, ra quyết định đều phải tôn trọng các dữ kiện đầu vào và sau đó mới là các dữ liệu cảm tính, linh cảm, trực giác. Khoa học xã hội ở phương Tây chỉ được coi là khoa học khi được chứng thực bằng các chỉ số, chỉ báo định lượng.
Người Việt Nam, do chậm phát triển khoa học, do hoàn cảnh sống chi phối và do một vài đặc điểm văn hóa truyền thống khác nên trong đời sống, chúng ta ít tôn trọng tính logic của vấn đề, tính xác thực về mặt logic của mỗi công việc, của mỗi lập luận… như chúng đáng lý phải được tôn trọng. Ngày nay, điều đó lại còn nguy hiểm hơn khi có sự chi phối của các lợi ích trong bối cảnh kinh tế thị trường. Báo chí đã nói hằng ngày về các hiện tượng xã hội mà nếu tôn trọng logic khách quan của chúng thì vấn đề đâu đến nỗi nào.
PV: Như vậy, định kiến đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy logic của chúng ta?
PGS. Hồ Sĩ Quý: Với tư duy logic mà nói là định kiến thì có vẻ hơi nặng. Do thói quen không đòi hỏi người ta phải khắt khe về mặt logic, chứ không phải do định kiến là cứ cảm tính thì hay hơn lý tính. Ở người Việt, những giá trị như cần cù, hiếu học, tôn trọng cộng đồng, gia đình, huyết thống... thường đứng đầu bảng trong các nấc thang đánh giá. Nhưng với phương Tây, tiêu biểu là người Mỹ thì những phẩm chất như sáng tạo, tự lực cánh sinh, tìm tòi suy nghĩ... lại là giá trị đầu bảng. Người Việt cũng tôn trọng những giá trị đó nhưng chúng không đứng ở vị trí đầu bảng, không được đề cao bằng các giá trị khác. Ở phương Tây, trong chừng mực mà tôi được biết, có những nhà khoa học còn rất trẻ nhưng đã đi thuyết giáo cho học thuyết mới của mình. Bảng giá trị ở đó chấp nhận rằng, bất kể anh trẻ hay già, có bằng cấp cao hay thấp, nếu quan điểm mới của anh đủ chứng lý, có sức thuyết phục, không bắt bẻ được về mặt logic và về mặt thực tiễn... thì anh đáng được đánh giá cao. Và đánh giá cao những người như thế là chuyện bình thường. Nhưng ở người Việt, trong khoa học xã hội và trong một vài lĩnh vực khác, nếu bây giờ ai dám công bố ý đồ sáng tạo to lớn gì về mặt khoa học, thì chắc người đó là một “sinh vật lạ” mặc cho quan niệm của anh ta có lý đến chừng nào.
Về điều này, trước đây nhà văn Nguyễn Tuân và GS. Trần Đình Hượu đã có những ý kiến rất hay. Đại ý cảnh báo rằng, ở ta, rừng dày quá nên ít cây đại thụ, ai cũng là người đánh giặc nên khó tạc tượng một chiến sỹ anh hùng, ai cũng làm thơ nên khó tôn vinh một biểu tượng của thơ hay...
II. Thiếu tư duy triết học tối thiểu: Báo động đỏ
Rất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúyđã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái.
Cần có một văn hóa tư duy...
PV: Lối suy nghĩ cảm tính đã ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển chung của người Việt cả về mặt kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội ?
PGS Hồ Sĩ Quý (HSQ): Trong đời sống xã hội, người Việt thường nhìn nhận vấn đề theo kiểu “có lý, có tình”. Đây không phải chỉ là lời nói suông, mà là một kiểu văn hóa tư duy đã làm khốn khó đồng thời cũng làm vinh hạnh cho không ít người. Tôi muốn lưu ý, trong khi đề cao hơn nữa tiêu chuẩn duy lý theo kiểu tư duy phương Tây, thì ta cũng không nên, và chắc là không thể vứt bỏ tiêu chuẩn cảm tính theo truyền thống tư duy người Việt. “Tình” ở người Việt thường bị tách ra khỏi “lý” để tồn tại như một tiêu chuẩn giao tiếp riêng rẽ. Nếu như ở phương Tây, “tình” phải phục tùng “lý” hoặc ít nhất cũng không thể trái ngược với “lý” thì ở người Việt, đặc biệt trong quan hệ giữa các đối tác phải “làm ăn” với nhau, “lý” sẽ không đủ tin, hay chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa nếu tiêu chuẩn “tình” không được đảm bảo. Vikrom Krommadit, một nhà đầu tư Thái Lan trên tờ Matichon cách đây ít lâu đã lưu ý các cộng sự nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam rằng, đừng có bao giờ làm hỏng các quan hệ tình cảm đã thiết lập với người Việt Nam. Bởi nếu như thế là kết thúc sự nghiệp; cơ hội khách quan ở đây sẽ chẳng còn giá trị gì khi các đối tác không tin cậy lẫn nhau.
Rõ ràng hiện tượng vừa nói không phải là một điều hay. Nhưng nếu không thể vứt bỏ được thì việc sử dụng mặt tích cực của nó cũng lại là cần thiết. Nhìn rộng hơn, con người, nhân tố con người luôn có ý nghĩa quy định hay quyết định cho mọi thành bại. Đây cũng chính là điều mà Liên hợp quốc vẫn thường nhắc nhở. Về phương diện tư duy, yếu tố cảm tính nếu biết sử dụng thì nó sẽ bổ sung cho nhận thức và hành động của chúng ta rất nhiều.
Điều này rất hay mà cũng là rất khó. Tôi muốn đặt vấn đề rằng, với tư duy thì yếu tố cảm tính là cái cần phải đặc biệt thận trọng. Khi tiếp xúc với đối tác, có thể ai đó không thấy có cảm tình, hoặc khi nhìn sự vật, có thể ai đó cũng linh cảm thấy điều không vừa ý - hiện tượng đó là một chỉ báo tốt để người ta cân nhắc, lựa chọn. Chỉ có điều nên và cần phải phân biệt những suy ngẫm, linh tính, dữ kiện kiểu ấy với những dữ liệu khách quan để đánh giá trong hoạt động khoa học, trong việc hoạch định các chính sách xã hội, hay trong các kết luận có tính chất định hướng cho sự phát triển của một ngành hay một lĩnh vực. Các suy ngẫm, linh tính, dữ kiện... cảm tính như thế sẽ trở thành chất xúc tác cho tư duy mỗi khi cần đưa ra các quyết định.
PV: Những quy định gây phản ứng dư luận gần đây như cấm xe ba gác, cấm hàng rong của các cơ quan quản lý, phải chăng cũng là hệ quả của một cách tư duy đầy cảm tính, thưa ông?
HSQ: Tôi đồng ý một phần với nhận định trên. Về nguyên tắc, các chính sách xã hội, nếu muốn tối ưu đều phải trải qua những cuộc thẩm tra xã hội một cách đầy đủ, sau đó người ra quyết định mới ký lệnh thực thi. Nhưng ở Việt Nam điều đó chưa và khó thực hiện. Một số quyết định của cơ quan công quyền, do vậy đã gây ra những bức xúc nhất định trong đời sống. Tuy nhiên nếu bảo những quyết định đó là hoàn toàn vô lý, tôi nghĩ nên xem xét lại. Tôi cho rằng quyết định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xuất phát từ tâm huyết là rất day dứt với sự phát triển của Hà Nội. Thủ đô của một nước ngàn năm văn hiến mà chỗ nào cũng nhếch nhác thì quả thực là đáng ngại. Không nên lập luận rằng, còn có những cái đáng ngại hơn.
PV: Như vậy, động cơ là hoàn toàn trong sáng nhưng cách làm thì có vấn đề?
HSQ: Nếu tất cả mọi việc trên đời đều phải điều tra xã hội học, đều phải lập trình logic sau đó mới đi đến quyết định thì thời cuộc đã chạy xa lắm rồi. Trong chừng mực nhất định, người ra quyết sách phải có mẫn cảm về mặt khoa học, về mặt thời cuộc. Sao cho các quyết định ấy vừa được việc, vừa không gây ra các vấn đề về mặt xã hội, mà lại hợp tình, hợp lý. Nếu quyết định này được chia lộ trình, được làm thử nghiệm thì có thể sẽ có ý nghĩa hơn với đời sống xã hội. Lúc đó người ta sẽ biết nên giữ hay nên bỏ cái gọi là “nền kinh tế vỉa hè”. Tôi cũng không phủ nhận rằng hàng rong Hà Nội và nền kinh tế vỉa hè là một trong những nét văn hoá mà nếu mất đi thì cũng thật là tiếc.
PV: Trong phần trả lời trên, ông đã nhận xét, thói quen đánh giá sự vật, hiện tượng mang đậm tính chất cảm tính rất dễ đến những kết luận chủ quan, phiến diện. Điều này khiến tôi liên tưởng đến hiện tượng những người tài xin ra khỏi cơ quan Nhà nước đang rộ lên gần đây. Nhiều nguyên nhân đang được dư luận mổ xẻ, nhưng lý do quyết định nhất vẫn là cách sử dụng người tài trong các cơ quan Nhà nước đang có vấn đề. Hiện tượng đánh giá năng lực dựa trên khả năng luồn lách, xu thời, mối quan hệ tình cảm... liệu có thể hiện một phần nào tư duy cảm tính của người Việt, thưa ông?
HSQ: Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng các cơ quan Nhà nước hiện chưa có cơ chế sử dụng người hợp lý, chưa khuyến khích được người có năng lực lao động và cống hiến theo năng lực của họ. Nhưng đó không phải do đánh giá. Càng không phải là do các cơ quan Nhà nước đánh giá năng lực cá nhân dựa trên khả năng luồn lách, xu thời, dựa trên mối quan hệ tình cảm... Người ta ra đi vì rất nhiều nguyên nhân. Cũng chưa có con số thống kê để xem người bỏ cơ quan Nhà nước là nhiều hay ít. Vin vào lý do Nhà nước đánh giá không đúng nên người tài ra đi là không phải.
PV: Nhưng những người ra đi họ cảm thấy giá trị của họ không được tôn trọng tương xứng với khả năng và cống hiến của họ.
HSQ: Người ra đi cảm thấy giá trị của họ không được tôn trọng tương xứng với khả năng và cống hiến của họ. Điều đó có căn cứ, nhưng tôi vẫn nhắc lại không nên dùng từ “đánh giá”. Đánh giá khả năng, trình độ, con người, nhân cách... của một người nào đó thì thường người ta đánh giá không sai đâu. Nhưng một phần là do sử dụng chưa được. Tôi đồng ý với ý kiến của VietNamNet là hiện nay cơ quan Nhà nước chưa có những cơ chế hữu hiệu để sử dụng người có năng lực, chưa nói đến người tài. Điều này rất bức xúc.
Tôi cũng phụ trách một cơ quan Nhà nước nên cảm thấy hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với những chuyện đó. Biết nhân viên A có năng lực, nhưng làm sao sử dụng được người ta, đem được cái tư duy của họ vào phục vụ cho công việc tốt hơn? Biết nhân viên B có năng lực kém, không đáp ứng được yếu cầu tối thiểu của công việc, nhưng làm sao sa thải được họ. Có quá nhiều nguyên nhân khách quan làm cho cơ quan Nhà nước chưa cải thiện được tình trạng đó. Tuy nhiên, hiện tượng “chảy máu chất xám” này nên được coi là một việc bình thường của xã hội. Phục vụ cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... nào tồn tại hợp pháp ở Việt Nam và ở nước ngoài cũng đều là phục vụ, cống hiến cho đất nước.
PV: Những người làm trong các cơ quan công quyền - nơi mà một quyết sách đưa ra có ảnh hưởng đến số phận của người dân thì yêu cầu về đạo đức, năng lực phải được đặt ở tiêu chuẩn cao hơn, thưa ông?
HSQ: Ở đâu cũng thế, không phải chỉ ở cơ quan Nhà nước mới cần người vừa có năng lực, vừa là người được tin cậy. Mà ngay cả ở ngoài đường phố, trong các nơi có sự giao tiếp, buôn bán..., những hành vi lừa đảo phải bị lên án, những hành vi vô nhân thất đức phải bị trừng trị. Điều đó trong cơ quan Nhà nước là đương nhiên. Nhưng việc chúng ta chưa làm được lại là chuyện khác.
Triết học đang chán đi bởi một số người dạy...
PV: Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để lý tính đi vào cuộc sống được nhiều hơn, trong cả nhận thức và trong hành động?
HSQ: Thời đại hiện nay là thời đại đòi hỏi mỗi người phải đa năng, nhưng lại phải chuyên sâu. Anh ra quyết định về việc nào thì anh phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó. Nhà quản lý có thể giỏi rất nhiều thứ, nhưng nếu lĩnh vực của anh là quản lý kinh tế thì trước hết anh phải là chuyên gia kinh tế. Đó là cách tối ưu để khắc phục cái chúng ta gọi là cảm tính. Ví dụ người được đào tạo bài bản về thư viện, có kinh nghiệm về thư viện thì các quyết định của họ về hoạt động thư viện chắc chắn là tốt hơn những người khác. Những người làm việc về văn học, có thâm niên nghiên cứu văn học thì khi đưa ra những nhận định đánh giá đời sống văn học của đất nước chắc chắn là đáng tin cậy hơn, giảm bớt được những cái gọi là duy cảm vô lối, suy diễn chuyện của văn chương thành chuyện của chính trường.
Tất nhiên trong đời sống thực tiễn không phải lúc nào người quản lý cũng là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Trong hoàn cảnh ấy, người lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến của chuyên gia về lĩnh vực đó trước khi đưa ra quyết định. Tôi cũng tin đôi khi có những người học vấn rất cao, có bằng cấp rất giỏi, nhưng làm tư vấn vẫn không chính xác. Do vậy, các phẩm chất lý tưởng của người ra quyết sách là có linh cảm sáng suốt, có đầu óc nhìn xa trông rộng, có thế giới quan cởi mở, có bề dày kinh nghiệm sống, có quan niệm về lợi ích không lệch lạc, vụ lợi.
PV: Giáo dục của Việt Nam từ Mẫu giáo đến Phổ thông trung học đã tạo được cho người học một nền tảng vững chắc để họ độc lập, tự tin quyết định những vấn đề của mình, như ông vừa nói?
HSQ: Chuyện giáo dục là một mớ bòng bong. Tôi cũng không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực dạy và học từ Mẫu giáo đến Phổ thông trung học, nên xin không có ý kiến về nội dung này. Còn tư duy, thực ra là phải rèn luyện chứ không phải cứ học là được. Bản thân con người ta sinh ra là đã phải tư duy logic. Không cần phải học hành gì cả, chính cuộc sống, tức là nơi rèn luyện để tồn tại, đã mách bảo cho trẻ con biết rằng, nếu một cái chén bị vỡ khi rơi từ mặt bàn xuống sàn, thì cái khác nếu rơi cũng thế.
Nhưng đối với những người làm việc trong đời sống tri thức thì tư duy logic đòi hỏi phải có trình độ cao hơn. Theo tôi phải đưa bộ môn logic học vào trường học một cách sâu sắc hơn nữa. Những người viết báo, làm truyền hình, phát ngôn trước công chúng nên học chuyên sâu về logic. Hàng ngày xem truyền hình hay đọc báo, ta bắt gặp khá nhiều lỗi logic trong sử dụng lời nói và chữ viết và cả trong sử dụng ngôn ngữ khác nữa. Điều đáng buồn là nhiều lỗi sai lâu dần được mặc định như một điều bình thường, tự nhiên. Truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn nên điều này thực sự là đáng ngại.
PV: Vậy còn những người làm khoa học?
HSQ: Bắt buộc phải có tư duy logic ở tầm không mắc lỗi logic và phân tích được về mặt logic học. Nếu mắc lỗi logic thì không làm được khoa học. Vấn đề và giả vấn đề mà lẫn lộn thì thật nguy hiểm. Không biết lúc đó người ta sẽ phán đoán và suy lý ra những gì.
Tất nhiên nói như thế không phải tất cả những người làm khoa học và quản lý hoạt động khoa học đều giỏi cả. Không thiếu những cái gọi là sản phẩm khoa học không thể chấp nhận được. Thậm chí có cả những văn bản quản lý hoạt động khoa học, ở ta gọi là “quản lý khoa học”, phi logic, thiếu khoa học.
PV: Xin hỏi, ông có đưa nhiều yếu tố “duy lý” vào cuộc sống riêng tư của mình?
HSQ: Tất cả những câu nào sai về mặt logic, nếu có thì giờ tôi đều bắt con tôi nói lại câu ấy. Thậm chí đang ăn, nếu nói sai tôi cũng hỏi ngay câu đó chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu. Thế là bọn trẻ phải lập luận cho rõ chuyện ấy.
PV: Có vẻ như ông là một người rất khắt khe?
HSQ: Tôi nghĩ tôi là người rất cởi mở nhưng cũng rất khắt khe. Nói thế dường như mâu thuẫn. Nhưng nên nhớ tất cả mọi thứ cởi mở đều có nguyên tắc của nó cả. Nguyên tắc không có nghĩa là cứng nhắc. Không nên hiểu nguyên tắc theo kiểu, nếu nhỡ bước lệch một cái thì chặt chân đi. Nguyên tắc hiểu thế quá cứng nhắc; cản trở sự phát triển. Thực ra, nguyên tắc giống như một cái hành lang đủ hẹp để người ta không đi chệch khỏi mục tiêu, nhưng cũng đủ rộng để tự do xử lý những tình huống hay hoặc dở.
Vikrom Krommadit Vikrom Krommadit, một nhà đầu tư Thái Lan trên tờ Matichon cách đây ít lâu đã lưu ý các cộng sự nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam rằng, đừng có bao giờ làm hỏng các quan hệ tình cảm đã thiết lập với người Việt Nam. Bởi nếu như thế là kết thúc sự nghiệp; cơ hội khách quan ở đây sẽ chẳng còn giá trị gì khi các đối tác không tin cậy lẫn nhau. |
Những điều này tôi đã học được ở bà nội tôi vài chục năm trước. Bà nội tôi không biết chữ nhưng gần như tất cả lập luận của cụ đều đáng suy nghĩ. Hồi con tôi còn bé, nó không bò qua được cái bậc thềm, tôi lấy cái ghế nhỏ đặt vào đó. Bà cụ nhìn thấy thế đã đưa cái ghế ra chỗ khác và bảo để xem nó làm thế nào. Đứa trẻ nhìn quanh rồi nhanh chóng bò tìm cái ghế khác đặt vào chỗ mà nó cho là hợp lý rồi trèo qua bậc cửa. Trong trường hợp này, cụ nhìn xa trông rộng hơn. Cụ tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi để lần sau với tình huống tương tự nó sẽ sáng tạo được. Nếu như con người được trợ giúp quá nhiều, có thể tâm lý ỷ lại, chỉ biết chờ đợi sẽ xuất hiện và ngăn trở tư duy sáng tạo.
Những câu chuyện như thế có rất nhiều và trong góc nhìn như vậy, mọi thứ đều liên quan tới triết học. Triết học,
trang bị cho người ta phương thức tư duy, nhưng một số người dạy triết hiện nay đang làm cho nó chán đi, cứ làm như triết học là một thứ mà lúc no thì phải vác cho nặng, còn lúc đói thì không ăn được. Tôi thấy bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái. Thật tiếc. Thiếu tư duy triết học tức là thiếu con mắt nhìn xa trông rộng, thiếu cái nhìn mỗi việc trong tổng thể logic của nó.
PV: Vậy theo ông, làm sao để tư duy logic trở thành một nét văn hóa thường xuyên trong đời sống tinh thần người Việt?
HSQ: Để xã hội và mỗi người ngày càng tiến bộ thì về phương diện nhận thức, cần thiết phải tôn trọng, đề cao và áp dụng triệt để những yếu tố duy lý, logic, khách quan và thực chứng khi nhìn nhận, đánh giá và hoạt động thực tiễn ở bất kỳ một đối tượng nào. Sao cho đến một lúc nào đó, thái độ tôn trọng cái hợp lý, tôn trọng yếu tố duy lý như thực tế đòi hỏi trở thành giá trị phổ biến trong văn hoá tư duy của người Việt. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải loại bỏ hoàn toàn những yếu tố duy cảm, tâm lý, hay trực giác... trong hoạt động sống và hoạt động nhận thức của mỗi người.
Nhân viên B có năng lực kém Biết nhân viên B có năng lực kém, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của công việc, nhưng làm sao sa thải được họ. Có quá nhiều nguyên nhân khách quan làm cho cơ quan Nhà nước chưa cải thiện được tình trạng đó |
Sẽ là rất lý tưởng, nếu văn hóa tư duy người Việt có nhân tố duy lý theo kiểu châu Âu đồng thời lại có yếu tố duy cảm, tâm linh, trực giác... tạm cho là của người Á đông. Bởi trong một chừng mực nhất định thì yếu tố duy cảm, tâm linh, trực giác... không phải là ít giá trị. Thậm chí ngày nay người ta còn khai thác điều đó như là sản phẩm của một dạng hoạt động khoa học.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015